Tại sao 6 tỷ USD không thể giải quyết được nạn đói?
Nhiều ngày qua, những dòng tweets “tay đôi” giữa tỷ phú Elon Musk và David Beasley - Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc phủ sóng khắp truyền thông, biến world hunger (nạn đói toàn cầu) trở thành từ khóa nổi bật.
Truyền thông và công chúng có thêm một dịp để kêu gọi các tỷ phú đóng góp. Một số thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng đó là trách nhiệm của các tỷ phú sau khi họ đã dành một sự nghiệp “cướp bóc” từ túi tiền của người dân để tích lũy tư bản.
Tuy vậy, hãy tạm bỏ qua việc phân định ai đúng ai sai trong cuộc khẩu chiến, vì tôi có một câu hỏi hay ho hơn: Liệu có ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta chỉ cần dùng tiền là có thể chấm dứt được nạn đói hay không?
Năm 1998, Amartya Sen nhận giải Nobel Kinh tế cho công trình nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân của nạn đói. Trong nghiên cứu của ông, thủ phạm được chỉ ra là hậu quả của xung đột chính trị và bất bình đẳng kinh tế, vốn được gắn liền với cơ chế phân phối lương thực. Nguyên nhân hoàn toàn không phải do thiếu thốn thức ăn, vốn có thể được giải quyết nếu chỉ cần chi tiền.
Và trên thực tế, chính Beasley cũng nói rằng 6 tỷ USD mà ông đề nghị không thể chấm dứt được nạn đói. Nó chỉ đủ để cứu trợ 42 triệu người đang trong tình trạng nguy cấp mà thôi.
Tại sao có nạn đói?
Theo lý thuyết của nhà kinh tế học Armatya Sen, nạn đói xảy ra khi quyền chọn lựa (entitlement) của con người bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Ví dụ, trong điều kiện tự nhiên của nền kinh tế thị trường, một người nông dân trồng bông có thể chọn giữ lại một chút bông để dệt quần áo, còn lại mang đi bán lấy tiền mua gạo của một anh nông dân trồng lúa sống bên cạnh. Anh ta có toàn quyền quyết định nên làm gì để mình có cuộc sống tốt nhất - và được ăn no.
Tuy nhiên, quyền chọn của anh ta có thể bị ảnh hưởng bởi 1001 các yếu tố khách quan. Ví dụ, cán cân cung - cầu thay đổi khiến giá bông giảm, sâu bệnh phá hoại cây trồng, chính phủ tham nhũng hoặc ban hành các chính sách sai lầm, hay chiến tranh xảy ra khiến gián đoạn kênh phân phối làm không bán được bông,...
Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận với cái ăn, khiến anh ta có thể chết vì đói, mặc dù anh nông dân trồng lúa nhà bên không hề trồng ít đi.
Đây chỉ là một ví dụ cơ sở, cho thấy nạn đói xảy ra chưa bao giờ là do thiếu lương thực, mà do tổng hòa của rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều thứ trong đó rất lớn và mang tính toàn cầu, như nền kinh tế thị trường hay hệ thống chính trị - vốn khó có thể nào bị tác động và điều chỉnh ở quy mô lớn. Tuy vậy, những tác nhân đó không thể bị đổ lỗi hoàn toàn, vì chính con người cũng đang dùng chúng để vận hành nền văn minh.
Nền kinh tế thị trường, hay một cái bẫy ngọt ngào?
Trong cuốn sách nổi tiếng Wealth of Nations (Sự giàu có của các quốc gia) mà bất cứ sinh viên kinh tế nào cũng phải học, Adam Smith nói rằng: "Ở đâu có nhiều tài sản, ở đó có nhiều sự bất bình đẳng. Với mỗi một người rất giàu, sẽ có ít nhất năm trăm người nghèo, và sự sung túc của một số ít đồng nghĩa với sự bất bình của rất nhiều người khác."
Adam Smith - người được thừa nhận rộng rãi là cha đẻ của lý luận kinh tế thị trường có lý khi nói điều đó. Đó là vì chủ nghĩa tư bản có thể sản xuất hàng hóa, nhưng lại không thể phân phối hiệu quả những nhu cầu của con người. Mà một trong những nhu cầu của con người - mà chúng ta khi cao hứng còn gọi là “lòng tham” - chính là làm giàu. Ở quy mô quốc gia, đó là tăng trưởng kinh tế.
Hàng hóa không thể được phân phối tới những nơi không tạo tăng trưởng
Để phục vụ nhu cầu thị trường, người Mỹ đã rút cạn các giếng nước ngầm để trồng lương thực trên sa mạc. Vì thị trường muốn ăn thịt những con bò béo, họ cũng lại trồng những giống ngô không ăn được để làm thức ăn vỗ béo cho chúng. Số đồ ăn này được chế biến, rồi chất đầy trên các containers tỏa ra khắp nước Mỹ và thế giới.
Người Mỹ làm được tất cả những điều khó khăn đó, vì họ biết có thể kiếm tiền từ nhu cầu được ăn của thị trường. Nhưng thị trường đó lại không bao gồm những người nghèo đói dù họ cũng có nhu cầu được ăn, đơn giản vì người nghèo không có tiền để trả.
Đó là sự thật, vì dù Mỹ là nước xuất khẩu lương thực giàu nhất thế giới, vẫn có đến 38 triệu người Mỹ đang vật lộn để lấp đầy cái bụng của mình. Tuy vậy, chính phủ lại khó có thể làm khác. Vì nếu làm ảnh hưởng đến quyền chọn của những người Mỹ trồng lương thực trên sa mạc đấy, số người nghèo đói thậm chí còn có thể nhiều hơn.
Khi ta chọn quyền làm giàu và tiêu thụ, đó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến quyền chọn được ăn của kẻ khác
Khi bàn luận về bất bình đẳng, ta hay có xu hướng đổ lỗi cho các chính phủ vì tham nhũng, và người giàu vì đã lấy đi quá nhiều của cải xã hội. Nhưng nghiên cứu của Amartya Sen lại chỉ ra rằng: nền kinh tế thị trường, mà chính chúng ta đang chung tay vận hành cũng là tác nhân. Đó là do thị trường tác động đến quyền chọn của rất nhiều người khác, trong đó có quyền tiếp cận với đồ ăn.
Mỗi người chúng ta là một thành phần tham gia vào nền kinh tế thị trường, và nó hoạt động như sau. Về cơ bản, người nông dân là những người tạo ra lương thực, và các siêu thị hay nhà hàng chính là các nhà phân phối. Tuy vậy, lúa và ngô không được bán trực tiếp từ tay người nông dân sang các siêu thị.
Hầu hết siêu thị không tập trung ở những vùng đồng quê, nên số lương thực này được người nông dân bán cho các đơn vị vận chuyển và logistics. Họ chịu trách nhiệm mang lương thực về những nơi có nhiều người mua hơn - chủ yếu là chúng ta, những người tiêu dùng sống ở thành thị.
Cần rất nhiều đơn vị vận chuyển để mang được số lương thực đó về tất cả các nơi có nhiều người muốn bỏ tiền để mua. Và sau khi cộng thêm tiền công, lợi nhuận và các loại thuế phí, mức giá của 1 kg gạo bày bán tại siêu thị đã gấp rất nhiều lần mức giá mà người nông dân bán được tại thời điểm ban đầu.
Vậy liệu chúng ta có thể nói rằng tại sao không đưa số đồ ăn đấy cho những người nghèo đói, khi tất cả những gì người tiêu dùng, người nông dân trồng lúa, các đơn vị vận chuyển và các siêu thị làm chỉ là tiêu thụ và làm giàu chân chính hay không?
Quyên góp không đúng cách cũng gây ra đói nghèo, chứ không loại bỏ nó
Đến đây, ta có thể nghĩ rằng tiền có thể không giúp chấm dứt được nạn đói, nhưng nếu chi tiền thì ta vẫn sẽ giúp những người đói có được nhiều đồ ăn hơn. Vậy nên kêu gọi tài chính vẫn là giải pháp tối ưu nhất.
Điều này không hoàn toàn hợp lý, vì kể cả khi tiền được chi trả để giải quyết những vấn đề vĩ mô ảnh hưởng đến nạn đói, ta vẫn rất khó để đong đếm được kết quả. Công thức nào có thể chắc chắn 6 tỷ USD sẽ giúp ngăn chặn bất ổn chính trị toàn cầu và tình trạng di cư hàng loạt như những gì ông Beasley nói, khi đây là những vấn đề mà toàn thế giới chung tay vẫn chưa giải quyết được trong hàng chục năm qua?
Giải pháp còn lại, cho rằng tiền có thể được dùng để quyên góp nhu yếu phẩm càng nhiều càng tốt cho những người đói cũng không phải một giải pháp bền vững, vì nó triệt tiêu nền kinh tế địa phương, khiến người dân phụ thuộc. Hay nói cách khác, quyên góp có thể giải quyết được cái bụng đói, nhưng không giải quyết được sự nghèo đói.
Trở lại với ví dụ chúng ta có ở trên. Anh nông dân đang hàng ngày trồng bông và dệt quần áo, kiếm sống bằng việc bán sản phẩm cho người dân địa phương. Vì đó là một vùng đất đói nghèo, nên những chuyến hàng cứu trợ quốc tế liên tục đáp xuống. Thị trường địa phương lúc này bỗng chốc tràn ngập thực phẩm và quần áo miễn phí.
Và rồi điều gì xảy ra? Mọi người bắt đầu lấy các mặt hàng miễn phí, và không mua quần áo của anh nông dân nữa. Anh ta không thể bán chúng, vì vậy trở nên nghèo. Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta cần tiền để đưa bố mẹ đi khám bệnh và cho con cái đi học, nhưng những gì anh ta có chỉ là một nhà kho quần áo?
Những hiện tượng như trên vẫn luôn tồn tại. Những bộ quần áo đã qua sử dụng từng khiến châu Phi mất một nửa số lượng việc làm trong ngành may mặc ở giai đoạn 1981-2000.
Việc cứu trợ lương thực cho những người dân nghèo tại đây thậm chí cũng bị chỉ trích. Nó khiến những người nông dân châu Phi phải tìm việc làm khác do không cạnh tranh được. Tệ hơn, nó còn tạo điều kiện cho tham nhũng và làm suy yếu nền kinh tế vốn đã mong manh.
Kết
Để tấn công nạn đói, Amartya Sen cùng nhiều nghiên cứu đương đại khác đã chỉ ra hướng giải quyết tối ưu. Theo đó, nạn đói có thể được ngăn chặn và kiểm soát tốt nhất khi thị trường được phép hoạt động, nhưng chính phủ phải can thiệp theo những cách thích hợp.
Để sửa lỗi của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp tư nhân nên được cho phép vận chuyển thực phẩm vào các vùng bị ảnh hưởng. Các chính phủ cũng đồng thời cần tăng cường sức mua của người nghèo, thông qua các chương trình cứu trợ trực tiếp hoặc cứu trợ việc làm.
Các giải pháp này tạo sự bền vững, khi những người nghèo đói vừa được hỗ trợ miếng ăn, mà cần câu cơm của họ vẫn được tạo mới và đảm bảo.
Giải quyết nạn đói luôn là ưu tiên thời đại của thế giới, dù chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy vậy, ta vẫn có thể vững tâm nhìn về phía trước, khi biết rằng số người trong cơn đói trên toàn thế giới vẫn đang giảm dần đều trong những năm qua.