Tôi không thích đưa lời khuyên theo kiểu “Hãy làm X rồi bạn sẽ đạt được Y và cảm thấy Z" cho lắm. Chúng ta đang đứng tại những vị trí khác nhau trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời mình, vì thế nếu một kẻ ất ơ nào đó trên mạng (như tôi đây) lại bảo người khác phải làm gì thì có vẻ khá tự phụ.
Dù vậy, tôi nhận ra rằng rất nhiều người vẫn cần thêm một số hướng dẫn trong vấn đề này. Bởi bắt đầu khám phá về những khía cạnh của bản thân mà trước đó bạn thậm chí còn không biết có tồn tại là một trải nghiệm đầy bối rối (và đáng sợ).
Cho nên đây là một danh sách, ngắn thôi, những bước đầu tiên bạn có thể thực hiện để tự nhận thức về bản thân tốt hơn.
Luyện tập chánh niệm
Chánh niệm chỉ đơn giản là một phương pháp quan sát những gì đang diễn ra trong tâm trí, cơ thể và môi trường xung quanh bằng tất cả sự tập trung, rõ ràng, và quan trọng hơn cả là chấp nhận chúng.
Bạn phải tập trung cao độ vào những gì bạn đang suy nghĩ và cảm nhận tại một thời điểm nhất định. Sau đó bạn phải làm rõ: chúng xuất hiện ở đâu trong cơ thể bạn, cụ thể thì bạn cảm thấy thế nào – nóng hay lạnh, phấn khích hay sợ hãi, chỉ thoáng qua hay kéo dài,...
Thiền là một công cụ hỗ trợ bạn thực hành chánh niệm, nhưng không phải là mục tiêu. Nó chỉ đơn thuần dạy bạn cách nhận thức suy nghĩ và cảm xúc tốt hơn, thường là trong lúc bạn ngồi xuống tĩnh lặng và không có bất kỳ sự phân tâm nào (nhưng về mặt kỹ thuật, ở môi trường nào bạn cũng có thể thiền được).
Còn mục tiêu chính là sử dụng kỹ thuật tự nhận thức mà bạn học được từ việc thiền để áp dụng vào đời sống. Từ đó, bạn tập trung, sáng suốt hơn và biết cách chấp nhận mọi chuyện đang diễn ra tại bất kỳ thời điểm nào.
Trải mọi thứ thành con chữ
Giữ thói quen viết nhật ký, mở một trang blog, gửi email cho chính mình, nguệch ngoạc vài dòng trong sổ tay – cách nào cũng được, bởi vì viết cũng như một dạng thiền, hơn ở chỗ nó còn kích hoạt một bộ phận não.
Bởi vì viết lách đòi hỏi bạn phải tập trung vào tâm trí và biết rõ mình đang nghĩ hay cảm thấy như thế nào. Như tác giả Flannery O’Connor từng nói, “Tôi viết ra bởi vì tôi không biết mình nghĩ gì, cho đến khi tôi đọc lại những gì mình nói.”
Phương pháp này không yêu cầu bạn phải viết sao cho hoa mỹ hay theo trình tự thì mới thu được hiệu quả. Chỉ đơn giản sắp xếp lại suy nghĩ của bạn ra giấy là đã đủ để bạn thấy rõ suy nghĩ và cảm nhận của mình, còn hơn là để nó dồn ứ trong đầu.
Nhiều người gửi email cho tôi mỗi ngày để hỏi lời khuyên, và lần nào tôi cũng ngạc nhiên vì rất nhiều người kết một email dài bằng câu “Tôi biết là hơi dài và có lẽ anh sẽ không hồi âm, nhưng chỉ riêng việc gõ ra đã giúp tôi nhìn nhận đa chiều hơn về tình huống của mình".
Lý do là vì họ phải làm rõ vấn đề trong đầu trước khi trải ra thành con chữ trong email. Cách này nghe thì đơn giản nhưng lại hiệu quả.
Đón nhận phản hồi chân thành từ người khác
Hãy nhờ một người mà bạn hoàn toàn tin tưởng chỉ ra “điểm mù" của bạn. Đây là một cách cực kỳ hữu hiệu trong công cuộc tự nhận thức, nhưng cũng có thể mang đến niềm đau không tưởng.
Người khác thường có góc nhìn chuẩn hơn chúng ta, đặc biệt là gia đình và bạn bè thân thiết. Hỏi ý họ là cách đơn giản và an toàn nhất (“an toàn" ở đây nghĩ là xác suất bạn nổi trận lôi đình vì bị tổn thương lòng tự trọng sẽ thấp hơn), giúp bạn nhận thức về mình rõ hơn.
Đây là một hình thức cao cấp nên tôi không khuyến nghị cho tất cả mọi người. Ít nhất thì bạn phải bắt đầu khám phá ra những điều “chẳng ra sao" về mình cái đã. (Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy tham khảo ba phần của 3 Cấp độ tự nhận thức).
Nếu bạn yêu cầu bạn bè và người thân đưa ra nhận xét chân thật nhất về con người bạn, bao gồm tính cách hoặc/và một vài khía cạnh trong cuộc sống mà bạn không nắm rõ lắm, những gì họ sắp sửa nói có thể sẽ không dễ nghe.
Ai cũng có một vài vết nhơ không muốn nhớ lại. Ai cũng từng hối hận vì đã làm những điều ngu ngốc. Ai cũng đã một lần khiến người khác tổn thương.
Cho nên, nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng nghe ai đó phê bình, hãy thử bầu bạn với hai phương pháp chánh niệm và viết lách trước đã. Để làm quen với cách này, bạn cần phải a) tin tưởng người đó sẽ thật lòng với bạn và b) không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe lời thật mất lòng. Không phải ai cũng biết lựa lời, nhưng tôi vẫn cho rằng đây là một điều đáng thử.