Nếu bạn đã cố gắng hết sức, đừng tự đánh giá thấp bản thân | Vietcetera
Billboard banner

Nếu bạn đã cố gắng hết sức, đừng tự đánh giá thấp bản thân

Như nhiều bạn trẻ, mình làm “trái” ngành và lắm lúc không tự tin vào thực lực bản thân, nhưng...
Nếu bạn đã cố gắng hết sức, đừng tự đánh giá thấp bản thân

Nguồn: John Paul Duhan/ Pexels

* Biên tập từ chia sẻ của bạn Jenn Tran gửi về cho hòm thư Làm Lành của Vietcetera

Bao năm miệt mài đèn sách ở nước ngoài, với chuyên ngành Quản trị nhà hàng khách sạn (Hospitality Management), mình rất mong chờ tới ngày tốt nghiệp. Nhưng đúng lúc đó thế giới bỗng lù lù xuất hiện một con “yêu quái” tên là Covid, khiến ngành du lịch bị sa sút không biết ngày phục hồi. Ôm tấm bằng tốt nghiệp trong tay mà mình chỉ biết khóc.

Mình không biết đã nộp bao nhiêu lá đơn xin việc, vẫn không một hồi âm. Tìm việc hơn nửa năm trời, cuối cùng mình nhận được thư phỏng vấn từ một công ty kiểm toán. Công việc chủ yếu là hỗ trợ các dự án về mảng dịch vụ tài chính.

Lúc đó bản thân mình cũng hoang mang lắm, vì đây không phải chuyên ngành mình học nên lo lắng đủ đường. Nhưng mình đã tuyệt vọng quá rồi nên quyết định “làm liều”. Mình tự nhủ nếu không được thì coi như phỏng vấn lấy kinh nghiệm vậy.

Mình vẫn còn nhớ chị phỏng vấn mình đã hỏi một câu: Học chuyên ngành quản trị nhà hàng khách sạn thì em có thể áp dụng được gì vào công việc liên quan tới tài chính như này?

Lúc đó mình cũng trình bày thật tình vì hoàn cảnh đẩy đưa nên mới xin việc trái ngành, rồi giải thích rằng vì mình học về quản trị nên cũng được đào tạo căn bản về kế toán, tài chính và quản lý doanh thu. Hơn nữa mình cũng thành thạo tin học văn phòng Microsoft Office, tính toán Excel được. Chị ấy cười, có vẻ hài lòng với câu trả lời của mình. Thế là mình vượt qua vòng phỏng vấn thứ hai.

Vòng cuối cùng là vòng kiểm tra kỹ năng giao tiếp dưới dạng viết. Lúc đó mình chết trân, gì chứ môn Viết tiếng Anh là mình sợ lắm. Người duyệt kết quả và cũng là người hướng dẫn mình thực hiện vòng kiểm tra này lại ở tận Nam Phi, dù mình đang xin vào công ty ở Mỹ.

Trước khi kết thúc cuộc gọi với chị, mình hỏi có phải chị ở Johannesburg không, vì mình là fan cứng của Trevor Noah. (Trevor Noah là một người dẫn chương trình, diễn viên hài độc thoại và là tác giả sách người Nam Phi). Nghe nhắc tới Trevor Noah là chị cười sảng khoái, bảo cũng thích Trevor lắm.

Mình viết bài xong thì gửi đi nhưng trong lòng rối như canh hẹ tại bài viết dở ẹc, phen này chắc tạch rồi.

Mấy ngày hôm sau mình nhận được email trúng tuyển, cảm thấy hơi bất ngờ. Nghĩ đi nghĩ lại, có khi nào vì niệm tình đều là fangirl của Trevor Noah nên chị ấy châm chước cho lỗi chính tả của mình không?! Kể cả khi vượt qua ba vòng phỏng vấn và nhận offer rồi mình vẫn cảm thấy hoài nghi về thực lực của bản thân như vậy.

Nguồn Ketut Subiyanto Pexels
Nguồn: Ketut Subiyanto/ Pexels

Đúng là không được đào tạo bài bản chuyên sâu về tài chính kế toán nên mới đầu vào làm mình thực sự rất nản. Có cả trăm ngàn lí do để nghỉ việc hiện ra trong đầu nhưng mình không dám, chỉ vì sợ nghỉ rồi thì lấy gì nuôi thân.

May mắn thay, lúc tuyệt vọng nhất thì mình gặp được quý nhân, người bây giờ cũng là mentor của mình.

Đợt đó mình được chia vào cùng nhóm với một chú có kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngân hàng. Chú ấy mất việc vì Covid nên cũng mới được tuyển vào làm. Hễ rảnh rang mình lại mang giấy tờ sang hỏi. Chú thấy mình ham học nên chỉ bảo rất tận tình. Dần dà mình cũng quen mặt giấy, học hỏi được khá nhiều về các loại thuế, giấy tờ tài chính, và cách vận hành của hệ thống ngân hàng, v.v.

Sau khi kết thúc dự án, mình viết email cảm ơn chú ấy. Không có chú giúp đỡ chỉ dạy, chắc mình đã bị cho thôi việc từ lâu. Chú ấy khuyên mình một câu mà mình nhớ mãi: “Don’t sell yourself short”, tạm dịch là “Đừng tự đánh giá thấp bản thân”, nhằm khích lệ mình nên tự tin hơn.

Mặc dù sống, học tập và làm việc ở Mỹ mấy năm nay, nhưng điểm yếu của mình vẫn là tiếng Anh. Trong các cuộc họp với team, mình rất ngại lên tiếng. Ngay cả trong những cuộc tám chuyện mình cũng chỉ lắng nghe là chủ yếu, dù hiểu hết nhưng rất ít khi góp chuyện.

Khác với kỹ năng cứng, kỹ năng ngôn ngữ giao tiếp không phải rèn một hai ngày là được. Có một đợt, công ty giao cho mình dịch giấy tờ tài chính cho một số doanh nghiệp Việt Nam sang tiếng Anh. Mình định thoái thác vì khả năng ngôn ngữ của mình cũng xoàng thôi, đâu thể nhận trọng trách này được.

Đem chuyện này kể cho chú mentor nghe, chú bảo “Làm đi, vì người ta nhìn thấy tiềm năng của mình nên mới giao việc. Hơn nữa, cả cái văn phòng có mỗi mình con là người Việt, con không nhận ai nhận”. Nhớ lời mentor dặn “Don’t sell yourself short” nên mình nhận. Mình lên mạng mò mẫn hết hai ngày trời mới dịch xong. Xong việc chị giám đốc còn viết email cảm ơn, khen ngợi, làm mình vô cùng phấn khích.

Qua nhiều sự việc, mình nhận ra rằng xưa nay mình cứ chăm chăm nhìn vào cái không tốt, cái yếu kém của bản thân, mà quên mất không tập trung phát triển điểm mạnh của bản thân.

Tuy không am hiểu về tài chính như bao đồng nghiệp khác, nhưng chịu khó trau dồi học hỏi thì mình cũng có thể hoàn thành tốt công việc. Tuy tiếng Anh không xuất sắc, nhuần nhuyễn như người bản xứ, nhưng mình lại nói được hai thứ tiếng, như vậy nhiều lúc lại được việc.

Điều quan trọng nhất là hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để trau dồi và phát huy. Bây giờ, mỗi khi mình được giao việc quan trọng hay những lúc chuẩn bị cho phỏng vấn xin việc, mình hay đọc câu “Don’t sell yourself short” trong đầu như một câu thần chú để giúp mình tự tin hơn.