Vì sao chúng ta không nhớ ký ức khi còn là em bé? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
03 Thg 03, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao chúng ta không nhớ ký ức khi còn là em bé?

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao mình không hề có ký ức nào về những gì xảy ra khi còn là một em bé? Infantile amnesia là tên của hiện tượng này.

Vì sao chúng ta không nhớ ký ức khi còn là em bé?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.

Một ngày đẹp trời, bạn gặp lại một người cô họ xa và nhận được câu nói “Dạo này lớn tướng quá rồi nhỉ? Hồi xưa lúc cô bồng, con mới có chút xíu à”.

Còn bạn thì cười gật gù cho có lệ nhưng chẳng hề có tí ký ức nào về cái hồi xưa đó. Bạn biết không, có một thuật ngữ nói về hiện tượng này được gọi là “infantile amnesia” (tạm dịch: mất trí nhớ về tuổi thơ).

Infantile amnesia là gì?

Infantile amnesia hay còn gọi là childhood amnesia là hiện tượng khi một người không có khả năng nhớ lại những ký ức tình tiết (episodic memory) về tình huống hoặc sự kiện đã xảy ra khi còn là trẻ sơ sinh đến trước 3 tuổi. Ví dụ, chúng ta không hề có ký ức về giây phút mình sinh ra, tiếng nói đầu tiên hoặc sinh nhật những năm đầu đời.

Việc con người hình thành ký ức thường được so sánh với máy tính khi lưu trữ dữ liệu. Quá trình thông tin chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn được gọi là mã hóa (encoding). Sau khi mã hóa thành công, thông tin sẽ được lưu trữ tại bộ nhớ (storing) và chúng ta có khả năng truy hồi lại nếu cần (retrieval).

Việc quên một ký ức thường diễn ra khi não bộ của chúng ta thi thoảng bị “chập mạch” ảnh hưởng đến việc mã hóa và truy hồi thông tin. Nhưng khác với quên tên hay quên đường bắt nguồn từ lỗi của bộ nhớ và không phải ai cũng bị, infantile amnesia lại liên quan đến quá trình phát triển và diễn ra đối với hầu hết mọi người.

Vì đâu mà ta không hề có ký ức về những gì diễn ra khi còn là em bé?

Chưa hình thành nhận thức về bản thân (cognitive self)

Sự hình thành nhận thức cá nhân được cho là góp phần quan trọng trong việc giúp ta mã hóa và lưu trữ ký ức. Một cách dễ hiểu, chúng ta hình thành ký ức bằng cách liên hệ những sự kiện đã xảy ra với chính mình.

Điều này giải thích vì sao ký ức ở độ tuổi thanh thiếu niên thường hằn sâu trong trí nhớ ta, bởi vì đây là thời điểm mà bản thể (self-identity) được hình thành một cách mạnh mẽ. Nhận thức về bản thân chính là “cột mốc” để ta phân biệt quá khứ và hiện tại.

chuacuteng ta nhớ bằng caacutech liecircn hệ sự kiện xảy ra với bản thacircn
chúng ta ghi nhớ bằng cách liên hệ sự kiện xảy ra với bản thân

Nghiên cứu cũng cho thấy những ai có ký ức chi tiết hơn và tập trung về bản thân nhiều hơn thường sẽ dễ dàng nhớ lại hơn. Nhưng khi còn là trẻ nhỏ, chúng ta thường không thực sự nắm bắt được khái niệm về việc mình là ai. Đây là một trong nhiều nguyên do chúng ta không nhớ những gì xảy ra lúc bé.

Theo thời gian, các khái niệm về quá khứ - hiện tại lẫn bản thân được củng cố bằng việc tương tác với thế giới bên ngoài, như khi trò chuyện cùng cha mẹ. Thông qua việc lặp lại các sự kiện đã trải qua, người lớn giúp trẻ em ghi nhớ những ký ức góp phần hình thành nên con người của chúng.

Khả năng ngôn ngữ chưa phát triển

Ngôn ngữ là một công cụ giúp chúng ta mã hóa những ký ức tự truyện (autobiographical memory) và dạng ký ức này được hình thành tại thời điểm trẻ bắt đầu nói.

ngocircn ngữ giuacutep tạo necircn kyacute ức
Ngôn ngữ giúp tạo nên ký ức

Nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ em có xu hướng nhớ rõ hơn về những gì xảy ra trong giai đoạn từ 3-4 tuổi. Đây là thời điểm mà khả năng ngôn ngữ bắt đầu phát triển, thường diễn ra cùng lúc với việc đi học mẫu giáo. Từ giai đoạn này trẻ có đủ kiến thức và ngôn từ để tạo dựng lên câu chuyện của mình, nhờ vậy ghi nhớ được các ký ức xảy ra vào giai đoạn sau đó.

Tế bào mới liên tục được tạo ra tại vùng hồi hải mã (hippocampus)

Lý giải từ góc độ thần kinh học, một số bộ phận trong não bộ vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh khi chúng ta còn là trẻ sơ sinh, trong đó bao gồm vùng hồi hải mã. Khu vực này của não bộ phụ trách việc hình thành và lưu trữ những ký ức tình tiết. Các tế bào thần kinh mới sẽ luôn sản sinh tại đây cho đến khi ta trưởng thành để hỗ trợ quá trình ghi nhớ.

Việc hình thành các tế bào thần kinh mới để thay thế các tế bào cũ ở vùng hồi hải mã tạo nên liên kết mới. Và khi còn là trẻ nhỏ, tốc độ sản sinh neuron diễn ra nhanh hơn ở tuổi trưởng thành. Các nhà khoa học cho rằng, điều này có thể làm gián đoạn các liên kết được hình thành trước đó, khiến não gặp khó khăn trong việc truy hồi lại nơi mà những ký ức cũ được lưu trữ.

Kết

Chứng mất trí nhớ về tuổi thơ là một điều xảy ra với hầu hết tất cả mọi người và chẳng có gì đáng lo ngại. Dù vậy, sự tích lũy của chúng theo thời gian để lại dấu ấn lâu dài và đóng vai trò thiết yếu trong việc quyết định chúng ta trở thành người ra sao.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.