Điêu khắc gia Lương Trịnh: Nhào nặn và đục đẽo những chiêm nghiệm
Lương Trịnh sử dụng các hình khối tối giản và đương đại, thể hiện lớp lang của cuộc sống vào tác phẩm một cách thanh thoát.
Lương Trịnh sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình. Sau khi học tập tại Hà Nội, anh quay về Ninh Bình sinh sống và làm việc. Anh theo đuổi thực hành điêu khắc đến nay đã hơn 10 năm.
Thời gian đầu khi còn sinh sống tại Hà Nội, Lương Trịnh lấy cảm hứng từ các kiến trúc phố cổ. Sau khi về Ninh Bình, nguồn cảm hứng của anh trở thành đình, đền, chùa và những chất liệu tự nhiên như non nước, gió và mây.
Cũng nhờ nguồn cảm hứng đền chùa mà các tác phẩm của anh toát lên vẻ nhẹ nhàng và trầm lặng. Anh sử dụng chất liệu chủ đạo là đá huyền thạch và đá vôi, với các hình khối tối giản và đương đại.
Lương Trịnh giản lược các lớp lang của cuộc sống vào tác phẩm một cách thanh thoát. Ta thấy chúng qua bề mặt sần sùi của núi, lượn sóng của mây hay nhẵn nhụi của đá.
1. Trước khi sáng tác, bạn thường chuẩn bị những gì?
Tôi sẽ đến quan sát không gian và cảm nhận không khí ở địa điểm, rồi để nguồn năng lượng dẫn dắt cảm xúc của mình.
Tôi cũng đọc và trau dồi các tư liệu, cổ tích về đền chùa, rồi soi chiếu những cảm nhận cá nhân của mình để ý tưởng dày dặn hơn.
2. Bạn quan trọng nhất yếu tố nào của một tác phẩm: hình thức hay nội dung?
Tôi quan trọng cả hai. Một tác phẩm dùng đúng chất liệu và hình thức sẽ truyền tải trọn vẹn nội dung của tác phẩm. Ngược lại, một ý tưởng tốt sẽ là la bàn giúp ta biết chất liệu, hình thức nào là phù hợp.
Với tôi, ý tưởng là khởi nguồn dẫn dắt tâm trí mình. Khi có ý tưởng, tôi sẽ đuổi theo nó, từ đó nảy sinh các lựa chọn về chất liệu và hình thức biểu đạt.
3. Chọn một dạng hình học để miêu tả quê hương của bạn?
Hình tam giác, vì nó mang lại cảm giác mạnh mẽ như núi. Nhưng Ninh Bình luôn gợi cho tôi những đường nét lượn sóng, vì đặc trưng của nơi này là tầng tầng lớp lớp những gợn núi đá, vừa nhẹ nhàng vừa vững chãi.
4. Ý tưởng trong đầu và khi tác phẩm thành hình thường có giống nhau không?
Cũng tuỳ. Có những tác phẩm tôi giữ được cảm xúc ban đầu thì sẽ gần với những gì tôi hình dung.
Nhưng trong quá trình sáng tác, sự sáng tạo của tôi sẽ đưa đẩy và nảy sinh ra nhiều thứ mới. Khi tôi bị cuốn vào cảm xúc thực tại, ý tưởng ban đầu cứ vậy mà biến chuyển sang một thể khác.
5. Có tác phẩm nào mà bạn không muốn “nhìn lại” không?
Không. Tôi trân trọng mọi thứ mình tạo ra. Tôi giữ lại tất cả những bản phác thảo và tác phẩm chưa hoàn thiện của mình. Nếu một tác phẩm không như ý muốn, nó sẽ là cơ sở để tôi học hỏi và phát triển các tác phẩm sau.
6. Tác phẩm nào phản ánh vấn đề lớn nhất của thế hệ của bạn?
Tôi nghĩ dù cố ý hay không, mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời đều đã mang sẵn trong mình câu chuyện, không chỉ của riêng nó mà còn là của xã hội.
Với các tác phẩm của mình, tôi muốn kể về những quan điểm tôn giáo khác nhau của mỗi người. Chúng tồn tại liên tục theo dòng chảy của thời gian.
7. Theo bạn, nghệ thuật có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của chúng ta? Trong các tác phẩm của bạn, chủ đề tâm linh cũng như các biểu tượng trong các nghi lễ tâm linh dường như chiếm phần quan trọng. Mối quan tâm này của bạn bắt nguồn từ đâu?
Có chứ. Khi bước vào một ngôi chùa hay nhà thờ, những kiến trúc, pho tượng và hình vẽ sẽ giúp chúng ta cảm nhận nguồn năng lượng tâm linh tốt hơn.
Nghệ thuật chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo, và tôn giáo dùng nghệ thuật để dẫn dắt con người. Trong mỹ thuật tôn giáo, mỗi vùng đất sẽ có những hình thức thể hiện khác nhau.
Sự khác biệt ấy có thể đến từ quan niệm thẩm mỹ hay trình độ phát triển xã hội. Nhưng nhìn chung, chúng đều mang một tinh thần và nguồn năng lượng giống nhau.
Đúng là chủ đề về tâm linh chiếm khá nhiều trong những sáng tác và là mối quan tâm của tôi. Nó bắt nguồn từ một câu hỏi, và mong muốn tìm kiếm câu trả lời rằng: “Liệu thế giới tâm linh có phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng của con người hay thế giới con người được tạo ra bởi các vị thần?”
Trong những sáng tác của mình, những kiến trúc tâm linh như đình, đền, chùa, tháp ... không những tồn tại hữu hình mà còn có bao phủ của những dòng năng lượng vô hình. Một số sáng tác có hình thể con người cũng thể hiện một sự nghi hoặc có thể thấy trong tạo hình các nhân vật vừa có dạng người vừa có dạng thần.
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.
Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589