Kinh tế tuần hoàn là gì? Liệu nó có giải quyết mâu thuẫn của con người với thiên nhiên?
Kinh tế tuần hoàn là gì? Vì sao nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp con người giải quyết các vấn đề môi trường? Nền kinh tế tuần hoàn được áp dụng ở Việt Nam như
1. Kinh tế tuần hoàn là gì?
Nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) được tạo ra với mục tiêu chính là phục hồi (restorative) hoặc tái sinh (regenerative) mọi thứ (bao gồm sản phẩm, nguyên liệu, quy trình…).
Kinh tế tuần hoàn loại bỏ khái niệm “end-of-life” trong kinh doanh (tức sản phẩm bị sử dụng đến một lúc nào đó sẽ hết giá trị và không kinh doanh được nữa).
2. Đặc trưng
Giảm thiểu lượng rác thải trong các quá trình sản xuất và vận hành. Những thứ vốn bị coi là rác (vật dụng bị hư, sản phẩm sử dụng một lần…) trong nền kinh tế tuyến tính (linear economy), sẽ được sử dụng lại như nguồn nguyên liệu mới.
Trả lại cho hệ sinh thái những gì từng thuộc về nó.
Nguồn năng lượng sử dụng trong kinh tế tuần hoàn phải là năng lượng có thể tái tạo.
Giảm thiểu việc dùng các hóa chất độc hại trong dây chuyền sản xuất.
(Nguồn hình: Timothy Takemoto/Flickr)
3. Giá trị từ kinh tế tuần hoàn
Với người tiêu dùng
Người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng cao hơn, không gây độc hại. Điều này sẽ tiết kiệm chi phí về lâu về dài.
Với môi trường
Kinh tế tuần hoàn giúp giảm gánh nặng lên môi trường ở ít nhất là hai phương diện: không còn rác thải, bảo vệ nguồn năng lượng thô và các nguyên vật liệu trong tự nhiên.
Với doanh nghiệp
Hoạt động tái chế, sử dụng lại nguồn nguyên liệu cũng như hạn chế sử dụng năng lượng sẽ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, quảng bá và bán hàng.
4. Các doanh nghiệp đang theo đuổi mô hình này
Dyecoo: doanh nghiệp Hà Lan đi tiên phong trong việc loại bỏ nước cũng như các hóa chất độc hại để nhuộm vải. Thay vào đó, họ sử dụng khí CO2 để nhuộm, và lượng khí này sẽ được tái sử dụng nhiều lần. Nike và IKEA cũng là khách hàng của Dyeco.
Close the Loop: Dùng nhựa đến từ các máy in, đầu máy quay đĩa,... như một nguyên liệu để lát bề mặt đường. Những con đường này tồn tại được lâu năm hơn 65% so với việc sử dụng nguyên liệu làm đường truyền thống.
Heniken Việt Nam: sử dụng lại chai và tái chế nắp chai.
5. Các chiến thuật kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn
Sáu chiến thuật mà doanh nghiệp cần quan tâm bao gồm:
- Cung cấp và hoạt động (provide and perform): giải quyết vấn đề của khách hàng bằng các dịch vụ thay thế việc sử dụng sản phẩm vật chất.
- Tăng giá trị sản phẩm (extend product value), hay tăng giá trị thu hồi ước tính (residual value): tận dụng việc tái chế hoặc tái sử dụng sản phẩm giữa các doanh nghiệp
- Tăng tuổi thọ sản phẩm (long-life)
- Tăng khả năng đáp ứng của sản phẩm (encourage sufficiency): tăng thời gian sử dụng sản phẩm của người dùng bằng các dịch vụ như sửa chữa, bảo hành, nâng cấp,...
- Tăng giá trị của nguyên liệu (extend resource value): sử dụng rác thải như là nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm mới.
- Tăng giá trị cộng sinh công nghiệp (industrial symbiosis): đầu ra của quá trình sản xuất này có thể là đầu vào của quá trình khác. Việc hợp tác này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp có vị trí gần nhau.
6. Nền kinh tế tuần hoàn là giải pháp cho vấn đề môi trường?
Trải qua việc bị cách ly xã hội kéo dài, chúng ta hiểu được rằng đa số những món đồ ta từng mua là không cần thiết. Hành vi mua sắm và tiêu dùng vô tội vạ đang là nguyên nhân chính của các vấn đề môi trường mà thế giới phải đối mặt.
Để phòng tránh điều đó, thế giới nên có môt kế hoạch để sửa chữa gốc rễ của vấn đề ngay từ bây giờ. Nền kinh tế tuần hoàn, với những mục tiêu xây dựng mối quan hệ lành mạnh với thiên nhiên, sẽ là giải pháp phù hợp nhất cho con người.
(hình ảnh: công nghệ biến rác thải thành năng lượng của Úc)
Sau đại dịch, Gucci - một thương hiệu danh tiếng - vừa quyết định giảm thiểu các buổi trình diễn bộ sưu tập theo mùa, hay theo cách gọi của nhiều báo là "go seasonless" để lược bớt rác thải thời trang.
7. Việt Nam đi trước thế giới về kinh tế tuần hoàn?
Ở Việt Nam, nền kinh tế tuần hoàn thực chất đã tồn tại dưới nhiều hình thức. Ví dụ, mô hình vườn-ao-chuồng trong nông nghiệp Việt Nam đã giải quyết vấn đề rác thải nông nghiệp bằng cách kết nối giữa các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.
Gần đây, Việt Nam cũng đã sử dụng rác thải nhựa để làm nhựa đường và xây thành công một con đường ở Hải Phòng. Xu hướng tái sử dụng rác thải như vải vụn, hộp sữa,... để tạo ra sản phẩm mới cũng là một phần của nền kinh tế tuần hoàn.
8. Thuật ngữ liên quan
Kinh tế tuyến tính (linear economy): nền kinh tế dựa trên việc sử dụng nguyên liệu thô để chế thành sản phẩm. Khi sản phẩm hết giá trị sử dụng sẽ trở thành rác bỏ đi.