Nền kinh tế vỉa hè kiếm tiền như nào?

Việc chúng ta ngồi nhâm nhi một ly cafe bên vỉa hè, ăn phở trên vỉa hè hay ngồi nhậu cùng bạn bè trên vỉa hè đang đóng góp như thế nào vào nền kinh tế này?
Thư Vũ
Nguồn: Giang Trịnh

Nguồn: Giang Trịnh

Trong khái niệm của xã hội học, “kinh tế vỉa hè” thường dùng để chỉ những người phụ thuộc vào vỉa hè, thậm chí lòng đường cho việc buôn bán. Dù là xã hội hiện đại cũng vẫn luôn tồn tại một sự bền vững trong kinh tế đô thị, nguồn lợi kinh tế thu được từ vỉa hè là có thật.

Vậy, việc chúng ta ngồi nhâm nhi một ly cafe bên vỉa hè, ăn phở trên vỉa hè hay ngồi nhậu cùng bạn bè trên vỉa hè đang đóng góp như thế nào vào nền kinh tế này? Và cách những người mưu sinh trên vỉa hè có gì đặc biệt, mà nhiều người giàu đến thế?

Nền kinh tế vỉa hè bắt đầu từ đâu?

Khi những người dân mang những sản vật lên thành phố, lẽ dĩ nhiên, họ sẽ đi khắp các phố phường, ngõ hẻm để rao bán. Dần dà, họ “đậu” tại một nơi cố định để nhiều người biết hơn, thuận tiện hơn và dễ liên lạc hơn.

Vỉa hè phố chính là nơi đầu tiên khơi nguồn bày bán những sản vật này. Từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và là một phần văn hóa không thể thiếu trong đô thị Việt Nam.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra ít nhất 20% GDP và số lao động phi chính thức đã tham gia tích cực trong nền kinh tế quốc gia. Trong đó, kinh tế vỉa hè với số lao động phi chính thức ở khu vực thương mại chiếm 31% và dịch vụ chiếm 26%. Kinh tế phi chính thức chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh tế, việc làm.

Những năm qua, nền kinh tế vỉa hè đã đóng góp gần 11 triệu trong tổng số 22 triệu lao động phi chính thức. Vỉa hè trở thành nơi tạo ra việc làm và thu nhập của số lớn cư dân nghèo đô thị.

Nhìn ra thế giới, hiện nay có rất nhiều quốc gia cũng đang thử nghiệm và phát triển nền kinh tế vỉa hè này. Để tận dụng tốt đặc tính của nó, các nước phát triển và đang phát triển đang dần hoàn thiện các quy trình và mô hình quản lý để tận dụng không gian của đời sống.

Quảng trường Times (New York, Mỹ) đã thử nghiệm khi chặn xe và tạo thành không gian vỉa hè cho người dân sinh hoạt. Song chính từ thử nghiệm đó, con phố này trở nên nhộn nhịp hơn và người dân thích thú hơn với nó.

Một thành phố khác của nước Mỹ là San Francisco, đã thay đổi những khu vực đậu xe dọc hai bên đường để chuyển đổi thành các vỉa hè, giúp các hoạt động ngoài trời, ăn uống ngay tại khu vực này trở nên sôi động hơn.

Một số quốc gia ở khu vực châu Á cũng đang mang trở lại các khu phố ẩm thực và quảng bá như một nhận diện văn hoá là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,... với các chợ đêm, lề đường sôi động, tấp nập.

Dịch chuyển tầng lớp trong buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè

Có một câu nói đùa mà chúng ta vẫn thường nói với nhau, rằng “Bà cụ bán trà đá thế thôi nhưng có mấy cái nhà mặt tiền", hay “Ông đó bán xôi mà đủ nuôi mấy đứa con đi du học đấy". Không thể phủ nhận, có một thực tế, rất nhiều tầng lớp và người dân đã giàu lên từ buôn bán, kinh doanh các mặt hàng trên đường phố.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh doanh trên vỉa hè và cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố đã tạo ra 11 - 13% GDP của cả Sài Gòn (còn thực tế có thể còn nhiều hơn). Cùng với con số đó là hàng vạn người có việc làm và thu nhập ổn định bởi những gánh hàng rong, quán hàng rong trên vỉa hè đường phố.

Hãy thử làm một phép tính đơn giản với người bán hàng rong. Chỉ cần 500 nghìn đồng đầu tư, một ngày kiếm lời được khoảng 200 nghìn đồng tiền lãi. Một năm chỉ cần 300 ngày quay vòng vốn như thế, nhân lên thu nhập của hàng triệu người thì con số rất lớn. Đồng thời, nó cũng góp phần đưa hàng hóa tiêu dùng đến mọi ngóc ngách một cách nhanh chóng.

Nhà đô thị học người Mỹ, Giáo sư Annette Kim (Viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ) trong một đề tài mà bà và cộng sự đã dày công nghiên cứu sau 15 năm sống ở TP Hồ Chí Minh, đã phát hiện ra một điều thú vị rằng, trên những vỉa hè của Sài Gòn, nhiều người cùng chia sẻ không gian cho những hoạt động khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Như ở một góc phố, lúc 5 giờ sáng, vỉa hè là nơi ngả lưng của ai đó. Sau thời gian ấy, lại là nơi phục vụ bữa sáng và cà phê.

Buôn bán, kinh doanh hay sống nhờ vỉa hè đang tạo nên một cuộc dịch chuyển trong nền kinh tế Việt Nam. Việc buôn bán hàng rong trên vỉa hè không phải là nghề nghiệp lý tưởng. Với một số người thì đây thực sự là lựa chọn của họ.

Buôn bán trên vỉa hè là một phần của văn hóa. Sự tương tác xã hội khiến cho một số người muốn gắn bó với vỉa hè, nhất là những người lớn tuổi. Thực tế, có những người không có việc làm lúc này và do đó họ có mặt trên vỉa hè để kiếm sống. Nhưng cũng có những người, truyền thống và đặc sản của gia đình làm lên tên tuổi của cửa hàng, từ đó kiếm bộn tiền hơn.

Phân tầng trong văn hoá vỉa hè

Nhóm cố định

Đây là nhóm chiếm nhiều ưu thế nhất trong nền kinh tế này với những sở hữu về mặt bằng, không gian. Họ buôn bán trực tiếp trên một miếng đất có sở hữu hay đi thuê lại, sử dụng vỉa hè làm không gian đệm để làm lối ra vào, chỗ để xe tạm hoặc mở rộng không gian kinh doanh hay các bãi để xe.

Theo khảo sát, với mức giá thuê một khoảng vỉa hè rộng 3m và khoảng 15 m2 trong nhà ở Sài Gòn hay Hà Nội có thể lên đến 30 triệu/tháng. Với những diện tích đẹp hơn và sầm uất hơn, giá có thể lên đến 150.000 đồng/tháng/m2, hàng tháng có thể thu về 450 tỷ đồng.

Đây cũng là nhóm bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và sử dụng vỉa hè. Dưới sự ổn định, họ có thể xây dựng tên tuổi của cửa hàng, có những khách quen, kết hợp cùng các ứng dụng giao nhận đồ ăn để tăng doanh thu hàng tháng.

Một số cửa hàng bán đồ ăn nổi tiếng ở Hà Nội như Xôi Yến, bún chả Hàng Quạt, Phở Bát Đàn có thể thu về hàng trăm đến hàng nghìn lượt khách, bỏ túi vài chục triệu mỗi ngày. Với một số cửa hàng có thể tận dụng các khách nổi tiếng như “Bún chả Obama" để làm nhận diện thương hiệu và nhượng quyền, điều này giúp họ có thể mang về vài trăm triệu đồng.

Những cửa hàng nhỏ hơn, ít tên tuổi hơn nhưng chỉ cần có mặt bằng cố định sẽ có lượng khách quen và khách ghé quán mua tạm, đây là những hộ có mức thu nhập nhỏ hơn nhưng đủ để bù đắp vào các khoản thu chi khác.

Nhóm lưu động

Đây có thể coi là nhóm yếu thế trong nền kinh tế này. Họ là những người buôn bán ngay trên vỉa hè như quán nước, gánh hàng rong, quán ăn, bán vé số,... Đồng thời, họ không bị chế tài đăng ký chịu sự quản lý của Ban quản lý trật tự đô thị thuộc UBND phường.

Một số người bán hàng rong lâu năm có thể có quan hệ rộng khắp, và do đó họ có được quyền sử dụng không gian lớn và lâu dài. Ngược lại, những người khác thì phải di chuyển liên tục bởi họ không thể có được một chỗ cố định. Họ là những người vẫn hay nói đùa với nhau rằng, tiền kiếm được chỉ đủ “rau cháo qua ngày".

Việc di chuyển và buôn bán lưu động khiến họ dễ đứt gãy về tính chính danh và thương hiệu cá nhân. Họ không thể nhượng quyền, việc buôn bán phụ thuộc nhiều vào thời tiết, xã hội và chính sách. Số tiền họ thu về chỉ vào khoảng vài trăm nghìn, hoặc nhiều hơn là vài triệu đồng một ngày.

Bảo kê cho kinh tế vỉa hè ở đô thị

Một nguồn thu nhập không thể bỏ qua khi đề cập đến kinh tế vỉa hè đó là các đường dây, mô hình bảo kê cho quán xá. Trước nhu cầu kinh doanh vỉa hè lớn, nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền để được kinh doanh “chui”, và từ đây tình trạng bảo kê vỉa hè ra đời.

Các hình thức bảo kê vỉa hè diễn ra rất đa dạng dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau. Một số nơi, do đặc thù kinh doanh chính quyền một số quận buộc phải “thương lượng” để các cơ sở kinh doanh được sử dụng tạm thời vỉa hè, với điều kiện phải đóng phí. Mức phí “bảo kê” này dao động vào từ 2-4 triệu VND/ tháng với những tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Với các cửa hàng lớn hơn, đông khách hơn, mức phí có thể lên đến 5-7 triệu VND.

Nếu không thuộc sự quản lý của các cấp hay chính quyền, các cửa hàng bán buôn vỉa hè thường phải đối diện với các hành vi côn đồ, gây rối thụ động. Những đối tượng này thường chủ yếu hù dọa, ức hiếp người lương thiện buôn bán nhỏ, bán hàng rong vỉa hè ở một địa bàn nhất định nào đó để kiếm ít đồng sống qua ngày. Mức “bồi dưỡng" dành cho nhóm đối tượng bảo kê như này thường là 1 - 2 triệu VND/ tháng.

Ngoài ra, các hoạt động buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè thường có sự cạnh tranh rất lớn về mặt bằng, không gian. Ngay cả chỗ dừng đỗ xe cũng vô cùng nhạy cảm. Để có thể yên ổn bán hàng và thu hút khách, những chủ hàng cũng phải bỏ ra vài trăm đến cả triệu đồng mỗi tháng để sở hữu một không gian để xe cho khách.

Kết

Tôi vẫn nhớ những tháng ngày gắt gao nhất của đại dịch, cả thành phố đóng cửa nằm im lìm. Thứ tôi thấy nhiều nhất trên mạng xã hội là những dòng trạng thái, chia sẻ của bạn bè, họ thèm một bát bún bò, đĩa ốc luộc, cốc trà đá hay ly dừa tắc.

Các món ăn đường phố, hay nói một cách dân giã hơn, là đồ ăn vỉa hè, lại trở thành thứ chúng ta nhung nhớ hơn cả, thay vì nhà hàng sang trọng, món ăn đắt tiền hay bất cứ thứ gì khác. Những món ăn vỉa hè, hay nhìn rộng hơn là mua sắm, tiêu dùng và văn hoá vỉa hè đã và đang đi vào đời sống của từng cá nhân và gắn liền một cách bền chặt.

Việt Nam không phải là Ấn Độ, nơi mà người ta có thể xây nhà trên vỉa hè, nhưng cũng không phải Singapore. Việt Nam ở khoảng giữa của hai quốc gia này. Chúng ta cần tìm ra một mô hình cho phép những thử nghiệm trên đường phố có thể diễn ra, và cũng để, kinh tế vỉa hè của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục