Điều gì đang xảy ra với phim Việt?
Năm 2022, khi thị trường điện ảnh Việt Nam gần như phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, số lượng phim nội địa chiếu rạp tăng lên gấp 3 lần so với năm ngoái (40 phim so với 13 phim). Thế nhưng trong số 40 phim Việt Nam đã phát hành năm nay, chỉ có 8 phim hòa vốn và đạt lợi nhuận, tức chỉ chiếm 1/5.
Điều này có nghĩa là có tới 32 phim (chiếm tỷ lệ 4/5) thất bại về doanh thu, trong đó có rất nhiều phim gần như thua lỗ hoàn toàn với mức doanh thu chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí sản xuất của một phim Việt hiện tại ở mức trên dưới 10 tỷ đồng.
Vậy nên, khi thông tin bộ phim hành động Thanh Sói của “đả nữ” Ngô Thanh Vân được tung ra vào tuần cuối cùng của năm 2022, giới truyền thông kỳ vọng bộ phim này sẽ làm nên một “phép màu” cho điện ảnh Việt và vớt vát lại một năm ảm đạm của điện ảnh nội địa.
Không có “save the best for last” cho Thanh Sói
Thanh Sói dường như sở hữu mọi thứ “thiên thời địa lợi nhân hòa” để làm nên “kỳ tích” tại phòng vé. Nó là phần tiền truyện (prequel) của Hai Phượng (Furie), bộ phim từng lập nên kỷ lục tại phòng vé Việt Nam vào đầu năm 2019. Với tổng doanh thu lên đến 200 tỷ đồng, Hai Phượng từng dẫn đầu phim Việt ăn khách nhất mọi thời tại thị trường nội địa trong 2 năm, trước khi bị Bố già tiếm ngôi vào năm 2021.
Không chỉ thành công rực rỡ tại phòng vé nội địa, Hai Phượng cũng có chuyến “xuất ngoại” thành công tại thị trường Bắc Mỹ và nhận được những phản hồi tích cực của giới phê bình, khi đạt số điểm 95% trên RottenTomatoes với 22 bài bình luận.
Một số cây bút phê bình của Mỹ so sánh Hai Phượng với những bộ phim hành động của Mỹ như Taken, John Wick hay Atomic Blonde. Thậm chí, họ còn dự báo rằng Ngô Thanh Vân đã mang một làn gió mới cho dòng phim hành động đến từ châu Á.
Tờ Film School Rejects (FSR) nhận xét cốt truyện của Furie (Hai Phượng) của biên kịch/đạo diễn Lê Văn Kiệt quen thuộc, có thể tìm thấy sự tương đồng ở hàng loạt bộ phim hành động của thế giới. Nhưng tác giả của FSR cũng cho rằng thể loại phim hành động vốn không quá quan tâm đến tính nguyên bản của cốt truyện mà thay vào đó là cách dàn dựng các cảnh hành động.
Bộ phim đã làm được điều này nhờ những cảnh hành động sắc nét và hấp dẫn, những màn tấn công mạnh mẽ của Ngô Thanh Vân và cả kỹ thuật quay phim đẹp mắt.
Dường như tất cả những điểm mạnh làm nên thành công của Hai Phượng đều có ở Thanh Sói. Điểm khác biệt duy nhất là nếu Hai Phượng tập trung vào hành trình của một người mẹ đơn thân đi tìm đứa con gái nhỏ bị bắt cóc thì Thanh Sói tập trung xây dựng xuất thân và hành trình báo thù của nhân vật này, trước khi “nhúng chàm” và trở thành một kẻ phản diện máu lạnh.
Nói cách khác, Hai Phượng là câu chuyện của một “hero” thì Thanh Sói là câu chuyện của một “anti-hero”.
Được đầu tư hơn hẳn về mọi mặt, đặc biệt là dàn “cast” trẻ trung thời thượng và hiệu ứng về hình ảnh hấp dẫn, Thanh Sói rõ ràng được “xây” trên một cái nền vững chắc và vẫn đảm bảo được những thế mạnh làm nên thành công của Hai Phượng, đặc biệt là những màn hành động “liều cao” diễn ra xuyên suốt bộ phim.
Trong buổi chiếu premiere dành cho giới trong nghề và báo giới, Thanh Sói cũng nhận được những phản hồi rất tích cực. Hầu hết đều dành lời khen cho sự đầu tư và sự quyết liệt, làm “đến nơi đến chốn” của Ngô Thanh Vân với dòng phim hành động “made in Vietnam”.
Đạo diễn Charlie Nguyễn, đàn anh từng mở ra dòng phim hành động chất lượng cao và làm nên tên tuổi của “đả nữ” Ngô Thanh Vân từ Dòng máu anh hùng (2007) viết trên trang cá nhân:
“Phim quá dữ vì nó được làm từ thứ dữ. Một bộ phim hành động với một đả nữ là coi phê rồi chứ đừng nói một bầy đả nữ “sát thủ”. Nghẹt thở, dồn dập, máu me, đấm đá, đâm chém, súng nổ đã tai, đã mắt! Một bộ phim hành động được làm thẳng tay, tới nơi tới chốn hiếm có ở một bộ phim Việt Nam”.
Thế nhưng, những lời khen và những phản hồi tích cực sau buổi chiếu đầu tiên ấy đã không tạo được hiệu ứng tại phòng vé như nó được kỳ vọng.
Khác với Hai Phượng, sau 3 ngày đầu tiên đã thu hơn 40 tỷ đồng và vẫn tiếp tục giữ “nhiệt” tại phòng vé trong suốt 10 ngày sau đó với doanh thu mỗi ngày đều đặn trên dưới 10 tỷ đồng, Thanh Sói có màn ra mắt không thể khiêm tốn hơn với khoảng 5 tỷ đồng trong 3 ngày đầu tiên, dù được phát hành vào dịp lễ Giáng sinh.
Bộ phim gần như quá khó để “lội ngược dòng” khi bom tấn của Hollyood Avatar: The Way of Water vẫn chứng tỏ phong độ tại phòng vé Việt Nam sau hơn 2 tuần phát hành. Trong xu hướng hiện tại, dường như khán giả chỉ “bỏ tiền” cho một bộ phim duy nhất.
Cú “ngã ngựa” bất ngờ của Thanh Sói cùng với một bộ phim Việt khác ra mắt cùng thời điểm (Đảo độc đắc) khiến điện ảnh Việt chìm sâu vào khủng hoảng với mức tổng doanh thu của cả năm thậm chí còn tệ hơn cả 2 năm đại dịch.
Khán giả trở nên khắt khe và thận trọng hơn với phim Việt?
Có khá nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự thất bại của Thanh Sói tại phòng vé. Đụng độ với một “siêu bom tấn” (megablockbuster) đang làm mưa làm gió toàn cầu như Avatar: The Way of Water khiến Thanh Sói hoàn toàn bị lép vế trong cuộc tranh giành khán giả tại rạp chiếu.
Sự “đen tối” của bộ phim với quá nhiều cảnh báo thù giết chóc tàn bạo nhưng không mang lại một ý nghĩa tích cực nào về cuộc sống khiến khán giả khó đồng cảm, nhất là trong thời điểm khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng lòng tin hiện nay.
Trong một bàn tròn điện ảnh mới đây mà tôi có tham gia, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng cho rằng phim Việt năm nay có quá nhiều tác phẩm kinh dị máu me rùng rợn, nhưng quá thiếu những bộ phim mang thông điệp tích cực về cuộc sống. Đấy là lý do khiến một bộ phim hài thuần túy nhưng đáng yêu của Hàn Quốc như Bỗng dưng trúng số gây sốt và lập nên kỳ tích tại phòng vé Việt Nam.
Và một nguyên nhân nữa, với tôi có lẽ là quan trọng nhất: niềm tin của khán giả dành cho phim Việt đang “chạm đáy” với quá nhiều bộ phim thảm họa liên tục được tung ra trong suốt năm vừa qua, khiến khán giả trở nên khắt khe và thận trọng hơn khi bỏ tiền mua vé cho một bộ phim Việt.
Thời điểm trước đại dịch Covid, đặc biệt là trong 3 năm 2017-2019, điện ảnh Việt khởi sắc với nhiều bộ phim đạt doanh thu 100 tỷ - một cột mốc được xem là thành công lớn với điện ảnh nội địa. Rất nhiều kỷ lục cũng được thiết lập và nhanh chóng bị phá vỡ sau đó.
Năm 2019, có tới 5 bộ phim Việt đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng và lần đầu tiên trong lịch sử phòng vé, doanh thu phim Việt lên đến hơn 1000 tỷ, đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 25%.
Thế nhưng, sự phát triển nhanh chóng của thị trường điện ảnh nội địa cũng khiến sự ảo tưởng về phim Việt cũng tăng lên chóng mặt. Nhiều đạo diễn tay ngang, nhiều nhà sản xuất nghiệp dư nhảy vào làm phim khiến khán giả chưa đủ niềm tin đã bị “phản bội” với hàng loạt bộ phim thảm họa với chất lượng thảm hại.
Trong hai năm đại dịch, ngoài số lượng phim nội địa ra rạp sụt giảm mạnh, sự phân hóa của khán giả cũng trở nên cực đoan hơn bao giờ hết. Khán giả sẽ đổ xô đến rạp để xem một bộ phim nào đó đáp ứng được thị hiếu của họ hoặc tạo được hiệu ứng “word of mouth” (truyền miệng) như Bố già, Tiệc trăng máu, Lật mặt: 48 giờ, Gái già lắm chiêu 3…, nhưng họ cũng sẽ thờ ơ vô cảm với những bộ phim Việt chất lượng bết bát khác.
Sự phân hóa cực đoan đó khiến điện ảnh có những bộ phim Việt đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng (thậm chí Bố già lập kỷ lục khó tin lên đến 420 tỷ đồng) nhưng cũng có hàng chục bộ phim chỉ đạt doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng và phải chấp nhận thua lỗ hoàn toàn.
Và niềm tin của khán giả dành cho phim Việt càng trở nên khắc nghiệt hơn trong năm 2022. Khi có quá nhiều phim thảm họa, phim “rác” được tung ra, khán giả trở nên khắt khe và thận trọng hơn khi bỏ tiền mua một tấm vé để vào rạp xem phim Việt để không phải chịu cảnh vừa mất tiền vừa rước bực vào mình!
Khi khi niềm tin của khán giả dành cho phim Việt đã “xuống đáy”, sẽ có những bộ phim bị “chết” một cách oan uổng, mà Thanh Sói có lẽ là ví đụ điển hình nhất.
Cuộc khủng hoảng phòng vé toàn cầu và sự thay đổi thói quen của khán giả
Doanh thu phòng vé của thị trường điện ảnh lớn nhất toàn cầu là Bắc Mỹ năm nay đạt khoảng 7,3 tỷ USD, cao hơn so với 2 năm đại dịch nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch (trên 11 tỷ USD). Các thị trường điện ảnh đang phát triển mạnh mẽ trước đại dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… cũng chứng kiến sự sụt giảm lượng người xem đến rạp.
Ở một mặt khác, hai năm đại dịch cũng làm thay đổi thói quen và hành vi của khán giả khi đến rạp chiếu. Xu hướng này diễn ra ở toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam.
Khi điện ảnh đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi những loại hình giải trí nghe nhìn khác, đặc biệt là những video ngắn của các nền tảng mạng xã hội hay dịch vụ giải trí tại nhà, khán giả chỉ bỏ tiền ra rạp với những bộ phim khiến họ phải “wow” lên về mặt hiệu ứng hình ảnh mà họ không thể được trải nghiệm ở các loại hình khác.
Đó là lý do mà những Avatar: The Way of Water, Top Gun: Maverick và những bộ phim siêu anh hùng của Marvel thắng thế lớn tại rạp chiếu. Ở hướng ngược lại, ngay cả những tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao hay quy tụ cả dàn sao lớn cũng hoàn toàn có thể trở thành “thảm họa” tại phòng vé.
Sự thất bại của Amsterdam, Babylon với ê kíp toàn sao và đạo diễn từng thắng giải Oscar, hay sự ghẻ lạnh của khán giả với những bộ phim đoạt nhiều giải thưởng hàn lâm như The Fablemans của đạo diễn Steven Spielberg, Tar của Todd Field hay The Banshee of Inisherin của Martin McDonagh… cho thấy điện ảnh đang đứng trước một thử thách khốc liệt để tồn tại.
Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn quái kiệt của Hollywood Quentin Tarantino phải thừa nhận rằng những bộ phim của giai đoạn hiện nay thuộc về thời kỳ “tồi tệ nhất trong lịch sử điện ảnh Hollywood”.