Bảng mục tiêu (vision board) là một tổ hợp hình ảnh và ngôn từ đại diện cho những mục tiêu mà bạn muốn thực hiện. Việc lập bảng mục tiêu giúp bạn ghi nhớ tốt hơn về thay đổi mình muốn tạo ra, từ đó có thêm động lực thực hiện.
Bạn có thể hình dung nó tương tự như mood board (bảng tâm trạng). Đây là công cụ phổ biến trong ngành sáng tạo, giúp người thiết kế hình tượng hóa ý tưởng để truyền tải đến khách hàng một cách hiệu quả.
Năm 2021 sắp qua đi, chúng ta đều nóng lòng lên cho mình những kế hoạch phát triển bản thân cho năm 2022. Đây là thời điểm thích hợp để bạn tự làm một bảng mục tiêu cho riêng mình chỉ với 5 bước đơn giản và những dụng cụ sau:
- Một tấm bảng lớn, ưu tiên chất liệu mềm như gỗ tái chế, bảng bần
- Những hình ảnh, câu quotes gợi cảm hứng
- Băng keo, hồ dán, đinh tán hoặc nam châm
- Kéo, bút chì, màu vẽ, giấy màu
Bước 1: Nghĩ về bức tranh lớn
Đây là bước bạn nhìn nhận tâm thế của bản thân trước sự thay đổi mà bạn sắp tạo ra. Bạn có thể tham khảo 6 bước thay đổi hành vi để xem mình đang ở giai đoạn nào. Việc đặt mục tiêu sẽ tương đương bước Chuẩn bị, vì vậy bạn cần xác định mình đã hoàn thành 2 giai đoạn Tiền dự định và Dự định hay chưa.
Nếu câu trả lời là chưa, bạn nên dời việc lập bảng mục tiêu lại. Một khi đã thật sự sẵn sàng thay đổi, bạn sẽ bắt đầu hình dung kỳ vọng của bản thân trong chặng đường sắp tới. Bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi như sau:
- 3 từ ngữ bạn muốn dùng để miêu tả kế hoạch của mình?
- 3 thói quen nào bạn muốn xây dựng cho năm mới?
- 3 điều bạn tin rằng sẽ giúp kế hoạch thành công?
Lưu ý:
- Nên chọn một thời điểm bạn không bị áp lực về thời gian, như ngày cuối tuần hoặc giờ nghỉ sau bữa tối.
- Thử áp dụng các kỹ thuật thiền và chánh niệm. Bằng cách tập trung vào hiện tại, bạn kết nối sâu hơn với chính mình để suy nghĩ một cách thông suốt.
Bước 2: Đặt mục tiêu và kế hoạch thực hiện
Đây chính là bước bạn xác định từng mục tiêu cho năm mới của mình. Trước hết bạn có thể viết nháp, sau đó chắt lọc thành các từ khóa ngắn gọn để viết thành câu đơn hoàn chỉnh.
Lưu ý việc lập mục tiêu sai cách có thể khiến bạn bỏ ngang giữa chừng. Để lập nên những mục tiêu hiệu quả, bạn cần chú ý:
- Không lập mục tiêu dựa trên điều người khác nói bạn cần thay đổi. Bạn cần xác định mục tiêu là để thay đổi cuộc sống của bạn.
- Tham khảo công thức SMART để viết nên mục tiêu cụ thể, có kế hoạch, thời gian thực hiện rõ ràng.
- Sử dụng ngôn ngữ khẳng định. Cách này giúp bạn giảm áp lực khi thực hiện, tránh hiệu ứng boomerang mà ngôn ngữ phủ định gây ra.
- Tính toán các rào cản có thể xảy ra và phương án xử lý. Công thức WOOP và thuyết vòng tròn quan tâm sẽ giúp bạn làm điều này.
Bước 3: Tìm hình ảnh, từ ngữ, màu sắc phù hợp
Ở bước này, bạn thu thập những hình ảnh, ngôn từ thể hiện chính xác phần mục tiêu đã lập ở trên. Để quá trình tìm kiếm hiệu quả, bạn lưu ý:
- Tìm hình: Pinterest, Instagram, Unsplash hay Pexels đều là những kho hình đẹp. Tuy nhiên bạn cần tập trung tìm theo từ khóa đã xác định sẵn ở bước 1 để không bị lạc hướng. Nên lấy những bức hình khơi gợi cảm xúc tích cực, phấn khích bên trong bạn.
- Tìm từ: Bạn có thể tìm các câu trích dẫn, bài thơ hay đoạn văn liên quan đến mục tiêu của mình. Như đã nhắc ở bước 2, bạn nên tránh những nội dung sử dụng ngôn ngữ phủ định (chẳng hạn “cấm”, “không được”, “không thể”).
- Với những mục tiêu cần vẽ sơ đồ hoặc công thức, bạn tìm những mẫu sơ đồ in màu đẹp, chữ to rõ ràng để mang lại hiệu quả hình ảnh tốt nhất.
Bước 4: Ghép hình hoàn chỉnh bảng mục tiêu
Khi đã có những hình ảnh và ngôn từ ưng ý, bạn sắp xếp chúng theo thứ tự mà bạn thấy vừa mắt nhất rồi cố định chúng lên bảng. Bạn có thể trang trí bảng mục tiêu của mình bằng cách vẽ, cắt dán hay thêm thắt các họa tiết.
Đây là bước vui nhất của cả quá trình. Bạn được thoải mái sáng tạo nên hãy thả lỏng, tự do thử nghiệm với những màu sắc, hình ảnh, bố cục theo ý muốn. Bạn có thể tham khảo các mẫu bảng có sẵn, nhưng không nên cố bắt chước theo. Việc này dễ khiến bảng mục tiêu mất đi tính cá nhân của riêng bạn.
Bước 5: Tìm vị trí thích hợp để trưng bày
Khi đã hoàn thành, bảng mục tiêu có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật góp phần trang trí cho ngôi nhà của bạn. Bạn cần đặt bảng ở nơi dễ nhìn, dễ tiếp cận và lui tới thường xuyên. Những vị trí được gợi ý là góc làm việc, tường phòng ngủ, cửa tủ lạnh hay đầu giường.
Cần lưu ý rằng mục tiêu không mang tính cố định. Để giữ bảng mục tiêu được cập nhật và hiệu quả, bạn lưu ý:
- Loại bỏ những nội dung liên quan khi hoàn thành 1 mục tiêu. Có thể thay bằng những nội dung động viên như “tuyệt vời”, “bạn đã làm rất tốt”.
- Nếu tái diễn thói quen cũ, bạn cần tái khởi động quy trình 6 bước để thực hiện một thay đổi khác. Nếu có rào cản ngoài ý muốn xuất hiện, bạn cần lên kế hoạch xử lý để thích nghi với hoàn cảnh. Những lúc này bạn nên thay mới hình ảnh và ngôn từ trên bảng để phù hợp với thay đổi trong mục tiêu.