Trần Nguyễn Phương Tín thường được bạn bè và những anh em trong cộng đồng nghệ sĩ Sài Gòn gọi với cái tên thân thuộc: Pick. Cái tên này một phần có lẽ tới từ thói quen nhặt nhạnh những mảnh vỡ từ cuộc sống để tạo nên những tác phẩm hơi hướng Maximalism - Chủ nghĩa Tối đa.
Pick không “gán” cho mình một nghề nghiệp cụ thể khi anh luôn dấn thân mình vào nhiều mảng khác nhau trong thế giới thiết kế. Nhưng để liệt kê về những công việc mình đã “từng trải" có thể kể tới thiết kế đồ họa, editing, VFX (kỹ xảo) và cả hoạt hình 2D.
Tuy nhiên, vì sống và làm việc tận dụng tối đa thế giới xung quanh, nên Pick cũng đang mày mò về thế giới ba chiều với các thiết kế 3D. Ngoài ra, Pick đảm nhiệm luôn những mảng “bán chuyên” khác như sản xuất nhạc, visual mapping và AR.
Pick nhìn mỗi tác phẩm của mình như một vòng lặp của cuộc sống, thứ chỉ "tạm thời" kết thúc khi anh hoàn thành dự án. Khi đó, anh sẵn sàng thiết lập cho mình một guồng mới để quay theo. Pick cũng nhấn mạnh khái niệm của sự "tạm thời" khi anh cho rằng việc tồn tại trong xã hội luôn đi kèm với những ràng buộc, chính vì vậy mà sự giải thoát sau mỗi vòng lặp cũng chỉ mang tính tương đối.
1. Sáng tác một mình và sáng tác cùng đồng đội tạo ra những thay đổi gì trong cách thức bạn làm sáng tạo?
Cá nhân mình là một người khó tính. Mình đã phải mất thời gian khá lâu khi làm việc cùng đội ngũ Allinone để có thể thả lòng và bớt đặt nặng các tiêu chí cá nhân hơn.
Thay vào đó, mình tiếp nhận và ủng hộ sự đa dạng giữa các phong cách từ mọi thành viên, hoà quyện chúng vào trong cùng một tác phẩm, và chọn đó làm tiêu chí mới cho bản thân trong tương lai.
"BOUNCE" - Minh Lai ft. Joka3iz và "THE CONSPIRACY" - TDDCHLL | Thực hiện bởi Allinone (Daos, Pick, Mèng, Caburn. Vuiqa, Boiiml, Toner), 2020
2. Bạn chọn miêu tả thế giới qua lăng kính của bản thân hay tạo ra thế giới mới từ trí tưởng tượng?
Dưới góc nhìn của mình, vạn vật đều luôn tồn tại vô số phiên bản hư cấu của chúng. Từ đó mình có thể chọn lựa, đào sâu và phát triển thành một thế giới muôn màu, vĩnh cữu, làm chủ và tự mình trở nên “nghiện" chúng.
Thực tại là thứ chỉ có duy nhất một và nó dễ bị đánh mất hơn so với tưởng tượng trong trí óc con người, nên cái mình chọn là một thế giới trung gian.
3. Đâu là thời điểm bạn nhận ra có sự chuyển giao về phong cách sáng tác của bản thân?
Phần ít sự thay đổi của mình xuất phát từ môi trường và những sự kiện xảy ra trong đời sống. Còn phần lớn thì tới từ xu hướng, thị hiếu chung của số đông mà mình tự điều chỉnh định hướng trên con đường riêng biệt, phù hợp với tinh thần của mình tại khoảng thời gian đó.
4. Hãy miêu tả về một tác phẩm bạn sẽ sáng tác cùng với một (hoặc nhiều) thành viên trong gia đình?
Mình và Allinone có (dự định) thiết kế toàn bộ hình ảnh, sân khấu cho sự kiện ra mắt album của anh hai (Datmaniac), một trong số các track sẽ được viết bởi Mẹ Năm.
Mình luôn nghĩ đến ý tưởng này mỗi ngày và vẫn đang chờ lệnh từ “đại ca" (cười).
5. Công cụ và kỹ thuật, đâu là thứ cần thiết hơn?
Do các mảng công việc của mình có tính chất khác nhau nên mình sẽ chọn cả hai.
Rành công cụ thì tiết kiệm tối đa thời gian chạy deadline, nhưng kỹ thuật sẽ mang đến sự đặc sắc và khác biệt hơn. Cá nhân mình vẫn sẽ chọn bắt đầu bằng công cụ, để tìm cho ra được cách thức hoạt động của chúng trước khi đẩy mạnh hơn về phần kỹ thuật.
AR sáng tác cùng Daos tại sự kiện "House Of Paint", "Interlink" và "Hoa Đào Nở Mùa Hè" | 2020 - 2021
6. Nếu được làm chủ của một trạm podcast trên vũ trụ, bạn sẽ phát sóng gì?
Mình “xin ké" nhà đài phát album “Metamorphosis” của Philip Glass và các album “Solo Piano” của Chilly Gonzales nhé.
Còn nếu địa cầu có biến động thì phải chuyển ngay qua “Rossz Csillag Alatt Született” của Venetian Snares liền!
“Bicycle Day" | 2020
7. Bộ phim hoạt hình bạn làm sẽ hướng tới bản thân hay cộng đồng?
Hiện tại mình vẫn đang trong thời gian vừa rèn dũa những kỹ năng và thực hiện tác phẩm hoạt hình phục vụ bản thân.
Bên cạnh đó mình cũng muốn tạo ra một sản phẩm giúp lan tỏa năng lượng đến mọi người. Tuy nhiên, đây không phải thứ dành cho tất cả khi nội dung sẽ có một tí “thô" và hơi khó để đại đa số tiếp cận.
“CYAN" và “MAHOGANY" - Windrunner ft. Sota (Graupel) | 2020 - 2021
8. Rào cản lớn nhất trong việc sáng tạo tác phẩm của bạn tại Việt Nam là gì?
Hiện tại mình vẫn chưa gặp một rào cản nào lớn hơn card màn hình.
9. Đâu là sự khác biệt lớn nhất trong quan điểm sáng tác của bạn khi mới bắt đầu và hiện tại?
Càng về sau, sự nhất quán trong phong cách sáng tạo với mình đã bị “giảm opacity” (opacity - độ đậm nhạt trong thiết kế). Thay vì tạo ra một dấu ấn “đậm nét” để người xem xác định thì mình chọn hướng đến sự đa dạng, góp phần vào một cộng đồng.
Mình muốn tác phẩm của mình có thể trở thành cầu nối giữa những anh em nghệ sĩ xung quanh đến với nhau và trên hết là sáng tác cùng gia đình trong mọi mặt của đời sống. Allinone đối với mình là vậy.
Visual mapping trên tác phẩm của Daos | Nguồn: Interlink 2020
10. Bạn nghĩ gì về những người nghiện việc?
Mình vẫn cho rằng chúng ta nghiện sáng tác, nghiện việc tưởng tượng hơn. Nhưng bên cạnh đó còn có người nghiện việc để quên đi những mất mát họ vừa trải qua, như một cách để tập trung hơn vào tương lai của chính mình.
Mỗi người là cá thể độc nhất và lấy đó làm lý do để thức dậy vào mỗi buổi sáng, với cùng một vòng lặp của riêng ta. Chúng ta đều cố gắng liên kết trí óc, bản thân đến với vạn vật đang xoay quanh mình qua các tác phẩm, để từ đó nhận ra, sự kết nối mới là thứ gây nghiện nhất vũ trụ.