Hiền Trang: Trong văn chương không có thiên tài

Phải viết nhiều tác phẩm xoàng trước khi có một tác phẩm thật sự lớn.
Thư Vũ
Nguồn: Hiền Trang

Nguồn: Hiền Trang

Tôi biết đến Hiền Trang lần đầu tiên qua cuốn sách đầu tay Bức tranh cô gái khoả thân và cây vĩ cầm đỏ ra mắt năm 2015. Tám năm sau, sự nghiệp của cây bút trẻ năm ấy được biết đến nhiều hơn, chị góp chữ trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, văn chương và thậm chí, cả hội hoạ.

Là một tác giả trẻ quen thuộc của các nhà xuất bản, tạp chí lớn nhỏ khác như Tuổi trẻ cuối tuần, văn nghệ quân đội,.... nhiều người nhận xét Hiền Trang có một sức viết "khủng" khi mỗi năm đều có sách mới ra mắt, đồng thời cũng là một nhà văn luôn lao động miệt mài, bền bỉ với con chữ trong cả sách tác và dịch thuật.

Trong buổi trò chuyện lần này, Hiền Trang đã chia sẻ nhiều hơn về những góc nhìn từ văn chương Việt Nam ra đến thế giới, về sự hài lòng của một nhà văn với cuộc sống đời thường đến đâu, và cả sự trường sức trong nghề được nuôi dưỡng thế nào.

Viết nhiều lĩnh vực, thể loại khác nhau và đều có được thành quả, sự công nhận giúp bạn nhận ra điều gì?

Nếu hỏi những công việc viết khác nhau giúp mình có được gì thì câu trả lời là nó cho mình nhiều cơ hội, thời gian hơn để sống trong thế giới phim ảnh, văn chương và âm nhạc. Bởi vì đó là công việc, là nghề, nên mình bắt buộc phải có quỹ thời gian trong ngày để đọc sách, xem phim, nghe nhạc. Bạn vừa được thưởng thức nghệ thuật, lại vừa được trả tiền, cũng gọi là công việc trong mơ đấy chứ?

Mình nghĩ tất cả mọi thứ trên đời này đều liên quan đến nhau, khi một nhạc sĩ hay nhà thiên văn đạt tới đỉnh cao nào đó thì họ sẽ quan sát thấy những điều giống nhau, mặc dù thực hành của họ có thể khác nhau. Có người làm việc với nhạc cụ, có người làm việc với bầu trời, có người làm việc với ngôn ngữ, cũng có người làm với vật liệu như kiến trúc sư, nhưng khi đạt tới đỉnh, thì mình nghĩ, cái họ thấy sẽ giống nhau. Vì thế mình cho rằng tất cả mọi thứ trên đời đều có một sự kết nối nào đấy.

Khi mình đọc một tác phẩm của một tác giả như Milan Kundera, mình không chỉ được đọc cuốn sách đó mà còn được giới thiệu tới vô vàn cuốn sách khác, đọc một cuốn sách mà như đọc nhiều cuốn sách vậy. Có một nhà văn từng nói, đại ý là “hãy đọc những tác giả mà bản thân họ là những người đọc lớn.”

Dường như những tác giả mình thích đều là những người đọc lớn, như Borges, Orhan Pamuk, Murakami. Có lẽ thần tượng ai thì ta cũng cố gắng để trở thành sự phản chiếu.

Là tác giả trẻ, bạn thấy tiếng nói của ngôn ngữ và nền văn hoá nhỏ bé trong xu hướng toàn cầu hoá văn chương thế nào?

Tiếng Anh và các ngôn ngữ lớn luôn có lợi thế, cả về mặt lịch sử phát triển lẫn điều kiện kinh tế, tất cả tinh hoa đều tề tựu về đó làm giàu những ngôn ngữ ấy. Trong khi đó, những ngôn ngữ nhỏ hơn chịu thua thiệt, đôi khi chúng bị thất thế ngay tại quê nhà của mình. Đó là một thực tế.

Tuy nhiên ngày nay, bên cạnh làn sóng toàn cầu hoá, cũng có làn sóng bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ. Các tác giả khao khát phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, một số nền xuất bản mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan hay Đông Nam Á cũng đang trở thành tâm điểm. Có nhiều tạp chí văn chương trực tiếp hướng tới tiếng nói từ các nhà văn ở các khu vực này.

Một nhà văn rất thú vị mình biết là tác giả Trần Tư Hoành người Đài Loan. Tác phẩm của Trần Tư Hoành hiện đang bán rất tốt ở Mỹ, ở Việt Nam cũng vậy. Rõ ràng, người Mỹ nếu đọc Trần Tư Hoành sẽ khó hiểu hết nội dung, vì tác phẩm Vùng đất quỷ tha ma bắt của anh lấy bối cảnh vùng nông thôn Đài Loan trong đêm rằm tháng 7.

Người Mỹ không có rằm tháng 7, họ càng không có ý niệm về việc ma quỷ vào rằm tháng 7 sẽ ngao du dương thế (và nó rất khác với Halloween). Họ không hiểu được câu chuyện như thế, không có gốc rễ văn hóa để nắm bắt toàn bộ những gì anh nói, nhưng cuốn sách vẫn rất thành công.

Mình nghĩ thời điểm bây giờ, nền xuất bản lớn nhất thế giới là Mỹ bắt đầu nhìn sang những nền văn hóa khác, nhỏ bé hơn nhưng không kém phần thú vị. Hơn nữa, nếu không tiếp nhận những dòng chảy văn hóa đó, hệ thống xuất bản Mỹ một lúc nào đấy cũng sẽ trở nên cũ kỹ, lặp lại những motif cũ đã được kể đi kể lại.

Thậm chí, ngay cả Hollywood cũng thế, studio A24 được biết đến rất nhiều qua các giải thưởng danh giá, những tác phẩm về người nhập cư, da màu, hay các nền văn hoá nhỏ bé. Đã đến lúc các nền văn hóa nhỏ hơn lên tiếng trong điện ảnh, văn chương, âm nhạc trong xu hướng toàn cầu hoá của nghệ thuật.

Vậy trong xu hướng đó, bạn thấy văn chương và các nhà văn Việt Nam đang có gì và thiếu gì?

Mình không dám khẳng định điều này, nhưng mình nghĩ Việt Nam có một lợi thế, đây luôn là một vùng đất nhiều bí ẩn khơi gợi trí tò mò và có quá nhiều câu chuyện để kể.

Còn về cái đang thiếu để tiệm cận hơn thế giới thì đầu tiên là nền công nghiệp xuất bản - một trong những yếu tố khá quan trọng. Ví dụ, ở một đất nước phát triển, một sinh viên theo học ngành văn học hàng tháng đều có những đại diện xuất bản tìm đến xem người đó đang viết gì, đánh giá về ý tưởng họ đang có, nếu thú vị và tiềm năng thì có thể đặt hàng viết luôn cuốn sách như thế.

Thậm chí, nhà xuất bản sẽ đưa ra hợp đồng sản xuất liền hai cuốn liên tiếp để nếu cuốn đầu tiên thành công thì họ sẽ có lợi thế là không phải trả tiền nhiều hơn cho cuốn thứ hai, và viết cuốn thứ hai là nhiệm vụ của nhà văn đó. Nền công nghiệp xuất bản đã được vận hành một cách trơn tru, với những người luôn đi săn tìm các cây bút trẻ và tiềm năng mới.

Dưới góc độ chuyên môn, mình nghĩ Việt Nam cũng không thiếu gì cả. Là một nhà văn, mình hoàn toàn có thể tự tin Việt Nam có những nhà văn lớn rất đáng tự hào, nhưng vì viết bằng một ngôn ngữ nhỏ nên sự chú ý cũng ít hơn.

Phải nói thực, bản thân mình cũng là người tiêu thụ nhiều loại văn hóa phẩm khác nhau. Và khi tham gia kỳ lưu trú sáng tác tại Iowa (Mỹ), mình nhận ra rằng, khi nói chuyện với các nhà văn từ châu Âu, Nam Mỹ, Hàn, Trung, Nhật, Trung Á, châu Phi, mình đều có thể nói chuyện với họ về các tác giả văn chương, điện ảnh, thậm chí âm nhạc nước họ, nhưng họ chẳng biết Việt Nam có tác phẩm nào cả.

Chỉ duy nhất một nhà văn Trung Quốc biết Nỗi buồn chiến tranh và một nhà văn Hàn biết đến phim Trần Anh Hùng. Đó là điều khiến mình rất buồn.

Gần đây mình có một anh bạn nhà văn người Đài Loan viết một cuốn sách có một phần bối cảnh về Việt Nam. Khi tìm tư liệu, vì chỉ đọc được tiếng Anh nên anh ấy nhờ mình tìm một số những tác phẩm tiếng Việt đã dịch tiếng Anh cho anh ấy. Lúc đó mình thấy rất vất vả vì quá ít các tác phẩm hay của Việt Nam được dịch ra một ngôn ngữ khác và có thể tiếp cận dễ dàng.

Như vậy, thêm một điều khiến văn chương Việt Nam yếu thế hơn, hoàn toàn rất lý tính - là nhuận bút cho dịch giả nước ngoài quá cao. Thật sự thì nhuận bút cho dịch giả Việt dịch cả một cuốn tiểu thuyết từ Anh sang Việt có khi cũng chỉ bằng nhuận bút một dịch giả nước ngoài dịch một truyện ngắn.

Một tác giả bình thường có thể lấy đâu ra nguồn lực để dịch tác phẩm của mình và đem gửi tới một nhà xuất bản nước ngoài? Sự chênh lệch này không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Nhà văn muốn viết tốt có cần phải là người sống đủ lâu và đủ sâu?

Nếu hỏi câu này vào 5 năm trước, mình sẽ trả lời rằng sống và viết không liên quan gì đến nhau. Bạn có tin rằng Lý trí và tình cảm được Jane Austen viết khi 19 tuổi, Gia đình Buddenbrooks được Thomas Mann viết khi mới 25?

Thế nhưng càng về sau, mình càng nghiệm ra công việc viết tiểu thuyết thường đòi hỏi một quãng thời gian tích lũy vốn sống đủ dài, khác với thi ca hay âm nhạc thường phát tiết tinh hoa khi người ta còn trẻ. Mario Vargas Llosa, một nhà văn lớn người Mỹ Latin, có nói đại ý rằng có thần đồng thi ca, nhưng không có thần đồng tiểu thuyết gia.

Ngay cả những tác giả lớn, cũng có thể viết rất nhiều tác phẩm không lấy gì làm đặc biệt trước khi sở hữu một tác phẩm thực sự. Tiểu thuyết gia không phải bẩm sinh là có, và đúng là theo thời gian, người ta sẽ viết hay hơn. Thế nên với những nhà văn trẻ, hãy cứ để cho họ thời gian.

Lại nói về Trần Tư Hoành, lần đầu gặp, mình rất bất ngờ khi thấy anh ấy còn trẻ vậy, nhưng thật ra lại đã gần 50 tuổi. Cuốn sách thành công nhất tới thời điểm này được viết khi anh ngoài 40. Vậy có thể đỉnh cao tuổi trẻ của tiểu thuyết gia chính là tuổi trung niên chăng?

Càng sống sẽ càng có nhiều điều để viết, lúc đấy, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều hơn bản chất, câu chuyện và kết nối của xã hội để khai thác và tận dụng.

Cuộc sống của một nhà văn có làm bạn hài lòng không? Cả về vật chất lẫn tinh thần

Hài lòng lắm, ngày nào mình cũng thấy rất may mắn. Cũng có lúc mình cảm thấy không may, ví dụ khi đang viết một tiểu thuyết, chiều nào cũng viết, sáng hôm sau ngủ dậy nghĩ hôm nay lại phải làm việc hôm qua đã làm, chẳng biết bao giờ xong. Nhưng cứ ngồi vào bàn là lại thấy mình thật may mắn.

Trong khi bao nhiêu người đang làm việc đầu tắt mặt tối ngoài kia và có thể họ không hề yêu thích việc đó, thì mình được ở đây và làm việc mình thích. Đó là một thế giới rất riêng tư. Mình cảm giác càng viết càng khỏe, chứ không phải càng viết càng kiệt quệ.

Viết ra được một ý bản thân rất thích, thấy rằng phải là từ này chứ không thể là từ khác được, là một niềm hạnh phúc vô kể dù rất ngắn ngủi, vì có thể ngay hôm sau, mình không còn thích nó nữa.

Có thể ở một vũ trụ khác, mình đang làm một việc khác và cũng rất hạnh phúc với việc đấy, nhưng ở vũ trụ này, văn chương đã cho mình rất nhiều cơ hội. Mình nhớ mãi khoảnh khắc đi bộ giữa một cánh rừng ở Iowa nước Mỹ và nhận ra, ôi chính nhờ tôi viết văn nên tôi đang ở đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục