Giải mã thế giới bí ẩn của các giáo phái | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 03, 2023
Tâm Lý HọcBổ Não

Giải mã thế giới bí ẩn của các giáo phái

Những vấn đề tâm lý và khủng hoảng hiện sinh là nguyên nhân nhiều người “sập bẫy” các giáo phái.
Giải mã thế giới bí ẩn của các giáo phái

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

In the Name of God: A Holy Betrayal là một trong những series đứng top lượt xem trên Netflix hiện tại. Phim khai thác thế giới đáng sợ của các giáo phái (cult), khi họ “lùa” được vô số người tham gia, gồm cả các tên tuổi lớn trong chính trị và nghệ thuật.

Ở Việt Nam năm 2019, giáo phái mang tên Hội Thánh Đức Chúa Trời cũng từng gây chấn động xã hội. Theo báo Công an nhân dân, thành viên của hội này bị kích động đập bỏ bàn thờ tổ tiên, nộp 10% thu nhập hàng tháng và lôi kéo ít nhất 1 người khác vào giáo phái, nếu không sẽ bị “trừng phạt” nặng nề.

Ngoài những biện pháp cưỡng ép, cũng có rất nhiều người khác tự nguyện gia nhập hội, thậm chí dâng hiến toàn bộ tài sản của mình. Vậy sức hút của những giáo phái này đến từ đâu mà khiến nhiều gia đình “tan cửa nát nhà”?

Mâu thuẫn giữa nhận thức và thực tế

Bất hòa nhận thức (cognitive dissonance) là sự căng thẳng khi bạn gặp mâu thuẫn giữa niềm tin và hành động thực tế. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi bạn thường xuyên tiếp xúc với thông tin mâu thuẫn với niềm tin và giá trị vốn có của mình.

Theo nhà tâm lý xã hội học Leon Festinger, nội tâm chúng ta luôn có sự thúc đẩy để giữ niềm tin và hành vi tương đồng với nhau. Nhưng khi gặp bất hòa, một trong hai yếu tố trên phải được thay đổi để giảm bớt mâu thuẫn.

Nói cách khác, khi gặp điều mâu thuẫn với niềm tin sẵn có, người ta dễ gặp bất hòa nhận thức và mong muốn làm điều gì đó để “giải quyết”. Giáo phái vừa mang tới câu trả lời họ cần tìm, lại vừa “đồng bộ hóa” suy nghĩ và hành động của họ.

Theo nhà phân tâm học Stanley Cath, nhiều thành viên tà giáo trước đây từng theo chính đạo. Họ quay sang gia nhập tà giáo sau khi tiếp xúc quá nhiều điều mâu thuẫn với tôn giáo của họ trước đó. Không ai muốn thừa nhận mình đã bị “lừa”, nên họ chọn gia nhập giáo phái để bảo vệ danh dự của mình.

Giáo phái thu hút những con người dễ bị tổn thương

Theo giáo sư xã hội học David Bromley, đa số thành viên giáo phái đều ít nhiều có những điểm dễ bị lợi dụng. “Đối tượng” các giáo chủ khoanh vùng thường là nữ giới, trẻ vị thành niên, người nước ngoài hay người bị cô đơn, trầm cảm.

23mar2023intext1jpg
Các giáo chủ hay nhắm tới những đối tượng dễ bị tổn thương.

Đối với người cô đơn, giáo phái cho họ lời hứa về một cộng đồng họ có thể tin tưởng. Đối với người ngoại quốc chưa có nhiều bạn bè, giáo phái quảng bá những sự kiện hấp dẫn họ có thể kết bạn. Đối với người trẻ, giáo phái đánh vào sự tò mò về hệ thống niềm tin, hoặc đơn giản là họ còn quá trẻ để nhận ra mình bị lừa.

Theo tạp chí Nature Human Behavior, con người là động vật xã hội, luôn mong muốn được lắng nghe và thuộc về. Đây là điều giáo phái có thể mang lại cho họ, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Giáo phái thu hút người có lòng tự trọng thấp

Lòng tự trọng (self-esteem) là khả năng bạn đánh giá cao và coi trọng bản thân mình, hình thành dựa trên trải nghiệm sống và tương tác với người khác. Nó khác với tự tin (self-confidence) - niềm tin sẵn có của bạn vào năng lực của mình, bất kể người khác nghĩ gì.

Theo chuyên trang Psychology Today, người có lòng tự trọng thấp không thể đánh giá cao bản thân mình. Họ luôn tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, và làm mọi cách để hài lòng người khác. Các giáo phái khai thác triệt để điểm này để đưa ra những lời hứa hẹn lý tưởng, khiến họ tin rằng chỉ cần gia nhập và làm theo mọi yêu cầu, họ sẽ được công nhận.

Cách này đặc biệt hiệu quả với người theo chủ nghĩa tinh hoa (elitism). Theo đó, những cá nhân ưu tú sẽ dễ được xã hội công nhận hơn, có trong tay nhiều quyền hạn hơn so với người bình thường. Các giáo chủ thường tẩy não để những người này tin rằng, họ đang thuộc về một nhóm “tinh hoa” của xã hội.

Khủng hoảng hiện sinh kích thích mong muốn gia nhập giáo phái

“Mình tồn tại trên đời với mục đích gì vậy?” có lẽ là câu hỏi phổ biến ở nhóm tuổi đôi mươi. Họ vẫn đang trong giai đoạn trải nghiệm, chưa tìm ra mục đích sống của chính mình. Trong hành trình đi tìm bản dạng ấy, họ dễ bị thu hút bởi các giáo phái thao thao bất tuyệt về “sứ mệnh” hay “nhiệm vụ” to lớn họ cần phải hoàn thành.

23mar2023intext2jpg
Khi gặp khủng hoảng hiện sinh, người ta tìm đến giáo phái để xin “chỉ đường”.

Bên cạnh đó, người ta còn gia nhập giáo phái để tìm câu trả lời cho những vấn đề họ không thể lý giải. Chẳng hạn có người làm việc chăm chỉ cả đời nhưng vẫn nghèo, hoặc sinh con bị dị tật dù sinh hoạt điều độ suốt thai kỳ. Khi không thể tìm thấy lý do, họ bám vào giáo phái để tìm thấy niềm tin, và thực hiện mọi điều được giao để đổi lấy may mắn cho cuộc đời.

Giáo phái khác tôn giáo ở điểm nào?

Theo cố vấn tâm lý học đường Michele Meleen, có 4 điểm khác biệt chính giữa giáo phái (cult) và tôn giáo (religion) được tổng kết như sau:

23mar2023cultvsreligionjpg
Nguồn: Michele Meleen

Cần lưu ý rằng thuật ngữ “giáo phái” thường áp dụng cho các hội nhóm sùng bái mới hình thành chưa lâu. Nếu tổ chức này trường tồn theo thời gian và hòa nhập vào văn hóa chính thống, nó có thể trở thành tôn giáo.

Phải làm gì để không bị “sập bẫy” tà giáo?

Các tà giáo ngày nay có nhiều thủ thuật tinh vi để dễ bề hoạt động. Chúng có thể núp bóng một tổ chức từ thiện, hội sinh viên hoặc câu lạc bộ những người chung sở thích. Để tránh “sập bẫy” chúng, bạn có thể áp dụng những biện pháp như:

Cảnh giác với những lời mời làm khảo sát

Nhiều thành viên giáo phái thường tiếp cận bạn trên phố để xin làm khảo sát hay đóng góp từ thiện. Nếu có hứng thú, bạn nên xin thông tin của họ để có thời gian tìm hiểu trước. Còn nếu bạn tham gia khảo sát, cẩn trọng với thông tin bạn khai và né tránh những câu hỏi khai thác quá sâu vào đời tư.

Ngoài ra bạn không nên tùy ý ăn/uống đồ được người lạ cho. Vì trong những món này có thể chứa các chất dẫn truyền thần kinh, khiến bạn mù quáng tin theo lời họ.

Để ý chiến thuật “love bombing”

Đôi khi các giáo phái sẽ dồn tất cả nguồn lực của họ để thuyết phục một người tham gia. Họ thể hiện tình cảm với bạn một cách cuồng nhiệt, tung bạn lên 9 tầng mây hoặc tặng quà đắt tiền. Dần dần, bạn cảm thấy áp lực phải đồng ý với yêu cầu của họ.

Để ý nếu cộng đồng bạn tham gia bị thay đổi bản chất

Một số giáo phái “tuyển mộ” dưới mác một cộng đồng vô hại, như câu lạc bộ hay nhóm thiện nguyện. Sau khi thành viên mới gia nhập một thời gian, họ mới dần để lộ bản chất.

Vì vậy, bạn cần để ý kỹ nếu hội nhóm mình tham gia có thay đổi về nội dung hay phương thức hoạt động. Nếu bạn bị buộc tham gia bàn luận ngoài nội dung sinh hoạt, họp mặt thường xuyên hơn hoặc bị theo dõi mọi hoạt động hàng ngày, đó chính là những “red flag” điển hình.

Chia sẻ vấn đề với người bạn tin tưởng

Khi có vấn đề trong cuộc sống, đừng ngại chia sẻ nó với những người bạn tin tưởng như gia đình, bạn bè hay chuyên gia trị liệu. Họ sẽ có liệu pháp chuyên môn giúp bạn giải quyết, hoặc đồng hành cùng bạn về tinh thần. Trong nhiều trường hợp, cần cảnh giác với việc chia sẻ chúng cùng những người xa lạ, từ đó trở thành mục tiêu của giáo phái.