Thuốc tránh thai - Tương lai các anh cũng uống?

Tại sao mãi mà vẫn chưa có thuốc tránh thai dành cho nam giới?
Minh Anh
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Trong khi phụ nữ có đa dạng các phương thức tránh thai khác nhau thì nam giới dường như chỉ có 2 sự lựa chọn: bao cao su hoặc phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Tuy nhiên, một thử nghiệm thuốc tránh thai cho nam đã đem lại nhiều kết quả tốt khi cho thấy hiệu quả lên tới 99% ở chuột.

Abdullah Al Noman, Tiến sĩ Đại học Minnesota (Mỹ), đồng thời cũng là người thuyết trình về dự án nói rằng, họ muốn phát triển biện pháp tránh thai cho nam không chứa nội tiết tố để tránh gây ra các tác dụng phụ. Cuối năm nay loại thuốc này có thể được thử nghiệm trên con người.

2. Thuốc này hoạt động ra sao?

Loại thuốc đang được nghiên cứu không hoạt động dựa trên nội tiết tố như thuốc dành cho nữ, mà nhắm vào một dạng thụ thể axit retinoic là RAR-α. Đây là một dạng vitamin A đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và biệt hóa (differentiation) tế bào, bao gồm cả sự hình thành tinh trùng hay phát triển phôi thai.

Quá trình nghiên cứu cho thấy, việc loại bỏ gen RAR-α ở chuột đực khiến chúng trở nên vô sinh mà không có tác dụng phụ nào. Các nhà nghiên cứu sau khi tổng hợp khoảng 100 hợp chất và đánh giá khả năng ức chế chọn lọc RAR-α đã chọn ra được một hợp chất hiệu quá nhất, đặt tên là YCT529.

Được biết, chuột đực sau khi uống thuốc này đã giảm số lượng đáng kể tinh trùng và không có tác dụng phụ. Nếu ngừng tiếp nhận thuốc trong 4-6 tuần, những chú chuột này có thể có con trở lại.

3. Có bao nhiêu biện pháp cho nam được nghiên cứu?

Thuốc tránh thai cho nữ đã được nghiên cứu từ những năm 60. Không lâu sau đó vào những năm 70, ý tưởng về các phương pháp tránh thai cho nam cũng dần xuất hiện nhưng thường đi vào ngõ cụt. Cho tới hiện tại, các phương pháp vẫn đang được nghiên cứu hiện nay gồm:

Gel tránh thai

Loại gel này mang tên NES/T. Cách sử dụng của nó rất đơn giản, chỉ cần nam giới thoa lên cánh tay của họ một lần mỗi ngày. Trong gel này chứa chất progesterone giúp vô hiệu hóa khả năng sản xuất tinh trùng và testosterone giúp bù đắp sự thiếu hụt nội tiết tố nam. Hiện loại gel này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II.

Dụng cụ tránh thai (IUD) cho nam

Được phát triển bởi Contraline, một công ty công nghệ sinh học ở Virginia, ADAM là một loại hydrogel có tác dụng “chặn" tinh trùng khi được tiêm vào ống dẫn tinh. Hiện phương pháp này đang đợi được thử nghiệm lâm sàng.

Ức chế đảo ngược tinh trùng (RISUG)

Đây là một phương pháp thắt ống dẫn tinh không phẫu thuật được phát triển và nghiên cứu bởi Ấn Độ.

4. Tại sao mãi vẫn chưa có thuốc tránh thai cho nam ?

Con đường nghiên cứu và phát triển các phương pháp tránh thai cho nam giới đầy trắc trở, khi mà mỗi năm chúng ta đều được nghe một tin tức liên quan tới chủ đề này nhưng thuốc thì mãi chẳng thấy.

Một trong những lý do phổ biến là thiếu kinh phí. Theo Business Insider, đa phần các công ty dược ngại phải đầu tư vào một thị trường mới, chưa rõ tiềm năng so với thị trường tránh thai dành cho nữ giới.

Bên cạnh đó, yếu tố sinh học cũng đóng vai trò chủ chốt. Trong khi nữ giới chỉ sản xuất trứng một lần mỗi tháng, nam giới gần như ngày nào cũng sản xuất ra tinh trùng. Điều này khiến việc tạo ra một phương pháp làm giảm số lượng tinh trùng mà không có tác dụng phụ trở nên khó khăn hơn.

Trong quá khứ, thuốc tránh thai nam không được phê duyệt vì có quá nhiều tác dụng phụ như gây trầm cảm, béo phì,... Đây cũng là những tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai dành cho nữ. Một số loại thuốc mà phụ nữ uống hằng ngày còn có khả năng gây ra đông máu dẫn tới đột quỵ. Tuy nhiên, tại sao thuốc dành cho nữ được đưa vào sử dụng còn nam thì không?

Câu trả lời nằm ở sự khác nhau trong tiêu chuẩn đo lường. Đối với phụ nữ, việc không sử dụng thuốc dẫn tới mang thai đem lại nhiều biến chứng lên sức khỏe hơn so với các tác dụng phụ của thuốc. Còn với nam giới, họ không mang thai nên các tiêu chuẩn đánh giá dành cho họ cũng khác so với nữ. Vậy nên, một tác dụng phụ nhỏ như đau đầu, nổi mụn cũng khiến thuốc tránh thai dành cho nam khó được đem ra thị trường.

5. Tránh thai trách nhiệm của ai?

Trước khi có thuốc tránh thai, việc bảo vệ và mang bao vốn chỉ dành cho phái mạnh. Sự ra đời của thuốc tránh thai đã giúp cân bằng lại nhiệm vụ phòng ngừa của cả hai giới. Tuy nhiên cho tới hiện tại khi mà các biện pháp ngừa thai cho nữ ngày càng phát triển, nhiệm vụ này dần “nghiêng" về phía nữa giới hơn.

Tại Việt Nam, phương pháp tránh thai phổ biến vẫn là sử dụng thuốc tránh thai, đặt vòng, dù nó đem lại nhiều tác dụng phụ. Hình thức triệt sản nữ cũng phổ biến hơn so với nam.

Trong quá khứ, thuốc tránh thai đã giúp nhiều phụ nữ đạt được thành công trong sự nghiệp và sự tự do trong cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, những rủi ro đi kèm mà họ phải đối mặt vẫn còn đó. Đáng tiếc rằng những tác dụng phụ này lại là thứ không phải người đàn ông nào cũng sẵn sàng chấp nhận đánh đổi chỉ để ngừa thai. Điều này vô tình sẽ kéo theo những định kiến gây tổn hại lên cả hai giới. Ví dụ như nếu “tai nạn” xảy ra trách nhiệm thường sẽ đổ lên người phụ nữ vì tội “chửa hoang" và bản thân việc phá thai vẫn bị cho là hành vi cực đoan. Tuy nhiên đồng thời, điều này cũng tước đoạt quyền được quyết định sinh sản của nam giới.

Vậy nên, việc cùng nhau san sẻ cả những lợi ích và rủi ro trong việc tránh thai sẽ tạo tiền đề cho nhiều sự thay đổi trong xã hội, từ phương thức tránh thai an toàn cho tới định kiến giới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục