Những tường gạch trắng bóng, lối trang trí đơn giản, tinh tế — bạn có thể sẽ dễ dàng nhầm lẫn Bánh Mì 362 với một bakery thời thượng nào đó ở Melbourne. Nhưng khi nhìn vào menu với các món bánh mì rất đỗi Việt Nam, trà chanh sả tắc và cà phê trứng, và hướng ra cửa sổ nơi dòng xe máy đang qua lại tấp nập, bạn sẽ nhận ra rằng mình vẫn đang ở Sài Gòn chứ chẳng phải nơi nào xa xôi.
Được thành lập bởi hai chị em người Sài Gòn vào năm 2015, ngày nay, Bánh Mì 362 đã phát triển thành công 11 cửa hàng tại Sài Gòn và 2 chi nhánh khác tại Hàn Quốc.
Trong chuyên mục A Working Woman lần này, Vietcetera đã có cơ hội trò chuyện cùng Xuân Nguyễn, một trong hai người sáng lập, về hành trình khởi nghiệp của cô với Bánh Mì 362, và mới đây nhất, là Fonos. Chúng tôi hỏi Xuân về những giá trị mà cô trân trọng, về những người cố vấn, những người truyền cảm hứng cho chị…
Ba giá trị cốt lõi mà Xuân không bao giờ thỏa hiệp là gì?
Đầu tiên là sự chính trực, được thể hiện qua từng lời nói, hành động và cách ứng xử thường ngày của mỗi người. Từ trước đến nay mình luôn để ý đến hành động của một người, thay vì những lời người ấy nói ra. Mình biết việc giữ gìn sự chính trực đôi khi rất khó, đòi hỏi sự dũng cảm và thậm chí là hy sinh, đó là lý do vì sao mình thật sự quý mến và trân trọng những người gìn giữ được phẩm chất này.
Thứ hai là giao tiếp. Cá nhân mình không nghĩ giao tiếp chỉ là một kỹ năng, giao tiếp một cách thành thật và tôn trọng đối phương là cả một cam kết xuất phát từ bên trong bản thân mỗi người. Mình nhận thấy là mình chỉ làm việc được cùng với những người mà bản thân mình có thể mở lòng và cảm thấy thoải mái để trò chuyện. Ngược lại, việc giao tiếp chỉ đến từ một phía sẽ không đi đến đâu cả.
Cuối cùng là tính nguyên bản — sống thật với suy nghĩ, cảm xúc và cách thể hiện bản thân. Không dễ dàng thỏa hiệp bản thân của mình chỉ để thuận theo quan điểm của người khác.
Xuân có thể kể lại quá trình khởi nghiệp của mình với Bánh Mì 362 và Fonos được không?
Đó là hai câu chuyện với xuất phát điểm cực kỳ khác nhau!
Như bao nhiêu người Việt khác, bánh mì là món ăn quá đỗi quen thuộc với mình. Không chỉ là thưởng thức bánh mì, gia đình mình còn có truyền thống bán bánh mì. Có thể nói, mình lớn lên cùng bánh mì.
Ở Việt Nam, việc mọi người kinh doanh nho nhỏ ngay tại nhà rất phổ biến. Bà của mình trước đây cũng có một cửa hàng bánh mì ngay tại tầng trệt ở nhà. Sau này thì là các bác của mình tiếp tục. Tuổi thơ mình là ăn, ngủ, hít thở, nói chuyện về bánh mì cùng những người thân trong gia đình. Vì vậy, việc tự mình kinh doanh một thương hiệu bánh mì đối với mình là lẽ tự nhiên; mình biết rằng sẽ đến lúc mình có một cửa hàng bánh mì theo cách của riêng mình.
Thế là mình bắt đầu khi 22 tuổi. Thời điểm đó, mình chỉ biết mình muốn một cửa hàng trông thật sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, và có rất nhiều loại bánh mì khác nhau. Cùng với em trai, tụi mình mở cửa hàng nhỏ đầu tiên. Tuy không giống như những gì mình tưởng tượng, nhưng cả hai rất mừng vì đã đi được bước đầu. Ý tưởng kinh doanh từ đó hoàn thiện dần theo thời gian, với những nét rất riêng được thêm vào đây đó trong cửa hàng để gần gũi với thế hệ người trẻ hơn. Hiện, Bánh Mì 362 có 11 chi nhánh tại Sài Gòn, và 2 tại Hàn Quốc.
Cái tên Bánh Mì 362 bắt nguồn từ những hồi ức về bà, một người phụ nữ từng bán bánh mì trước nhà. Cửa hàng không có tên, chỉ có số nhà — 362. Vì vậy, mọi người trong nhà mỗi lần sang thăm bà thì thường nói “Đến 362".
Từ đó con số này trở nên rất quen thuộc với mình nên mình dùng nó để đặt tên luôn cho cửa hàng của mình. Sau này, mình cũng đặt tên cho món bán chạy nhất trong menu của mình là Bánh mì 362. Giờ đây, khi nghe ai đó nói “362”, mình cảm thấy rất vui, nghe như thể ai cũng biết đến câu chuyện của nhà mình.
Gần đây, em trai mình phụ trách quản lý chính Bánh Mì 362 để mình có thể tập trung cho dự án mới. Hiện mình là đồng sáng lập của Fonos — một ứng dụng sách nói có bản quyền của các tác giả Việt Nam và nước ngoài. Lần này quá trình thành lập khác biệt hơn, vì ý tưởng không xuất phát từ thứ đã ngấm vào trong máu mình như bánh mì, và mình phải học lại mọi thứ từ đầu. Mình thích học hỏi và luôn muốn làm thứ gì đó liên quan đến công nghệ, nhưng chưa tìm thấy cơ hội tốt, cho đến Fonos.
Là người vận hành doanh nghiệp hơn 10 năm, trong suốt khoảng thời gian đó và đến tận hôm nay, phần lớn kiến thức mình thu nạp được là từ sách. Sách là nguồn cảm hứng và cũng là lời giải cho những thắc mắc của mình. Nhưng vì cuộc sống kinh doanh bận rộn, rất nhiều lần mình phải dừng đọc để quay lại với công việc hằng ngày. Và cũng rất khó để có thể tìm được thời gian tập trung đọc sách, vì thế mình bắt đầu tìm đến sách nói (audio books) tiếng Anh để có thể nghe khi tập thể dục, trong xe, và ngay cả khi nấu ăn. Mình có thử tìm nhưng không có ứng dụng sách nói tiếng Việt nào khiến mình hài lòng về chất lượng tại thời điểm đó.
Người Việt, trong đó có mình, quan tâm rất nhiều về chất lượng âm thanh và giọng nói. Khi nghe sách nói, mình thường chú trọng giọng của người đọc, chất lượng audio, vì nó tạo ra một khác biệt lớn trong trải nghiệm nghe sách nói. Sau khi nghiên cứu thị trường, nhà đồng sáng lập và mình quyết định xây dựng một ứng dụng sách nói tiếng Việt với chất lượng mà bọn mình kỳ vọng.
Một năm đã trôi qua, và cả hai đã trở thành đối tác của các Nhà xuất bản sách lớn nhất Việt Nam và tháng 4 vừa rồi Fonos hiện diện cả trên App Store và Google Play. Chúng mình rất may mắn vì nhận được sự hỗ trợ từ mọi người trong năm vừa qua, những người tin vào sứ mệnh mang đến nội dung sách cùng chất lượng âm thanh tốt để mọi người luôn có thể học tập và cải thiện cuộc sống.
Là một phụ nữ khởi nghiệp, Xuân thấy như thế nào?
Mình thấy thú vị. Mình phải giải quyết những vấn đề rất khác nhau và tìm thấy rất nhiều cơ hội. Là người phụ nữ khởi nghiệp là một lợi thế, đồng thời cũng là một hạn chế. Lợi thế là rất nhiều cơ hội hiện nay dành cho phụ nữ nên việc tiếp cận và kết nối với những cơ hội đó với mình cũng dễ dàng hơn.
Nhưng đồng thời, nó cũng là một bất lợi, có những người sẽ ít nghiêm túc hơn trong công việc vì cho rằng mình là phụ nữ, lại còn trẻ. Những việc đó cũng ít và không phải là một vấn đề quá lớn với mình. May mắn là ngày nay phụ nữ có rất nhiều sự hỗ trợ và cơ hội hơn xưa. Nhìn chung, mình nghĩ là mình vẫn có nhiều lợi thế hơn là trở ngại.
Bài học lớn nhất mà Xuân học được khi khởi nghiệp là gì?
Mình là người khá cứng đầu và cương quyết, nhưng sau nhiều năm khởi nghiệp, mình thấm thía câu “Cung kính không bằng tuân mệnh", đặc biệt là đối với những người mình yêu quý và kính trọng.
Ngoài ra, mình học được rằng bạn cần hiểu những con số trong công ty của mình. Học cách đọc báo cáo tài chính. Nếu không nó sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh trong suốt quá trình làm việc.
Hãy kể cho mọi người về một khoảnh khắc “được ăn cả ngã về không” của Xuân.
Mình không tin vào cái gọi là một mất một còn. Là người khởi nghiệp, mình tin rằng dù có như thế nào, mình đều phải tiếp tục cố gắng, cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Có rất nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra để giúp cho công việc của Xuân tốt hơn. Nhưng nếu những cơ hội đó không đến, thì mình vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm những con đường khác để đi đến thành công.
Ví dụ, nếu không thuê được một vị trí thích hợp để mở cửa hàng, mình sẽ tìm nơi khác. Nếu không thể bán sản phẩm này thì mình sẽ tìm sản phẩm khác để bán. Có thể sẽ mất một tháng hoặc một năm, nhưng thế nào thì mình vẫn sẽ tiếp tục.
Xuân có người cố vấn cho mình không?
Dĩ nhiên! Không có người cố vấn thì mình khó có thể được như ngày hôm nay. Mình luôn chủ động tìm tòi, học hỏi từ những người có kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp hoặc trong các lĩnh vực mà mình quan tâm.
Mình nghĩ mình thường may mắn có cơ duyên gặp gỡ người cố vấn. Như cái cách mà mình gặp chồng khi mà mình ít ngờ tới nhất. Mình từng gặp một trong những người cố vấn của mình 10 năm về trước, nhưng chưa bao giờ trò chuyện với nhau. Một ngày nọ, mình đến một sự kiện mà trước đó mình không định tham gia, nhìn thấy anh ấy nhưng không thể nhớ nỗi là ai. Mình ngồi đó mất 10 phút để cố nhớ xem đã từng gặp ở đâu chưa. Sau cùng, mình không thể nhớ nổi nên quyết định đi đến và giới thiệu bản thân. Thế rồi cả hai nhận ra mình từng gặp nhau cách đây nhiều năm, giờ đây anh trở thành một trong những người cố vấn mà mình vô cùng may mắn có được. Đúng thời điểm là một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Ngoài những cố vấn cá nhân, mình cũng tham gia vào các cộng đồng những nhà khởi nghiệp và doanh nhân. Mình hiện đang là thành viên của EO Vietnam, một tổ chức quốc tế dành cho các nhà khởi nghiệp, được khoảng 2 năm. Chúng mình thường tổ chức các buổi gặp mặt để học hỏi từ nhau. Mình học được rất nhiều từ cách mà mọi người sẽ xử lý những vấn đề mà mình đang gặp phải. Đối với mình, đó cũng là một hình thức cố vấn. Điều tuyệt nhất về EO là bạn không chỉ kết nối với những doanh nhân thành công tại Việt Nam, mà cả trong khu vực châu Á và trên thế giới.
Mình cũng xem tác giả của các cuốn sách mà mình đọc là những người cố vấn. Họ dạy mình rất nhiều điều, dù chưa một lần gặp gỡ trực tiếp.
Một điều Xuân muốn nhắn nhủ với những người phụ nữ trẻ là gì?
Mình thấy mình vẫn là một người khởi nghiệp còn rất trẻ. Vì vậy, mình rất vui khi được chia sẻ một vài lời khuyên dựa trên những thất bại và thách thức mà mình từng gặp phải trong quá khứ.
Thứ nhất, hãy chịu khó học tài chính. Tiền mặt là dưỡng khí của doanh nghiệp, bạn cần hiểu rõ về tài chính để có thể ra quyết định cho tương lai.
Thứ hai, liên tục luyện tập tính kỷ luật của bản thân. Là thuyền trưởng, nếu không có kỷ luật, nhân viên của bạn cũng sẽ như vậy.
Cuối cùng, hãy rèn luyện khả năng giao tiếp của mình. Việc giao tiếp hiệu quả là vô cùng quan trọng và sẽ giúp bạn loại bỏ được nhiều vấn đề trên đường dài.
Nếu gặp phải vấn đề trong công việc, thì khả năng cao là vấn đề đó thuộc về một trong ba phạm trù trên. Việc hoàn thiện 3 kỹ năng này sẽ giải quyết phần lớn các vấn đề mà cá nhân mình trước đây từng gặp phải khi vận hành các doanh nghiệp.
Thành tựu mà Xuân tự hào nhất đến bây giờ là gì?
Mình tự hào mỗi khi cố gắng để đưa ra quyết định đúng đắn cho công ty, thay vì chọn những phương án thuận tiện cho bản thân. Là chủ doanh nghiệp, nhiệm vụ của mình là giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định, ngay cả khi trong tay không có đủ những thông tin cần thiết. Đây là thứ mà mình đối mặt hằng ngày và cảm thấy tự hào mỗi khi đầu tư thời gian và năng lượng để đưa ra quyết định một cách kỹ lưỡng.
Mỗi sáng, mình luôn đặt ra mục tiêu, công việc hằng ngày cho bản thân và tập trung để hoàn thành nó. Mỗi khi hoàn thành một công việc và gạch nó khỏi to-do list, mình cảm thấy khá tự hào.
Cuối cùng, Xuân có thể kể về một người phụ nữ mà mình ngưỡng mộ được không?
Chính là bà của mình. Bà mất khi mình mới 6 tuổi. Khi đó, mình còn quá nhỏ để hiểu được sự mất mát, mình chỉ biết là bà đã mất. Mình không may mắn có nhiều kỷ niệm cùng bà, nhưng những kỷ niệm mình có, mình đều nhớ rất rõ. Bà lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, nuôi dạy 11 người con và các cháu mà không có chồng thường xuyên bên cạnh. Để nuôi một gia đình đông đúc, bà vẫn có thể bán bánh mì theo cách rất riêng của mình.
Mình biết là có rất nhiều phụ nữ cũng có hoàn cảnh như bà ở thời điểm đó. Đó là lý do tại sao mình luôn đồng cảm và ngưỡng mộ những người phụ nữ trong thời kỳ chiến tranh. Họ luôn cố gắng tiếp tục với cuộc sống và lo cho gia đình trong khả năng tốt nhất có thể. Càng trưởng thành, mình càng có nhiều câu hỏi muốn được bà trả lời. Khi gặp những tình huống khó khăn , mình luôn tự hỏi nếu là bà, bà sẽ làm như thế nào. Theo cách nào đó bà vẫn luôn truyền cảm hứng cho mình trong suốt cuộc sống của mình. Mỗi khi thấy yếu đuối, mình sẽ cầu nguyện để có sức mạnh từ bà. Bà đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng của mình.