Khởi đầu với tư cách là đội trưởng của một nhóm nhảy tại Hà Nội, đến nay, Aiden Nguyễn đã phát triển ST.319 thành một trong những công ty giải trí và quản lý nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. Aiden từng là cái tên đứng đằng sau những nghệ sĩ như Mr.A, Min hay Erik, và hiện tại là ca sĩ Amee và diễn viên Trúc Anh.
Với sự thành công của Amee, bao gồm hàng loạt đề cử và giải thưởng nghệ thuật cùng nút Vàng YouTube, ST.319 Entertainment đã khẳng định được khả năng của mình trong ngành công nghiệp đào tạo tài năng trẻ.
Những thành quả ấy có thể được đúc kết trong 8 bài học dưới đây, sau hơn 7 năm học hỏi, thử nghiệm và cả mắc sai lầm của Aiden.
1. Trực giác là người bạn thân nhất trong công việc
ST.319 vẫn thường tổ chức các buổi audition tại trường đại học và trường nhạc. Đôi lúc, trong những buổi audition, anh có thể chọn những bạn thực tập sinh ngay từ lúc họ bước vào. Cũng có những lúc, anh chọn cùng một người ở hai thời điểm khác nhau. Aiden gọi cái này là “trời phú”, và không có thang đo nào cho khả năng này cả. Bí kíp duy nhất là phải tin vào trực giác và lựa chọn của mình.
Trường hợp của Amee cũng vậy. Ngay từ những ngày đầu, anh đã có linh cảm rằng bạn có thể tiến xa. Đến hiện tại, Amee là một trong số ít thực tập sinh trụ lại lâu nhất — 4 năm. Và tuy chỉ mới debut chưa đầy hai năm, Amee đã gặt hái được những con số ấn tượng, và được mệnh danh là “tân binh khủng long" của ST.319.
2. Tài năng thôi thì chưa đủ
Ngoại hình và những kỹ năng bề nổi như hát, nhảy và biểu diễn chỉ là một phần. Cốt lõi của việc đào tạo tài năng nằm ở việc phát triển tính cách và đạo đức làm nghề của họ. Vì sẽ thay mặt ekip truyền tải nội dung đến khán giả, bản thân talent cũng phải có tư duy tốt và tích luỹ được các nền văn hoá xung quanh mình.
Điều này cũng là một phần trách nhiệm của công ty quản lý, bởi họ là người dành nhiều thời gian nhất với các thực tập sinh. Cá nhân Aiden cũng xuất phát là một người yêu thích nghệ thuật, vì vậy anh luôn muốn dẫn dắt các tài năng ở mức độ sâu sắc hơn.
Mong muốn của Aiden không phải là tạo ra những “thần tượng" (idol) mà tạo ra những “nghệ sĩ” (artist). Hiểu được tính cách, con người của talent sẽ giúp công ty khai thác tốt nhất tính “nghệ" cũng như cá tính trong âm nhạc của họ. Điều này cũng tạo ra tiền đề tốt để nghệ sĩ phát triển, ngay cả sau khi họ rời công ty.
3. Không thể học mọi thứ từ Hàn Quốc
Trước đây, tham vọng của Aiden là phát triển ST.319 và trở thành một công ty quản lý nghệ sĩ hoạt động theo mô hình như YG hay SM. Nhưng sau 7 năm làm nghề, anh nhận ra thị trường Việt Nam có những đặc điểm rất riêng mà không phải ai cũng có thể cầm nắm.
Vì vậy, việc học hỏi từ Hàn Quốc cần có một sự chắt lọc nhất định. Aiden kể, anh sang Hàn Quốc học là để dung nạp kỹ thuật và quy trình đào tạo tài năng. Nhưng việc sản xuất thì cần một phương thức phù hợp hơn với khán giả Việt.
Các sản phẩm âm nhạc cần có một sự kết nối sâu sắc đến người nghe. Dù concept hay màu nhạc có hiện đại đến đâu, cũng nên có chất “Việt” trong sản phẩm để khán giả dễ liên hệ và đồng cảm.
4. Ngoài nhạc hay thì content cũng phải tốt!
Một trong những cách tạo ra chất “Việt” mà Aiden áp dụng là… bắt trend. Vì ngoài nhạc hay thì còn phải có content tốt nữa.
Đối với anh, một câu nói vui tai cũng có thể là một ý tưởng. Mỗi lần “bắt” được nội dung thú vị lại là một lần đổ thêm được ít nước vào chiếc cốc. Cho đến khi cốc đầy, ý tưởng sẽ thành hình. Đó cũng là cách mà anh tìm thấy niềm vui trong công việc và cuộc sống, và đem những điều thú vị ấy vào sản phẩm của mình.
5. Nhiều khi cái khó mới là cái hay
Trong quá trình sản xuất, các producer thường nhận xét rằng chất giọng của Amee khá trẻ con và khó xử lý. Nhưng Aiden tin đó mới là thứ làm bạn trở nên đặc biệt.
Bất kỳ ai cũng sẽ có rất nhiều khía cạnh để khám phá. Đánh giá những điểm mạnh và yếu ở họ đều đi từ góc nhìn của người quản lý, và họ phải biết cách xoay sở với những gì mình có và không có. Với Aiden, ngoài việc xây dựng những điểm mạnh, thử thách lớn nhất ở đây là biến những điểm yếu trở nên lôi cuốn hơn.
Điều này cũng một phần mô tả “gu" chọn tài năng của Aiden: những màu giọng đặc biệt. Nếu một giọng hát ở mức thô sơ nhất có thể mang lại cảm xúc và nguồn cảm hứng cho anh thì anh sẽ muốn thử. Aiden luôn đi tìm những điều mới mẻ và đào bới những tính cách khác lạ, thay vì đào tạo nghệ sĩ theo một khuôn mẫu giống nhau.
6. Thời tới thì phải đỡ ngay!
Thời điểm cùng Masew thực hiện Ex's Hate Me, Aiden nghĩ sẽ debut Amee 3, 4 tháng sau khi bài hát được tung ra. Nhưng rồi MV thành công vượt mong đợi, anh quyết định bằng mọi cách phải debut Amee sau một tháng. Và mọi thứ từ concept, chiến lược, sản xuất MV trong vòng 2 năm tới cho Amee nhanh chóng được thực hiện.
Với Aiden, việc thả lỏng và cho mình thêm thời gian để đào tạo nghệ sĩ là điều tốt. Nhưng đôi lúc thời điểm là thứ không thể kiểm soát, và cơ hội có thể ập tới bất cứ lúc nào. Chờ đợi là tốt, nhưng thời tới thì phải đỡ ngay!
7. Nghệ thuật phải luôn là sản phẩm chủ đạo
Hiện tại, thu nhập chủ yếu của các talent vẫn đến từ hợp đồng quảng cáo và người mẫu thương mại. Việc phải thoả hiệp những giá trị này trong nghệ thuật cũng là điều Aiden trăn trở.
Anh tin rằng, câu trả lời cho bài toán này nằm ở việc tạo ra những sản phẩm chất lượng và văn minh hơn. Khi sản phẩm nghệ thuật đủ tốt, chắc chắn khán giả sẽ không ngần ngại chi tiền. Điều này đã được chứng minh vào năm 2020, khi các nghệ sĩ tập trung đầu tư vào album, MV và các buổi concert, và được khán giả đón nhận rất nhiệt tình.
Tất nhiên, đáp án này không phải nói là làm được ngay. Nhưng Aiden tin rằng nỗ lực của các nghệ sĩ khác và sự phát triển của các nền tảng âm nhạc số như Apple Music hay Spotify đang tạo ra những tín hiệu đáng mừng, giúp thị trường thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
8. Hãy không ngừng mở rộng cộng đồng
Việc bắt chuyện Masew và hợp tác với BRay cũng là một trong những điều Aiden không thường làm. Nhưng điều đó lại dẫn tới những thành quả mà bản thân anh cũng không thể ngờ.
Sau này, anh hiểu ra rằng việc mở rộng cộng đồng và bắt tay với nhiều nghệ sĩ hơn sẽ cho mình nhiều năng lượng và cảm hứng mới. Avengers sẽ không thể là Avengers nếu không có đủ các siêu anh hùng, và thị trường nhạc Việt cũng thế. Gặp gỡ, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với những nghệ sĩ trẻ sẽ giúp cộng đồng âm nhạc xây dựng những nền móng tốt để phát triển thị trường.