Bê bối thu gom đồ cũ để tái chế của H&M nói gì về thời trang bền vững?

Hướng tới phát triển bền vững trong thời trang không chỉ là giúp bảo vệ môi trường mà còn phải giảm thiểu sự lãng phí.
Thư Vũ
Nguồn: USA Today

Nguồn: USA Today

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 19/6 vừa qua, một nhóm phóng viên của Thuỵ Điển đã phát hiện nhiều nghi vấn và đặt ra các câu hỏi về chiến dịch tái chế quần áo cũ của hãng thời trang H&M nước này.

Để thể hiện thiện chí phát triển bền vững với môi trường, H&M đã bắt đầu thực hiện chiến dịch quyên góp quần áo cũ và tái chế vào năm 2013 tại 40 thị trường trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Những khách hàng đem quần áo cũ của hãng đến bỏ vào thùng sẽ nhận được phiếu giảm giá cho lần mua hàng sau. Tuy nhiên các cáo buộc đã chỉ ra, đa phần quần áo cũ bị bán lại sang Châu Phi hoặc những nước nghèo, để rồi phần lớn trong số đó bị vứt bỏ hoặc đốt.

Những lời nói dối hoa mỹ vừa bị phát giác của hãng này sẽ làm cho người tiêu dùng sẽ càng dè dặt hơn khi mua sắm quần áo, đồng thời mất niềm tin vào những cam kết bền vững của các hãng thời trang khác.

2. Bê bối của H&M đã được phát hiện từ đâu?

Cụ thể, nhóm phóng viên của báo Borsen đã giấu thiết bị theo dõi gắn chip GPS vào trong 10 sản phẩm còn dùng tốt và bỏ vào thùng thu gom tại các cửa hàng của H&M. Dữ liệu thu được cho thấy quần áo cũ được đưa tới 3 cơ sở phân loại tại Đức, sau đó 3 trong số 10 sản phẩm đã theo tàu biển tới Beni - quốc gia ở Tây Phi.

Bên cạnh đó, tờ Vasterbottens cũng cho hay từ đầu năm 2023 cho tới nay, 3 công ty nhận quần áo cũ của H&M đã xuất khẩu 5.711 kiện quần áo sang châu Phi, tương đương hơn một triệu sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, một nửa trong số đó đã bị vứt bỏ vì nhiều lý do như rách hỏng, không phù hợp với khí hậu châu Phi, quá rộng, quá chật hoặc màu sắc, kiểu dáng không phù hợp với văn hóa địa phương.

Kết quả là thay vì bị bỏ đi ở châu Âu, số quần áo cũ của H&M đã di chuyển tổng cộng 60.000 km bằng tàu biển và xe tải, tương đương với một lần rưỡi vòng quanh thế giới, để bị vứt bỏ ở châu Phi.

Thêm nữa, lượng chất thải cho việc chuyên chở số sản phẩm này sang các nước châu Phi và nước nghèo, để rồi sau đó một nửa bị vứt bỏ bừa bãi ra môi trường mà không được xử lý khiến cho các "chiến dịch xanh" của H&M trở nên khó chấp nhận trong mắt công chúng.

3. Các chiến dịch vì môi trường của H&M từng gây tiếng vang thế nào?

H&M với chiến dịch “Thu gom quần áo cũ” bắt đầu ở Thuỵ Sĩ năm 2012 và sau đó nhân rộng toàn cầu vào năm 2013. Mục tiêu đến năm 2030, 100% nguyên liệu của H&M sẽ được tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững hơn.

Đề xuất và ý tưởng này của H&M đã nhận được sự ủng hộ, khen ngợi của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Thậm chí, đây từng là mô hình được các doanh nghiệp thời trang, tiêu dùng học tập về sự phát triển bền vững và thấu hiểu tâm lý khách hàng.

Quả thật, một thời gian dài trên thị trường thời trang, khách hàng đã hồ hởi đem quần áo cũ của hãng đến bỏ vào thùng và nhận được phiếu giảm giá cho lần mua hàng sau. Hàng nghìn chiếc thùng đựng đồ tái chế cũng được dựng lên khắp 40 thị trường kinh doanh của H&M để đánh bóng thương hiệu.

Năm 2016, H&M đã khởi xướng Recycle Week (tuần lễ tái chế), kết hợp cùng nghệ sĩ người Anh M.I.A phát hành ca khúc Rewear It truyền tải thông điệp khích lệ người tiêu dùng tái chế những sản phẩm quần áo cũ tại hơn 3600 cửa hàng trên toàn thế giới.

Phong trào tái chế và hạn chế rác thải cũng đang ngày một lan rộng ở các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Úc, Nhật, Thái Lan,... cho đến ngày nay.

4. Các hãng thời trang nhanh như H&M ảnh hưởng đến môi trường ra sao?

H&M - thương hiệu thời trang nhanh thuộc hàng lớn nhất hiện nay trên thế giới với gần 4.000 cửa hàng từng bị chỉ trích gay gắt vì đang làm tăng lượng chất thải may mặc trên toàn cầu.

Lý do bởi vì họ thường sử dụng vải polyester cấu thành từ những sợi vải siêu nhỏ (microfiber) - loại chất thải khó phân hủy trong môi trường, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật và động vật thủy sinh.

Trên thực tế, H&M luôn muốn quảng bá về sáng kiến thuyết phục khách hàng mang quần áo cũ (từ bất kỳ thương hiệu nào), bỏ vào những thùng chứa ở các cửa hàng H&M khắp thế giới. Phương châm được đưa ra là “H&M sẽ tái chế và tạo ra chất liệu dệt may mới, bạn sẽ có phiếu mua hàng để dùng tại H&M. Ai cũng được lợi!”

Cảm giác “tiêu dùng có ý thức” của những hãng thời trang nhanh như H&M tạo ra cho khách hàng có vẻ rất tốt, nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Chỉ có 0,1% tất cả quần áo mà các tổ chức từ thiện nhận được đã được tái chế tạo ra vật liệu mới, theo giám đốc phát triển bền vững của H&M Henrik Lampa.

Với tốc độ sử dụng đang được đẩy nhanh chóng mặt của các hãng thời trang nhanh thông qua xu hướng và các mùa được rút ngắn tuổi đời, quần áo mua từ họ có thể đã quá cũ nếu chúng được dùng sau khoảng một năm, thậm chí chỉ sau vài lần giặt.

Thậm chí, nhiều cửa hàng bán đồ cũ qua sử dụng (second hand) đã từ chối những món đồ từ các chuỗi thời trang như Forever 21, H&M, Zara và Topshop,... Những món đồ rẻ tiền bao giờ cũng đi kèm chất lượng thấp, không bán lại được với giá tốt. Và vấn đề lớn hơn cả là các cửa hàng nhận được quá nhiều món đồ như vậy.

Đặt trong bối cảnh của ngành thời trang nhanh, hàng năm có hàng triệu tấn quần áo từ đây thải ra môi trường. Hành vi người dùng ngày càng thay đổi rõ rệt. Với lượng quần áo không sử dụng hoặc chỉ mặc một hai lần rồi vứt bỏ do bị “lỗi mốt”, môi trường đã phải hứng chịu một lượng rác thải khổng lồ.

Việc chôn lấp hoặc thiêu đốt lượng rác thải từ H&M, Zara hay Shein,... cũng thải ra các loại khí gây hiệu ứng nhà kính và góp phần đáng kể vào quá trình biến đổi khí hậu. Một số loại chất liệu mất rất nhiều thời gian để phân hủy, chẳng hạn như túi da cần đến 50 năm, váy polyester phải mất hơn 200 năm.

5. Chúng ta có thể làm gì để ngành thời trang thật sự bền vững?

Theo Liên Hợp Quốc, việc hướng tới phát triển bền vững trong thời trang không chỉ là giúp bảo vệ môi trường mà còn phải giảm thiểu sự lãng phí. Ngành công nghiệp trị giá khoảng 2,4 nghìn tỷ USD này mỗi năm mất khoảng 500 tỷ USD do quần áo bị bỏ đi mà không được tái chế.

Không khó để chúng ta tìm kiếm một kết quả trên Google thông tin hay số liệu về sự ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm cũng như khí thải từ ngành thời trang nhanh. Những con số biết nói cũng khẳng định điều nhiều người đã biết, dệt may là ngành gây ô nhiễm môi trường thứ hai thế giới, chỉ sau dầu mỏ.

Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Họ đang có xu hướng hình thành thói quen sử dụng sản phẩm bền vững như tái sử dụng các sản phẩm quần áo cũ hoặc lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, thị trường second-hand lên ngôi cũng đang trở thành giải pháp cho việc tiêu thụ quần áo cũ với phương châm “cũ người mới ta.” Thế nhưng, giải pháp sẽ trở thành vấn đề nếu chúng ta quá lệ thuộc vào nó và không ngừng sản xuất cũng như thải ra đồ cũ chỉ với niềm tin rằng chúng sẽ có ích cho ai đó.

Thông điệp được đặt ra ở đây là, để thúc đẩy sự bền vững của thời trang, hãy mua sắm và tiêu dùng dựa trên sự cần thiết từ bản thân.

Cuối cùng, để hiểu được tác hại của thời trang tác động lên môi trường như thế nào, chúng ta cần hiểu rõ vòng đời của một sản phẩm, từ nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho tới cách xử lý chúng ra sao. Từ đó, ta mới tìm được giải pháp thích hợp cho một sản phẩm bền vững.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục