Tại sao nhà phát triển game hàng đầu thế giới Ubisoft lựa chọn Đà Nẵng để mở studio?

Vietcetera gặp gỡ Aurélien Palasse, Managing Director của Ubisoft tại Việt Nam để tìm hiểu về quá trình xây dựng một studio phát triển game tại Đà Nẵng

Hao Tran
Aurélien Palasse, Quản lý Ubisoft Studio tại Việt Nam

Aurélien Palasse, Quản lý Ubisoft Studio tại Việt Nam

Nhiều năm trở lại đây, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thống trị ngành game toàn cầu. Mặc dù chỉ chiếm thị phần trị giá 72,2 tỷ USD trong thị trường game châu Á năm 2019, Việt Nam, với một dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ, cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng các trò chơi xếp hình, máy game thùng và game bingo trên di động không kém gì Trung Quốc và Nhật Bản.

Không chỉ là hoạt động thư giãn được đa số mọi người ưa thích, ngành game còn dẫn đầu lĩnh vực giải trí trong việc đem lại cơ hội tuyển dụng cho các bạn trẻ tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) và cộng đồng sáng tạo. 

Tháng vừa rồi, Studio game Ubisoft của Pháp vừa khánh thành văn phòng mới tại Đà Nẵng, hứa hẹn là một mắt xích quan trọng vào hệ thống studio phát triển game trên toàn cầu cho tập đoàn. Cuộc đổ bộ của gã khổng lồ ngành game đánh dấu một bước ngoặt cho Đà Nẵng trong kế hoạch trở thành trung tâm công nghệ của Việt Nam.

Vietcetera đã gặp gỡ Aurélien Palasse, Managing Director của Ubisoft tại Việt Nam để tìm hiểu về quá trình xây dựng một studio phát triển game và lý do tại sao Ubisoft Đà Nẵng xứng đáng là lựa chọn hàng đầu cho các cử nhân IT mới ra trường.

Tại sao Ubisoft lại lựa chọn Đà Nẵng để mở văn phòng thay vì các thành phố khác tại Việt Nam? 

Mùa hè năm ngoái, chúng tôi đã đi tìm hiểu rất nhiều địa điểm ở Việt Nam bao gồm cả Hà Nội và Sài Gòn. Hai thành phố đều có một nguồn nhân lực lập trình viên dồi dào, tuy nhiên chúng tôi đã quyết định lựa chọn Đà Nẵng bởi thành phố này hứa hẹn là một mảnh ghép phù hợp cho chiến lược phát triển nội dung game của Ubisoft.

Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các trò chơi trên điện thoại (mobile game) cho khán giả toàn cầu. Chúng tôi muốn một không gian văn phòng đủ cho đội ngũ khoảng 100 lập trình viên và người làm sáng tạo để vừa gặp gỡ, chia sẻ và vừa phối hợp làm việc một cách hiệu quả. Đà Nẵng hội tụ đủ các yếu tố mà chúng tôi tìm kiếm, đồng thời đem lại sự cân bằng lý tưởng giữa cuộc sống - công việc.

Nằm ở khu vực miền Trung, là cầu nối giữa Hà Nội và Sài Gòn, Đà Nẵng cho phép Ubisoft tiếp cận và thu hút một nguồn nhân lực đa dạng trên khắp cả nước. Những khu vực trọng điểm trên thế giới cũng dễ dàng kết nối với Đà Nẵng nhờ vào hệ thống hàng không quốc tế.

Đà Nẵng cũng là nơi tập trung của những trường đại học hàng đầu cả nước, bao gồm trường Đại học Đà Nẵng, cùng với đó là cam kết của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy công nghệ thông tin trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của thành phố. Chúng tôi rất vinh dự vì được là một phần của cộng đồng địa phương và cùng đóng góp vào những nỗ lực phát triển chung của chính phủ.

Ubisoft Đà Nẵng chào đón đội ngũ nhân viên đầu tiên vào ngày 13/04/2020. Studio chính thức khánh thành vào ngày 06/08 với sự tham gia của đại diện chính phủ Pháp và Việt Nam, bao gồm ông Vincent Floreani, Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh và bà Huỳnh Liên Phương, Đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng cũng như hiệu trưởng các trường đại học hàng đầu, đối tác kinh doanh và các đơn vị báo chí.

Đội ngũ Ubisoft Đà Nẵng đến từ khá nhiều quốc gia khác nhau. Lợi ích và bất lợi của công ty khi phải dung hoà các nền văn hoá khác nhau trong phong cách quản lý là gì?

Nhân sự Ubisoft Đà Nẵng phần lớn là người Việt Nam, nhưng trên thực tế, các thành viên của chúng tôi lại đến từ 8 quốc gia khác nhau. Mặc dù phải đối mặt với rào cản về giao tiếp, chúng tôi coi sự đa dạng và dung hoà văn hoá là đòn bẩy cho quá trình sáng tạo. Tại các văn phòng Ubisoft trên thế giới, chúng tôi đã quen với việc phối hợp xuyên quốc gia để tạo ra những sản phẩm cho khán giả thuộc mọi nền văn hoá. Đây là một cấu phần quan trọng trong “bộ gen” của Ubisoft.

Nhiều công ty đa quốc gia coi quá trình tuyển dụng là thách thức lớn nhất khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Sau khi đã làm việc 10 năm cho Ubisoft tại Thượng Hải, theo anh, Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng, có điểm gì để so sánh về nguồn nhân lực?

Ubisoft Đà Nẵng mới chính thức đi vào hoạt động được 3 tháng, do đó vẫn còn khá sớm để chúng tôi đưa ra nhận định. Hãy để dành câu hỏi này cho năm sau nhé!

Văn hoá của Ubisoft Việt Nam có gì nổi bật để thu hút nhân tài?

Văn phòng mới của chúng tôi được đặt trên đường Trần Phú, nằm ngay tại trung tâm thành phố. Đây là một không gian tươi sáng bên bờ sông Hàn, gần bãi biển Mỹ Khê xinh đẹp, có khu vực ban công nhìn ra biển và thành phố.

Với một mô hình tổ chức khá phẳng, studio của chúng tôi hỗ trợ các thành viên thực thi tầm nhìn và khuyến khích trao đổi ý tưởng. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng một khu vực hội thảo (amphitheater) đủ sức chứa toàn bộ nhân viên, được sử dụng cho khoảng thời gian chia sẻ hàng tuần của cả studio. Văn phòng còn có những khu vực để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống và giao lưu. Đặt mục tiêu tạo ra một không gian thúc đẩy văn hoá hợp tác, tôi nghĩ chúng tôi đã thành công. Văn phòng Ubisoft Đà Nẵng hoàn toàn có thể xứng tầm với các studio khác của Ubisoft trên toàn thế giới.

Gia nhập Ubisoft đồng nghĩa với việc tham gia vào những dự án hết sức hào hứng. Chúng tôi đem đến cơ hội cho các bạn trở thành một phần của các ý tưởng chưa được khai phá, tạo nên những tựa game di động dựa trên Ubisoft Franchises được phát hành trên toàn cầu.

Studio Ubisoft Đà Nẵng hướng tới những thành công gì?

Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là tạo ra những tựa game ‘made in Vietnam’ được đón nhận và ưa chuộng trên toàn thế giới. Về dài hạn, chúng tôi muốn trở thành người đi đầu trong lĩnh vực phát triển game ở Đà Nẵng, tạo dựng sự hợp tác với các trường đại học cũng như chính quyền địa phương.

Anh có lời khuyên nào dành cho những người đang theo đuổi ngành lập trình game ở Việt Nam không? Những thách thức trong ngành cần phải đề phòng là gì?

Giá trị cốt lõi của Ubisoft Đà Nẵng nằm ở ba từ: Care (Quan tâm) - Dare (Dám) - Win (Chiến thắng). Tôi tin đây là công thức để thành công trong lĩnh vực này. Quan tâm tới sản phẩm, công việc và đội ngũ của bạn. Dám đưa ra những ý tưởng điên rồ, sáng tạo, chia sẻ ý tưởng và vượt qua chính bản thân mình. Từ đó, cơ hội để chiến thắng sẽ xuất hiện.

Mặt khác, tôi nghĩ thách thức lớn nhất trong ngành game là sự cô đơn và vấn đề sao chép. Sáng tạo là một kỹ năng cần liên tục mài giũa. Người làm nghề cần chăm chỉ tìm hiểu thông tin, nói chuyện với những người chơi game khác, tìm hiểu xem họ đang làm những gì, và quan trọng nhất, hãy chơi đi! Để hiểu game thủ, khó có cách nào hiệu quả bằng việc trở thành một game thủ. Ngoài ra, chúng ta cần biết bảo vệ sản phẩm của mình, vì sự sao chép diễn ra hai chiều - bạn có thể copy người khác, nhưng người khác cũng có thể copy từ bạn.

Source: Fred Wissink/Vietcetera

Về khía cạnh phát triển game, bạn hãy cố gắng cân đối giữa chiến lược sản phẩm và nguồn lực sản xuất. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh việc tạo ra những game nằm ngoài khả năng đáp ứng của cả công ty.Hãy đưa ra những quyết định chiến lược dựa trên số liệu và điều chỉnh kế hoạch một cách thông minh. Nếu số liệu kết luận rằng bạn nên huỷ dự án, đó không phải là thất bại mà chỉ là một phần của quá trình. Chỉ cần sửa lại hướng tiếp cận, xây dựng chuyên môn và chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên phía trước.

Tìm hiểu thêm về Ubisoft tại:  


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục