Công việc của cán bộ tư vấn không phải là đưa ra lời khuyên, mà là lắng nghe
Đó là kinh nghiệm tôi rút ra sau 14 năm làm cán bộ tư vấn Tổng đài 111.
Lúc đó là khoảng 5 giờ sáng, tôi nhận cuộc gọi của một em học sinh lớp 11 tại Hà Nội. Tổng đài 111 giờ đó thường ít cuộc gọi tới, nên tôi đặc biệt nhớ về em gái này. Mất ngủ và gặp vấn đề về tinh thần, em ấy đã gọi cho tổng đài.
Mùa hè 2 năm trước, em tham gia vào một trại hè ở nước ngoài, qua đó có dịp làm quen với một giáo viên dạy tiếng Anh trong đoàn. Người này nhiệt tình, thường hỗ trợ các bạn học sinh nên được em đặt rất nhiều lòng tin. Để rồi khi lòng tin lớn lên thành tình cảm, cũng là lúc thầy này có hành vi quấy rối. May mắn là em đã rất bản lĩnh dừng lại, cắt toàn bộ liên lạc với anh ta khi nhận thấy có dấu hiệu của xâm hại tình dục.
8 tháng sau, em bị bêu xấu trên mạng. Chuyện riêng bị lộ, nhiều lời đồn thổi không hay bao vây em. Gia đình và nhà trường dù muốn cũng không thể hỗ trợ em đến cùng vì không có bằng chứng. Thế là mọi chuyện bị bỏ dở.
- Với những trường hợp như vậy, chị sẽ hỗ trợ các bạn bằng cách nào?
Tôi nghĩ điều các bạn cần nhất là sự lắng nghe tích cực. Một khi được lắng nghe, các bạn sẽ có điều kiện để bộc lộ cảm xúc, trao đổi về những khó khăn mình gặp phải.
Và các cán bộ tư vấn sẽ không khuyên. Vì các bạn không cần được khuyên mà cần được hiểu. Ở lứa tuổi cấp 3, các bạn đã có chính kiến, do đó sự thuyết giáo hay khuyên nhủ thường sẽ không có tác dụng. Ở vai trò tư vấn, chúng tôi sẽ lắng nghe và chia sẻ, cung cấp kiến thức, hỗ trợ các bạn tự đưa ra những quyết định tốt nhất cho chính mình.
Tôi nhận thấy, bên cạnh các kỹ năng như từ chối, xử lý vấn đề, quản trị thông tin, còn có một số khái niệm mà các bạn cần hiểu đúng, như khái niệm về bí mật. Bí mật có 2 loại, bí mật tốt và bí mật xấu. Nếu một bí mật cho mình cảm giác thoải mái khi giữ trong lòng, đó là bí mật tốt. Ngược lại, nếu một bí mật khiến mình cảm thấy bất an, sợ hãi khi phải giữ kín, thì chúng ta nên nói nó ra.
Riêng với em gái trên, chuyện bí mật của em ấy bị phơi bày trên mạng còn là một đòn giáng vào niềm tin. Là một học sinh giỏi và đạt nhiều thành tích, có thể em đã luôn đặt ra một “cái tôi” hoàn hảo, và sự việc xảy ra đã khiến “cái tôi” ấy bị sứt mẻ. Thế là em trở nên hoài nghi, có cảm giác trong mắt mọi người, mình không còn giá trị như ban đầu nữa.
May mắn là sau khi trò chuyện với tổng đài, em đã có nhận thức đúng đắn hơn về bản thân và các mối quan hệ xung quanh. Lúc gọi lại cho tổng đài, em nói rằng em đã thấy nhẹ nhõm hơn.
(Chia sẻ từ Lê Thị Thảo, cán bộ tư vấn Tổng đài 111 - Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em)
là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.
An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ. Cùng ký vào thư ngỏ đồng hành cùng Plan trong chiến dịch này tại đây.