Thuyết âm mưu - Khi hoài nghi tạo ra lợi nhuận
Thuyết âm mưu là gì?
Thuyết âm mưu (conspiracy theory) là thuật ngữ xuất hiện ngày càng dày đặc trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội những năm gần đây. Ngay cả ở Việt Nam, chúng ta cũng dễ dàng đọc được những thuyết âm mưu như:
- NASA che giấu việc trái đất là một mặt phẳng.
- Tây y đang khiến con người sống không thuận tự nhiên.
- Vaccine thực tế là công nghệ 5G để chính phủ Mỹ điều khiển người dân.
- Trump sẽ quay lại làm tổng thống trong thời gian ngắn sắp tới.
- COVID-19 là âm mưu chiếm Nhà Trắng của đảng Dân Chủ.
Hai nhà nghiên cứu J. Eric Oliver và Thomas J. Wood định nghĩa thuyết âm mưu là một loại hình dư luận xã hội (public opinion). Trong đó, con người cổ vũ niềm tin rằng một thế lực giấu mặt đang điều khiển toàn bộ chính trị và đời sống của con người.
Như có thể thấy từ những thuyết âm mưu phổ biến kể trên, mô-típ của chúng đều có điểm chung là một nhân tố quyền lực nào đó đang đứng đằng sau mọi sự kiện của đời sống. Những sự kiện này thường đối mặt với sự hoài nghi tột độ của người dân. Và dù không có mối liên hệ trực tiếp, song dư luận vẫn gán chúng với một thế lực chính trị mà họ căm ghét.
Thuyết âm mưu là một thuộc tính của chính trị hậu sự thật (post-truth politics). Trong nền chính trị này, câu hỏi người dân phải đặt ra liên tục là: thông tin này đúng hay sai, chính trị gia kia đang nói dối hay nói thật?
Trong hầu hết các trường hợp, thuyết âm mưu có thể lan truyền trên diện rộng trong một thời gian ngắn. Sau đó, chúng mắc kẹt trong căn buồng vang (echo chamber) về thông tin của những người tin vào chúng.
Vì thế, thuyết âm mưu gây hại trực tiếp tới những người tin chúng chứ có ít tác động chính trị trong thực tiễn. Tuy nhiên, phong trào chống vaccine là ngoại lệ vì người không được bảo vệ bởi vaccine có thể là nguồn lây bệnh tiềm tàng cho những người khác.
Thuyết âm mưu có đặc điểm nào?
Thuyết âm mưu có hai đặc điểm chính:
Thứ nhất, chúng cố gắng lý giải nguồn gốc của một sự kiện lớn chưa có lời giải đáp. Sự kiện này thường liên quan đến chính trị. Giả dụ khi dịch COVID-19 mới bùng nổ, người dân chủ yếu biết về căn bệnh này qua mô tả của truyền thông. Và khi chưa xác định được nguồn gốc của căn bệnh đến từ đâu, họ xác lập thuyết âm mưu.
Thứ hai, thuyết âm mưu lãng mạn hoá một tự sự duy nhất về chính trị thế giới. Đó là cuộc đấu tranh giữa chính và tà.
Nhóm nghiên cứu của Oliver và Wood đã so sánh thuyết âm mưu giống với thế giới quan Machean của tôn giáo Ba Tư cổ đại. Niềm tin này cho rằng mọi mâu thuẫn chính trị đều là sự giằng co giữa người tốt và người xấu.
Đây là phiên bản cực đoan nhất của tư duy nhị nguyên. Công chúng cho rằng thế giới này chỉ có hai phe. Cả hai phe này đều tự tô son trát phấn cho mình là đứng về chính nghĩa, và ác quỷ hoá phe đối lập.
Khi sự hoài nghi của chúng ta là miếng mồi ngon
Sự bùng nổ của thuyết âm mưu thực tế là hệ quả của việc truyền thông đại chúng khai thác sự hoài nghi của công chúng. Sự hoài nghi là nhiên liệu của dư luận xã hội, và không phải lúc nào nó cũng xấu.
Khi thông tin chưa bị bão hòa, dư luận xã hội tạo ra sức ép của đa số tầng lớp bình dân lên tầng lớp thiểu số tinh hoa cầm quyền. Nó thúc đẩy các quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng, sự minh bạch trong chính trị,... Dư luận xã hội giúp tầng lớp bình dân giành quyền lợi về mình.
Nhưng ngày nay, thông tin không còn giá trị thông báo. Chúng còn có tác dụng giữ người dùng nhìn vào màn hình và xem nhiều quảng cáo hơn. Đây là cơ chế tạo lợi nhuận của ngành truyền thông hiện đại.
Vì lợi nhuận, các nhà đài sản xuất ra nhiều thông tin tới nỗi bão hoà, khiến người dân không còn biết tin vào đâu nữa. Ở đây, sự hoài nghi được chủ động sản xuất ra hàng loạt. Kết quả là công chúng ngày càng dành nhiều thời gian lướt tin tức và bàn tán công chuyên với nhau hơn để đi tìm “sự thật”.
Sự thật khách quan của thời đại hoài nghi không bao giờ nằm ở chỗ dễ tìm kiếm. Công chúng thường khoan khoái với việc tìm thấy sự thật ở những cú “plot twist” trên truyền thông. Mệnh lệnh đạo đức của người làm truyền thông hiện đại không chỉ là đưa thông tin tới khán giả, mà còn là tạo cho họ cảm giác thích thú.
Nhưng công chúng càng hoài nghi và lan truyền thông điệp âm mưu nhiều bao nhiêu, họ càng làm lợi cho các cỗ máy truyền thông bấy nhiêu. Các nền tảng số chỉ quan tâm tới số dữ liệu công chúng tạo ra chứ không quan tâm nhiều đến sự thật.
Chống lại thuyết âm mưu bằng cách "lấy độc trị độc"
Sống giữa thời đại của thuyết âm mưu, Peter McIndoe, 23 tuổi, đã sáng lập phong trào “chim không có thật (birds ain’t real)” để gây xao nhãng và giễu cợt, chống lại các thuyết âm mưu đang phổ biến.
Nội dung của thuyết âm mưu này là: Những chú chim bạn nhìn thấy hàng ngày đều là máy bay điều khiển từ xa để theo dõi người dân của chính phủ Mỹ.
Những người tham gia vào phong trào “Chim không có thật” biết thừa rằng chim có thật và thuyết âm mưu họ tạo ra là nhảm nhí. Nhưng việc thúc đẩy thuyết này sẽ khiến nhiều người thức tỉnh nhận ra những thuyết âm mưu họ tin vào cũng nhảm nhí không kém.
Đây là một phong trào rất thông minh, giúp người dân phản ứng nhạy bén hơn với tin giả. Nhưng nó cũng đầy hoài nghi và bẽ bàng trước thời cuộc. Vì chính Peter cũng thừa nhận rằng không có cách nào khác để chiến đấu trong thế giới của thuyết âm mưu.
Phải chăng, thời đại hoài nghi là lúc để loài người sống phi lý? “Chim không có thật”, các câu nói đùa trên mạng, meme và nhiều hình thức thông tin hài hước khác thực tế không có hiệu lực gì về mặt chính trị cả. Dù lành mạnh hơn thì chúng cũng ít liên quan tới thế giới thực tương tự như mọi thuyết âm mưu khác.
Kết
Nhìn chung, thuyết âm mưu giống như viên giả dược để ta lảng tránh việc phải giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống.
Trong thời đại hoài nghi, công chúng thường có hai thái độ. Hoặc là đắm chìm trong thuyết âm mưu, hoặc là tẩy chay và không sử dụng mạng xã hội nữa. Hai thái độ này đều tiêu cực như nhau, vì chúng hướng con người tới sự lảng tránh cuộc sống.
Điều chúng ta cần làm là đủ bình tĩnh để chưa vội tin hoặc chê bai ngay một thứ thông tin khi nó hiện ra trước mắt mình. Ta nên xem mình có lợi ích gì khi đọc tin đó hay không. Đặc biệt khi đối diện với tin chính trị, ta có thể tự phản biện với những câu hỏi sau:
- Ai tạo thông tin này?
- Thông tin này được tạo ra để hướng tới ai?
- Thông tin này được tạo ra trong hoàn cảnh nào?
- Thông tin này được tạo ra nhằm mục đích gì?
- Ai được lợi, chịu thiệt từ thông tin này?