Karoshi - Khi “làm việc đến chết” là có thật | Vietcetera
Billboard banner

Karoshi - Khi “làm việc đến chết” là có thật

Đằng sau những nền kinh tế phát triển thần tốc, có những người lao động đã phải trả giá bằng cả mạng sống của họ.
Karoshi - Khi “làm việc đến chết” là có thật

Nguồn: Coal Miki @ Flickr

1. Karoshi là gì?

Karoshi (過労死) là hiện tượng một người làm việc quá sức dẫn đến tử vong. Làm việc quá sức dẫn đến căng thẳng, thiếu ngủ và kiệt sức bởi chế độ ăn uống thiếu thốn. Theo thời gian, những hiện tượng này dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ, hai nguyên nhân lớn nhất của karoshi. Ngoài ra, karoshi còn bao gồm những người tự tử do áp lực công việc.

Bản thân phiên âm Hán Việt của karoshi là “quá lao tử”, nghĩa là “lao động quá sức mà chết”.

2. Nguồn gốc của karoshi?

Ca karoshi đầu tiên được ghi nhận ở Nhật năm 1969. Đó là một nhân viên giao hàng mới 29 tuổi của một cơ quan báo chí lớn tử vong sau cơn đột quỵ. Năm 1978, thuật ngữ karoshi được phát minh khi số ca đột quỵ do làm việc quá sức ngày một tăng.

Khi Nhật Bản bước vào thời kỳ bong bóng kinh tế những năm 80, karoshi bắt đầu được sử dụng phổ biến trong công chúng nước này. Vấn đề trở nên nghiêm trọng tới mức chính phủ phải vào cuộc. Bộ Lao động Nhật Bản bắt đầu công bố số liệu về karoshi hàng năm. Một nhóm luật sư và bác sĩ cũng thiết lập “đường dây nóng karoshi” để hỗ trợ người lao động trong vấn đề này.

3. Karoshi nói gì về vấn nạn làm việc quá sức?

Karoshi không chỉ là vấn nạn của riêng Nhật Bản. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), làm việc quá sức là nguyên nhân khiến hơn 745.000 người trên toàn cầu tử vong trong vòng một năm. Nhóm tác giả cũng lưu ý tình trạng này tăng lên những năm gần đây do sự xuất hiện của hình thức làm việc từ xa.

Tổng thư ký WHO Tedros Gheberyesus chia sẻ, work from home làm lu mờ ranh giới giữa nhà và công sở. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp quy mô để cắt giảm chi phí, khiến nhân viên phải kiêm thêm nhiều việc hơn.

title25nov2021shutterstock217170133jpg 25nov2021shutterstock217170133jpg
Làm việc quá sức là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 745.000 người trên thế giới. | Nguồn: Shutterstock

Bên cạnh đó, hustle culture và áp lực sống ở các thành phố lớn là những nguyên nhân khác dẫn đến karoshi. Chủ nghĩa tư bản khuyến khích chúng ta tích trữ nhiều tài sản như một tấm vé đổi đời, dù điều đó đồng nghĩa với việc hy sinh thời gian và sức khỏe cá nhân.

Hiện chưa có dữ liệu về karoshi tại Việt Nam, song đã xuất hiện những sự cố đáng tiếc liên quan đến làm việc quá sức. Đỉnh điểm là vào năm 2019, một nhân viên dựng phim của một agency lớn ở TP HCM đã đột tử ở tuổi 31 sau thời gian dài lao lực. Theo chia sẻ của một cộng sự, anh làm toàn thời gian ở một công ty khác ban ngày rồi nhận thêm các dự án vào buổi tối.

“Chuyện thức trắng 1-2 đêm, ngủ bờ ngủ bụi 1 tiếng ở chỗ nào đó, thức dậy uống thật nhiều cafe, nước tăng lực để tim đập thật nhanh, rồi đốt thuốc liên tục để còn làm tiếp là chuyện quá bình thường”, người cộng sự này chia sẻ. Vì vậy khi nghe tin dữ, anh cũng không ngạc nhiên mà chỉ quá buồn vì nó xảy ra với người bạn thân thiết của mình.

4. Sử dụng karoshi như thế nào?

Tiếng Anh

A: Dan had a massive stroke last night, unfortunately he did not make it. I have seen him working nonstop in the office in recent weeks.

B: This should be considered a case of karoshi. When will our boss eventually care about his employee’s wellbeing?

Tiếng Việt

A: Dan bị đột quỵ tối qua, không may là cậu ấy không qua được. Mình thấy cậu ấy cắm mặt suốt ngày đêm ở cơ quan mấy tuần nay rồi.

B: Vụ này nên được coi là làm việc quá sức mà chết. Đến bao giờ sếp mới chịu quan tâm đến sức khỏe của nhân viên đây?

5. Các từ liên quan đến karoshi?

Black company: Thuật ngữ chỉ những công ty bóc lột sức lao động của nhân viên. Ngoài ra, những lý do một công ty bị gắn mác black company còn bao gồm lạm quyền, quấy rối tình dục, phân biệt đối xử và những sai phạm nghiêm trọng trong hệ thống phúc lợi.

996: Một chế độ làm việc phổ biến ở các công ty công nghệ Trung Quốc nhằm thúc ép nhân viên làm thêm giờ mà không phải trả công. Trong đó, nhân viên được yêu cầu làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần. Chế độ này bị chính phủ Trung Quốc coi là bóc lột lao động.

Hustle culture: Văn hóa khuyến khích mọi người lao động hăng say, tạo ra tài sản và của cải như một tấm vé đổi đời. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải hy sinh thời gian và sức khỏe cá nhân để làm việc nhiều hơn.

Workism: Niềm tin rằng công việc không chỉ để mưu sinh, mà còn là trọng tâm của bản sắc cá nhân và mục đích sống. Điều này khiến nhiều người gặp áp lực phải tìm thấy đam mê trong công việc để có thể “làm mà như không làm”.

Burnout: Tình trạng không còn động lực để tiếp tục cố gắng trong công việc, đặc biệt khi những cố gắng trong quá khứ không đem lại kết quả như mong muốn.

Work zombie: Những người mất hứng thú trong công việc nhưng không nghỉ việc. Họ rơi vào trạng thái trống rỗng, vật vờ nhưng vẫn duy trì được công việc của mình như một hoạt động được lập trình hàng ngày.