Phân biệt ESG, CSR và CSV - 3 Xu hướng kinh doanh bền vững thời đại mới

CSR, CSV, hay ESG là gì? Tại sao chúng là xu thế kinh doanh trong thời đại biến đổi khí hậu nghiêm trọng?
Trân Trân
Nguồn: Pexels.

Nguồn: Pexels.

Khi El Nino vừa khiến TP. HCM vượt ngưỡng nóng trên 40 độ C, dự báo từ Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cũng cho biết 2023 sẽ chứng kiến đợt nóng kỷ lục với nhiệt độ toàn cầu tăng đến 1,32°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bên cạnh đợt nóng, biến đổi khí hậu cũng gây ra cháy rừng, liên tục cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn sinh vật và gây mất cân bằng sinh thái.

Ở thời đại từ “sức khỏe trái đất” đến sức khỏe con người bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, “Phát triển Bền vững” (Sustainable Development) xuất hiện như chiến lược lâu dài để doanh nghiệp ra sức giảm thiểu tác động đến môi trường.

Hiểu đơn giản, Phát triển Bền vững là bước phát triển vừa thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến thế hệ tương lai.

Trong bức tranh bền vững đó, ta có CSR, CSV, ESG là 3 góc nhìn khác nhau của doanh nghiệp khi đề ra định hướng phát triển. Không chỉ có CSR (Corporate Social Responsibility) vốn đã quen thuộc, ESG và CSV đang dần trở thành xu hướng mới.

Làm thế nào để phân biệt 3 khái niệm này?

CSR (Corporate Social Responsibility): Trách nhiệm Xã Hội của Doanh nghiệp

CSR là viết tắt của Corporate Social Responsibility, được nghiên cứu và hình thành từ những năm 1950.

Theo bà Van Ly, Partners tại Raise Partners tổ chức tư vấn về vấn đề bền vững: “CSR nghĩa là xem trách nhiệm xã hội như một phần trong hoạt động đối ngoại của doanh nghiệp”. Theo đó, một công ty thực hiện tốt CSR khi họ vẫn kiếm ra lợi nhuận nhưng không gây tổn hại đến xã hội và con người trong tổ chức.

CSR yêu cầu họ phải có trách nhiệm trong cộng đồng họ hoạt động, qua các công tác thiện nguyện, gây quỹ, và các chính sách đạo đức với chính nhân lực của công ty.

Để thực thi, CSR môi trường có thể là các chương trình trồng rừng, quyên góp vật phẩm tái chế, hay nghiên cứu bao bì chất liệu tối ưu giảm thiểu rác thải,... CSR được xem là xu hướng phổ biến trên thế giới, trở thành điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của mọi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong CSR có chữ “trách nhiệm” (responsibility), nghĩa rằng doanh nghiệp phải luôn mang một phần trách nhiệm đóng góp giá trị cho xã hội dưới bất kỳ hình thức nào, ví dụ như tổ chức thiện nguyện.

Lâu dần, đây có thể là nhược điểm khi doanh nghiệp bắt đầu phát sinh chi phí cho các chiến dịch CSR "khổng lồ" hàng năm. Điều này khiến cam kết giữa doanh nghiệp với CSR giảm dần, cho đến khi CSR mất vị thế ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của họ.

Khi CSV xuất hiện, một số ý kiến cho rằng CSV là phiên bản nâng cấp của CSR. Vậy khái niệm này có gì “mới” hơn so với trách nhiệm xã hội đơn thuần?

CSV (Creating Shared Value): Tạo Giá trị Chung

CSV là Creating Shared Value, nghĩa là doanh nghiệp đề ra chiến lược win-win, tạo ra “giá trị chia sẻ” (shared value) cho cả nền kinh tế, xã hội, lẫn bản thân doanh nghiệp. CSV vừa đáp ứng mục tiêu sống còn của doanh nghiệp, lại giúp thực hiện các hoạt động cộng đồng.

Vậy thì thực hiện CSV như thế nào? CSV sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận với thị trường để tìm ra “tia sáng”, ví dụ xác định thị trường ngách tiềm năng để sản xuất điện thoại giá rẻ cho phân khúc nông thôn - vừa giải quyết vấn đề cộng đồng, vừa tăng hiệu quả kinh doanh.

Bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc Điều hành ASIF Foundation - Tổ chức phi lợi nhuận hướng tới hệ sinh thái thiện nguyện, chia sẻ rằng CSV cũng giống như "Khi tôi làm việc tốt cho xã hội, chính doanh nghiệp của tôi cũng được thừa hưởng từ giá trị chung đó", biến CSV thành một khái niệm phát triển tổng hòa, các bên đều thắng.

Khác với CSR là các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội tách biệt với kinh doanh, thì CSV hoàn toàn là cách tiếp cận có kế hoạch kinh doanh từ doanh nghiệp, đảm bảo tất cả các bên liên quan đều hài lòng.

Dù nghe có vẻ tối ưu, thực chất CSV vẫn hướng đến tối đa hóa lợi nhuận, bắt đầu từ lợi nhuận đầu tiên - một hướng đi khác biệt so với xu hướng chung sau này yêu cầu doanh nghiệp luôn phải hài hòa cả 2 thứ: tác động xã hội và doanh số. Do đó, bà Ngọc Thảo cho biết CSV chỉ là điểm sáng khi đặt lên so sánh với CSR.

Đến giai đoạn gần đây, ta có ESG là thuật ngữ được quan tâm hàng đầu bởi các doanh nghiệp. ESG có gì khác biệt so với 2 thuật ngữ còn lại?

ESG (Environmental - Social - Governance): Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp

ESG là viết tắt của cụm từ Environmental (môi trường), Social (xã hội), và Governance (quản trị doanh nghiệp). Đây là bộ 3 tiêu chuẩn đo lường những yếu tố giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững trên thị trường.

Điểm số ESG sẽ được đánh giá dựa trên 3 tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của công ty. Điểm ESG càng cao, sẽ càng tăng lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Theo đó, mỗi khía cạnh ESG sẽ mang ý nghĩa:

  1. E – Environmental: Đo lường mức độ doanh nghiệp tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong suốt quá trình vận hành. Ví dụ: Đo lường tổng lượng khí thải ra môi trường và đề ra mục tiêu giảm thiểu hằng năm.
  2. S - Social: Đo lường các yếu tố xã hội và con người, như mối quan hệ hợp tác giữa công ty với đối tác, điều kiện làm việc của nhân viên. Ví dụ: Cam kết mức lương, chính sách bảo hiểm và phúc lợi cho nhân viên.
  3. G - Governance: Đo lường mức độ minh bạch, đạo đức kinh doanh và tuân thủ các quy định địa phương của doanh nghiệp. Ví dụ: Minh bạch trong báo cáo tài chính hàng năm.

ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu, mang tính chiến lược không chỉ cho các doanh nghiệp lớn, mà còn là doanh nghiệp tư nhân và gia đình.

Tại sao ESG lại quan trọng như vậy? Lý giải từ Raise Partners, tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp gây được lòng tin nơi khách hàng khi họ đang ngày một quan tâm hơn đến uy tín công ty đứng sau mọi sản phẩm họ mua.

Quan sát từ một góc nhìn khác, bà Van Ly cho biết: “ESG quan trọng vì nó là minh chứng cho sức khỏe doanh nghiệp, nơi giữ chân thành công nhân sự các cấp từ Junior đến Mid-level, nhờ lộ trình thăng tiến và phúc lợi rõ ràng từ doanh nghiệp cho họ”.

Điểm ESG cao còn gia tăng khả năng mở rộng quy mô kinh doanh và thúc đẩy hợp tác. Khảo sát từ PwC trên 325 nhà phân tích tài chính cho thấy, hầu hết những người được khảo sát đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ quyết định hợp tác. Đối với họ, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng.

Như vậy, ESG sẽ phù hợp với những doanh nghiệp đang đứng trước nhu cầu mở rộng kinh doanh và cần huy động vốn từ nước ngoài, đặc biệt là những quỹ đầu tư sạch, năng lượng sạch.

Nhìn chung, CSV, CSR hay ESG đều là những khái niệm chỉ một doanh nghiệp ngoài việc tạo ra lợi nhuận, còn tạo ra tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Để biết rằng doanh nghiệp nên lựa chọn chiến lược nào giữa CSV, CSR, hay ESG, rất khó để chỉ ra khái niệm tối ưu nhất - bà Ngọc Thảo cho biết.

Tiếp cận với câu hỏi này, các nhà tư vấn chiến lược sẽ chỉ đưa ra điểm mạnh - yếu của từng mô hình, rồi để phần còn lại cho các doanh nghiệp, vì họ là người hiểu rõ nhất về “đứa con” của mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục