Coolmate — Một chặng đường đi tìm giải pháp thông minh cho tủ đồ của nam giới

Tìm hiểu về Coolmate — mô hình giải quyết bài toán sản xuất và phân phối để cắt giảm chi phí, mang đến tay người tiêu dùng Việt sản phẩm chất lượng cao với giá thành phải chăng.
Anh Tú
Câu chuyện thương hiệu: Coolmate — Một chặng đường đi tìm giải pháp thông minh cho tủ đồ của nam giới

Câu chuyện thương hiệu: Coolmate — Một chặng đường đi tìm giải pháp thông minh cho tủ đồ của nam giới

Ra mắt tại thị trường Việt Nam vào tháng 3/2019, thay vì mải mê chạy theo xu hướng hay phát triển hệ thống cửa hàng đắt đỏ, startup Coolmate định vị mình là một giải pháp cho tủ đồ của nam giới, với các sản phẩm cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng thiết yếu hằng ngày.

Sau một năm hoạt động theo mô hình trực tiếp sản xuất và bán lẻ trên nền tảng website thương mại điện tử (TMĐT) tự mình phát triển (hay còn được gọi là mô hình D2C e-commerce), Coolmate đã và đang từng bước khẳng định hướng đi mà mình chọn là đúng đắn: tốc độ tăng trưởng hằng tháng luôn ổn định ở mức 20-30% kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19; xây dựng thành công 2 trung tâm vận hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để có thể hoàn thành đơn hàng nội thành trong vòng 24 tiếng; và đến đầu tháng 1/2020, Coolmate chính thức công bố nhận được tiền đầu tư từ quỹ 500 Startups Vietnam.

Ấn tượng trước tốc độ phát triển của startup chuyên về thời trang cơ bản này, chúng tôi đã tìm đến đội ngũ sáng lập của Coolmate, gồm anh Phạm Chí Nhu (hiện là CEO), anh Nguyễn Văn Hiệp (CTO), và chị Nguyễn Hoài Xuân Lan (CMO). Trong buổi nói chuyện, cả ba đã chia sẻ với chúng tôi lý do họ xây dựng Coolmate và thế mạnh của mô hình này trong bối cảnh thị trường thời trang bão hoà và đầy cạnh tranh hiện nay.

Lý do nào khiến các bạn quyết định thành lập Coolmate?

Nhu: Bản thân từng làm việc nhiều năm trong ngành kiểm toán và sau đó là tự vận hành một thương hiệu thời trang dành cho nam giới trên kênh TMĐT, nhưng mình vẫn luôn thắc mắc những câu hỏi thế này:

Tại sao cùng một chiếc áo thun mà giá tại Việt Nam lại đắt hơn ở Singapore?” — Câu trả lời là do một thương hiệu cần rất nhiều tiền để xây dựng thương hiệu và chi phí mặt bằng. Trong khi đó, hình thức phân phối thông qua các kênh thương mại tử tối ưu hơn nhiều, lại có thể cắt giảm được nhiều khâu.

Tại sao một đất nước có nền tảng sản xuất tốt như Việt Nam lại không thể làm ra các sản phẩm chất lượng, được phân phối với giá cả cạnh tranh hơn các thương hiệu quốc tế?” — Đó là vì ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là các xưởng gia công, vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách chưa thể khắc phục.

Vì thế ý tưởng thành lập Coolmate — một mô hình giải quyết được bài toán gia công sản xuất và phân phối qua các kênh TMĐT để cắt giảm những chi phí không đáng có, mang đến tay người tiêu dùng Việt những sản phẩm chất lượng cao với giá thành phải chăng — bắt đầu nhen nhóm trong mình từ 2 năm trước.

Hiểu rằng không thể một mình xây dựng thành công Coolmate, mình đã cộng tác cùng hai bạn là Hiệp và Lan. Hiệp là người có kinh nghiệm trong ngành Công nghệ, lập trình; còn Lan có kinh nghiệm trong lĩnh vực Online marketing. Cùng với nhau, tụi mình mất gần 4 tháng để xây dựng và chính thức ra mắt Coolmate vào tháng 3/2019.

Tại sao Coolmate lại chọn nam giới là đối tượng khách hàng chính của mình?

Theo kinh nghiệm và quan sát của mình, khi mua sắm, phần đông các bạn nam không quá quan trọng tính thời trang mà tìm kiếm sự thoải mái và hữu ích, nên các bạn có xu hướng mua sắm đồ cơ bản nhiều hơn nữ giới. Không những vậy, các bạn nam còn thích mua nhiều thứ (áo, quần, tất vớ, quần lót,...) một lần cho tiện. Vì vậy khi quyết định Coolmate chỉ tập trung vào hình thức phân phối trực tuyến, tụi mình xác định hướng đến nam giới, và sẽ tiếp tục hướng đến đối tượng này trong vòng 2-3 năm tới.

Với sản phẩm chủ lực là những thiết kế rất cơ bản, các bạn làm thế nào để nâng tầm sản phẩm của mình?

Có 3 yếu tố cốt lõi mà Coolmate luôn chú trọng khi phát triển sản phẩm:

  • Chất liệu — Coolmate làm việc trực tiếp với các đơn vị cung cấp sợi để cập nhật các chất liệu mới trên thế giới và nhận sự tư vấn kỹ lưỡng từ chuyên gia. Các chất liệu này sau đó sẽ trải qua rất nhiều lần dệt thử trước khi đi vào sản xuất chính thức. Dù kiểu dáng đơn giản, nhưng hàng tháng bộ sưu tập các sản phẩm Coolmate luôn có thêm các chất liệu mới.
  • Size — Để giúp các bạn mua hàng online chọn size chuẩn xác hơn, Coolmate đồng bộ hoá bảng size của mình. Nếu khách hàng đã mua một sản phẩm của Coolmate, các sản phẩm gợi ý khác cũng sẽ cùng size với món đồ trước đó. Các bạn chỉ cần lấy số đo của một món đồ cơ bản tương tự có sẵn trong tủ đồ để đối chiếu với bảng size của Coolmate.
  • Công năng của sản phẩm — Sự thoải mái và hữu ích là vô cùng quan trọng với các bạn nam. Ví dụ như bổ sung khoá túi để giữ đồ cá nhân chắc chắn hơn.

Sau một năm tự mình phát triển kênh TMĐT riêng, các bạn có thể chia sẻ một số ưu và nhược điểm của mô hình này được không?

Ưu điểm đầu tiên là tính chủ động trong hệ thống bán hàng. Website của Coolmate được xây từ đầu bởi một đội lập trình viên riêng. Điều này cho phép thiết lập các tính năng mà chỉ Coolmate mới có như chọn size thông minh, phân tích độ phù hợp của size và các hình thức thanh toán đa dạng.

Thông qua đo lường tương tác của người dùng, chúng mình có thể quan sát và lắng nghe phản hồi liên tục từ khách hàng, từ đó phát triển nội dung trực quan, gần gũi và tối ưu hoá trải nghiệm người mua.

Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này nằm ở khoản đầu tư công nghệ. Xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như trả lương cho đội lập trình viên và làm web dẫn tới chi phí ban đầu khá cao.

Thành lập kênh bán hàng riêng cũng đồng nghĩa với việc đi tìm lượng khách hàng từ con số 0. Thay vì đốt hết tiền vào chạy quảng cáo trên Facebook và Google, chúng mình dành nhiều thời gian để giao tiếp với khách hàng trên nhiều nền tảng. Đồng thời cố gắng tìm ra những cách có thể mang về nguồn traffic ổn định và dài lâu hơn, ví dụ như thông qua tiếng nói của những người có sức ảnh hưởng (influencers).

Coolmate thường gởi tặng các box từ Tủ đồ Coolmate để các bạn influencers trực tiếp trải nghiệm và đánh giá, từ kiểu dáng, thiết kế cho đến chất liệu của sản phẩm, mang đến cái nhìn chân thật và gần gũi hơn cho sản phẩm. Hiện đã có gần 200 video trên YouTube của các influencers tương tác và sử dụng các sản phẩm từ Coolmate.

Phân phối trực tuyến, làm thế nào để mang đến cho khách hàng một trải nghiệm mua hàng chu đáo nhất?

Với Coolmate, niềm tin của khách hàng vào sản phẩm luôn là điều quan trọng nhất. Chính sách đổi - trả của chúng mình cũng bắt nguồn từ mong muốn đề cao trải nghiệm khách hàng. Trong 45 ngày kể từ ngày mua hàng, khách hàng có quyền đổi trả mọi sản phẩm dù bất cứ lý do gì.

Các sản phẩm phải thu hồi lại sẽ được Coolmate tiến hành phân loại theo mục đích khác nhau. Với những món đồ không thể mặc lại như bít tất và đồ lót, Coolmate sẽ yêu cầu khách hàng tự huỷ một phần sản phẩm rồi mới thu hồi về để đảm bảo tính minh bạch. Các sản phẩm có thể sử dụng lại, Coolmate sẽ tiếp nhận và quyên góp cho các hoạt động từ thiện.

May mắn là ngay từ đầu Coolmate đã tập trung vào việc phát triển sản phẩm nên số lượng sản phẩm không hài lòng bị trả lại rất ít (chưa đến 0.5%) và 35% lượng đơn hàng hằng tháng của Coolmate là đến từ các khách hàng thân thuộc.

Bước ra từ đại dịch, các bạn nhận thấy những thay đổi nào từ phía thị trường?

Nhìn lại quãng thời gian cách ly xã hội, chúng mình càng nhận thức rõ ràng hơn về sự tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam. Nhờ hình thức bán hàng trên nền tảng trực tuyến nên Coolmate có thể duy trì hoạt động bình thường trong mua dịch, và tăng trưởng ở mức 15-20% xuyên suốt mùa dịch.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch và tình trạng xuất khẩu trì trệ, Coolmate đang cố gắng để có thể tăng khối lượng đơn đặt hàng và tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Để làm được điều này, Coolmate phải cố gắng tạo ra một trải nghiệm mua sắm trọn vẹn và thu hút nhiều khách hàng hơn nữa!

Các bạn có lời khuyên gì dành cho các bạn muốn khởi nghiệp trong ngành thời trang tại Việt Nam?

Theo mình, tương lai của thị trường TMĐT tại Việt Nam rất đáng để kỳ vọng, nhưng thử thách muôn thuở vẫn là xây dựng niềm tin với khách hàng. Bạn cần có cái tâm của người làm nghề để cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, phản hồi nhanh chóng với yêu cầu của khách hàng.

Nếu nói về ngành thời trang - dệt may, cá nhân mình hy vọng mọi người có thể đi sâu nhất có thể trong chuỗi cung ứng. Không chỉ đơn giản là đi xuống xưởng, đặt may rồi mang về. Hãy tiếp xúc với từng cá nhân trong chuỗi cung ứng để có cái nhìn chính xác về từng giai đoạn của sản phẩm và hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Với việc vận hành, mình khuyến khích các local brand nỗ lực tự tạo một nền tảng riêng cho thương hiệu của mình. Sở hữu một nền tảng riêng nghĩa là bạn không chỉ đang bán sản phẩm, mà còn bán một trải nghiệm mua sắm khác biệt cho người tiêu dùng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục