Thái Linh: Cảm hứng sáng tác là mọi thứ xung quanh mình

"Có một thế giới luôn tồn tại song song với mình. Đó chính là những người bạn mà mình vẽ ra - những nhân vật, đồ vật."

Thinh Hoang
Nguồn: Thái Linh

Nguồn: Thái Linh

Phạm Ngọc Thái Linh là một họa sĩ tự do, sinh ra ở Hà Nội, hiện đang sống và học tại Mỹ. Những tác phẩm của Thái Linh gây ấn tượng với người xem bởi sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chất liệu sáng tác của anh là những hồi ức, kỷ niệm và những thứ diễn ra xung quanh mình.

Thái Linh thường sáng tác những tác phẩm của anh trên chất liệu digital và canvas. Chủ đề mà anh hướng đến thường bắt nguồn từ mọi thứ xoay quanh bản thân: sở thích, cảm nhận, ấn tượng về sự vật

Thái Linh thường dựa trên sự ngẫu hứng để tạo ra những nhân vật của riêng mình. Đó có thể là một đồ vật mà anh nhìn thấy, rồi cho chúng có tay, chân, mắt, mũi, miệng và những chi tiết quen thuộc. Thậm chí những thứ mà anh mơ thấy khi ngủ cũng là chất liệu tốt cho tác phẩm. 

1. Chọn một màu sắc để tả thành phố bạn sống?

Nhắc đến Hà Nội là mình nghĩ ngay đến màu đỏ.

2. Bạn thường sáng tác về cảm xúc nào?

Mình không cố định, mọi trạng thái cảm xúc đều là những chất liệu rất quý giá. Chúng sẽ giúp mình bộc lộ ra để có thể nhìn thấy, cảm nhận và mang lại sự đa dạng trong phong cách vẽ.

3. Để xây dựng hình tượng các nhân vật trong tranh của mình, bạn đã tìm hiểu và nghiên cứu những gì?

Nhân vật trong tranh của mình được xây dựng từ trí nhớ của bản thân và những hình ảnh liên quan tới Việt Nam như cuộc sống và nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó là sự kết hợp với đặc điểm cá nhân. Ví dụ như nhân vật của mình hay có những viên đá ở giữa ấn đường vì thực tế mình cũng có nốt ruồi ngay vị trí đó. Ngoài ra, những thứ đơn giản trong đời sống hoặc các đồ vật gắn liền với ký ức cũng là cảm hứng để xây dựng nên nhân vật của mình.

4. Đối với bạn, ý tưởng và sự sáng tạo có nghĩa là gì? Chúng tới từ đâu?

Ý tưởng và sự sáng tạo là mọi thứ mà con người có thể nghĩ ra. Nghệ thuật không có giới hạn. Bản thân mỹ thuật đã là một thế giới vô tận và nó chứa đựng tất cả mọi thứ từ hình ảnh đến thông điệp. Hơn nữa, sản phẩm nghệ thuật là chiếc gương phản ánh chính con người của tác giả. 

Cảm hứng sáng tạo lớn nhất của mình là từ ông ngoại và ông nội, đó là họa sĩ Phạm Lực và nhà văn Dũng Hà. Sự cống hiến, tình yêu cho nghệ thuật, sự mơ mộng và sự giáo dục về văn hóa là một sức mạnh tinh thần rất lớn mà mình tiếp nhận được từ họ.

Tiếp đó là mọi thứ mình có ấn tượng mạnh, những thứ mình đã nhìn thấy, cảm nhận được. Kể cả việc không biết giao tiếp, ít bạn đều là động lực, cảm hứng để có thể tạo ra thế giới riêng của mình. Có một thế giới luôn tồn tại song song với mình. Đó chính là những người bạn mà mình vẽ ra - những nhân vật, đồ vật.

5. Cảm xúc nào giúp bạn sáng tác hiệu quả nhất?

Mọi trạng thái cảm xúc đều giúp mình mang lại ý tưởng cũng như cảm xúc sáng tạo hiệu quả. Những cảm xúc đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào tác phẩm, mang lại những màu sắc, nét vẽ và tạo hình khác nhau. 

Vẽ trong trạng thái vui sẽ giúp mình có được những màu sắc tươi sáng, nét vẽ rõ ràng và giúp mình chia sẻ cảm xúc đó tới mọi người qua tranh. Còn vẽ khi buồn sẽ giúp mình giải tỏa năng lượng tiêu cực trong người và hiểu rõ bản thân hơn.

6. Bạn làm gì khi không nghĩ ra gì để làm?

Mình luôn luôn có việc để làm là vẽ và nghĩ về vẽ. Hiện tại mình không có khái niệm về mất hứng nữa vì vẽ đã là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Nếu mình không được vẽ trong hai đến ba ngày thôi thì sức khỏe tinh thần của mình sẽ đi xuống rất nhanh.

7. Tác phẩm nào phản ánh vấn đề lớn nhất của thế hệ bạn?

Đó là tác phẩm Ma Phone, phản ánh thực trạng phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại. Mình cũng không ngoại lệ, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19. Lúc nào cũng cắm đầu vào điện thoại làm mình trở nên lười hoạt động, bị khó ngủ, khiến trạng thái tinh thần và sức khỏe bị sa sút. 

Khi vẽ bức tranh này cũng là lúc mình tìm được giải pháp: kết nối với thiên nhiên nhiều hơn. Lúc đó mình dành khoảng 1 đến 2 giờ mỗi ngày để ra bãi cỏ ngồi phơi nắng, ngắm nhìn thiên nhiên, thiền và hoàn toàn không sử dụng điện thoại. Điều này đã giúp sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần của mình hồi phục rất nhanh. Và đặc biệt hơn, nó cũng thể hiện một bước đi mới trong tư duy và sản phẩm của mình. Mình hy vọng giải pháp này cũng sẽ giúp ích cho những người khác.

8. Bạn năm 10 tuổi sẽ nghĩ gì về công việc hiện tại của bạn?

Mình của 10 tuổi sẽ cho rằng công việc hiện tại (họa sĩ tự do) là một điều gì đó mơ hồ. Nhưng lúc đó thế giới mỹ thuật của mình sẽ thuần khiết, hạnh phúc hơn.

9. Bạn sẽ chọn tác phẩm nào của mình để gửi đến một người lạc lối?

Mình sẽ gửi họ xem bức Home Planet. Lúc vẽ bức đó mình cũng đang trong trạng thái áp lực vì định hướng lại bản thân. Mỗi người đều có vấn đề riêng, và đơn giản mình muốn đồng cảm với họ. Mỗi người đều phải trải qua những giai đoạn cảm thấy vô định. Sau này nhìn lại, mình nhận ra đó là những trải nghiệm quý giá giúp mình tìm được con đường chính xác nhất. Quan trọng là phải tìm hiểu và tôn trọng bản thân.

10. Một tác phẩm khiến bạn sợ khi sáng tác? 

Mình không sợ bất kỳ yếu tố nào vì chúng là cần thiết để tạo nên thế giới riêng của mình, kiểu như một xã hội thu nhỏ vậy. À quên, mình rất sợ bị bắt vẽ theo yêu cầu của người khác.

Facebook | Instagram | Behance

#NhìnPhátYêuLuôn là series tôn vinh những sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục