Chuyện cúng kiếng ngày Tết năm COVID thứ hai!
1. Tránh dịch, hành khách tranh thủ hoàn vé, “quay xe"!
Hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi ngay công văn hoả tốc cho các hãng hàng không. Theo đó, những hành khách không thể bay được do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ hoàn vé hoặc đổi vé.
Không chỉ vé máy bay mà vé tàu và vé xe cũng được người dân quan tâm đổi trả. Văn bản hoả tốc đã làm an lòng những người bị “kẹt" lại không được về quê.
Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp hành khách dù đã tới tận bến xe vẫn không được đổi vé. Dù chịu chấp nhận mất phí thì những hành khách này vẫn chỉ được hỗ trợ đổi ngày đi chứ không được hoàn vé như quy định.
2. Mình dùng gì các cụ dùng nấy và mặt hàng đồ mã công nghệ
Đồ cúng luôn là một mặt hàng nóng ngày Tết. Mặc cho kinh tế lao đao, thu nhập đi xuống thì dù ít hay nhiều, đến Tết người Việt vẫn cần phải mua đồ cúng!
Tuy nhiên so với mọi năm thì việc mua sắm nhang đèn đìu hiu hơn hẳn. Nếu năm ngoái người dân mua đồ cúng cho ngày 23, giao thừa, mùng 1-3 thì năm nay họ gộp tất cả vào cho cúng ông táo, tất niên, đất đai nhà cửa.
Đó là chưa kể vì nguồn cung hàng - Trung Quốc - không nhập về được dẫn tới việc các mặt hàng này lại bị độn giá lên thêm 10% từ những người bỏ mối. Tuy nhiên vì mùa dịch ai cũng khó khăn nên rất nhiều các tiểu thương ở Sài Gòn chọn cách giảm lời để giữ nguyên giá cũ.
Tuy mua bán không xôm tụ như mọi năm nhưng năm nay các mặt hàng “đồ công nghệ" vẫn luôn được lòng người mua hàng mã. Với quan niệm ở dương gian dùng gì thì ông bà ở dưới cũng dùng cái đó, nhiều người mua đồ cúng công nghệ như “ô tô điện, Iphone và cả Ipad”.
3. Chống dịch kỹ càng nhưng không ngăn sông, cấm chợ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định cần tập trung chống dịch COVID-19 nhưng không vì thế mà đánh mất cái Tết của người dân. Chính vì vậy mà “dứt khoát không ngăn sông, cấm chợ.” Ông cũng nhấn mạnh rằng phải đảm bảo nhu cầu vật tư trước Tết và sau Tết cho người dân, đặc biệt là ở những vùng dịch.
Tuy là vậy nhưng với tâm lý e dè sợ dịch của người dân, nhiều tiểu thương ở chợ đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Chính vì vậy mà họ đã chuyển qua mở sạp online bán hàng Tết. Chính nhờ sự chuyển đổi này mà các tiểu thương có thể tìm được tới nhiều khách hàng tìm năng hơn. Người mua hàng cũng có thể yên tâm ở nhà mà vẫn có thể mua sắm được những thứ cần thiết cho dịp Tết.
4. Cá chép đỏ, mặt hàng bán chạy ngày Tết
Cúng ông Công, ông Táo sớm nên ngay sáng sớm 03/02 thì nhiều người dân Hà Nội đã đổ xô tới chợ Hàng Bè để tấp nập mua sắm. Các tiểu thương cũng chia sẻ rằng do dịch nên số lượng mua hàng giảm hẳn so với mọi năm.
Tuy nhiên có một mặt hàng vẫn luôn nóng dù cho giá có tăng vì khan hiếm: cá chép đỏ. Những thùng cá nhanh chóng được bán đi mặc cho giá tăng gấp đôi so với năm ngoái. Một tiểu thương đã chia sẻ rằng “Năm ngoái cá chỉ có giá từ 70-100.000 đồng/kg, năm nay thì đã tăng đột biến đến gần 300.000 đồng.”
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho rằng, không nên thả cá phóng sinh vì việc này sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên. Đó là chưa kể tới bản chất của việc phóng sinh là giải thoát, cứu nạn vật nuôi bị bắt chứ không mang tính hình thức như hiện nay.
5. Thờ cúng từ xa để chống dịch
Lễ Thanh Minh diễn ra vào ngày 04/04 (tháng 3 âm lịch hằng năm) cũng đã được “tối giản” lại bằng cách tổ chức tại nhà.Nếu mọi năm mọi người đều tấp nập đi tảo mộ thì năm nay các gia đình chọn ưu tiên an toàn chống dịch ở nhà tổ chức cúng với đủ nghi lễ truyền thống để tưởng nhớ người thân đã mất.
Hiểu rõ được thói quen và nhu cầu của người Việt thì bên cạnh các dịch vụ nổi trội như đi chùa online thì năm nay dịch vụ “thắp hương online" hay “tảo mộ online” cũng trở nên hút khách. Rất nhiều nghĩa trang đã triển khai ngay website để kịp đáp ứng nhu cầu này.
Được biết thì thật ra dịch vụ “thắp hương online" đã có khoảng 10 năm nay dành cho những đối tượng khách hàng ở xa không thể về cúng viếng được chứ đây không phải là một loại hình dịch vụ mới xuất hiện trong mùa dịch.