Làm sao để “bơi” dần khỏi vùng an toàn mà không đuối sức? | Vietcetera
Billboard banner

Làm sao để “bơi” dần khỏi vùng an toàn mà không đuối sức?

Câu trả lời là bạn phải biết chính xác mình đang ở đâu trong sự nghiệp. Nguyên lý Goldilocks sẽ giúp bạn làm điều này.
Làm sao để “bơi” dần khỏi vùng an toàn mà không đuối sức?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nghiên cứu của OnePoll vào năm 2023 chỉ ra rằng, 46% trong 2000 người lao động Mỹ được phỏng vấn cảm thấy chán nản ít nhất 3 trong số 5 ngày làm việc mỗi tuần. Một nghiên cứu khác của Gartner cho thấy, chỉ 31% lực lượng lao động cảm thấy gắn kết và hào hứng với công việc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cảm giác chán nản của nhân viên. Một trong số đó xuất phát từ bản chất công việc không đủ thử thách, hoặc ở thái cực ngược lại - đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức chuyên môn trên mức bạn có thể đáp ứng.

Khi không thể cân bằng mức độ thử thách và khả năng của bản thân, bạn nhanh chóng mất động lực và không còn hứng thú với công việc như trước. Theo nguyên lý Goldilocks, việc cân bằng 2 thái cực này là chìa khóa quan trọng để lấy lại động lực và đạt hiệu suất cao. Vậy nguyên lý Goldilocks là gì và đâu là cách để bạn không bị “mắc kẹt" trong sự nghiệp?

Từ câu chuyện cổ tích Goldilocks và 3 chú gấu

Đây là một truyện cổ tích của Anh kể về một cô bé tên Goldilocks, trong một lần vào rừng thám hiểm đã lạc vào nhà của 3 chú gấu. Tại đây, khi lần lượt thử 3 bát cháo nóng, lạnh và vừa, Goldilocks thích nhất bát cháo ấm với nhiệt độ vừa đủ. Khi thử 3 chiếc ghế và giường, cô cũng thích nhất chiếc thứ 3 vì không quá dài, cũng không quá ngắn.

Đến mong muốn tìm điểm cân bằng trong công việc

Chi tiết trên phản ánh một đặc trưng tâm lý con người: khi làm việc ở độ khó phù hợp, không khó quá cũng không dễ quá, chúng ta dễ đạt đỉnh cảm xúc, duy trì động lực và đạt năng suất cao trong công việc.

Nguyên nhân bởi khi tìm được điểm cân bằng trong mức độ khó của công việc, chúng ta bước vào “trạng thái dòng chảy” (flow state). Đây là trạng thái tập trung cao độ mà ở đó, bạn cảm thấy hứng thú với những thử thách trước mắt.

Sự thử thách đòi hỏi sử dụng nhiều trí tuệ trong công việc giúp kích hoạt “trạng thái dòng chảy". Công việc quá đơn giản khiến bạn dễ chán nản, còn quá khó lại khiến bạn đuối sức. Vì vậy, những thử thách ở độ khó vừa đủ sẽ giúp bạn bạn tiến triển trong công việc và duy trì động lực tốt nhất.

Áp dụng nguyên lý Goldilocks vào công việc thế nào?

Theo chuyên gia nhân sự Rajee Hari chia sẻ trên LinkedIn, để tối ưu hóa nguyên lý này, bạn cần tìm được “điểm ngọt ngào” (sweet spot) của bản thân để đối diện thử thách, học hỏi và phát triển trong công việc. Dưới đây là một số cách tôi đã áp dụng nguyên lý Goldilocks vào công việc freelance writer của mình:

Đặt mục tiêu phấn đấu vừa sức với mình

Để đặt mục tiêu đúng độ, bạn cần nắm rõ mình đang ở đâu trong công việc. Một bản tổng hợp quá trình làm việc trong năm vừa qua sẽ giúp bạn nhìn rõ những thành tích đạt được, từ đó xác định những khía cạnh mới mà bạn muốn chinh phục.

23mar2024240319goldilocks2jpg
Để đặt mục tiêu vừa sức, bạn cần nắm rõ “sức” mình đang ở đâu.

Chẳng hạn với công việc viết và dịch bài, tôi đề xuất trong 6 tháng đầu năm nay sẽ nhận viết thêm 1-2 bài ở những chủ đề mình chưa từng chắp bút. Như vậy tôi sẽ có thời gian để vừa tìm hiểu, vừa thử viết những dạng bài mới.

Lưu ý rằng nếu bạn vừa trải qua một khoảng thời gian bị xuống dốc phong độ, không nên đặt mục tiêu quá lớn để “lấy công chuộc tội” với sếp. Bởi nếu không thể thực hiện được điều mình đã hứa, thì đây sẽ tiếp tục là một nước đi sai lệch.

Đưa cái mới vào cái cũ

“Cái mới” ở đây không nhất thiết phải là những thay đổi lớn lao hay những phát hiện “xuất thần". Nó đơn giản chỉ là lồng ghép một phát hiện mới hay thay đổi nhỏ trong cách thức thực hiện. Chẳng hạn khi viết về chủ đề quen thuộc, tôi thường thêm vào góc nhìn mới hay thay đổi hình thức bài viết để bớt nhàm chán.

Cách làm này vừa giữ cho bài viết tính cung cấp thông tin vốn có, vừa mang lại góc nhìn mới độc đáo hơn. Tuy nhiên quá trình này cần nhiều thời gian nghiên cứu, thử và sai, vì vậy tôi cũng xác định mình phải kiên nhẫn một chút. Và quả thực tôi đã viết hỏng ít nhất 2 bài trước khi có một bài được duyệt đăng.

23mar2024240319goldilocks1jpg
“Cái mới” ở đây có thể đơn giản là lồng ghép một phát hiện mới hay thay đổi nhỏ trong cách thực hiện công việc.

Quan sát người khác thật kỹ trước khi làm

Khi học bơi, bạn phải quan sát người khác làm trước khi tự mình thực hành. Trong công việc cũng vậy. Bạn thử quan sát các đồng nghiệp khác thực hiện những chuyên môn mình chưa biết, chủ động hỏi thông tin và xin thử khi cảm thấy sẵn sàng.

Chẳng hạn trước khi xin thử viết bài ở lĩnh vực mới, tôi đã dành thời gian đọc kỹ các bài mẫu được các anh chị khác trong team viết. Khi rảnh rỗi, tôi chủ động hỏi họ kinh nghiệm về cách tìm đề tài, đặt vấn đề hay các bài nghiên cứu đáng tin cậy.

Đến khi chủ động nhận bài mới, tôi đã nắm được quy trình dựng bài và những vấn đề có thể xảy ra. Nhờ vậy mà khi được góp ý yêu cầu thay đổi (thậm chí theo định hướng khác hoàn toàn ban đầu), tôi không bị quá bất ngờ mà có thể bình tĩnh trao đổi với quản lý để giải quyết.

Lắng nghe chính mình để điều chỉnh

Cuối cùng, đừng quên lắng nghe bản thân để điều chỉnh công việc và mức độ phù hợp.

Nếu bạn cảm thấy quá sức khi thực hiện những đầu việc mới, đừng ngại chia sẻ với sếp và đồng đội để có thể đi chậm lại, hoặc nhờ sự hỗ trợ cần thiết.

Ngược lại, nếu nhiệm vụ mới chưa đủ thử thách, bạn có thể đề xuất cách triển khai mới hoặc thử sức với các đầu việc khác. Điều quan trọng là bạn phải luôn trả lời được câu hỏi “mình đang ở đâu trong công việc?".