Vietnam Innovators Summit: Chuyển đổi số và phát triển bền vững là tương lai của đất nước

Buổi toạ đàm The Conference quy tụ nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước, các cá nhân có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh và xã hội.
Agnes Alpuerto
Nguồn: Vietcetera

Nguồn: Vietcetera

Vietnam Innovators Summit là chuỗi sự kiện trực tiếp do Vietcetera tổ chức, lấy cảm hứng từ Vietnam Innovators - podcast nổi tiếng về kinh doanh của Vietcetera. Chuỗi sự kiện bao gồm The Conference (Sự kiện chính) và bốn Phiên thảo luận chuyên sâu về từng lĩnh vực ngành nghề trải dài suốt tháng 11.


Ngày 18/11/2022, The Conference - Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện Vietnam Innovators Summit do Vietcetera tổ chức, đã diễn ra tại GEM Center ở Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn quy tụ 19 nhà lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Wayne Besant - Giám đốc điều hành AIA Việt Nam, ông Alexander Koch từ HEINEKEN Việt Nam.

Sự kiện được dẫn dắt bởi Hảo Trần - CEO và nhà đồng sáng lập của Vietcetera mang đến những chia sẻ sâu sắc và chân thật về các rủi ro, thách thức, cũng như tiềm năng thích nghi với sự đổi mới của các ngành nghề trong nước hiện nay, sự chuyển đổi kinh tế và xã hội lớn của Việt Nam, và tại sao cần tập trung vào phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, một số gương mặt host của các phiên thảo luận bao gồm Miro Nguyễn - host của podcast Vietnam Innovators phiên bản tiếng Việt, Spencer Ton - Managing Partner của Vietcetera, và Ferish Patel - Partner tại Cooley.

Những điều đáng mong chờ ở một Việt Nam đổi mới

Bền vững và đổi mới phải đi đôi với nhau

Mở đầu buổi hội nghị, ông Bruce Delteil, Managing Partner của McKinsey & Company tại Việt Nam và là khách mời của Vietnam Innovators vào năm 2021, đã đề cập đến một trong những chủ đề quan trọng nhất: Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam vào năm 2050 và liệu các ngành nghề trong nước sẵn sàng cho công cuộc "xanh hoá"?

"Bền vững không phải là một lựa chọn. Đó là xu hướng bắt buộc mà doanh nghiệp cần nắm bắt và triển khai vì Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu" - ông Bruce chia sẻ.

Ông cũng lưu ý rằng việc điều chỉnh các chiến lược, chính sách và hoạt động để tập trung vào tính bền vững sẽ có lợi cho các công ty lớn và nhỏ về lâu dài. "Tài chính xanh vẫn là một thách thức tại Việt Nam, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn muốn tham gia vào vì bể cơ hội là rất lớn - về cả chất lượng lẫn số lượng."

Trong phiên trò chuyện với Tổng Giám đốc HEINEKEN Việt Nam - Alexander Koch, ông Alexander đồng tình rằng phát triển bền vững là con đường duy nhất hướng đến tương lai.

Gần đây, HEINEKEN Việt Nam vừa mới khánh thành nhà máy bia tại Vũng Tàu và đây là nhà máy năng suất nhất của HEINEKEN trên thế giới khi có thể xuất xưởng 12 triệu lon bia mỗi ngày. HEINEKEN Việt Nam đầu tư mạnh tay vào định hướng nhà máy tại Vũng Tàu và chuỗi cung ứng đầu cuối của mình theo hướng bền vững.

Doanh nghiệp tự hào thông báo đã có những bước tiến tích cực về sử dụng năng lượng tái tạo và đạt mức "không" rác thải chôn lấp. Hiện các sản phẩm bia của HEINEKEN được ủ và sản xuất từ 52% năng lượng tái tạo.

"Nhà máy bia của chúng tôi được trang bị các công nghệ tiên tiến nhất, với thiết kế phù hợp với mục tiêu 'xanh hoá'. Không chỉ nhà máy bia mà cả 46 công ty thuộc hệ sinh thái sản xuất của HEINEKEN như nhà cung cấp lon và nhà máy nhiệt sinh khối đều đề cao tính bền vững. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ hướng đến trở thành nhà máy bia có lượng phát thải khí carbon bằng 'không' đầu tiên tại châu Á."

Ông Alexander cũng chia sẻ rằng để hiện thực hoá mục tiêu và tầm nhìn phát triển bền vững của mình, HEINEKEN Việt Nam áp dụng tư duy đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh.

Việt Nam cần đưa ra mục tiêu cụ thể và chính sách rõ ràng

Nhìn ở góc độ rộng hơn, mức độ phát triển bền vững và số hóa phụ thuộc nhiều vào các chính sách quốc gia. Ông Gabor Fluit, Phó Chủ tịch của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCharm) tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, dù các công ty và doanh nghiệp tư nhân có thể đề xuất và thúc đẩy cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 'không' của riêng mình, chính phủ cũng cần đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về phương thức để đạt mục tiêu lâu dài trước biến đổi khí hậu.

Khi đã có một đường hướng thống nhất, chính phủ và các doanh nghiệp nước ngoài (trong đó có 1200 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) có thể phối hợp nhịp nhàng để thu hút vốn đầu tư và tài chính.

Tương tự với các doanh nghiệp và các khoản đầu tư chảy vào Việt Nam từ Mỹ, bà Susan Burns - Tân Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sản phẩm xuấu khẩu hàng đầu của Mỹ vào Việt Nam chính là khả năng đổi mới sáng tạo. Vì vậy, tạo dựng một bối cảnh kinh doanh lành mạnh và thân thiện với nguồn đầu tư trực tiếp từ nước là nền tảng vững chắc để phát triển mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

"Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế số. Chúng tôi đang ủng hộ các chính sách thân thiện với FDI, cũng như kết nối các doanh nghiệp với chính phủ Việt Nam" - Bà Susan cho biết, đồng thời cũng nhấn mạnh Mỹ nhận thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vị thế quan trọng của Việt Nam đối với thị trường Mỹ.

"Trong khuôn khổ đối ngoại chính thức, Việt Nam và Hoa Kỳ đang có quan hệ đối tác toàn diện, nhưng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ của mình, chúng ta có thể nâng tầm quan hệ giữa hai nước thành quan hệ đối tác chiến lược. Dù là quan hệ gì thì mức độ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam cũng như lợi ích hợp tác vẫn rất cao."

Nâng cao sức khoẻ cộng đồng vì một Việt Nam tốt đẹp hơn

Với những ngành bật lên trong đại dịch như chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm, các vấn đề về tăng trưởng, đổi mới, và vốn đầu tư có vẻ còn thách thức hơn.

Từ sau đại dịch, mọi người có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình, vì vậy tự trang bị kiến ​​thức chăm sóc bản thân chính là nền tảng để xây dựng một sức khỏe lành mạnh cho cá nhân, gia đình và xã hội. Tại Việt Nam, tiềm năng của việc tích hợp các dịch vụ tự chăm sóc bản thân (Self-care) vào hệ thống y tế chung là rất lớn.

Lợi ích kinh tế hàng năm của lĩnh vực self-care ước tính sẽ tăng lên tới 4,2 tỷ đô la Mỹ, gần gấp đôi con số 2,5 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái. Đồng thời, việc tăng cường dịch vụ self-care cũng sẽ giúp người dân bảo vệ sức khoẻ tốt hơn, từ đó tiết kiệm gần 0,6 tỷ đô la Mỹ chi phi điều trị không đáng có.

Ông Kevin Doak - Tổng Giám đốc mảng Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng tại Sanofi Việt Nam, cho biết công cuộc số hóa ngành y tế dù trắc trở nhưng cũng đã có những bước đầu. Thế hệ ngày nay chắc chắn có tuổi thọ cao hơn và vài thế, họ sẽ có nhu cầu tìm kiếm các cách tiếp cận dịch vụ y tế, nguồn thông tin và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. "Các công ty dược phẩm như Sanofi đóng một vai trò lớn trong việc mang lại cho mọi người và các thế hệ sau một cuộc sống khoẻ mạnh và đủ đầy hơn về thể chất và tinh thần.”

Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng không nằm ngoài cuộc chơi. AIA Việt Nam - một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất, không ngừng đẩy mạnh mục tiêu giúp người Việt "Sống khoẻ hơn, lâu hơn, hạnh phúc hơn". Tuy nhiên, đây là một mục tiêu khó đạt được, vì hầu hết người Việt Nam không có bảo hiểm nhân thọ.

Wayne Besant, CEO của AIA Việt Nam, cho biết công ty đã tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau, phù hợp với từng phân khúc xã hội Việt Nam. "Nghĩa là chúng tôi sẽ mang lại nhiều sản phẩm phổ quát hơn, linh hoạt hơn." Ông Wayne cũng chia sẻ thêm về AIA Vitality - một sản phẩm sắp ra mắt của AIA Việt Nam. AIA Vitality là chương trình sống khoẻ, khuyến khích người dùng theo đuổi lối sống lành mạnh bằng những phần thưởng và ưu đãi hấp dẫn. Mục tiêu của AIA Vitality là giúp mọi người "hiểu rõ cơ thể bản thân và thay đổi lối sống để cải thiện sức khoẻ một cách hiệu quả và toàn diện nhất".

Sự xuất hiện của AIA Vitality sẽ thay đổi cuộc chơi cho ngành bảo hiểm nhân thọ trong nước, ông Wayne nhận định.

Kết thúc diễn đàn là phiên thảo luận nhóm với các nhà lãnh đạo từ tập đoàn Viglacera, Standard Chartered và Genestory. Ông Ranko Lukic, Giám đốc Thương mại của Tập đoàn Viglacera, cho rằng chìa khóa quan trọng nhất để Việt Nam đẩy mạnh quá trình số hoá và phát triển bền vững nằm ở việc thay đổi tư duy của tất cả các bên liên quan.

Ông cũng nhấn mạnh, việc chấp nhận và đón nhận sự thay đổi chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhưng thế mạnh của Việt Nam là sở hữu dân số trẻ năng động và cởi mở. Vì thế có thể tin tưởng rằng đất nước đang có những bước tiến phù hợp và đúng đắn.

Vietnam Innovators Summit (dự định sẽ trở thành sự kiện hàng năm) là chuỗi sự kiện lấy cảm hứng dựa trên podcast Vietnam Innovators về kinh doanh do Vietcetera sản xuất. Trải qua 150 tập phát sóng từ tháng 10/2020, Vietnam Innovators đã trở thành một trong những podcast được yêu thích nhất do Vietcetera sản xuất, bên cạnh Have A Sip, Cởi Mở và M.A.D, góp phần mở đường cho Vietcetera trở thành công ty truyền thông hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực podcast.

Bên cạnh The Conference, chuỗi sự kiện còn bao gồm bốn phiên thảo luận riêng biệt được trình bày bởi các chuyên gia, tập trung từng nhóm ngành nghề cụ thể.

Chuỗi sự kiện có sự đồng hành của những tên tuổi uy tín hàng đầu trong các lĩnh vực đa dạng tại Việt Nam: AIA Việt Nam (Nhà tài trợ Kim cương), HEINEKEN Việt Nam (Nhà Tài trợ Vàng) cùng các Nhà tài trợ Bạc bao gồm Mastercard, FPT, Meta, Viglacera, Cốc Cốc, Cooley, Robert Walters, và Jio Health.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục