Âm nhạc, một thứ thật kỳ diệu. Bằng cách nào đó, chúng ta phân biệt được âm nhạc và những tiếng ồn. Khi có âm nhạc, chúng ta thoáng chốc trở thành con người khác, hay ở một nơi khác.
Ngoài tăng sự tập trung, đối với những công việc sáng tạo, âm nhạc còn trở thành một “tấm vé” giúp chúng ta tạm thời thoát khỏi thế giới thực và khám phá một vùng nhận thức mới với những ý tưởng mới.
Âm nhạc tác động đến não bộ của chúng ta như thế nào?
Ai cũng có thể nhận ra rằng âm nhạc có thể thay đổi trạng thái cảm xúc hay cách chúng ta tư duy. Đó là lý do âm nhạc có thể đóng vai trò như một ngôn ngữ chung, truyền tải thông điệp ai cũng có thể hiểu. Điển hình là khi âm nhạc được sử dụng trong các dịp quan trọng như: đám cưới, đám tang và nhiều thể loại sự kiện đông người khác.
Khi nghe những bản nhạc ta thích, não bộ tiết ra dopamine, chất dẫn truyền thần kinh đem lại cảm giác tích cực, với liều đủ cao có thể khiến ta cảm giác hạnh phúc cực độ. Nếu bạn đã từng nổi gai ốc trong sung sướng khi nghe nhạc, đó là hiệu ứng thần tiên mà dopamine mang lại.
Với khả năng thay đổi trạng thái tuyệt vời như vậy, âm nhạc là “chất kích thích” tinh thần hoàn hảo cho bộ não của bạn. Tuy vậy, bạn cần phải biết chọn những thể loại nhạc phù hợp để làm việc, nếu không thì dễ “sướng quá hóa hại” khi bạn bị phân tâm bởi âm nhạc.
Nhạc không lời sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn vì thường có nhịp điệu lặp lại, và không bắt não phải phân tích lời nhạc. Ngoài chọn nhạc theo gu, bạn cũng cần phải chú ý tới công việc trước mắt để âm nhạc trở thành một công cụ đắc lực hỗ trợ bạn qua những tác vụ khó.
Sau đây là những thể loại nhạc không lời mà bạn có thể tham khảo ngay lúc này.
1. Nhạc game
Nhạc nền của các trò chơi điện tử là lựa chọn lý tưởng khi làm việc. Mục đích của các bài nhạc này là tạo cho bạn sự tập trung và kích thích trí não người chơi khi họ giải quyết những vấn đề, hay khám phá thế giới trong các game. Nghe khá giống với công việc hàng ngày của bạn phải không nào?
Thật ra nếu bạn có thể nhìn công việc như một trò chơi và từng bước tìm giải pháp để qua màn, hoặc lên cấp, thì bỗng công việc trở thành một thứ thú vị hơn rất nhiều.
2. Nhạc phim
Cũng được tạo ra với mục đích tương tự như nhạc game, nhạc phim được sáng tác với một tiết tấu vừa phải, với mục đích khiến ta bị thu hút vào những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Hãy tận dụng đặc tính này để khiến mình bị “cuốn” vào công việc trước mắt.
Những nhà soạn nhạc phim là những bậc thầy trong việc điều khiển sự tập trung và cảm xúc người nghe, một cái tên tiêu biểu là Hans Zimmer được các đạo diễn kỳ cựu chọn mặt gửi vàng qua trong những tác phẩm điện ảnh hoành tráng như The Dark Knight, Inception, Interstellar, Kung Fu Panda, Pirates of The Caribbean,...
3. Nhạc jazz
Jazz được khai sinh bởi những người Mỹ gốc Phi tại thành phố New Orleans vào khoảng đầu thế kỷ 20. Các nghệ sĩ tiêu biểu của Jazz là Louis Armstrong, Miles Davis, Charlie Parker...
Nhạc jazz thường được nhận định là dòng nhạc kén người nghe. Khi nhắc tới Jazz người ta thường liên tưởng tới những khán giả lớn tuổi, với một độ am hiểu nhất định về văn hóa và lịch sử của thể loại nhạc này.
Nhưng thật ra jazz vẫn tiếp tục sống tốt những playlist của các bạn trẻ. Càng ngày càng có nhiều người tìm jazz với những giai điệu cổ điển và đặc biệt khó tìm thấy ở các dòng nhạc đương đại.
4. Post-rock
Post-rock là một dạng nhạc rock thể nghiệm, đem các âm thanh cơ bản của rock cổ điển như guitar điện, guitar bass, trống kết hợp cùng những hiệu ứng “méo tiếng” từ bàn phơ (fuzz), những âm thanh ambient từ synthesizer và có thể là vô số những loại nhạc cụ khác để đem tới một bản nhạc không lời mang chủ đề và không khí rõ ràng.
Điều đặc biệt của post-rock là: không như những bản nhạc có lời, nghệ sĩ thường sẽ cho bạn một “điểm khởi đầu” bằng hình ảnh bìa album và tựa đề mỗi bài hát, từ đó bạn sẽ tự bắt đầu chuyến hành trình riêng qua từng nhạc phẩm bằng tư duy cá nhân và trải nghiệm riêng.
Và dù không có lời nhạc, bạn sẽ dễ dàng nhận ra phong cách đặc trưng của từng nghệ sĩ post-rock tùy vào những thành tố âm nhạc mà họ sử dụng.
5. Nhạc 50-80 bpm (50-80 nhịp một phút)
Nhạc có tiết tấu 50-80 nhịp một phút là những bản nhạc được chứng minh là tốt cho khả năng tư duy, sáng tạo, giúp điều hòa nhịp tim và làm ổn định tinh thần. Lý do là tiết tấu này gần bằng với nhịp tim trung bình của chúng ta, ngoài ra còn tăng cường sóng não alpha.
Sóng não alpha là dạng sóng não diễn ra khi con người ở trạng thái cân bằng, không quá hào hứng khiến chúng ta nhanh hết năng lượng, nhưng cũng không quá thư giãn khiến chúng ta “chảy thây” và chẳng muốn làm gì.
Khi nghe nhạc 50-80 bpm, não bộ của chúng ta ở trạng thái hoàn hảo để tập trung tiếp nhận và xử lý thông tin. Tiết tấu đều của nhạc giúp ta nhanh chóng vào trạng thái “dòng chảy” để làm việc một cách hiệu quả nhất.
Với tiết tấu này có hai lựa chọn âm nhạc dành cho bạn (dù bạn nên thử trải nghiệm cả hai vì chúng đều rất hay): đó là baroque và lofi Hip hop.
Baroque là dòng nhạc cổ điển với giai điệu vui tươi, rất thịnh hành ở châu Âu từ những năm 1600 đến 1750. Đây là dòng nhạc được chứng minh là tăng cường khả năng của não bộ, và là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn thích âm thanh cổ điển.
Lofi Hip hop lại phù hợp với ai thích sự trẻ trung, hiện đại. Lofi là viết tắt của low-fidelity, tức chất lượng thấp, được khai sinh từ những nhà sản xuất âm nhạc độc lập làm nhạc tại nhà, do đó không có được sự trau chuốt thường thấy ở những sản phẩm phòng thu.
Dường như có yếu tố gì đó rất ấm áp và hoài cổ trong nhịp beat có phần bị ù, tiếng kêu loẹt xoẹt, lách tách đặc trưng của một chiếc đĩa than cũ,... đây là những yếu tố đặc trưng trong âm thanh của một bản nhạc lofi.
Nhạc lofi với giai điệu đơn giản, lặp lại, và tiết tấu chậm rãi, cộng với chút bồi hồi hoài niệm dễ dàng đưa đầu óc bạn vào trạng thái bình yên, thư giãn để thực sự chú tâm và suy nghĩ về công việc hay những vấn đề đang khiến bạn lăn tăn trong cuộc sống.