Câu nói “Hãy theo đuổi đam mê của bạn” (Follow your passion) đã tăng 9 lần trong các sách tiếng Anh từ năm 1990. Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa tôn thờ công việc (workism) - một hiện tượng đang chiếm lĩnh văn hóa đi làm trên toàn cầu.
Dù bạn đang theo đuổi đam mê của mình, hay đang có ý định chuyển hướng sự nghiệp, biết về workism sẽ cho bạn góc nhìn mới về công việc hiện nay.
Workism - Khi nghề nghiệp quyết định bản thể
Theo tờ The Atlantic, workism là hiện tượng khi nhiều người tin rằng công việc không chỉ để mưu sinh, mà còn là trọng tâm của bản sắc cá nhân và mục đích sống. Một xã hội đề cao workism cho rằng mọi chính sách để gia tăng phúc lợi sống cần phải khuyến khích con người làm việc nhiều hơn. Nói cách khác, làm việc nhiều đồng nghĩa với cuộc sống tốt.
Trong thập niên vừa qua, định nghĩa về công việc đã chuyển từ nghề nghiệp (job) thành sự nghiệp (career) và gần đây nhất là đam mê - sứ mệnh (calling - purpose).
Điều này khiến nhiều người sống trong áp lực rằng họ cần phải tìm thấy đam mê trong công việc để có thể "làm việc mà không cảm thấy mình như đang làm việc."
Khi bản thể ngày càng gắn liền với tổ chức
Xem công việc là danh tính không phải là một hiện tượng quá xa lạ, đặc biệt là đối với những ngành nghề được coi là trí thức trong xã hội. Những lời giới thiệu bản thân như "Tôi là cô giáo", "Tôi là bác sĩ", "Tôi là nhà văn" thường đi kèm với niềm tự hào.
Workism trở thành hiện tượng khi số lượng lao động trí thức ngày càng gia tăng do sự phát triển của xã hội. Nhiều khảo sát cho thấy thế hệ Millennials, dù có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và thu nhập thấp nhất, lại muốn tìm công việc đem lại ý nghĩa thay vì mức lương tốt. Một khảo sát trên 19 nghìn Millennials tại 25 quốc gia kết luận: “Đa số Millennials toàn cầu tin rằng sứ mệnh là ưu tiên.”
Mặt khác, ngày nay các công ty cũng rất chăm chút hình ảnh của mình trên những nền tảng mạng xã hội như LinkedIn, Facebook và Instagram nhằm thu hút người lao động. Như tác giả Travelling Kat đã từng chia sẻ "Tạo cho nhân viên niềm tự hào là một phần của chiến lược truyền thông nội bộ và thương hiệu nhà tuyển dụng (employer branding) của ngày càng nhiều công ty."
Khát vọng về một công việc ý nghĩa của người trẻ và nỗ lực xây dựng hình ảnh của công ty là một mối quan hệ qua lại, khiến cho danh tính của cá nhân và công ty dần trở nên gắn liền với nhau.
Trong văn hóa đi làm mới, nhân viên không chỉ có nghĩa vụ hoàn thành công việc. Họ phải yêu công việc, xây dựng thương hiệu cá nhân gắn liền với công ty, và ngày càng hòa lẫn danh tính với môi trường làm việc.
Khi những thay đổi trong sự nghiệp đồng nghĩa với đánh mất chính mình
Chúng ta có được cảm giác về bản sắc từ việc so sánh với những người khác, những người giống và khác chúng ta. Thông qua công việc, nhiều người tìm thấy danh tính, địa vị, mối quan hệ, sự ngưỡng mộ về mặt trí tuệ, cũng như số tiền cho phép mình có được cuộc sống thoải mái. Từ đó, họ lấp đầy khoảng cách bất định về bản thân.
Lúc này, nhảy việc khiến chúng ta cảm thấy mình đi lệch hướng khỏi dự định ban đầu, khỏi vùng an toàn và đời sống xã hội vốn có. Bởi nó đồng nghĩa với việc thay đổi cách chúng ta được nhìn nhận bởi mọi người xung quanh, cũng như cách chúng ta định nghĩa về mình. Đặc biệt nếu đó đã từng là công việc/công ty/chức danh mà mọi người vẫn thường biết về bạn.
Đối với một số người, nhảy việc còn gắn với nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) - khi họ mất đi những mối quan hệ do công việc cũ mang lại, cũng như sợ mọi người trở nên tốt hơn mà không có mình.
Hãy nhìn công việc như điều bạn làm, thay vì là danh tính bạn có
Đối với việc thay đổi nghề nghiệp, Mary Hope (tác giả và nhà tư vấn về sự nghiệp) có một số lời khuyên dành cho bạn.
Danh tính của một người rất đa dạng và không ngừng thay đổi. Thật ra, nó là một tổ hợp những vai trò và sự phát triển của chúng ta qua thời gian. Bạn bây giờ sẽ rất khác với khi mới ra trường, cũng không thể nào giống như vài ba năm tới - sau khi trải qua nhiều va vấp trong sự nghiệp.
Không chỉ qua công việc, danh tính còn được tạo nên bởi mối quan hệ, sở thích và thế giới nội tâm của mỗi người. Bạn vừa có thể là một người con, người bạn đời, người đam mê nhiếp ảnh. Trong mỗi vai trò chúng ta đều có những nhân dạng khác nhau.
Nhảy việc không phải là từ bỏ những gì bạn từng có, mà là thêm những yếu tố để bạn mở rộng chính mình. Hãy coi đó là cơ hội để bạn thực hành nhiều kỹ năng và khám phá bản thân. Những lựa chọn nghề nghiệp chỉ là bước đệm giúp bạn tìm đến một cuộc sống hài hòa, hạnh phúc hơn, nó không định nghĩa con người bạn.