Bạn có chắc là mình hiểu về tình yêu? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
31 Thg 07, 2021
Thương

Bạn có chắc là mình hiểu về tình yêu?

Theo Mark Manson, rất nhiều người mắc kẹt trong mối quan hệ "có qua thì phải có lại". Họ không bao giờ từ bỏ niềm tin rằng tình yêu và sự chấp nhận phụ thuộc vào những lợi ích mà họ cho người khác
Bạn có chắc là mình hiểu về tình yêu?

Nguồn: Bekir Temel/Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết "Maybe You Don’t Know What Love Is" đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chúng tôi ngồi trong tĩnh lặng. Cô bạn tôi nhìn chằm chằm vào chiếc cốc rỗng, thỉnh thoảng dùng ống hút khuấy đá trong ly. “Chà”, cô nói. Tôi ngồi và chờ đợi cô tiếp lời. Chúng tôi vừa có một cuộc trò chuyện dài về tình yêu, rằng nó bao gồm những gì và hiếm gặp như thế nào?

“Chà cái gì?”, cuối cùng tôi cũng mở lời.

“Tớ nghĩ rằng mình chưa bao giờ gặp tình yêu thật sự.”

“Thì có lẽ cậu chưa gặp đúng người thôi”, tôi nói - câu nói cũ rích mà một người bạn thân sẽ nói vào lúc này.

“Không, ý là tớ chưa bao giờ nhìn thấy tình yêu thật sự, ngay cả từ bố mẹ, gia đình và hầu hết bạn bè của mình. Có lẽ tớ không biết tình yêu là gì.”

Khi “ngầu” trở thành điều kiện để được yêu thích

Khi còn là một thiếu niên, việc trở nên “ngầu” được coi là một loại tiền tệ. Bạn cố trông "chất" hết sức có thể và rồi tìm kiếm những người giống mình. Sau đó thì bạn mặc cả để chia sẻ điều này với nhau nhằm khiến cả hai trông oai hơn.

Và nếu gặp một đứa trẻ không được như vậy, bạn đặt biệt danh “mọt sách” và bảo chúng biến đi bởi vì không muốn bị ai bắt gặp đi với chúng.

Việc ra vẻ thế này sẽ quyết định số lượng mối quan hệ mà bạn có. Nếu bạn dở thể thao, mà thể thao được coi là ngầu, sẽ có ít người muốn chơi với bạn hơn. Nếu bạn chơi guitar giỏi, mà guitar được coi là ngầu, nhiều người sẽ lại thích bạn. Và thế là trường học trở thành cuộc chạy đua để xem ai trông "đỉnh" nhất.

Phần lớn những trò chơi tình ái của các thanh thiếu niên là kết quả của mong muốn được thể hiện này. Họ khoác lác với nhau về những thứ mình không làm, cho rằng mình thật sự yêu người mà mình ghét và ghét người mà mình yêu. Điều đó khiến họ trông ngầu hơn và vì thế sẽ có nhiều lượt follow hơn trên mạng xã hội.

Khi còn trẻ chúng ta chưa học được cách yêu một người bởi phẩm chất của họ. | Nguồn: Shutterstock

Những mối quan hệ kiểu học đường này luôn có điều kiện đi kèm. Nó là dạng quan hệ “nếu tôi làm cái này cho bạn, thì bạn phải làm thứ kia cho tôi”. Những mối quan hệ này thất thường, nông cạn và chẳng khác nào những màn kịch. Đó là lý do mà nhiều người không hề muốn quay lại thời đi học.

Và điều này chẳng có gì to tát. Cố tỏ ra ngầu là một phần trong quá trình phát triển và tìm ra chính mình. Bạn phải làm những điều ngớ ngẩn để rồi rút ra bài học và trưởng thành từ đó.

Bởi vì đến một lúc, bạn sẽ thoát khỏi cách suy nghĩ “có qua có lại” này. Bạn bắt đầu biết trân trọng người khác bởi bản chất của họ, chứ không phải bởi vì họ chơi thể thao giỏi hay thích cùng một nhãn hàng với bạn.

Bế tắc trong những mối quan hệ có điều kiện

Đáng tiếc, không phải ai cũng thoát khỏi các mối quan hệ đi kèm điều kiện. Rất nhiều người kẹt lại và tiếp tục trò chơi "có qua có lại" đến lúc trưởng thành. Sự thao túng ngày càng trở nên tinh vi hơn nhưng về bản chất thì vẫn vậy. Họ không bao giờ từ bỏ niềm tin rằng tình yêu và sự chấp nhận phụ thuộc vào những lợi ích mà họ cho người khác, luôn có những điều kiện mà họ phải đáp ứng.

Vấn đề ở những mối quan hệ đi kèm điều kiện là chúng vốn dĩ đề cao một thứ gì đó hơn là mối quan hệ. “Tôi không quan tâm đến bạn mà thay vào đó là những mối quan hệ mà bạn có”. Hay “bạn cũng chẳng quan tâm đến tôi, khuôn mặt ưa nhìn và sự ‘mặn mòi’ của tôi mới là thứ bạn thích.”

Những mối quan hệ này chẳng có gì hay ho. Bởi việc theo đuổi những gì trông có vẻ ngầu không phải tự nhiên mà có. Nó bắt nguồn từ việc chúng ta cảm thấy tệ về bản thân và muốn được cảm thấy khác đi.

Vì vậy, bạn không phải là người mà tôi quan tâm, tôi chỉ đang sử dụng bạn để khiến tôi cảm thấy tốt hơn về mình. Có thể, tôi lợi dụng bạn để thỏa mãn nhu cầu thể xác, hoặc vì tiền, hay để gây ấn tượng với đám bạn của tôi.

Những mối quan hệ có điều kiện phụ thuộc vào việc “tôi sẽ dành tình cảm cho bạn, chỉ khi bạn làm tôi cảm thấy tốt hơn về mình và ngược lại.”

Trong mối quan hệ lợi ích, người này sử dụng người kia để cảm thấy tốt hơn về mình. | Nguồn: Unsplash

Những mối quan hệ thế này vốn dĩ luôn ích kỷ. Khi tôi quan tâm đến tiền bạc của bạn hơn chính bạn thì thực chất tôi đang ở trong mối quan hệ với đồng tiền. Nếu bạn quan tâm đến thành công của nửa kia hơn con người của họ, thì bạn đang trong mối quan hệ với sự nghiệp của người đó. Nếu mẹ chăm sóc và chịu đựng thói nghiện rượu của bạn bởi vì nó khiến bà cảm thấy mình như một người mẹ tốt, vậy thì bà đang ở trong mối quan hệ với sự hài lòng về bản thân.

Khi mối quan hệ luôn có điều kiện, chúng ta chẳng có mối quan hệ nào cả.

Chúng ta gán mình vào những thứ nông cạn và cố sống trong đó một cách gián tiếp thông qua những người mà ta thân thiết. Điều này khiến chúng ta trở nên cô đơn bởi vì chẳng có một kết nối chân thành nào ở đây cả.

Những mối quan hệ có điều kiện cũng khiến chúng ta chịu đựng việc bị đối xử tệ bạc. Nếu bạn hẹn hò với một người chỉ để gây ấn tượng với bạn bè của mình, thì bạn sẽ dễ cho phép họ đối xử với mình chẳng ra gì. Đằng nào thì bạn cũng đâu có ở bên họ bởi vì cách họ đối xử với bạn, bạn chỉ muốn gây ấn tượng với người khác mà thôi.

Những mối quan hệ này chẳng thể bền lâu bởi những điều kiện mà chúng dựa vào rồi sẽ mất đi. Và khi ấy, giống như ai đó giật mạnh tấm thảm dưới chân bạn, cả hai đều sẽ ngã và làm tổn thương chính mình.

Vậy một tình yêu vô điều kiện là gì?

Mọi người chỉ nhận ra tính nhất thời của những mối quan hệ toan tính khi đã có đủ thời gian. Những người trẻ đang trong giai đoạn khám phá danh tính của mình, vì thế nó dễ hiểu họ bị ám ảnh bởi việc so sánh bản thân với người khác. Nhưng sau nhiều năm, phần lớn mọi người sẽ nhận ra rằng chỉ có số ít người sẽ còn ở lại trong cuộc đời của họ.

Khi tuổi tác qua đi, phần lớn họ coi trọng những mối quan hệ vô điều kiện hơn - khi mà mỗi người trong mối quan hệ được chấp nhận dù họ là ai, mà chẳng có kỳ vọng nào cả. Đây gọi là “trưởng thành” và đó là một vùng đất kỳ bí mà một vài người bất chấp tuổi tác sẽ chẳng bao giờ thấy được.

Cách để trưởng thành chính là ưu tiên những mối quan hệ vô điều kiện, học cách trân trọng chúng mặc cho những khuyết điểm, sai lầm và đánh giá những người xung quanh dựa trên cách mà họ đối xử với bạn, chứ không phải là những lợi ích mà bạn có từ họ.

Mối quan hệ vô điều kiện là khi cả hai tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau mà không hề kỳ vọng được đáp trả. Nói một cách khác, mỗi người trong mối quan hệ được coi trọng, họ thấu cảm và nương tựa lẫn nhau, mà không phải do công việc, địa vị, ngoại hình hay thành công của đối phương.

Trong mối quan hệ vô điều kiện, cả hai tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau mà không hề kỳ vọng được đáp trả. | Nguồn: Unsplash

Đây là mối quan hệ thật sự. Chúng không thể bị lay chuyển bởi những khó khăn của cuộc sống. Chúng không thay đổi bởi những giá trị bề mặt và sai lầm. Nếu tôi và bạn có một tình bạn vô điều kiện, thì dù tôi có mất đi công việc hoặc chuyển đến một đất nước khác, tôi và bạn vẫn sẽ tiếp tục tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Mối quan hệ không chỉ dựa vào độ ngầu khi mà tôi sẵn sàng “bơ” bạn chỉ vì bạn không giúp tôi gây ấn tượng với người khác. Và tôi cũng chẳng cay đắng nếu bạn chọn ngã rẽ khác trong cuộc đời mà tôi không chọn.

Những người trong mối quan hệ toan tính không bao giờ học được cách nhìn nhận mọi người xung quanh mà không bao gồm lợi ích. Đó là bởi vì họ lớn lên trong một môi trường mà họ chỉ được trân trọng vì ích lợi mà mình mang lại

Điều này có thể bắt nguồn từ cha mẹ, dù phần lớn họ không cố ý làm điều đó. Có thể họ cũng chưa từng được yêu thương một cách vô điều kiện và đó là những gì họ biết.

Nếu bố chỉ công nhận bạn mỗi khi bạn vâng lời, nếu mẹ chỉ thích bạn khi bạn đạt điểm tốt, nếu anh trai chỉ tử tế với bạn khi chẳng có ai bên cạnh, những điều này sẽ vô thức khiến bạn tự biến mình thành công cụ cho lợi ích của người khác.

Bạn sẽ xây dựng những mối quan hệ bằng cách uốn nắn bản thân để phù hợp với nhu cầu của ai đó mà không phải bạn. Bạn cũng tạo nên các mối quan hệ của mình bằng cách thao túng người khác để phù hợp với nhu cầu của bản thân, hơn là tự mình quan tâm đến họ. Đây là tiền đề cho một mối quan hệ độc hại.

Giả thuyết về mối quan hệ

Bạn không làm bạn với người lợi dụng mình chỉ để họ tự cảm thấy tốt hơn, trừ khi chính bạn cũng đang có lợi ích từ mối quan hệ này. Không phải khi không mà bạn lại hẹn hò với người lợi dụng mình nếu bạn yêu bản thân vô điều kiện. Bạn chấp nhận những điều kiện của họ bởi bạn cũng đang dùng họ để thỏa mãn những điều kiện của mình.

Mọi người bước vào mối quan hệ lợi ích mà không hề nghĩ đến việc đối phương là ai, hay họ thích gì ở bạn, hoặc những hành vi của họ với bạn nói lên điều gì. Bạn chỉ nhìn vào những hình xăm, ngưỡng mộ chiếc xế xịn và muốn ở bên họ.

Mọi người bước vào mối quan hệ này bởi một lý do đơn giản là chúng khiến họ cảm thấy tốt hơn mà chẳng bao giờ tự hỏi vì sao.

Đối với những mối quan hệ xung quanh, hãy tự hỏi bản thân rằng:

  • Nếu tôi mất đi công việc, liệu bố vẫn còn tôn trọng tôi?

  • Nếu tôi ngừng chu cấp, liệu mẹ vẫn sẽ yêu và chấp nhận tôi?

  • Nếu tôi bảo với vợ rằng tôi muốn chuyển hướng sự nghiệp, liệu điều đó có phá vỡ cuộc hôn nhân này?

  • Nếu tôi không còn ngủ với anh ta, liệu anh ta có còn muốn gặp tôi?

  • Nếu tôi bảo với bạn thân rằng tôi không đồng ý với quyết định của họ, liệu họ có ngưng nói chuyện với tôi?

Và bạn cũng nên tự hỏi mình rằng:

  • Nếu chuyển đến nơi khác, liệu tôi có còn giữ liên lạc với bạn bè?

  • Nếu một người bạn không hứa hẹn sẽ cho tôi điều gì đó, liệu tôi có còn đi chơi với họ?

  • Nếu bố ngừng tài trợ tiền học, liệu tôi có về nhà thăm ông?

Có rất nhiều những câu hỏi giả định mà bạn nên hỏi bản thân trong mọi mối quan hệ. Bởi vì nếu câu trả lời không phải là “sẽ chẳng có gì thay đổi” thì đó có thể là một mối quan hệ có điều kiện. Bạn không thật sự có một tình yêu như là cách mà bạn vẫn nghĩ.

Nếu bạn muốn có những mối quan hệ vô điều kiện, bạn sẽ phải làm phật lòng một số người. Bạn phải ngừng chấp nhận các điều kiện của họ và học cách buông bỏ.

Bạn phải ngừng chấp nhận các điều kiện của họ và học cách buông bỏ. | Nguồn: Unsplash

Bạn sẽ cần phải nói “không” với ai đó gần gũi với mình, trong tình huống mà họ ít muốn nghe nhất. Họ sẽ tức giận và đổ lỗi cho bạn. Họ sẽ nói những điều ác ý với bạn và về bạn.

Nhưng đừng nản lòng. Cách phản ứng này chỉ là bằng chứng rằng đó là mối quan hệ có điều kiện. Một người yêu bạn thực sự sẽ sẵn sàng tôn trọng và chấp nhận ngay cả khi đó là thứ họ không muốn nghe.

Hành động này là cần thiết bởi một trong hai điều sẽ xuất hiện. Người đó sẽ không thể từ bỏ các điều kiện của họ và sẽ bước ra khỏi cuộc sống của bạn (mà điều đó tốt cho bạn trong hầu hết các trường hợp). Hoặc, người đó sẽ tôn trọng bạn vô điều kiện, yêu bạn bất chấp những bất tiện mà bạn có thể gây ra cho họ hoặc lòng tự trọng của họ.

Tất nhiên, điều này vô cùng khó khăn. Nhưng các mối quan hệ tự bản chất luôn thế. Nếu cuộc sống chỉ toàn là niềm vui và màu hồng, thì sẽ chẳng có gì tốt đẹp cả. Và cũng chẳng ai có thể phát triển.