Năm 2022 chúng ta có thể làm gì để hồi phục tinh thần sau đại dịch? | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 01, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Năm 2022 chúng ta có thể làm gì để hồi phục tinh thần sau đại dịch?

Với một năm 2021 đầy biến động, làm thế nào chúng ta phục hồi tinh thần để chuẩn bị đón một năm 2022 trong trạng thái tốt nhất?
Năm 2022 chúng ta có thể làm gì để hồi phục tinh thần sau đại dịch?

Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Năm 2021 là một năm đầy biến động với tất cả mọi người. Chúng ta đi qua đợt giãn cách dài cùng với đó là những mất mát về tài chính, về cơ hội và cả về người.

Vậy làm cách nào để hồi phục tinh thần, đón một năm 2022 với niềm hy vọng lạc quan sau những gì ta đã trải qua? Hãy cùng tìm hiểu về khái niệm tâm lý mang tên phát triển sau sang chấn (post traumatic growth - PTG).

Phát triển sau sang chấn là gì?

Phát triển sau sang chấn là thuyết về khả năng thay đổi tích cực của một cá nhân sau khi trải qua sự kiện khủng hoảng, được giới thiệu lần đầu bởi nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawrence Calhoun vào giữa những năm 1990.

Điều này thường được bắt gặp ở những đối tượng đã phải chịu đau thương hay cú sốc liên quan đến chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, mất việc làm, thậm chí căng thẳng về vấn đề kinh tế. PTG không phải kết quả trực tiếp của sang chấn mà chỉ xuất hiện sau khi cá nhân tranh đấu với hậu quả của sang chấn.

Con người có tiềm năng để thay đổi tích cực sau khi trải qua sự kiện khủng hoảng.

Đại dịch không những để lại những mất mát trong quá khứ, mà còn khiến chúng ta trở nên hoang mang, bất an về một tương lai khó đoán định. Để có thể tiếp tục với cuộc sống phía trước mà không bị những gì đã qua đi ám ảnh, chúng ta cần tìm ra lối thoát và hướng phát triển mới. Đây là một quá trình phức tạp, qua nhiều đấu tranh tâm lý, mất nhiều thời gian và năng lượng.

Những ai có khả năng phát triển sau sang chấn?

Để nhận biết một cá nhân có thể hình thành khả năng này hay không, thang đo Kiểm kê Tăng trưởng Sau chấn thương (PTGI) do Tedeschi và Calhoun phát triển là công cụ thường được ưu tiên sử dụng. Thang đo này đo lường mức độ phản hồi tích cực trong 5 lĩnh vực chính:

1. Sức mạnh cá nhân (Personal strength)

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có sức mạnh tiềm ẩn, nhưng một số người có khả năng xử lý hậu sang chấn tốt hơn số còn lại. Vì đã từng trải qua hoặc chứng kiến sự kiện tương tự, họ được hình thành sẵn những kiến thức, kỹ năng và khả năng phục hồi.

2. Nhìn nhận khả năng mới (New possibilities)

Đối diện với hiện thực khắc nghiệt đòi hỏi các cá nhân phải nhanh chóng thích ứng và thay đổi. Quá trình này giúp những ai biết nhìn lại và nhận ra những thiếu sót của bản thân có thể kịp thời thay đổi cho phù hợp với môi trường và cuộc sống mới.

3. Điều chỉnh tinh thần (Spiritual change)

Xuất phát từ việc tự suy ngẫm về những điều thường bị bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày, và chỉ thực hiện được khi nhìn trực diện và đối thoại với cảm xúc của chính mình.

4. Kết nối với người khác (Relating to others)

Việc cải thiện và hình thành những mối quan hệ mới thường xuất hiện trong thời gian một người cố gắng điều chỉnh để quay lại nhịp sống cũ. Chính nhu cầu nhận sự hỗ trợ từ mọi người đã khiến các mối quan hệ thêm phần gắn kết.

5. Trân trọng cuộc sống (Appreciation of life)

Khi đối mặt với sợ hãi và mất mát, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn về những gì đã từng bị bỏ qua. Chẳng hạn đại dịch COVID-19 vừa rồi đã khiến nhiều người sống chậm lại và nhận ra giá trị cuộc sống đến từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Phát triển sau sang chấn không xuất hiện ở tất cả mọi người. Nếu một người vốn có tính cách mạnh mẽ và kiên cường, biến cố xảy ra không tới mức phải tìm kiếm niềm tin mới thì PTG sẽ không xảy ra. Ngoài ra, những người cởi mở với trải nghiệm mới và hướng ngoại có xu hướng phát triển khả năng sau sang chấn tốt hơn.

Cần làm gì để kích hoạt khả năng phát triển sau sang chấn?

Dù PTG không phải khả năng hiện có ở mỗi người, các nhà khoa học cho biết vẫn có cách để ‘mở đường’ và chuẩn bị cho những tình huống không may xảy đến trong tương lai.

Học cách chấp nhận sự thay đổi

Để vượt qua sang chấn, trước tiên mọi người cần thay đổi cách nhìn về hệ thống niềm tin cốt lõi.

Ví dụ, trước đại dịch nhiều người cho rằng các loại dịch bệnh nguy hiểm chỉ tồn tại trong quá khứ, điều tồi tệ chỉ xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, không phải nơi mình đang sống. Có người còn tin rằng hệ thống kinh tế - xã hội của chúng ta sẽ đủ sức chống chọi với mọi chuyện. Thế nhưng năm 2021 đã phá vỡ niềm tin của nhiều người, buộc họ có một hệ thống niềm tin mới.

Có thể điều này sẽ khiến bạn bối rối, lo lắng, sợ hãi và có xu hướng tạo ra suy nghĩ lặp đi lặp lại. Nhưng nghiên cứu cho thấy nó cũng có thể tạo ra những thay đổi có giá trị, miễn là ta chấp nhận nó.

Bài viết hỗ trợ bạn:

Vì sao chúng ta luôn ngại thay đổi?

4 Loại chuyển giao trong cuộc sống. Bạn đang ở đâu?

Cách chúng ta nghĩ về công việc sau đại dịch liệu có thay đổi?

Điều hòa cảm xúc

Những mất mát, thất bại, sự bất định là điều mà chúng ta không thể nào phủ nhận hay làm lơ. Nhưng cũng đừng vì thế mà quên đi những thành công, xem xét các khả năng trong trường hợp tốt nhất, suy nghĩ về nguồn lực, sự chuẩn bị của bạn và tìm hiểu những gì mà cá nhân bạn có thể làm được.

Bạn có thể điều chỉnh cảm xúc bằng cách quan sát chúng, đồng thời bổ trợ bằng việc tập thể dục và thực hành thiền định.

Hãy quan sát và cảm nhận những điều tốt đẹp diễn ra trong cuộc sống để điều chỉnh cảm xúc của mình.

Bài viết hỗ trợ bạn:

3 Bí quyết giúp bạn cải thiện khả năng tự nhận thức

Bí quyết ổn định tâm lý giữa đại dịch

Thử Rồi Thích: Thiền yêu thương (metta meditation)

Chia sẻ và tường thuật lại

Đây là lúc bạn nói về những gì đã và đang xảy ra, ảnh hưởng của nó và những gì bạn đang phải đấu tranh mỗi ngày. Việc chia sẻ và được lắng nghe từ những người chúng ta tin tưởng sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về sang chấn, từ đó biến những suy nghĩ tiêu cực thành những trải nghiệm tích cực.

Bước tiếp theo là tạo ra một câu chuyện chân thực về sự kiện tiêu cực đó và cách mà bạn đối mặt với cuộc sống sau này. Câu chuyện có thể là về một quá khứ đau buồn, nhưng nên dẫn đến một kết quả hoặc tương lai tốt đẹp. Nó giúp bạn chấp nhận hiện thực và tạo ra những thay đổi có ý nghĩa kế tiếp.

Bài viết hỗ trợ bạn:

Mở lòng: Khi bạn sẵn sàng chấp nhận khả năng bị tổn thương

Lắng nghe thấu cảm: Tập trung vào cảm xúc trong câu chuyện

Tham gia hoạt động thiện nguyện

Một công việc mang lại lợi ích cho người khác (giúp đỡ người thân, cộng đồng hoặc nạn nhân của những sự kiện tương tự với biến cố của bạn) là một cách hiệu quả để phát triển sau sang chấn.

Điều này khiến bạn an tâm và tin rằng nếu các trường hợp tương tự xảy ra, bạn có thể chủ động kiểm soát chúng. Đồng thời, tìm kiếm những sứ mệnh cá nhân và chia sẻ chúng cũng sẽ mang lại cho bạn năng lượng tích cực.

Bài viết hỗ trợ bạn:

Thiện nguyện mùa dịch: Khó khăn trăm bề không ngăn được tình người và sự tử tế

Nâng cấp và chăm sóc bản thân

Để sẵn sàng cho một năm 2022 với rất nhiều thay đổi, chúng ta càng nên “thương lấy thân mình” bằng việc đưa self-care lên một tầm cao mới. Không chỉ dừng lại ở việc tỉa tót cành lá để cho đẹp hơn, hãy dành thời gian để chăm bón bộ rễ tâm hồn.

Khi có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần lạc quan, bạn sẽ trong một tâm thế sẵn sàng đón nhận những gì đang chờ đợi phía trước, dù đó là cơ hội hay thách thức.

Bài viết hỗ trợ bạn:

Năm nay chúng ta nên nâng cấp việc chăm sóc bản thân như thế nào?