Vì sao chúng ta cảm thấy tốt hơn khi nghe nhạc buồn? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
24 Thg 03, 2021
Tâm Lý Học

Vì sao chúng ta cảm thấy tốt hơn khi nghe nhạc buồn?

Điều gì ẩn chứa sau những bản nhạc buồn khiến cho tâm trạng của chúng ta tốt hơn mỗi khi nghe nó?
Vì sao chúng ta cảm thấy tốt hơn khi nghe nhạc buồn?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Tại sao nhiều người khi buồn bã lại thích nghe những bài hát có giai điệu ảm đạm, thay vì làm gì đó vui tươi?

Chúng ta hay cho rằng khi buồn thì cần phải tiếp thêm năng lượng tích cực nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Sau đây là những lý giải cho việc này.

Nhạc buồn làm thay đổi hormone trong cơ thể

Ở khía cạnh sinh hóa, các nhà khoa học cho rằng nhạc buồn làm tăng mức độ prolactin - một loại hormone giúp kiềm chế sự đau buồn. Khi nghe những bản nhạc u sầu, cơ thể bạn bắt đầu chuẩn bị cho một điều tồi tệ bằng cách tăng lượng hormone này. Tuy nhiên khi bản nhạc kết thúc và không có chuyện gì xảy ra, cơ thể sẽ kết hợp hóa chất này với những chất ức chế khác khiến bạn có cảm giác dễ chịu.

nhạc buồn
Việc thay đổi hormone khi nghe nhạc buồn khiến bạn cảm thấy tốt hơn.

Ngoài ra dựa vào kết quả quét não, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng nghe nhạc u buồn cũng có thể giải phóng dopamine - chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò kiểm soát vùng trao thưởng và khoái cảm của não. Loại hormone này đưa con người đến đỉnh điểm nhất định của cảm xúc và đó chính là tác nhân giúp họ nhận thấy được niềm vui khi nghe giai điệu buồn.

Nhạc buồn giúp bạn thấy mình không quá “đen”

Dưới góc độ tâm lý học xã hội, có một giả thuyết giúp giải đáp hiện tượng này đó chính là thuyết so sánh xã hội (social comparison). Cụ thể trong trường hợp này, con người sẽ dùng cách so sánh dưới (downward social comparison) - so sánh bản thân với người bất hạnh hơn để cảm thấy tốt về mình.

Khi trải qua một sự kiện đe dọa về mặt tâm lý (psychological threat) như thất tình, thất bại hoặc thất vọng, con người có xu hướng so sánh dưới bởi điều này có ảnh hưởng tích cực lên lòng tự trọng, cảm xúc và tinh thần của họ.

Tình yêu đơn phương của bạn suy cho cùng cũng không thể nào tệ hơn những nỗi buồn trong nhạc của Mr.Siro.

Nhạc buồn giúp bạn ổn định tâm trạng

Trong thuyết phân tâm, khái niệm ‘thanh tẩy’ (catharsis) thường được dùng để chỉ sự giải phóng cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật, hoặc sự giải phóng cảm xúc cho khán giả khi xem tác phẩm đó.

Ví dụ như trong Romeo và Juliet, hai nhân vật chính đã tìm sự giải thoát cho tình yêu ngang trái bằng cách chết cùng nhau. Trong khi đó, khán giả lại cảm thấy được giải tỏa khi chứng kiến hai gia tộc phải chôn cất chính đứa con của mình bởi mối thù dai dẳng giữa họ.

nhạc buồn
Nhạc buồn giúp hàn gắn nỗi đau.

Nghe nhạc buồn cũng có hiệu ứng tương tự như xem những bộ phim bi kịch. Nhiều người thường thích nghe nó khi đang ở giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, vì âm nhạc giúp họ giải phóng cảm xúc bị dồn nén mà không gây hại cho ai khác hoặc chính mình. Lúc này, họ có thể hòa mình vào nỗi buồn trong âm nhạc mà không phải chịu những hậu quả bắt nguồn từ sự tiêu cực trong đời thực.

Bên cạnh đó, nhạc buồn thường có tiết tấu chậm, khoảng 70 bpm (nhịp trên phút). Đây là tiết tấu được chứng minh là có khả năng điều hòa nhịp tim và ổn định tinh thần, bởi nó gần với nhịp đập trung bình của tim.

Buồn thật ra cũng không tệ đến vậy

Khác với định kiến rằng buồn rầu là điều mà chúng ta cần phải né tránh trong cuộc sống, tác phẩm được tạo nên từ nỗi sầu muộn thường được coi là nghệ thuật. Nhiều người còn tìm đến nhạc buồn để cảm nhận vẻ đẹp của nó.

Một số nghiên cứu đề xuất rằng đối với người có sự thấu cảm cao, nhạc buồn dễ dàng “chạm” đến họ hơn. Qua âm nhạc họ có thể trải nghiệm cùng cảm xúc và kết nối với tác giả lẫn những người đồng cảnh ngộ. Họ cũng thường cho rằng, nhạc buồn có tính duy mỹ và chất lượng hơn những thể loại khác.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng có nhu cầu vui lên mỗi khi buồn. Đôi khi người ta nghe nhạc buồn là bởi bài hát đó đóng vai trò như chiếc gương phản ánh tâm trạng của mình lúc đó, ví dụ như khi mất đi người thân hoặc kết thúc một mối tình. Thay vì gượng ép bản thân phải vui lên, nhạc buồn cho họ không gian để đối mặt, xử lý cảm xúc và bước tiếp.

Kết

Tuy nhiên, nỗi buồn trong mỗi người sẽ hoạt động không giống nhau, do đó tác động của nhạc buồn đến cảm xúc khi nghe cũng khác nhau đối với từng đối tượng. Cũng giống như việc không phải ai cũng khóc khi coi cùng một bộ phim, nhạc buồn cũng không phải là "liều thuốc thần” khiến tất cả mọi người đột nhiên vui tươi sau khi trải qua mất mát.