Tự tin thế nào cho vững vàng để cơ hội luôn sẵn sàng? | Vietcetera
Billboard banner

Tự tin thế nào cho vững vàng để cơ hội luôn sẵn sàng?

Sự tự tin đã mang lại cho mình nhiều cơ hội. Nhưng nó cũng có thể dễ dàng bị tước đi, kể cả khi mình đã làm theo những gì bản thân tin tưởng là đúng đắn.
Tự tin thế nào cho vững vàng để cơ hội luôn sẵn sàng?

Nguồn: Pixabay

“Em không nên chào thầy khi đứng trước cả hội đồng như vậy, người ta sẽ nghĩ em còn là sinh viên.”

Anh sếp nói với mình ở hành lang, sau khi mình vừa trình bày phương án thiết kế website cho ngân hàng ACB khoảng đầu năm 2012. Sự thật thì lúc đó mình vẫn đang còn đi học. Ngồi bên dưới, giữa hội đồng đánh giá các nhà thầu dịch vụ, có người anh là giáo viên từng dạy mình một khoá về branding/marketing.

Sự tự tin rất quan trọng. Nó đã mang lại cho mình nhiều cơ hội, như việc được chọn là người trình bày cho công ty một dự án quan trọng, dù chỉ là một sinh viên mới ra trường vẫn còn đang trong thời gian thử việc.

Và nó cũng dễ dàng bị tước đi chỉ bằng một câu nói, kể cả khi mình đã làm theo những gì bản thân tin tưởng là đúng đắn.

Trải qua nhiều năm, nghiệm đủ các tình huống từ rất tự tin đến tự mãn, rồi tự kiêu rớt xuống vực tự ti, thì bài viết này là những gì mình đúc kết về sự tự tin.

Tự tin đến từ đâu?

Sự tự tin thường đến từ 3 nguồn vật chất năng lực bản thacircn
Sự tự tin thường đến từ 3 nguồn: vật chất, năng lực, bản thân.

Tạm bỏ qua các “mánh hành vi” như nói to hơn, luôn mỉm cười,... chỉ để thể hiện một sự tự tin bên ngoài, dễ mất. Thì với mình, sự tự tin chắc chắn hơn thường đến từ ba thứ:

1. Tự tin bởi vật chất

Lần đầu tiên mình có điện thoại di động là năm lớp 10, do mẹ phải đi làm cả ngày nên muốn mình có cách để dễ liên lạc khi cần.

20 năm về trước, việc sở hữu một chiếc điện thoại ở tầm tuổi thiếu niên đã là cái gì đó rất “ngầu”. Chỉ cần rút ra khỏi túi quần cũng đã khiến mình tràn trề tự tin, ngẩng cao đầu so với bạn bè cùng trang lứa.

Sự tự tin khi sở hữu được những vật chất giá trị hơn trung bình những người xung quanh ta rất dễ có, và vì thế nó cũng phổ biến trong xã hội.

2. Tự tin bởi năng lực

Khi còn là sinh viên, nhờ khả năng trình bày và phản biện, mình đã hoàn thành được nhiều dự án với kết quả tốt. Thậm chí có dự án từ điểm “rớt” thành điểm “cao” sau khi mình được giải thích ý tưởng rõ hơn với giảng viên.

Nhờ sự tự tin từ năng lực này mà khi ra trường đi làm, mình đã có thể đi nhanh hơn trong lĩnh vực Product Design, và sau đó là tiếp tục được năng lực chuyên môn nuôi dưỡng trên các hành trình khác.

Khi có cơ hội thể hiện điểm mạnh của bản thân, sự tự tin sẽ xuất hiện một cách dễ dàng. Người càng có nhiều thế mạnh như ngoại hình, quan hệ,… lại càng dễ có tự tin.

3. Tự tin bởi bản thân

Cũng không biết từ bao giờ, khi tiếp xúc những mối quan hệ mới, gặp gỡ những người chưa từng gặp, mình không còn muốn giới thiệu quá chi tiết vào công việc, thành tích hay địa vị xã hội. Thường mình chỉ đơn giản mô tả bản thân “là một người muốn sống nhiều hơn, hay hỏi những câu hỏi kỳ lạ, thường mơ mộng và viết những lời viển vông”.

Dù chỉ vậy mình vẫn giữ được sự tự tin khi ở xung quanh toàn là những người tài giỏi, thành công trong lĩnh vực của họ.

Đây cũng là loại tự tin mình sẽ nói nhiều hơn trong bài viết này.

Xây dựng sự tự tin như thế nào?

Coacute lẽ ai cũng biết tự tin lagrave quan trọng Nhưng quan trọng lagrave tự tin như thế nagraveo mới quotbền vữngquot
Có lẽ ai cũng biết tự tin là quan trọng. Nhưng quan trọng là tự tin như thế nào mới "bền vững"?

Bước đầu tiên là biết được sự tự tin đến từ đâu để kiểm tra lại một lượt trong từng tình huống hàng ngày, xem sự tự tin mình đang có đến từ khía cạnh nào.

Tiếp theo là nhận định rõ hơn bản chất của từng loại tự tin.

Sự tự tin đến từ vật chất, là thứ cực kỳ mỏng manh và dễ bị tước mất. Nó thậm chí còn có thể gây nghiện, dần tha hóa ta trở thành một người tự kiêu khinh thường người khác. Ta có thể giàu hơn bạn bè, nhưng vẫn đầy người giàu hơn ta ngoài kia. Và tiền là những con số tự nhiên vô hạn không có sự kết thúc.

Có năng lực và tự tin về nó là một điều rất tốt, nhưng nó có thể không hiệu quả ở nhiều phương diện xã hội. Núi cao sẽ luôn có núi cao hơn, mà leo lâu ngày sẽ mệt. Mặt khác, sự sự tin này có thể dễ khiến ta rơi vào xu hướng muốn ở lại căn phòng nơi ta là người thông minh nhất, rồi lâu ngày lại sinh ra tự mãn.

Một cầu thủ đá bóng chỉ cần bị một chấn thương có thể sẽ phải chấm dứt hoàn toàn sự nghiệp của mình. Năng lực cũng có thể bị lấy mất.

Mình dù tự tin với năng lực thuyết trình, nhưng cái mác “còn là sinh viên” có thể cuốn phăng đi mọi đánh giá tương xứng với năng lực thực sự của mình trong một số trường hợp.

Chính vì thế mình nghĩ chỉ có sự tự tin bởi bản thân mới gọi là thứ tự tin bền vững.

Thế nào là tự tin bởi bản thân?

Tự tin đến từ bản thacircn bao gồm những gigrave
Tự tin đến từ bản thân bao gồm những gì?

Mình cho rằng sự tự tin này được tạo bởi hai yếu tố: sự tự tin vào năng lực + niềm tin vào sự xứng đáng của bản thân.

Trong đó, sự tự tin vào năng lực đến từ:

  • Đánh giá đúng năng lực hiện tại. Ta tạo được một hệ thống đánh giá, phản hồi để liên tục “thấy” được vị trí hiện tại. Hệ thống này có thể là: phương pháp (viết nhật ký, chiêm nghiệm,...), con người (sếp, đồng nghiệp, mentor,…), công cụ (calendar, time-tracking,…). Nhờ đó mà ta biết được điểm mạnh, và điểm yếu của mình.
  • Có kế hoạch rõ ràng để cải thiện. Có kế hoạch, biết phải làm gì, và thực hiện mỗi ngày để giúp bản thân không bị cảm giác trì trệ, tụt hậu.
  • So sánh hợp lý. Hợp lý nhất là so sánh với bản thân, còn nếu muốn so sánh với người khác, hãy so sánh từ điểm bắt đầu. Chẳng hạn như nếu bạn bắt đầu viết blog, hãy so sánh với những bài blog đầu tiên của những blogger nổi tiếng, không phải so sánh với họ bây giờ.
  • Chấp nhận thử thách, đối diện với khó khăn. Cơ bắp muốn phát triển phải trải qua nỗi đau “rách cơ”. Người muốn phát triển cần phải vượt qua thử thách hơn năng lực. Hiểu thấu đáo điều này thì tâm thế sẽ vững vàng hơn khi khó khăn ập tới.

Còn niềm tin vào sự xứng đáng của bản thân là thứ giúp bạn vẫn tự tin dù năng lực của mình đang ở mức nào. Bạn tự tin vì bản thân sẵn sàng đối mặt với mọi thứ. Điều này có thể đến từ:

  • Lòng tự trọng. Chìa khóa của lòng tự trọng là đánh giá cao những gì bạn đang có và không lo lắng về những gì người khác nghĩ.
  • Đặt ra và gìn giữ những giá trị cá nhân. Mình đã viết một bài về những giá trị này ở đây.
  • Có ranh giới đỏ cho mọi thứ. Học cách nói “Không” còn quan trọng hơn là biết khi nào nên im lặng. Nó giúp bảo vệ chúng ta khỏi những thứ có thể gây tổn hại bản thân.
  • Tự kỷ luật cá nhân. Với mình, tự kỷ luật còn là một dạng thức cao cấp của việc tự yêu bản thân, bởi khi đã rất muốn điều gì đó, bạn chấp nhận chịu đựng mọi thứ để cho bản thân đạt được điều đó.
  • Làm bạn, và thấu cảm với chính mình. Cách bạn yêu bản thân sẽ hướng dẫn người khác làm thế nào để yêu bạn. Ngay cả khi bạn bị "mất năng lực" thì bạn vẫn có năng lượng để lấy lại sự tự tin.

Suy nghĩ cuối

Trên hành trình xây dựng sự tự tin bản thân, đã không ít lần cái tôi của mình trở nên to lớn, biến sự tự tin này trở thành tự mãn, thậm chí còn là tự kiêu, làm cho không ít người ghét bỏ. Mình xin đưa ra một ví dụ để bạn đọc có cơ sở, từ đó sớm nhận ra chúng:

Tự tin: Tôi biết tôi có thể tự kiếm đủ tiền để mua chiếc xe motor mà tôi thích, không cần phải chứng minh với ai, đơn giản là vì tôi có thể.

Tự mãn: Tôi liên tục khoe chiếc motor này với mọi người, ngay khi có cơ hội là tôi sẽ kể về nó. Không cần biết người ta có quan tâm hay không.

Tự kiêu: Tôi cảm thấy những người không thể kiếm đủ tiền để mua xe giống tôi là không cùng đẳng cấp, và không cùng đẳng cấp…thì khó nói chuyện. Tiêu chí kết bạn với tôi bây giờ hoặc là phải có xe tương đương, hoặc xịn hơn mới xứng đáng.

Dĩ nhiên trong cuộc sống, những khái niệm này ẩn dưới các hình thức tinh vi hơn. Nhưng mình tin là những bạn đọc đủ kiên nhẫn tới đây, cũng sẽ có đủ sự tinh tường để nhận ra điều này ở người, và ở bản thân mình.

Và nhớ rằng, tự tin không phải là để lấy được sự tôn trọng từ người khác, mà tự tin là để mình tôn trọng chính mình.