Ask A Senior: Khang Phạm, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh, KAMEREO
Quản lý mua hàng được xem như những người hùng thầm lặng tại các nhà hàng, khách sạn. Trong khi các đầu bếp luôn xuất hiện trên sóng, mixologists (nhân viên pha chế) được ca tụng trên mạng xã hội thì bộ phận thu mua thường ít được nhắc tới. KAMEREO - nền tảng toàn diện đầu tiên của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp HORECA ra đời nhằm làm cho bộ phận vốn là nền tảng của ngành hoạt động hiệu quả hơn (nếu không muốn nói là quyến rũ hơn). Bằng cách kết nối trực tiếp các khách sạn và nhà hàng với các nhà cung cấp, KAMEREO giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc, cũng như tổng hợp dữ liệu mua hàng giúp việc phân tích data tốt hơn.
Khi công ty đang trên đà phát triển ra toàn cầu (và mở rộng việc cung cấp sản phẩm của mình trên các trang Thương mại điện tử và các trang Siêu thị online vào đầu năm nay), Vietcetera đã có buổi trò chuyện với Quản lý phát triển kinh doanh của KAMEREO, Khang Phạm.
Khang gia nhập sau khi liên hệ với Taku Tanaka, người sáng lập KAMEREO trên LinkedIn và lôi cuốn anh ta vào một cuộc trò chuyện sôi nổi về tương lai của ngành F&B Việt Nam và vai trò của KAMEREO trong đó. Hiện nay, Khang quản lý một nhóm bán hàng B2B, đưa ra các chiến lược và cơ hội phát triển.
Một số quan niệm sai lầm mà mọi người có về làm việc trong các công ty khởi nghiệp là gì?
Đa số mọi người đều nghĩ làm việc trong môi trường startup đồng nghĩa với chuyện vùi mình trong công việc, thậm chí là thâu đêm suốt sáng. Trong khi đó, tại các công ty hoặc doanh nghiệp lớn, mọi người sẽ tan sở lúc 5 giờ chiều và theo học các lớp yoga để cân bằng cuộc sống.
Trên thực tế, đúng là startup đòi hỏi bạn phải làm việc nhiều hơn để hoàn thành được mục tiêu và đưa ra sản phẩm cuối cùng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: điểm cộng cho người làm startup là sự tự do và khả năng quản lý giờ giấc của mình.
Người làm việc tại startup cũng có gia đình, có sở thích và có cuộc sống riêng. Và thứ khiến họ yêu môi trường startup chính là sự linh hoạt - họ có thể rời văn phòng sớm vào thứ Sáu và làm thêm vào sáng Chủ nhật. Đây là điều mà một công ty lớn sẽ không thể có được.
Để trở thành một nhân viên kinh doanh giỏi, theo anh, chúng ta cần những tố chất gì?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất của một nhân viên kinh doanh đó là biết cách đặt câu hỏi phù hợp với khách hàng tiềm năng để họ trò chuyện một cách cởi mở. Đồng thời, bạn cũng phải biết lắng nghe cẩn thận.
Một yếu tố quan trọng khác là sức bền. Thay vì bi quan, chán nản khi kết quả không được như ý muốn, bạn sẽ tìm kiếm giải pháp để đạt được doanh số mong muốn.
Sự tự tin cũng là một điểm tôi muốn nhấn mạnh: tự tin về bản thân cũng như sản phẩm bạn đang bán. Khi khách hàng thấy được sự tự tin từ bạn, họ sẽ tin tưởng hơn về sản phẩm và có xu hướng đưa ra quyết định mua hàng nhanh hơn. Khi thấy khách hàng có vẻ do dự, một nhân viên bán hàng tốt sẽ biết vận dụng trí tuệ cảm xúc để có thể nhanh chóng đưa ra giải pháp phù hợp nhất đến khách hàng họ.
‘Có duyên’ cũng được tính là một điểm mạnh. Khác với vẻ bề ngoài, duyên là sự dễ mến từ bên trong mỗi người. Những người thật sự có duyên sẽ luôn thu hút người đối diện. Để thành công trong lĩnh vực bán hàng, bạn phải biết tận dụng cái duyên của mình cùng những phẩm chất khác như sự cảm thông, trung thực và rộng lượng.
Bí quyết duy trì động lực của anh là gì?
Tôi có cho mình một vài thói quen buổi sáng để bắt đầu một ngày hứng khởi. Sau khi tắm, giãn cơ và dùng bữa sáng, tôi lên mạng đọc tin tức và liệt kê danh sách những việc cần thực hiện trong ngày. Tôi luôn thúc đẩy bản thân để hoàn thành những đầu việc trong danh sách hôm đó.
Điều gì làm anh ngạc nhiên về thị trường F&B Việt Nam từ khi gia nhập KAMEREO?
Việt Nam rõ ràng là một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực F&B nhờ tình hình kinh tế và chính trị ổn định, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào cách thức hoạt động hàng ngày của các nhà hàng, quán bar, và cách họ tổ chức chuỗi cung ứng, rất ít nơi sử dụng công nghệ, đa số vẫn vận hành theo quy trình thủ công.
Đấy là lí do vì sao tôi nghĩ rằng tiềm năng của KAMEREO trong việc xây dựng lại cách thức vận hành của thị trường F&B tại Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi cung cấp giải pháp toàn diện, ứng dụng công nghệ. Đây là cách hợp lý và đơn giản nhất để các nhà hàng, quán bar, cà phê, khách sạn và các cơ sở kinh doanh sắp xếp lại hoạt động hằng ngày của họ. Kết quả thấy được là, chi phí hoạt động được giảm xuống đáng kể.
Lời khuyên của anh đến các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này?
Tôi là đồng sáng lập của một nhà hàng nhỏ được mở hơn 7 năm. Nghe oách là vậy nhưng trên thực tế tôi đã trải qua rất nhiều lần kinh doanh thất bại và mất đi nhiều mối quan hệ để có được như ngày hôm nay.
Vì thế, mỗi lần được hỏi lời khuyên khi mở nhà hàng, câu trả lời của tôi luôn là ĐỪNG. Trừ phi bạn thật sự đam mê, không sợ hãi và sẵn sàng đầu tư kinh phí, còn không thì đừng nên làm. Mở một nhà hàng rất đơn giản nhưng để duy trì nó thì rất khó. Mở nhà hàng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận hy sinh thời gian và đời sống riêng tư. Bạn phải sẵn sàng học cách làm tất cả mọi việc và mọi vị trí trong nhà hàng ở giai đoạn đầu: ngày hôm nay bạn có thể phải lau dọn sàn, chùi nhà vệ sinh, rửa chén; và vài ngày tiếp theo là chuẩn bị thức ăn và phục vụ thực hàng.
Thật khó khi phải nói với bất kỳ ai rằng đừng theo đuổi giấc mơ của mình, bởi vì nếu không có ước mơ thì chúng ta có gì? Cuối cùng thì, theo tôi, cũng chỉ có một loại thành công duy nhất - đó là được sống theo cách bạn muốn, và làm điều bạn đam mê.