Phim Trung Quốc lại xuyên tạc lịch sử

Bên cạnh phẫn nộ và lên án, chúng ta có thể làm gì với vấn đề này?
Phan Chung
Phim Quân đội Vương Bài/ Minh Hồng cho Vietcetera

Phim Quân đội Vương Bài/ Minh Hồng cho Vietcetera

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Cuối tháng 09/2021, trên trang Baidu xuất hiện trailer bộ phim Quân đội Vương Bài do Trung Quốc sản xuất. Hình ảnh, phục trang, đạo cụ trong trailer gợi liên tưởng đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam (1979).

Một tài khoản Weibo (Trung Quốc) bình luận, "Phim Vương Bài lấy bối cảnh những năm 1980, khi lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng; họ cũng bắt đầu có ý nghĩ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc, phát động một loạt cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới.”

2. Việt Nam phản ứng như thế nào?

Sau khi xem trailer, khán giả Việt Nam đã lên tiếng phản đối Quân đội Vương Bài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo VnExpress về vấn đề này:

"Chúng tôi đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước."

3. Trung Quốc còn xuyên tạc điều gì?

Nhiều phim của Trung Quốc như Nhất sinh nhất thế, Em là niềm kiêu hãnh của anh... có hình ảnh bản đồ chứa đường lưỡi bò không hợp pháp.

Nhã nhạc cung đình Huế, vốn được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể nhân loại của Việt nam từng bị đánh tráo là của Trung Quốc. Nước này còn từng “nhận nhầm” phố cổ Hội An (Quảng Nam) là của họ trong một chương trình.

4. Các nền tảng trực tuyến giải quyết vấn đề này như thế nào?

Các ứng dụng xem phim trực tuyến như Iflix, Netflix, iQIYI, WeTV đều cắt bỏ hoặc làm mờ bản đồ chứa đường lưỡi bò không hợp pháp. Kho ứng dụng App Store và Google Play ở Việt Nam từng gỡ bỏ vĩnh viễn trò chơi Purrfect Tale vì có chứa bản đồ chứa đường lưỡi bò.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và đối phó với thị trường Việt Nam. Trên thực tế, các nội dung thiếu tính chính xác vẫn tiếp tục tồn tải và phân phối ở Trung Quốc và một số đất nước khác.

5. Xuyên tạc lịch sử là một cách gia tăng quyền lực mềm?

Từ làn sóng US-UK đến Hallyu của Hàn Quốc, trào lưu phim văn hóa đại chúng của Trung Quốc cũng tác động đến thế giới, trong đó có Việt Nam nhiều năm qua. Đây được xem là một loại "quyền lực mềm" của một quốc gia tác động đến các nước khác.

Giáo sư Joseph Nye Jr., cha đẻ của khái niệm này cho rằng: Quyền lực mềm dựa vào sự thuyết phục của thông tin ở mức độ rất lớn. Nó có khả năng lôi cuốn và hấp dẫn khiến người khác tự nguyện quy thuận và đi theo.

Xuyên tạc lịch sử là cách thể hiện quyền lực mềm sai cách của Trung Quốc đối với Việt Nam bởi những thông điệp này không có sự thuyết phục của thông tin. Có thể xem đây là một loại fake news (tin giả) đối với được cài cắm vào các sản phẩm văn hóa đại chúng ngày nay.

6. Các nhà giáo dục nói gì về "sự thật" trong môn lịch sử?

Trong bài viết Đi tìm sự thật của Đại học Harvard, tác giả Zachary Herrmann viết: Khi nghiên cứu lịch sử, dữ liệu rất quan trọng. Ông dẫn lời Giáo sư Lịch sử và Giám đốc Nhóm Giáo dục Lịch sử Đại học Stanford, Sam Wineburg: “Nghiên cứu lịch sử dạy chúng ta, không có thứ gọi là thông tin trôi nổi tự do. Thông tin bắt buộc đến từ một nguồn nào đó."

Giáo sư Sam Wineburg giải thích thêm, cách đánh giá các nguồn dữ liệu bằng cách đặt câu hỏi về tác giả, bối cảnh và các bằng chứng hỗ trợ khác là rất quan trọng. Vì thế, chúng ta cũng cần nắm chắc ai đã thu thập dữ liệu đó, bằng cách nào và tại sao (phục vụ cho mục đích nào?)

Giáo sư Sam Wineburg cũng cho rằng, cũng cần có tư duy phản biện trong dạy và học lịch sử. Học lịch sử không chỉ để biết cái gì "chính xác" đã diễn ra, mà để nắm được ngữ cảnh và lý do tại sao con người hành xử như vậy?

7. Ngoài lên án tẩy chay, chúng ta có thể làm gì?

Bên cạnh việc phẫn nộ và lên án, chúng ta không chỉ rèn luyện được tư duy phản biện, cũng như hiểu được động cơ xuyên tạc lịch sử của nhà làm phim Trung Quốc.

Vietcetera giới thiệu một số kênh Youtube, website cũng như sách về lịch sử, đặc biệt là lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc để bạn tham khảo:

  • Học lịch sử qua Ted Talks.

  • Học lịch sử qua The School of Life.

  • Sách Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Quốc.

  • Sách An Nam Truyện (Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa)

  • Nghiên cứu về Trung Quốc qua Viện Nghiên cứu Trung Quốc.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục