Giám đốc phát triển FPT Software: Làm lãnh đạo không nên áp đặt suy nghĩ của bản thân lên mọi người
Trở về Việt Nam từ năm 2017 sau hơn 10 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, Florence Le đồng thời là người đứng đầu các mảng liên quan đến Growth Marketing tại FPT Software.
Trong vai trò một người kết nối những mảng phát triển kinh doanh ở toàn cầu, làm việc với các đối tác, khách hàng, doanh nghiệp tiềm năng muốn đầu tư vào Việt Nam, Florence đã có những nhìn nhận gì về công việc hiện tại cũng như vai trò của người lãnh đạo, quản lý?
Ở bài viết A Working Woman lần này, hãy cùng Vietcetera trò chuyện với chị Florence để nghe thêm về những góc nhìn khác của người phụ nữ trong ngành công nghệ (technology) đang trở thành xu hướng tại Việt Nam.
Ở cuộc sống hiện tại, những điều chị đang ưu tiên là gì?
Chị đang khá hài lòng với cuộc sống ở thời điểm hiện tại, cùng với đó là con đường sự nghiệp của mình. Marketing đối với chị là một phân khúc rất hay.
Trước đó, chị chỉ biết về marketing một cách khá thuần về B2C (business to customers - từ doanh nghiệp đến khách hàng), với những công ty bán lẻ hay dịch vụ. Thế nhưng khi lấn sân sang B2B (business to business - từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp), thì chị nhìn thấy nhiều cơ hội để mình có thể nỗ lực và học hỏi trong lĩnh vực này.
Thời điểm hiện tại, chị đang ưu tiên làm sao để đóng góp nhiều nhất và mang lại hiệu quả cao trong công việc, cũng như tỷ lệ hoàn vốn cho công ty ở vị trí của mình.
Còn về cuộc sống cá nhân, chị đang ưu tiên nhiều về thời gian cho gia đình và sức khỏe. Trước đây, chị không quan tâm nhiều đến sức khoẻ của mình, vì nghĩ mình còn trẻ khoẻ, cái gì cũng làm được nên hay làm ngày làm đêm, sức khỏe không phải mối bận tâm quá lớn.
Hơn nữa, chị còn nghĩ rằng, ngày xưa các bà các mẹ làm được thì mình cũng phải làm được. Cho nên, hiện tại mới ngoài 30 tuổi thôi, nhưng chị nhận ra sức khoẻ đang sụt giảm sau nhiều năm lao động như vậy.
Vì thế, bên cạnh ưu tiên cho công việc, chị luôn ưu tiên duy trì sự cân bằng về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
Trong trải nghiệm công việc của mình, chị thấy phong cách lãnh đạo của sếp nam khác gì sếp nữ?
Từ những trải nghiệm của mình, chị có thể nhìn thấy phong cách lãnh đạo của sếp nam và nữ có đôi chút khác biệt. Đầu tiên, các sếp nam thường có cái nhìn tổng quát hơn về chiến lược, như đội ngũ hiện tại có bao nhiêu quản lý, bao nhiêu nhân sự, và rất chắc chắn trong việc giao cho ai nhiệm vụ gì.
Còn đối với các sếp nữ, họ thường khuyến khích nhân viên tự tìm ra nhiệm vụ cho mình, hoặc nhìn thấy điểm mạnh yếu của từng thành viên để giúp đỡ họ hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Đồng thời, họ cũng khuyến khích nhân sự thử thách nhiều hơn, khám phá các lĩnh vực mới để chinh phục bản thân.
Ngoài ra, theo các báo cáo hàng năm của các tổ chức mà chị đọc được, họ cho rằng sếp nữ thường ưu tiên sự linh hoạt trong công việc, cảm thức của nhân viên, đề cao sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập.
Mặt khác, các sếp nam thiên về sự chấp nhận rủi ro hơn so với sếp nữ, còn sếp nữ thì lại giỏi trong việc giữ giá trị cốt lõi và luôn tìm cách hiện thực niềm tin đấy bằng mọi giá.
Nếu chỉ làm một công việc với một vị trí cố định suốt đời, chị nghĩ đó sẽ là gì?
Hiện tại chị chưa nghĩ đến việc nhảy ngành khác ngoài công nghệ, nhưng nếu trong trường hợp chỉ được chọn một ngành nghề phải làm cố định suốt đời, thì nó sẽ liên quan đến giáo dục.
Giáo dục ở đây không nhất thiết phải đứng lớp hay làm cô giáo. Đối với chị, nó mang tính bao quát hơn, từ việc định hướng cho các bạn trẻ mới ra trường hay cố vấn cho các đội ngũ, đến đề xuất mô hình về chiến lược cho các công ty.
Chị rất quan tâm và hứng thú với việc được đặt nền móng, xây dựng, thay đổi tích cực bộ máy, vận hành, con người. Hiện tại chị đang làm một số dự án nhỏ, tư vấn các bạn du học sinh quay về Việt Nam lập nghiệp hay những bạn nhảy ngành.
Tuy nhiên nếu để chọn nó làm con đường sự nghiệp thì chị chưa nghĩ đến, nó giống tâm huyết của chị bên cạnh công việc hiện tại hơn.
Trong vai trò là một người lãnh đạo, chị đã làm thế nào để phát triển không ngừng?
Lúc nào chị cũng phải tự đưa ra những tiêu chí cho bản thân. Đầu tiên là những vấn đề chủ quan từ phía mình, sau đó là từ những người xung quanh.
Để phát triển thì quan trọng nhất phải biết mình đang ở đâu, đang thiếu những cái gì, đang mạnh những cái gì. Từ đó, biết cách học hỏi, thay đổi, cải thiện những cái chưa có và phát huy những cái sẵn có.
Nhiều khi, chúng ta dễ để công việc cuốn đi và quên mất mình đang đứng ở đâu. Hiểu được vị trí và biết khiêm tốn sẽ giúp mình phát triển không ngừng.
Kể cả sau này ở độ tuổi 40, 50 thì chị vẫn mong muốn mình là một người lãnh đạo cầu tiến, biết quan sát và học hỏi.
Chị có lời khuyên nào cho các lãnh đạo nữ tiếp nối?
Quan trọng nhất, chị cho rằng một lãnh đạo phải luôn nhớ về giá trị cốt lõi ban đầu, đồng thời không được áp đặt suy nghĩ của bản thân mà nên lắng nghe tất cả cá nhân trong tập thể đó. Hãy chắc chắn là mình có thể sắp xếp thời gian để trao đổi 1-1 với các bạn trong đội ngũ.
Việc được chia sẻ với người lãnh đạo sẽ giúp nhân viên cảm thấy mình có người lắng nghe, không phải suy nghĩ hay lo sợ mình có làm đúng không, mình có làm phiền đến tập thể hay không, điều đó dễ dẫn đến cảm giác lo sợ mông lung. Hãy biết đến từng cá nhân, từng cá thể và lắng nghe các bạn.
Ngoài ra, mỗi lãnh đạo đừng luôn nghĩ rằng cách tư duy hay trải nghiệm của mình là đúng. Ngày trước khi chưa làm leader, chị được làm việc cùng một chị rất lành nghề ở vị trí đó mấy chục năm.
Tuy nhiên, chị ấy không tiếp nhận những cái mới, không lắng nghe những ý tưởng khác biệt từ nhân viên của mình, mà ưu tiên làm theo những cái sẵn có dẫn đến ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác.
Từ đó chị học được một bài học về vai trò lãnh đạo, sau này chị cũng cố gắng để suy nghĩ khác hơn, cùng với đó là những cách làm tốt hơn.
Có những giá trị nào chị sẽ không bao giờ thỏa hiệp?
Chị nghĩ có hai điều quan trọng, là tư cách và sức khoẻ của bản thân.
Trong công việc ai cũng có những căng thẳng, áp lực hay bị quá tải trong công việc, tuy nhiên nhiều người không dám nói ra những cái không đúng. Nếu cứ nhịn, im lặng thầm mong câu chuyện đấy không bao giờ xảy ra nữa thì vấn đề sẽ mãi không được giải quyết.
Và chị đã từng nhìn thấy những bạn phải thỏa hiệp với những điều đó, đồng nghĩa với việc họ thoả hiệp lòng tự trọng, tự tôn của mình để làm sếp vui, làm khách hàng vui, dễ đánh mất bản thân. Đó là điều chị nghĩ mình sẽ không làm được.
Ở điều còn lại, bây giờ chị cũng sẽ không thoả hiệp với những công việc khiến chị cảm thấy sức khoẻ tinh thần và thể chất của mình bị sụt giảm. Chị luôn muốn ưu tiên và cân bằng cho chất lượng cuộc sống của mình được tốt hơn và mạnh khoẻ hơn.