Điểm mặt năm nghệ sĩ nổi bật trong làng nhiếp ảnh Việt
Hiện nay, nhờ vào sự quan tâm đáng kể của cộng đồng yêu nghệ thuật cũng như chính các hoạt động hỗ trợ nhiếp ảnh, các buổi workshop trong và ngoài nước được thực hiện bởi Hanoi DocLab và Angkor Photo Festival, các nhiếp ảnh gia Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội hơn để giới thiệu những tác phẩm và tên tuổi của mình đến khán giả. Đó có thể là những tên tuổi lão làng như Rehahn với những bức chân dung triệu đô, nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam Maika Elan – tác giả của bộ ảnh “The Pink Choice” từng đạt giải nhất hạng mục “Những vấn đề đương đại”, cuộc thi ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo) năm 2013, hoặc những tên tuổi trẻ hơn mà chúng tôi được biết đến qua sự hỗ trợ của APB Signature Art Prize 2018…
Trong bài viết kỳ này, Vietcetera sẽ giới thiệu đến bạn 5 gương mặt trẻ đầy hứa hẹn của làng nhiếp ảnh Việt – những người đang truyền tải tài năng, và khiếu thẩm mỹ tinh tế của mình qua những tác phẩm, dự án cá nhân mang đầy hơi thở đương đại.
#1. Lạc Hoàng
Đối với Lạc, nhiếp ảnh đơn thuần là một cách thử nghiệm, và hiện thực hóa trí tưởng tượng của cô. Mỗi khi có ý tưởng cho một concept chụp, Lạc luôn phát thảo ra giấy, rồi chuẩn bị vật liệu, tìm người mẫu và hướng dẫn họ cách tạo dáng sao cho phù hợp với mong muốn của cô. Việc truyền đạt ý tưởng với người mẫu chưa bao giờ là dễ, nhất là khi Lạc muốn người mẫu đặt mình vào vị trí của nhân vật mà cô đang muốn khắc họa.
Với tài năng và trí tưởng tượng đầy tự do, Lạc được rất nhiều tên tuổi trong làng thời trang chọn mặt gửi vàng, có thể kể đến như Chula Fashion, TimTay, và Linda Mai Phùng… Vừa qua, Lạc đã cộng tác với hãng thời trang Moniq by M để cho ra mắt dự án mang tên “We Can Do It“. Trong bộ ảnh này, lấy cảm hứng từ thẩm mỹ thời trang thập niên 50s, Lạc đã truyền tải thành công nét đẹp của các thiết kế, cũng như tinh thần nữ quyền mà nhà thiết kế muốn gởi đến khách hàng.
Khi được hỏi về dự định tương lai, Lạc bật mí, “tôi đã ấp ủ một bộ ảnh với bối cảnh đậm chất Việt Nam từ rất lâu rồi.” Hiện tại, Lạc đang dành thời gian để khám phá thêm về chủ đề Siêu nhân học (transhumanism) để có thể ứng dụng trong các dự án sắp tới của cô.
#2. Đạt Vũ
Ngay từ khi còn là một du học sinh trung học phổ thông tại Singapore, Đạt Vũ đã đạt được nhiều giải thưởng đáng ghi nhận như Canon’s Photo Clinic 2008 do World Nomads tổ chức và Học bổng Nhiếp ảnh Du lịch 2010 của National Geographic.
Những ngày đầu tập chụp ảnh, phong cách của Đạt chủ yếu tập trung vào các bố cục lạ. Đến thời điểm hiện tại, Đạt gần như đã thay đổi hoàn toàn triết lý chụp của mình – ưu tiên nội dung bức ảnh nhiều hơn là bố cục. “Thông thường, ảnh chụp ra là để làm hài lòng người xem. Nhưng tôi hy vọng người ta tương tác với ảnh của mình một cách “sâu” hơn, thậm chí là khi họ không thể hiểu được ý nghĩa đằng sau của nó,” Đạt chia sẻ.
Năm 2017 đánh dấu triển lãm cá nhân đầu tiên của Đạt – ‘Những cuộc đối thoại (c)âm’ (Muted Conversations) – được chọn mở màn cho chuỗi triển lãm thuộc “Materialize”, chương trình nhằm tạo cơ hội trưng bày tác phẩm của những nghệ sĩ Việt Nam đến công chúng do The Factory Contemporary Arts Center tài trợ. Đây là một dự án dài hơi nhằm khám phá tính tâm linh, mê tín trong những thực hành tín ngưỡng đời thường của người Việt ngày nay. Ở đó, anh lại tiếp tục dẫn dắt người xem tìm tòi về ý nghĩa cho từng chủ thể tâm linh trong ảnh của mình. “Nội dung triển lãm là những ẩn ức được trình bày một cách tinh tế. Nó gào thét, nó bắt khán giả phải đặt câu hỏi thay vì hiểu nó ngay từ cái nhìn đầu tiên.” – Đạt Vũ chia sẻ.
#3. Dy Duyên
Dy Duyên luôn trung thành với phong cách chân dung trong suốt sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Cô dành phần lớn thời gian đứng sau ống kính để quan sát chuyển động xung quanh hơn là đầu tư vào chỉnh sửa hình ảnh, có lẽ vì thế mà những bức chân dung do cô chụp luôn hướng đến cảm xúc của chủ thể.
Với Duyên, quá trình chụp hình cũng quan trọng như khâu chỉnh sửa cuối cùng vậy. Cô thường tập trung vào màu sắc và ánh sáng; đó cũng là yếu tố giúp cô tạo cảm xúc khác nhau cho từng bức ảnh của mình. Thông qua những hình ảnh tương phản, chiếc bóng giống như một sự sắp đặt vui nhộn, làm giảm đi sự mâu thuẫn giữa ánh sáng và bóng tối.
Trong số những bức hình đã chụp, Duyên đặc biệt yêu thích tấm hình mình chụp hai cô gái ngồi đối diện nhau – một người đang tập trung, người còn lại ngẫu hứng nghịch tóc đối phương. Trong khuôn hình, ánh sáng duy nhất phát ra là từ chiếc đèn bàn phía xa, ôm lấy mái tóc cô gái đang ngồi và phản chiếu nó thành chiếc bóng trên bàn.
Duyên thích được dẫn dắt bởi ánh sáng tự nhiên, cô luôn trân trọng nguồn sáng như cách để giảm thiểu công sức cho quá trình chỉnh sửa. “Tôi mê ánh sáng như cách mà một đứa trẻ bị thu hút bởi chiếc kính vạn hoa. Đôi khi không phải vì nguồn sáng, mà vì cách nó tương tác với bóng tối để tạo ra cái đẹp.” – Duyên chia sẻ.
#4. Bình Đặng
Bình Đặng bắt đầu tự thực hành nhiếp ảnh rất sớm, từ những năm 2010. Anh dùng chính bộ hình đầu tiên của mình tham dự khóa học nhiếp ảnh Angkor Workshop 2010 và Foundry Workshop vào năm 2012. Bộ ảnh của anh khi đó kể về cuộc sống của những người khuyết tật và mối quan hệ giữa những gia đình Mahout (gia đình có nghề nuôi dưỡng và chăm sóc voi) cùng chú voi của họ.
Từ đó, những bức ảnh của Bình đã được mang đi triển lãm ở nhiều nơi bao gồm Triển lãm Châu Á – Invisible Photographer Asia và tạp chí Smithsonian Magazine. Vào năm 2013, Bình còn tiếp tục tham gia triển lãm của Japan Foundation tại Ấn Độ, và tiếp đến là Angkor Festival vào năm 2014.
Ngoài ra, Bình còn cộng tác với tập đoàn Vingroup, Destination Asia và sở hữu một trang blog cá nhân đầy cảm hứng. Khi được hỏi về mức độ ưu tiên của mình, anh quả quyết, “tôi chưa bao giờ đặt ranh giới cho nhiếp ảnh thương mại hay cá nhân. Không cần biết nó là gì, tôi chỉ quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm tốt nhất”.
Hiện Bình Đặng đang thực hiện một dự án dài hơi về tốc độ tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây. Anh dự định khảo sát một vài khu vực phát triển của Việt Nam và vấn đáp về những ảnh hưởng tiêu cực mà công nghệ thông tin mang đến cho người dân địa phương.
#5. Thịnh Nguyễn
Sau nhiều năm theo học ngành Quản trị Hành chính ở Hồng Kông, Thịnh Nguyễn có cơ hội để tiếp cận gần hơn với những vấn đề chính trị và xã hội. Đó là lý do anh bắt đầu xem nhiếp ảnh như một cách truyền đạt thông điệp về lẽ phải, những cuộc cách mạng hoặc sự tuyệt vọng.
Sau đó, Thịnh bắt đầu theo học nhiếp ảnh ở Hanoi DocLab, thai nghén dự án cá nhân “Chuyện của Thịnh” hay “Stories of Thinh” và tiếp tục làm việc cho đến tận bây giờ.
“Chuyện của Thịnh” được bắt đầu năm 2017, là một dự án ghi lại hình ảnh của những người nông dân bị mất hết nông trại và tài sản. Như một lời gợi mở của nhiếp ảnh gia với những người xem ảnh, anh muốn khán giả phải tự hỏi, “người nông dân làm gì nếu không làm nông?”
Nếu như trong quá khứ, Thịnh Nguyễn chỉ tập trung ghi lại những hình ảnh chân thực nhất của con người thì với những dự án tiếp theo này, anh hy vọng mang lại nhiều tính biểu tượng hơn cho từng bức ảnh. Anh muốn đưa chủ thể của mình ra trước ống kính và cư xử hoàn toàn trái ngược với họ ngoài đời. “Những bức ảnh của tôi không chỉ bao gồm vẻ đẹp và còn là để chia sẻ những câu chuyện và kết nối mọi người thông qua nghệ thuật”. – Thịnh Nguyễn giải thích.