Lần đầu được biết đến với bài hát Bác Làm Vườn Và Con Chim Sâu, đến nay, Mew Amazing (tên thật là Lê Đức Hùng) đã khẳng định được tên tuổi của mình trong nền nhạc Việt đương đại.
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Mew đã cho ra đời các nổi bật như Ừ Thì, Thật Bất Ngờ hay Sáng Mắt Chưa. Anh cũng từng nhận được các giải Âm nhạc Cống hiến và tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả Việt.
Phong cách sáng tác của Mew Amazing là khác lạ, gai góc và có nhiều màu sắc riêng. Vậy sau 10 năm trong ngành và không ngừng thực hành sáng tác, Mew Amazing đã có những quan sát và bài học gì?
1. Sự độc nhất không phải là tất cả
Là một trong những cái tên có cá tính âm nhạc nổi bật, Mew Amazing lại cho rằng nghệ sĩ không nên quá đề cao sự độc nhất của mình. Cái tôi nghệ sĩ là một điều nên có, nhưng nó cũng có thể là thứ giới hạn sự sáng tạo của người nghệ sĩ, và đôi lúc khiến họ khó chấp nhận những lúc thất bại hoặc bị từ chối.
Về sau, Mew học được cách làm nhạc với tâm thế lạc quan hơn. Một bài hát ra đời, dù thành công hay không, cũng sẽ là một đóng góp cho sự phát triển của nền âm nhạc. Nó vẫn là một viên gạch chồng lên, tạo nền cho các viên gạch đến sau. Đó cũng là một kiểu thành công mà nghệ sĩ nên nhớ và thấy hài lòng với sản phẩm của mình.
Hiểu được điều này, người làm nhạc cũng sẽ mở lòng hơn với những thể loại âm nhạc mà không có quá nhiều sự phán xét.
“Một bài hát thành công về mặt thương mại chưa chắc mang nội dung phá cách (creative writing). Một bài hát viral có thể không quá thuận tai, không quá xuất sắc về mặc ngữ nghĩa, nhưng có thể, nó chạm được đến tính văn hoá hoặc bắt kịp dòng chảy của xã hội.” — Mew nói thêm.
Đừng nỗ lực làm nhạc rồi kỳ vọng khán giả sẽ khen hay. Cái khó của việc làm nhạc không phải là sáng tác các bài hát đậm chất riêng. Cái khó là sáng tác các bài hát đậm chất riêng nhưng vẫn được người khác đồng cảm và lấy làm hành trang cho mình.
2. Đồng sáng tác chưa phải là điểm mạnh của nhạc sĩ Việt
Tương tự các thực hành sáng tạo khác, viết nhạc cũng có bộ tiêu chí riêng của nó. Với Mew Amazing, một bài hát cần đạt các yêu cầu như không cưỡng âm, hài hoà được nét thơ ca và tính đời thường của văn nói, cũng như có sự diễn đạt đa chiều.
Sự phức tạp về ngữ âm và ngữ nghĩa trong tiếng Việt khiến việc viết nhạc trở nên thách thức nhiều phần, song cũng tạo ra nhiều phong cách sáng tác khác nhau. Điều này khiến các nhạc sĩ khó cùng nhau đồng sáng tác hơn.
“Thách thức lớn nhất của việc đồng sáng tác là “văn hoá solo” thường thấy của nhiều nghệ sĩ. Nhiều người đề cao tính cá nhân trong các bài hát của mình, từ câu chuyện, bối cảnh cũng như phong cách viết.”
Người nghe nhạc Việt cũng dễ tìm thấy sự đồng cảm hơn khi có một câu chuyện, vì vậy tính riêng tư và sâu sắc vẫn được đánh giá rất cao. Điều này khó thực hiện khi một bài hát được chấp bút bởi nhiều người, đòi hỏi mỗi người phải biết phối hợp và có kỹ năng làm việc nhóm.
Bản thân Mew chưa biết cách làm việc với một người viết nhạc từ con số 0. Nhưng nắm được gốc rễ của vấn đề, anh tin rằng các nhạc sĩ Việt sẽ tìm ra phương thức để dễ bắt tay nhau hơn trong tương lai.
3. Bài hát nào cũng có tuổi thọ của nó
Trong hành trình sáng tác, rất dễ để người làm nhạc vướng phải nỗi sợ rằng bài hát của mình sẽ trở thành một-bài-hát-khác tương tự những tác phẩm đã có sẵn. Nhưng cần nhớ rằng, bài hát nào cũng có tuổi thọ (shelf life) của riêng nó. Dù là về tình yêu đôi lứa, sự lạc lối tuổi trưởng thành hay những vấn đề muôn thuở của con người, bài hát nào rồi cũng sẽ lắng xuống để các bài hát mới ra đời.
“Điều nên hiểu ở đây là tác phẩm nào cũng sẽ có khả năng sống cùng cảm xúc của khán giả vào thời điểm nó ra đời. Mỗi thế hệ sẽ lại được nuôi dưỡng bởi một lớp nghệ sĩ khác nhau, và sẽ luôn có những bài hát đương thời gắn liền với hành trình lớn lên của họ.”
Vì vậy, người làm nhạc chỉ cần lưu tâm việc liệu bài hát có giúp được gì cho người nghe vào thời điểm nó phát hành. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, người nghe sẽ tiếp tục đi tìm những bài nhạc mới, và giữ bài hát cũ làm giai điệu gợi nhắc họ về một kỷ niệm đã qua.
Trên hết, để không bị bão hoà vào các sản phẩm khác trong thị trường, nghệ sĩ phải biết duy trì tính nguyên bản trong mỗi tác phẩm. Sự chân thật (authenticity) chính là yếu tố giúp nghệ sĩ âm nhạc nói riêng và người làm sáng tạo/nghệ thuật nói chung để lại dấu ấn riêng biệt. “Khi bạn thành thật với âm nhạc của mình, những người nghe và thích nó sẽ là những người ở lại rất lâu.”
4. Khi viết nhạc theo yêu cầu, hãy làm thợ hoặc làm nghệ sĩ
Chọn làm thợ nghĩa là đề bài thế nào thì đáp ứng theo thế đấy. Còn nghệ sĩ là khi bạn quyết định đặt để thêm những giá trị hoặc yếu tố cá nhân mà bạn tin là sẽ giúp thành phẩm được tốt hơn. Đây là lúc người làm nhạc và khách hàng cần có sự đồng lòng và cả sự thoả hiệp để có được kết quả có lợi cho cả hai bên. Hãy tuỳ theo hoàn cảnh mà chọn trở thành một trong hai.
“Nhưng sau cùng, hãy cứ nhớ rằng một bài hát được đặt để viết là một bài hát được dùng để quảng bá cho một sản phẩm hoặc cho người khác, chứ không phải người làm ra nó. Và nếu ai đã trả tiền để bạn làm nhạc thì họ sẽ có quyền góp ý vào âm nhạc của bạn.”
Đây không hoàn toàn là một điều xấu, bởi làm việc với nhiều yêu cầu khác nhau sẽ giúp bạn khai phá nhiều ngôn ngữ sáng tạo khác nhau, từ đó mở rộng khả năng sáng tạo của mình hơn.
5. Concept album là thứ tốt nhất để phô bày cá tính của nghệ sĩ
“Với mình, một nghệ sĩ chỉ thành công từ các đĩa đơn thôi thì chưa đủ. Một album, hoặc tốt hơn là concept album, chính là body of work của nghệ sĩ — chất liệu trọng tâm nhất trong các tác phẩm của họ. Body of work là thứ phô bày người nghệ sĩ dễ nhất, thể hiện màu sắc âm nhạc rõ nhất của người nghệ sĩ.”
Thử thách lớn nhất của việc thực hiện concept album ở thời điểm hiện tại có lẽ là văn hoá streaming. Càng có nhiều lựa chọn nghe nhạc, khán giả sẽ càng có nhu cầu nghe và mở rộng “khẩu vị” âm nhạc của mình hơn từ các playlist và chương trình ca nhạc. “Thưởng thức” một album từ đầu đến cuối cũng chưa phải là hình thức nghe nhạc phổ biến với khán giả đại chúng. Vì vậy, việc phải nghe một giọng hát liên tục trong 45 - 50 phút có thể khá bó buộc với nhiều người.
Nhưng đối với Mew Amazing, thực hiện concept album sẽ rất tốt cho sự phát triển cá nhân cũng như hình ảnh của người nghệ sĩ. Tất nhiên, làm ra một album không dễ; nếu chưa đủ ngân sách, ê kíp hoặc đơn giản là chưa đủ thực lực, hãy khoan vội.
6. Nhạc không lời cũng nên có chỗ đứng riêng
So với nhạc có lời, hiện tại nhạc không lời / instrumental vẫn chưa có quá nhiều chỗ đứng trong nền âm nhạc Việt. Mew giải thích rằng việc này có lẽ cũng đến từ nhu cầu nghe nhạc của đại chúng và cách nhạc không lời được sử dụng.
Nhạc không lời thường chỉ được sử dụng để tạo không khí phù hợp với bối cảnh, ví dụ như trong các sự kiện long trọng, những lúc trao giải, tuyên ngôn hoặc đi tin thời sự. Thính giả vẫn đang chuộng việc đi tìm sự đồng cảm qua câu chuyện và lời ca, chứ chưa thật sự để giai điệu dẫn dắt cảm xúc.
Nhưng một bài hát có nhiều hơn là người ca sĩ. Nhạc công, nhà soạn nhạc, nhà sản xuất và ekip làm MV cũng là những thành tố tạo ra nhiều gia vị khác nhau cho tác phẩm. Bản thân mỗi vai trò cũng có một phần sáng tác riêng. Vì vậy, nếu thính giả đủ tinh tế để nghe được sự khác biệt trong tiếng đàn, cách hoà âm phối khí, thì cuộc chơi của những người làm nhạc hơn rất nhiều.
Ngành âm nhạc cũng đang dần thay đổi điều này. Nhạc instrumental không còn chỉ là nhạc nền bên dưới; có những bài hát đã xuất hiện các đoạn solo của nhạc cụ, cho người nhạc sĩ phía sau một chỗ đứng để thể hiện sức sáng tạo của mình.
Nỗ lực này cũng giúp khán giả bắt đầu để ý và công nhận sự hiện diện của những người đứng sau hơn, tạo điều kiện để họ có thể phát triển một cách độc lập. Nhạc không lời cũng sẽ từ đó mà trở nên đa dạng hơn.