Vì sao số người đăng ký tập gym đầu năm tăng đột biến? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 01, 2023

Vì sao số người đăng ký tập gym đầu năm tăng đột biến?

Không chỉ phòng gym, mà các khóa học online cũng chứng kiến lượng lớn người đăng ký mỗi dịp đầu năm mới.
Vì sao số người đăng ký tập gym đầu năm tăng đột biến?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Trong thời khắc giao thừa, không ít người đã đặt mục tiêu năm mới (New Year Resolution) liên quan đến giảm cân và cải thiện sức khỏe. Chính vì vậy mà theo một thống kê trên Washington Post, tháng 1 là thời điểm “ăn nên làm ra” nhất với các phòng gym khi lượng người đăng ký tăng tới 30-40%. Trong tiếng Anh còn có hẳn cụm từ January Gym Rush để chỉ hiện tượng này.

Không chỉ phòng gym, nhiều khóa học tiếng hay kỹ năng mềm đều ghi nhận lượng lớn người đăng ký trong những ngày đầu năm mới. Thời điểm này dường như có một sức hút kỳ lạ, khiến chúng ta quyết tâm rót hầu bao để “làm mới” bản thân. Vì sao bạn có xu hướng đăng ký dịch vụ theo kỳ hạn (subscription) vào đầu năm chứ không phải một thời điểm nào khác?

Ngày đầu năm khiến bạn quên đi quá khứ chưa hoàn hảo

Trong thời khắc giao thừa, ai cũng cảm thấy hứng khởi và quyết tâm cao cho những mục tiêu trong năm mới. Tâm lý “làm lại từ đầu” này cũng xuất hiện khi bạn bắt đầu một năm học/công việc mới hay chuyển đến thành phố mới.

Đây chính là hiệu ứng khởi đầu mới (fresh start effect). Theo đó, bạn có quyết tâm hoàn thành mục tiêu cao hơn khi bắt đầu nó vào các mốc thời gian đặc biệt (temporal landmark): ngày đầu năm/đầu tháng, ngày đầu tiên đi làm chỗ mới hoặc bắt đầu học kỳ mới.

11jan2023intext1jpg
Ngày đầu năm mới có một sức mạnh đặc biệt với tâm lý chúng ta.

Theo nhà tâm lý Hengchen Dai, hiệu ứng này càng phát huy tác dụng rõ rệt nếu bạn từng thất bại với mục tiêu của mình trong quá khứ. Lúc này, mốc thời gian năm mới giống như chiếc tẩy xóa nhòa ký ức của bạn về sự thất bại đó. Nó mang đến cảm giác không tì vết cho bạn của hiện tại và tương lai, tạo động lực để bắt đầu hành động đạt mục tiêu.

Áp lực đồng trang lứa khiến bạn buộc phải hành động

Do ảnh hưởng của hiệu ứng khởi đầu mới, chúng ta hầu như đều có những mục tiêu riêng cho năm mới của mình. Nhiều người còn công khai chúng lên mạng xã hội để củng cố quyết tâm thực hiện. Ở trường lớp hay cơ quan, mọi người cũng được khuyến khích chia sẻ mục tiêu năm mới trong các buổi họp tổng kết hay tiệc tất niên.

Nhưng điều này cũng vô tình gây ra áp lực đồng trang lứa. Khi thấy người người lập mục tiêu năm mới, bạn vô thức cảm thấy mình cũng phải làm theo, dù thâm tâm bạn không thực sự muốn hoặc chưa sẵn sàng.

Áp lực này càng lớn đối với các mục tiêu liên quan đến cải thiện bản thân, như tập thể dục hay học kỹ năng mới. Chúng giúp tăng lợi thế cạnh tranh của bạn trong cả cuộc sống và công việc, vì vậy bạn không ngại xuống tiền để mang lại cảm giác an toàn cho bản thân. Suy cho cùng, bạn khó có thể đứng im khi mọi người đều quyết tâm đi về phía trước.

Bạn “thức tỉnh” sau mùa lễ hội

Tháng 1 không chỉ là bắt đầu một năm mới, mà còn là kết thúc mùa lễ Tạ ơn, Giáng Sinh và năm mới kéo dài hơn 1 tháng trước đó. Tương tự ở các nước Á Đông, cuối tháng 1/đầu tháng 2 cũng là kết thúc mùa Tết với nhiều món ngon, chuyến du lịch và hoạt động vui chơi giải trí.

Theo Bloomberg, mùa lễ tết là lúc chúng ta thoải mái ăn uống, nghỉ ngơi và chơi bời hơn so với trong năm. Tuy nhiên lối sống có phần “vô kỷ luật” này thường khiến chúng ta tăng cân. Bạn thường không nhận ra nó cho đến khi kỳ nghỉ Tết kết thúc. Đây là thời điểm nhiều người xuống tiền đăng ký tập gym để “xốc lại” bản thân.

Nhiều người cũng đăng ký các khóa phát triển bản thân sau mùa lễ tết. Theo Forbes, họ bị thôi thúc bởi cảm giác “tội lỗi” khi sống buông thả hơn trong kỳ nghỉ, bỏ bê việc đọc sách hay duy trì các thói quen tốt khác. Theo lý thuyết về bẫy chi phí chìm, họ tin rằng việc trả tiền trước cho một khóa học giúp họ có thêm quyết tâm hoàn thành nó.

Liệu “xuống tiền” đầu năm có khiến bạn quyết tâm hơn?

Tháng 1 là thời điểm số người tập gym tăng đột biến - nhưng không duy trì được lâu. Theo một khảo sát do tạp chí Entrepreneur thực hiện, có tới 40% trong số hơn 4000 người tham gia hủy gói tập ngay trong tháng 2. Con số này là 70% với các lớp yoga và pilates.

Điều này xảy ra một phần do post-vacation blue - cảm giác trống rỗng và tiếc nuối sau một kỳ nghỉ dài, và bạn gặp khó khăn khi trở về nếp sống cũ. Bên cạnh đó, nếu bạn lập mục tiêu tập gym do áp lực đồng trang lứa, thì nhiều khả năng là bạn chưa thực sự sẵn sàng cho một thay đổi lớn trong chế độ ăn và luyện tập hàng ngày.

11jan2023intext2jpg
Nếu lập mục tiêu chỉ vì ai cũng làm, thì nhiều khả năng là bạn chưa thực sự sẵn sàng cho mục tiêu này.

Ngoài ra theo nhà tâm lý Hengchen Dai, hiệu ứng khởi đầu mới thường không phát huy tác dụng nếu bạn thành công với mục tiêu trước đó. Ví dụ nếu bạn giảm thành công 10kg vào năm ngoái, bạn sẽ khó đạt được thành tích tương tự trong năm nay. Bởi đối với các trường hợp này, não bạn không có nhu cầu “xóa bỏ” ký ức về sự thất bại.

Vì vậy trước khi quyết định đầu tư cho một gói tập gym hoặc khóa học, bạn cần lập ra những mục tiêu thực tế, có khả năng thành công cao. Sau đây là 3 công thức bạn có thể tham khảo:

Công thức SMART (Specific, Measurable, Achievable, Relevant, Time-bound): Bạn nên xác định rõ số cân nặng có thể giảm và thời gian cần để giảm cân an toàn. Không nên giảm cân quá nhanh, bởi việc này để lại nhiều hệ lụy không tốt cho cơ thể. Để dễ theo dõi, bạn quy đổi nó thành đơn vị đo lường được như số bước chân cần đi, số calo cần đốt mỗi ngày…

Công thức WOOP (Wish, Outcome, Obstacle, Plan): Giúp bạn hình dung rõ về mục tiêu muốn thực hiện, kết quả muốn đạt được, những rào cản có thể xảy ra và kế hoạch xử lý.

Bảng mục tiêu (vision board): Một lựa chọn lý tưởng nếu bạn ưa thích hình ảnh và màu sắc. Khi nhìn vào bảng hàng ngày, bạn sẽ luôn được nhắc nhở về mục tiêu của mình, từ đó có thêm quyết tâm thực hiện. Tham khảo cách làm bảng tại đây.