Hồi nhỏ có lẽ không ít người trong số chúng ta từng “nghiện” ăn chực nhà hàng xóm. Bằng một phép lạ nào đó, món ăn bác ấy nấu luôn ngon hơn mẹ nấu, dù bạn ăn món đó mỗi ngày và bác hàng xóm cũng dùng đúng công thức ấy.
Lớn lên đi học xa nhà, bạn nấu cơm với đứa bạn cùng phòng. Phản ứng tương tự lại xảy ra: Cùng một công thức nấu, nhưng nó nấu thì rất ngon, còn bạn nấu xong lại thấy cũng… bình thường. Vậy điều gì dẫn đến sự khác biệt giữa trải nghiệm ẩm thực “mình nấu” và “người khác nấu”?
Bạn đã quá quen thuộc với mùi vị mình nấu
Trong bài viết Vì sao đã rất no nhưng ta vẫn có thể ăn thêm tráng miệng?, chúng ta đã hiểu sơ lược về Sensory Specific Satiety (tạm dịch “cảm giác no phát ngấy”).
Hiện tượng này xảy ra khi bạn tiếp xúc liên tục với hình ảnh và mùi vị của một món ăn, khiến các nhóm tế bào thần kinh vùng dưới đồi không còn phản ứng mạnh mẽ với nó. Tuy nhiên khi tiếp xúc với một món mới, chúng lại được kích thích trở lại. Đây là lý do bạn vẫn còn bụng ăn tráng miệng dù vừa ăn một bữa buffet khổng lồ.
Theo chuyên gia tâm lý Daniel Kahneman, phản ứng tương tự cũng xảy ra khi bạn tự nấu ăn. Trong quá trình nấu, bạn liên tục ngửi & nêm nếm món ăn, khiến khứu giác lẫn vị giác đều trở nên “mệt mỏi”.
Với đồ ăn người khác nấu, bạn không ngửi hay nếm trước, nên cũng không “tiêu thụ” nó trước được. Vì vậy khi món ăn hoàn thành, hệ thần kinh dưới đồi của bạn tiếp nhận nó như một trải nghiệm mới.
Tuy nhiên cảm giác này cũng có ngoại lệ: nó có thể xảy ra khi bạn ăn thường xuyên một món do người khác nấu. Điều này lý giải cho “đam mê” ăn chực nhà hàng xóm, sau khi bạn đã ăn “phiên bản” mẹ nấu quá nhiều lần.
Đồ hiếm khi được ăn thì tự khắc sẽ ngon
Thời đi học, bạn có từng thắc mắc vì sao ăn quà vặt ở cổng trường luôn ngon? Vì quà vặt là món bạn ít khi được (phép) ăn.
Theo tâm lý khan hiếm (scarcity psychology), chúng ta vốn đánh giá cao những món đồ quý hiếm. Tương tự, món gì càng ít được ăn, bạn càng thấy nó ngon và giá trị hơn bình thường. Não bộ đã “lập trình” để bạn tập trung vào nó.
Mà những món ta ít được ăn thì lại thường do người lạ nấu, từ sơn hào hải vị ở nhà hàng đến “xiên bẩn” gần cổng trường. Bởi những bữa cơm nhà làm (bất kể người thân nấu hay bạn tự nấu) thì ngày nào bạn cũng ăn, nên khi có dịp thưởng thức các món trên, giá trị lẫn hương vị của chúng đều tự khắc “thăng hạng”, thậm chí trở thành những kỷ niệm vô giá khiến chúng ta nhớ mãi.
Món ăn ngon hơn nếu được chế biến với tình yêu
Nghe có vẻ giống một khẩu hiệu quảng cáo nào đó. Nhưng thực tế, điều này đã được chứng minh trong một thí nghiệm do hãng thực phẩm Bird’s Eye thực hiện.
Theo đó, 2 nhóm tình nguyện viên được cho ăn một bữa tiệc Giáng sinh với các món giống hệt nhau, nhưng trong 2 bối cảnh khác nhau.
Nhóm thứ nhất được dùng bữa trong căn phòng trang trí lộng lẫy. Họ cũng được cho biết các đầu bếp đã chuẩn bị những món ăn một cách tận tình, theo công thức gia truyền mà họ yêu thích nhất. Trong khi đó, nhóm thứ hai ăn trong căn phòng trang trí đơn giản. Tổ nghiên cứu cũng không làm gì để chào đón hay khiến họ cảm thấy đặc biệt.
Cuối cùng, họ được yêu cầu đánh giá hương vị, nỗ lực chuẩn bị và trải nghiệm tổng quan về bữa tiệc. Kết quả nhóm thứ nhất chấm điểm trung bình 4.3/5, trong khi nhóm thứ hai cho 3.4/5.
Trường nhóm nghiên cứu - chuyên gia trị liệu dinh dưỡng Christy Fergusson nhận định, cảm xúc của chúng ta về hương vị món ăn có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng công sức, thời gian, tình cảm và sự tận tụy của người chế biến. Nói cách khác, khi biết một món ăn được chế biến với tình yêu hoặc do người mình yêu quý nấu, bạn sẽ thấy nó ngon hơn hẳn.
Đây là lý do bạn luôn đánh giá cao món ăn do người thân hay crush nấu cho. Điều này đặc biệt đúng khi bạn ở xa, lâu lâu mới về ăn món mẹ nấu. Ở tình huống này bạn không ăn món mẹ nấu liên tục, nên không còn bị “cảm giác no phát ngấy” ảnh hưởng.
Bí quyết giúp “đổi vị” cho bản thân khi nấu nướng
Dù thích ăn đồ người khác nấu, nhưng không phải bữa nào bạn cũng có thể làm điều này. Để “đổi vị” trong những bữa ăn tự nấu, bạn có thể tham khảo các cách sau:
Hạn chế nếm trước hay suy nghĩ về món ăn khi nấu
Chúng ta vẫn thường nấu ăn theo phong cách “tổ tiên mách bảo”, tức vừa nấu vừa nêm đến khi thấy vừa vị. Cách làm này tuy nhanh và tiện lợi, nhưng nó cũng khiến khứu giác & vị giác của bạn bị “mệt” nhanh hơn, dẫn đến cảm giác ngấy khi ăn.
Vì vậy với những món bạn nấu đã quen tay, nên hạn chế việc nêm nếm trước. Còn với những món mới, bạn cân nhắc sử dụng công cụ cân đong để có được lượng gia vị chuẩn nhất.
Bên cạnh đó, việc suy nghĩ nhiều về món ăn cũng có thể khiến bạn “no” trước. Để xử lý, bạn có thể bật nhạc hay podcast để nghe trong lúc nấu, song vẫn cần chú ý vào bếp để tránh xảy ra cháy nổ.
Thay đổi tỉ lệ nguyên liệu, gia vị hoặc bối cảnh dùng bữa
Đây là cách khá đơn giản giúp bạn “đổi vị” một món ăn quen thuộc. Một cách hữu hiệu khác là thay đổi bối cảnh dùng bữa, chẳng hạn ăn ngoài công viên/trên bãi biển thay vì ở nhà, hoặc đặt đồ ăn trong lá sen/lá chuối thay vì bát đĩa. Những thay đổi này dù nhỏ, nhưng có thể mang lại trải nghiệm mới mẻ cho các món ăn quen thuộc của bạn.
Tìm hiểu thêm về cuộc thi Rising Chef Challenge và đăng ký dự thi tại đây.
Flavors Vietnam là chuỗi sự kiện hợp tác thường niên giữa Vietcetera và Mastercard, từng bước ghi dấu ấn riêng của mình sau mỗi mùa hoạt động, trở thành một nền tảng văn hoá và kinh doanh F&B uy tín và bền vững.
Cùng những doanh nghiệp F&B hàng đầu, những tài năng ẩm thực đầy hứa hẹn, và các đối tác có chung tầm nhìn khai phá tiềm năng to lớn của ngành F&B trong nước, Vietcetera hướng đến mục tiêu phát triển Flavors Vietnam trở thành sự kiện quy mô khu vực và toàn cầu trong những năm tới.
Trải qua 3 mùa, Flavors Vietnam không ngừng nỗ lực mang đến nhiều nội dung và hoạt động F&B đa dạng hơn mùa trước. Ngoài lễ trao giải Nhà hàng & Quán Bar Việt Nam (Bánh Mì Awards), Hội thảo Ẩm thực và Đồ uống Việt Nam, Thử Thách Đầu Bếp Tiềm Năng, Tuần lễ Nhà hàng và Quán bar - những sự kiện cốt lõi được đón nhận nồng nhiệt của Flavors Vietnam, chương trình năm nay hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội, trải nghiệm ẩm thực thú vị hơn, cũng như nhiều chương trình ưu đãi độc quyền hấp dẫn hơn cho người tham gia.