Mzung Nguyễn: Nghề nào cũng là nghề sáng tạo | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
11 Thg 12, 2022

Mzung Nguyễn: Nghề nào cũng là nghề sáng tạo

Nếu vậy, điều gì làm nên sự khác biệt giữa các sản phẩm sáng tạo? Mời bạn cùng tìm hiểu nguyên tắc, tư duy làm việc của nghệ sĩ đa phương tiện Mzung Nguyễn.
Mzung Nguyễn: Nghề nào cũng là nghề sáng tạo

Nghệ sĩ đa phương tiện Mzung Nguyễn.

“Câu hỏi vừa rồi của em là gì nhỉ?” – Trong suốt cuộc trò chuyện gần 2 tiếng với chị Mzung Nguyễn, đó là một trong những câu nói khiến tôi ấn tượng về chị nhất. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng nhờ câu nói đó cùng tiếng cười lớn của chị, tôi biết tôi vừa có may mắn gặp một người rất say mê công việc của mình. Không lạ gì nếu chị có quên đi giữa chừng vì chị nhiệt tình giải thích từng chi tiết cho tôi, với khối kiến thức trải dài qua nhiều lĩnh vực.

Mzung Nguyễn tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn – Báo chí vào năm 2006 và bắt đầu sự nghiệp với công việc viết lách. Nhưng không lâu sau, chị chọn học thêm chuyên sâu về điện ảnh tại Mỹ và Hàn Quốc. Hai phim thể nghiệm Ngủ Trong Thành Phố (2017) và Ánh Sáng Sau Sự sống (2018) của chị từng được chọn trình chiếu tại nhiều quốc gia.

Kể từ năm 2017, Mzung Nguyễn mở rộng thực hành nghệ thuật theo hướng đa phương tiện. Bên cạnh hoạt động nghệ thuật (chủ yếu lấy cảm hứng từ môi trường chủ nghĩa), chị dành phần lớn thời gian để làm các dự án về bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

Trong lần gặp gỡ sau khi cuộc triển lãm Dịch chuyển của chị vừa kết thúc, chúng tôi trò chuyện về lựa chọn thay đổi công việc của chị, một điều dường như cũng đang diễn ra nhiều hơn trong giới trẻ. Đồng thời chị cũng chia sẻ quan điểm và các nguyên tắc trong công việc chị đặt ra cho mình.

Làm thế nào mà chị làm được nhiều nghề như vậy?

Nói là nhiều nghề vậy thôi, chứ với mình, chính xác nhất là chỉ có một nghề.

Mình gọi nó là nghề cảm nhận, tức là mình tiếp nhận cảm giác với mọi vật, mọi việc xung quanh, sau đó chuyển tải chúng ra bên ngoài bằng một hình thức biểu đạt gần nhất mà mình có được tại thời điểm đó. Ví dụ khi ở trong rừng, nếu không có gì ngoài cây bút chì thì mình sẽ chọn làm việc với nó bằng chữ viết hoặc vẽ phác hoạ.

Bây giờ thì mọi người gọi mình là nghệ sĩ đa phương tiện. Nghe từ ngữ có vẻ rổn rảng nhưng với mình nó cũng chỉ là một cách gọi. Nghệ sĩ cũng phải kiếm tiền như bao nghề, hay nói khác đi là, nghề nào cũng là nghề sáng tạo. Ai cũng phải tạo ra một thứ gì đó để trao đổi với xã hội.

Mình chọn làm nghệ sĩ lúc này vì đã có nhiều điều kiện hơn. Điều kiện ở đây không hẳn là về tài chính, mà là điều kiện về kỹ năng. Hiện tại mình có thể chuyển tiếp giữa các hình thức biểu đạt như làm phim, làm tranh, làm nhạc.

Nói tóm lại, mình không làm nhiều nghề. Mình chỉ làm nhiều việc liên quan đến nghệ thuật cùng một lúc thôi.

Nguồn Mzung Nguyễn
Nguồn: Mzung Nguyễn

Dường như các công việc của chị đều xoay quanh nguồn cảm hứng về môi trường? Điều này với chị có cần đến sự kiên trì không?

Đúng là mình thường xuyên tìm thấy cảm hứng từ môi trường, ở cả nghĩa hẹp là tự nhiên, hay hiểu rộng ra là tất cả những yếu tố xung quanh chúng ta. Mình luôn đặt nó trong mối tương quan với các yếu tố thời đại khác, với văn hoá, xã hội,... Có khi hình ảnh của môi trường rất trực diện, có khi lấp ló, khó nắm bắt.

Còn việc đi cùng với nó có cần đến kiên trì không thì câu trả lời là có. Không phải vì yêu cầu đặc trưng của ngành nghề, mà vì với mình, sự lựa chọn nào muốn được ghi nhận cũng đều phải trả giá bằng công sức và sự nhất quán.

Nếu vậy khi làm nghệ sĩ, có phải các sáng tác của chị sẽ luôn có thông điệp cụ thể?

Vào khoảng thời gian còn làm báo, mình có đối tượng độc giả rõ ràng nên phải thu thập thông tin và chuyển hoá thành thông điệp cụ thể. Đến thời làm phim thì mình còn trẻ, chưa có kinh nghiệm nhiều nên thường cố gồng mình sắp đặt chi tiết để sản phẩm có vẻ “deep deep.”

Nhưng hiện tại, trừ khi có đơn đặt hàng từ bên khác, thường là các tổ chức NGO hoạt động về môi trường, mình gần như không làm việc với thông điệp nữa. Khi là nghệ sĩ, mình sáng tác dựa vào căn tính cá nhân, những thứ mà đôi khi không cần có nghĩa, mà chỉ đơn thuần là cảm giác.

Với triển lãm tranh xé dán Dịch chuyển gần đây nhất, các sáng tác của mình lấy cảm hứng về sự dịch chuyển trong cuộc sống, nhưng không gồng gánh đề tài môi trường.

Vậy tiêu chuẩn cho các sáng tác của chị là gì?

Như đã nói ở trên, mình làm việc với cảm giác, nhưng cảm giác này không nảy sinh theo kiểu “thích thì làm”. Sau khi đã tiêu hoá và thẩm thấu đủ chất liệu cần thiết, mình để cho công việc sáng tác hoàn toàn độc lập.

Các đề tài sáng tác của mình đều được bắt đầu bằng con đường nghiên cứu lý thuyết. Mỗi tổ hợp tác phẩm, hay nói cách khác là mỗi nhóm các tác phẩm trong các thời kỳ đều được tổ chức thực hiện dưới dạng một dự án, có deadline, có quy trình chặt chẽ.

Chẳng hạn với các tác phẩm trong dự án Dịch chuyển, mình đã dành khoảng 10 năm trời sống ở nhiều nơi trên thế giới và làm đủ các ngành nghề để những gì mình cảm nhận, quan sát thấm vào người. Cuối cùng thì chúng được thể hiện trên tác phẩm một cách tự nhiên. Mình không điều khiển cảm xúc của mình cũng như thiết kế cảm xúc cho khán giả.

Nói một cách hình tượng thì nếu mình nấu ra một bát phở, mình không quá quan trọng người nhận bát phở ấy có cảm nhận đó là “bát phở” giống y hệt như mình hay không. Với mình, quan trọng hơn là khán giả của mình “có cảm giác” với sản phẩm mình tạo ra.

Khaacutech đến xem tranh tại triển latildem Dịch chuyển Nguồn performance eARTh
Khách đến xem tranh tại triển lãm Dịch chuyển. | Nguồn: performance eARTh

Việc chị mong muốn khán giả “có cảm giác” với tác phẩm có đồng nghĩa với mong muốn thay đổi nhận thức của họ?

Thay đổi nhận thức một người là đều rất khó, biến nó trở thành hành động lại càng khó nữa. Cho nên việc mình làm đầu tiên là tạo ra tác phẩm đẹp, đủ yếu tố thuyết phục, khiến người xem thích thú, sau đó mình mới đủ có cơ sở để nói chuyện sâu hơn với họ. Mzung tin vào năng lực tiếp nhận của xã hội một khi người sáng tạo đã làm tốt vai trò của mình.

Chị từng chia sẻ rằng “thực hành nghệ thuật là không phán xét, không lồng ghép ý kiến cá nhân” nhưng nếu không có mâu thuẫn, có khó để phát triển nghệ thuật không?

Nói đúng hơn là “không nhất thiết lồng ghép ý kiến cá nhân hay thông điệp.” Đây là một sự chọn lựa cá nhân, không phải một quy luật làm nghề, nên mình sẽ không bình luận nhiều.

Có thể trong tương lai mình sẽ gay gắt về một đề tài nào đó khi muốn đối thoại sâu với khán giả, nhưng ở hiện tại, mình chọn im lặng, để cho tác phẩm có tiếng nói riêng của nó.

Một taacutec phẩm được trưng bagravey trong triển latildem Dịch chuyển của Mzung Nguyễn Nguồn performance eARTh
Một tác phẩm được trưng bày trong triển lãm Dịch chuyển của Mzung Nguyễn. | Nguồn: performance eARTh

Chị có quan điểm thế nào đối với việc phá vỡ cấu trúc và nguyên tắc trong nghệ thuật?

Câu trả lời sẽ thay đổi theo tuỳ từng vào tác phẩm, tùy hình thức biểu hiện. Nếu là phim, mình khá chặt chẽ về cấu trúc. Sau đó mới có những khoảng mình phá vỡ đi, dành cho sáng tạo cá nhân trong sự đảm bảo về trục. Bản thân mình thích sự chặt chẽ, gọn gàng, sự hài hoà có kiểm soát. Kể cả làm phim thể nghiệm, nhìn thì như không có cấu trúc gì nhưng kỳ thực cấu trúc phim còn phức tạp hơn nhiều.

Đối với các tác phẩm xé dán, mình có cấu trúc tổng thể - dành bao nhiêu phần cho tác phẩm hiện thực và bao nhiêu cho tác phẩm trừu tượng, ấn tượng, siêu thực… đồng thời chừa cho mình một khoảng không gian sáng tạo, bỏ qua tất cả concept/cấu trúc… Nhưng hơn hết, mình thích là một nghệ sĩ có ý thức sáng tạo, hơn là để trôi trong vô thức và ý niệm.

Hình như chị là một người có nhiều nguyên tắc làm việc?

Đúng vậy, mình có kha khá nguyên tắc (cười). Thứ nhất, chất liệu sáng tác thường là chất liệu tái chế. Mình thích làm việc độc lập và cũng vì không có nguồn lực tài chính quá mạnh nên không muốn đầu tư vào chất liệu quá nhiều.

Thứ hai, việc sáng tác luôn đi kèm với dự án đào tạo. Nếu là dự án cộng đồng, mình làm việc với người trẻ và hướng dẫn cho các bạn miễn phí. Nếu là dự án cá nhân không có quỹ tài chính nhiều, mình vẫn phải trả lương cho các bạn và chỉ dẫn rõ ràng.

Thứ ba, có kỷ luật làm việc như đi lính! Các dự án luôn có thời hạn rõ ràng. Không được phụ thuộc vào bất kỳ chất kích thích nào để tạo cảm hứng. Sáng tác là phải tỉnh táo 100%. Mình không đi theo hình ảnh “nghệ sĩ” tóc tai rũ rượi, bí ẩn gì cả. Mình thích sự kỷ luật trong sáng tạo.

Với mình, sáng tạo là lao động thực sự như những ngành nghề khác, phải để khán giả hay người sở hữu tác phẩm có thể nhìn thấy được tín hiệu của sự đầu tư, dù là thời gian thực hành hay chiều sâu suy tư trong tác phẩm. Đó là giá trị mà mình hướng tới.

Nghệ sĩ không phải vì có kiến thức xã hội mà cao siêu, ghê gớm hơn người khác. Nếu ai đó có lời khen mình “nghệ sĩ” thì mình cũng phải nhìn nhận nó một cách hết sức công bằng. Mình không là người đặc biệt. Mình không phải là một tác phẩm. Cái mình làm ra đặc biệt mới là thứ quan trọng nhất.

Chị có phải là kiểu người bình tĩnh khi tiếp nhận lời khen?

Không đâu, mình vẫn vui sướng khi nhận được lời khen chứ (cười).

Một trong số những lời khen mình may mắn nhận được và cảm thấy rất xúc động khi nghe thấy đó là: “đây là một lối sáng tạo văn minh” hay “đây là những tác phẩm có chiều sâu nghiên cứu”… Nghĩa là họ nhận thấy mình sáng tác có ý thức, lý luận, nghiên cứu rõ ràng. Mình biết mình chưa đạt được đến chính xác mức độ như vậy đâu, nhưng nó là một động lực để mình tiếp tục cố gắng.

Nguồn Mzung Nguyễn
Nguồn: Mzung Nguyễn

Chị có được truyền cảm hứng bởi ai đó trên con đường sự nghiệp của mình không?

Một trong những điều đáng tiếc nhất trong con đường sự nghiệp của mình là mình không có cơ hội tìm được một người thầy, người chỉ cho mình những điều mình đang thiếu sót, hay đơn giản là người nói với mình đôi ba lời khích lệ, khiến mình rung động với nghề.

Mình hầu hết là phải tự đi nhặt nhạnh, tự làm từ việc này sang việc khác nên hành trình mới zig zag trong suốt hơn chục năm.

Mình cũng hay nói với các bạn trẻ rằng, để sáng tạo tốt hơn và đi nhanh hơn khả năng mình có thể tưởng tượng thì phải tìm một người thầy giỏi. Mình quý trọng người đó và người đó cũng phải quý trọng mình.

Chị nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp nào cho người trẻ trong lĩnh vực môi trường?

Đối với nghệ thuật, mình tin rác thải sẽ là chất liệu tương lai. Đối với ngành nghiên cứu, mình đã và đang nhìn thấy các chuyên ngành về phát triển bền vững liên tục được mở ra ở các trường đại học. Đối với các doanh nghiệp, mình thấy họ cũng đang dành rất nhiều ưu ái cho CSR (corporate social responsibility – trách nhiệm xã hội doanh nghiệp), đặc biệt là các vấn đề môi trường.

Và cơ hội nghề nghiệp có đến được tay người trẻ không là do thực lực tự thân của họ. Nếu coi môi trường là cơ hội nghĩa là bạn đang tham gia vào quá trình làm thay đổi nó ở vai trò tích cực.