Ask A Senior: Joe Sabia — Gã hỏi 73 Questions cho Vogue
Tờ New York Times viết: “Joe Sabia thạo nội dung số như là bác sĩ Doolittle thạo nói chuyện với loài vật”. Sau 6 năm, cậu vừa rời khỏi vị trí quan trọng tại tập đoàn Condé Nast Entertainment để chuẩn bị lập một công ty riêng.
Là một người bạn cũ, tôi đăng ký được một tiếng trò chuyện với Joe, trong lòng không khỏi lo lắng. Trong nghề làm sáng tạo, Joe như một guru kỳ cựu, cũng đồng thời là người phỏng vấn rất nhiều ngôi sao mà ta chỉ hay nhìn trên bìa báo. Show đình đám nhất và có dấu ấn đậm đặc nhất của Joe chính là “73 Questions”.
Nếu bây giờ tôi hỏi bạn nguyên một danh sách những câu bạn đã hỏi các khách mời của 73 Questions thì…?
Ôi không!!! (cười) Điều tệ nhất bạn có thể làm với tôi là đặt tiêu đề cho bài báo này là: “73 câu hỏi với gã hỏi 73 câu hỏi” đấy nhé!
Tại sao? Bạn có bao giờ tự hỏi mình những câu hỏi này chưa?
Tôi hoàn toàn dở trong việc trả lời những câu hỏi này mà không được báo trước. Tôi muốn nhìn thấy tất cả những câu hỏi trước khi nghĩ về chuyện trả lời chúng ra sao. Thậm chí, tôi thà sẽ diễn cho bạn là tôi rất bất ngờ như khi nghe thấy câu hỏi lần đầu tiên.
Thôi được rồi, tôi sẽ đổi danh sách câu hỏi của mình vậy. Tập nào là tập yêu thích nhất của bạn?
Thật khó mà chọn một. Nhưng tôi luôn thích những khách mời mà năng lượng của họ nhiều tới nóc. Như tập với Emma Stone, Sarah Jessica Parker và Roger Federer.
Thế còn “73 questions” nào khiến bạn nhiều bất ngờ nhất?
Tôi nghĩ là buổi phỏng vấn với Liam Gallagher (trưởng nhóm nhạc huyền thoại Oasis). Ông chẳng cần tập dượt gì cả, quay một lần xong luôn rồi cũng rời đi ngay. Tất cả hết chưa tới 20 phút.
Hỏi các câu hỏi này với các ngôi sao, có bao giờ bạn chán không?
Tôi thấy vẫn vui lắm! Đã hơn 70 tập kể từ tập đầu tiên phỏng vấn Sarah J. Parker. Bản thân 73 Qs đã tự “tiến hoá” qua các năm.
Mọi người gần như quên béng rằng format này ban đầu chỉ là để phỏng vấn Sarah (ngôi sao chính trong series huyền thoại Sex and the city) với độ dài chỉ 5 phút rưỡi. Với tôi “73 questions” như một cỗ máy được tạo ra để giúp bạn thấy những cá tính khác nhau của ngôi sao, những chuyện trò cũng ngày một sâu sắc, chân thành hơn. Show dài ra, đa dạng hơn, và mỗi lần có một ngôi sao đồng ý tham gia, chúng tôi đều rất vui mừng.
Trong rất nhiều các format bạn nghĩ ra, đâu là show bạn thích nhất?
Technique Critique trên Wired- khi các chuyên gia thật ngoài đời đến xem những cảnh quay về nghề của họ, nói ra cái nào đúng cái nào sai, là show hay nhất của tôi. Cuộc phỏng vấn mỗi năm 1 lần với Billie Eilish (đã làm đến năm thứ 4) cũng là một trải nghiệm thú vị không dễ có được!
Khâu khó nhất trong nghề này?
Digital artist- là định nghĩa dành cho bất kỳ nghệ sỹ nào tạo ra những dự án trên Internet, vốn là từ phổ biến chúng tôi hay dùng. Và phần khó nhất trong nghề này, là việc biến các ý tưởng mình có trong đầu thành hiện thực.
Nếu bạn không có nhiều kinh phí, nhưng có một người siêu nổi tiếng trong vòng 10 phút, bạn sẽ làm gì? Nếu bạn có một ý này cực khủng nhưng không thể thực hiện khủng? Với tôi, ý tưởng chỉ đóng vai trò 1% trong khi việc thực hiện nó chiếm 99% còn lại. Nếu mỗi tuần hay mỗi hai tuần mình phải làm một tập mới tinh, concept nhiều đấy, nhưng chọn làm gì đây? Hơn thua là ai làm ra thành thành phẩm.
Bạn có một thứ công tắc tắt- bật cho sáng tạo không? Trong lúc tắm, lúc đánh răng…người ta hay nghĩ được nhiều thứ nhất chẳng hạn?
(cười) Tôi có biết đến một thứ gọi là “shower thoughts”- những suy nghĩ chỉ đến trong lúc bạn tắm. Hay có nhiều người chọn đi dạo để nghĩ.
Tuy nhiên, tôi không phải là kiểu người như vậy. Tôi luôn thích được chuyện trò với những nghệ sỹ khác, xem những thứ hay ho trên Internet (tôi xem cực kỳ nhiều). Và ý tưởng của tôi ra đời trong những lúc ấy.
Cách nhanh nhất để lưu trữ những ý tưởng của mình?
Thường thì tôi thích viết tay xuống giấy. Nhưng sau một “sang chấn tâm lý” vào năm 21 tuổi khi cuốn sổ cuộc đời đầy những viết lách bị lạc mất trên một chuyến xe bus đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia, thì đấy cũng là lần cuối cùng tôi viết tay. Giờ các ghi chép mỗi ngày trong 8 năm qua tôi dành trọn cho Google Doc.
Bạn có tin vào lý thuyết: Các ý tưởng trôi nổi và chọn các cơ thể cùng tần sóng để…chui vào?
Hừm, nghe hơi Phật giáo không?(cười) Không, tôi không tin. Mỗi lần cần nghĩ ý tưởng, tôi quay lại kho ghi chép của mình và rà soát tất cả!
Với tôi, sáng tạo không thế thiếu các đầu vào. Là video gần nhất bạn xem, là concert gần nhất bạn tới dự, người bạn gần nhất bạn nói chuyện, là những gì bạn xem vào 3 giờ chiều qua… Vì nếu bạn là người sáng tạo, bạn đã luôn được truyền cảm hứng bởi ai đó.
Tôi tin rằng những ‘yếu tố đầu vào’ sẽ liên tục kết hợp và kết hợp với nhau trong tiềm thức để khơi dậy ý tưởng và sáng tạo. Đây là định nghĩa tốt nhất của tôi về sự sáng tạo.
Và ý tưởng oách nhất cho định nghĩa này?
Từ năm 2011-2013, tôi đã đồng sáng lập một nhóm nhạc YouTube có tên CDZA, nơi chúng tôi thực hiện những thử nghiệm video âm nhạc điên rồ. Một cuộc gặp gỡ khổng lồ hơn 100 nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp chẳng hạn- tất cả cùng nhau ngẫu hứng ghi âm 'one-take' những bản hòa tấu khác nhau về hiện tại và quá khứ của văn hóa đại chúng. Chỉ riêng dự án này đã bao gồm biết bao nhiêu kiểu loại và chủ đề âm nhạc.
Một thể nghiệm khác là khi chúng tôi biến lọ đựng tiền boa vẫn để trên đường cho các nghệ sỹ hát dạo, thành những hộp nhạc. Một ý tưởng khác nữa là lấy lời bài hát Fresh Prince của Bel Air cho vào Google Dịch, sau đó chuyển ngữ lại tiếng Anh, rồi biểu diễn bản dịch mới hết sức buồn cười này!
CDZA còn trở thành là ban nhạc nội bộ không chính thức của Google trong nhiều sự kiện, biểu diễn tại Giải thưởng âm nhạc YouTube lần đầu tiên... Điều này đặc biệt ở chỗ chúng tôi đã không còn ở trên YouTube nữa, mà được trải nghiệm thực tế với khán giả ngay trước mặt.
Theo bạn, điều gì sẽ đến tiếp theo? Nền tảng nào, công nghệ nào sẽ thống trị?
Tiktok đang là nền tảng video mới nhất và cũng là nơi tập hợp rất nhiều ý tưởng hay ho.
Nhưng tôi đang tập trung sự chú ý của mình vào Deep Fakes và trí tuệ nhân tạo- nơi sẽ tạo ra những chuyển đổi quan trọng nhất trong phương tiện truyền thông và kỹ thuật kể chuyện. Tôi không chắc chúng ta đang hiểu được hết những tác động này. Có thể vì chúng ta còn đang ở thời kỳ “hoang dã”, chưa biết được rằng sẽ sớm thôi, bất kỳ ai có quyền truy cập công nghệ Deep Fakes sẽ có khả năng điều khiển cảnh quay video giống 100% so với thực tế.
Tôi nghĩ nó sẽ bóp méo mọi sự thật của chúng ta đang có trong tương lai gần.
Bạn sẽ làm gì tiếp theo?
Lo lắng về deepfakes! (cười) Đùa thôi. Tôi muốn tiếp tục thực hiện những điều mà tôi quan tâm, cộng tác với những người mà tôi hâm mộ và từ quan điểm tư vấn, giúp những người khác cảm thấy tự tin hơn với các lựa chọn sáng tạo của họ. Và ai biết, có thể tôi tham gia vào việc sản xuất podcast? Tại sao không??