Vũ trụ không trọng lực trong điện ảnh Ấn Độ
Sản xuất từ 1500 đến 2000 phim mỗi năm, điện ảnh Ấn Độ hiện là ngành công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới về số lượng phim và số vé bán ra, vượt mặt cả Hollywood.
Bollywood là ngành công nghiệp sản xuất phim bằng tiếng Hindi và là cái tên tiêu biểu nhất tại Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ còn sản xuất phim nói ngôn ngữ khác như tiếng Tamil (Kollywood), Telugu, Bengali…
Mùa dịch này, vì có nhiều thời gian ở nhà xem phim, nhiều người tìm đến Bollywood để thử những gia vị mới. Để đáp ứng nhu cầu đó, thời gian gần đây Netflix cũng đăng tải rất nhiều bộ phim kinh điển của Bollywood.
Nếu từng xem phim Ấn Độ, hẳn bạn sẽ nhận ra một vài nét đặc trưng. Ví dụ diễn viên thường nhảy múa, hát ca tưng bừng. Hoặc đôi khi nhân vật người thường trong phim chiến đấu, bay nhảy bất chấp định luật vật lý.
Bài viết này tôi sẽ điểm qua những điều thường gặp trong phim Ấn nói chung và phim Bollywood nói riêng. Tất nhiên, những đặc điểm này không đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp phim Ấn Độ.
1. Những màn ca múa hoành tráng
Một trong những điều làm nên thương hiệu phim Bollywood chính là những cảnh nhảy múa, kết hợp giai điệu và vũ đạo đậm chất dân gian, khác hẳn với phim nhạc kịch Hollywood.
Vào kỷ nguyên đầu của Bollywood, phim vay mượn nhiều yếu tố của loại hình sân khấu kịch truyền thống, nơi mà ca hát, âm nhạc và vũ đạo mang âm hưởng dân gian là một phần không thể thiếu trên sàn diễn.
Không chỉ là gia vị thêm thắt vào cho vui, cảnh nhảy múa thực sự đóng góp vào mạch kể của phim. Nhờ nhảy múa, ca hát, “nhân vật có thể bộc lộ rõ nhất khát khao, cảm xúc sâu kín mà không cần thể hiện trực tiếp qua lời thoại”, nhà xã hội học Sabrina Ciolfi cho biết.
Ngoài ra, người Ấn Độ cũng đam mê nhảy và có truyền thống múa hát lâu đời. Họ sáng tạo ra đủ các điệu nhảy như Bharatanatyam, Odissi, Sattriya, Manipuri, Kathak... Trong đó Kathak (कथा) nghĩa là “câu chuyện”. Thời xưa, người vũ công thường kể những câu chuyện tình yêu, chuyện thần thoại Ấn Độ thông qua vũ điệu Kathak. Không lạ khi các điệu nhảy tuyệt đẹp này lần lượt được đưa lên màn ảnh lớn để mạch truyện thêm đầy đặn, mặn mà.
Âm nhạc và vũ đạo cũng là công cụ PR phim hiệu quả và tiết kiệm nhất. Thay vì trailer, nhà sản xuất chỉ cần tung bài hát hoặc cảnh nhảy múa trong phim trước khi phát sóng 1-3 tháng, khả năng phim được đón nhận sẽ tăng cao rõ rệt. Kể cả nội dung phim không thực sự nổi bật, nhưng nếu ca khúc trở thành cú hit lớn trên thị trường, nhà sản xuất vẫn có thể kiếm được lợi nhuận, không lo lỗ vốn.
Bởi lẽ đó, trong một số phim như Kabhi Khushi Kabhie Gham, cảnh nhảy múa, ca hát được xem là trọng tâm và được đạo diễn đầu tư nhiều nhất. Diễn viên Rahul Ravindran còn khuyên rằng các diễn viên tại Ấn Độ nên học nhảy, vì kỹ năng vũ đạo sẽ là một điểm cộng lớn khi họ tham gia thử vai.
2. Những series chiếu mãi không kết
Soap opera là dòng phim dài tập kể về cuộc sống của nhiều nhân vật, tập trung chủ yếu vào các mối quan hệ tình cảm. Phim soap opera đầu tiên ở Ấn Độ là Hum log, dài 154 tập. Kể từ sau đó, phim soap opera thống trị thị trường phim ở Ấn Độ.
Ở Việt Nam, hẳn ai cũng biết đến Cô dâu 8 tuổi (Balika Vadhu), nhưng bạn có biết bộ phim này dài đến 2247 tập không? Thật ra, đây không phải là một hiện tượng kỳ lạ tại đất nước này.
Phim soap opera tại Ấn thường tập trung vào các giá trị truyền thống và khai thác mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, phổ biến nhất là mẹ chồng - nàng dâu. Đề tài mẹ chồng - nàng dâu được truyền cảm hứng bởi văn hóa truyền thống ở Ấn Độ, theo đó khi lập gia đình người phụ nữ không chỉ kết hôn với chồng mà còn là “kết hôn” với toàn bộ gia đình nhà chồng.
Giáo sư nhân loại học Shoma Munshi nhận định, mọi phụ nữ đều mê mẩn phim vì họ nhìn thấy bản thân mình trong chính nhân vật. Phim càng nhiều tập, họ càng được gắn bó lâu dài với nhân vật yêu thích.
Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến thể loại phim thập cẩm masala rất được lòng khán giả Ấn Độ. Masala là gia vị trong tiếng Hindi. Đúng như tên gọi, đây là kiểu phim trộn lẫn nhiều thể loại: tâm lý, lãng mạn, bi kịch, hài hước, hành động...
Nhiều hương vị hơn, cách thức chế biến đa dạng hơn, thì cũng đồng nghĩa với thời gian nấu lâu hơn. Do đó, nhà sản xuất phải tăng thời lượng phát sóng để đảm bảo gia vị nào cũng đủ cả. Dù dài lê thê, phim có không ít các cú twist hấp dẫn, diễn biến bất ngờ.
Lý do cuối cùng, số lượng kênh tại Ấn Độ quá nhiều, hơn 850 kênh lớn bé khác nhau. Một khi phim yêu thích kết thúc, khán giả có thể dễ dàng tìm đến một kênh khác. Vì thế, kéo dài các tập phim được coi là một chiến lược giữ chân khán giả.
3. Nơi logic không có chỗ đứng
Bạn đã từng xem những cảnh phim mà ô tô đột nhiên bay lên không trung một cách ngẫu hứng? Hay thay vì cầm súng để bắn thì lại ném như boomerang? Thậm chí khó tin nhất là giết người bằng... trái chuối?
Tất nhiên, nhà sản xuất hay khán giả đều dễ dàng nhận ra chi tiết hoang đường trên, nhưng đây không phải vấn đề quá lớn.
Tại Ấn Độ có hàng trăm triệu người dân đang sống trong cảnh nghèo đói, đối với họ các chương trình trên TV là hình thức giải trí rẻ và dễ tiếp cận nhất. Họ cực kỳ thoải mái đón nhận những bộ phim có tình tiết hoang đường, vô lý một cách hài hước. Miễn là phim phải mở ra một cái nhìn tươi sáng, tích cực, như người hùng chiến thắng kẻ ác, anh hùng cứu mỹ nhân, gia đình giải quyết được bất hòa.
Vấn đề tiếp theo đến từ việc duy trì kinh phí. Theo Rakesh Raman, CEO của công ty Raman Media Network (RMN), nhiều phim Bollywood nhắm đến đối tượng khán giả có thu nhập thấp nên ngân sách sản xuất phim có phần hạn hẹp. Do đó, đôi khi lực bất tòng tâm trong việc thực hiện các kỹ xảo một cách logic.
Tuy nhiên một số phim được đầu tư bài bản nhưng vẫn chứa tình tiết thiếu thuyết phục, ví dụ phim anh hùng trừ gian diệt bạo như Krrish, G.One. Thật ra đây là một hiện tượng dễ thấy ngay cả ở phim Hollywood (bạn có nhớ những màn né súng đạn thần thánh của nhân vật trong The Matrix?). Trong điện ảnh Bollywood, nhân vật chính thường được khắc họa hoàn hảo hơn một chút, họ có thể lao vào chiến trường, bầm dập rồi phút sau lại chiến đấu như chưa hề có gì xảy ra.
Ấn Độ là vùng đất viết nên nhiều sử thi vĩ đại như Mahabharata, Ramayana, do đó người dân ở đây tôn sùng hình tượng người hùng. Trong mắt họ, nhân vật anh hùng, dù trong phim hay sử sách, cũng tựa như những vị thần, nên dường như logic đời thường khó áp dụng lên họ.
4. Cách kể chuyện và diễn xuất còn mang màu sắc sân khấu
Trong dòng phim dài tập soap opera, không hiếm lần diễn viên diễn hơi cường điệu hoặc cư xử không đúng với thực tế. Theo nhà phê bình phim Shubhra Gupta, nhiều diễn viên Bollywood đời đầu có xuất thân từ nhà hát truyền thống Parsi. Vì vậy mà cử chỉ tay hoặc cách họ tương tác vẫn có phần “sân khấu”.
Tuy nhiên đến nay, lối diễn xuất nhìn chung đã trở nên tự nhiên hơn. Các diễn viên và cả đạo diễn nhận ra, càng bớt gồng thì càng thể hiện được nhiều thứ trên màn ảnh.
Ấn Độ tất nhiên không thiếu những diễn viên xuất sắc như Shah Rukh Khan, Aamir Khan, Aishwarya Rai Bachchan hay Priyanka Chopra. Thế nhưng tiền cát xê để trả cho diễn viên hàng đầu lại quá đắt. “Không ai có thể thuê họ, bởi vì tiền cát xê quá cao, nên họ tự biến mình thành nhà sản xuất phim luôn”, Gupta bổ sung thêm.
Một vấn đề nhức nhối nữa ở Bollywood chính là hệ thống gia đình trị. Tại đó các thành viên trong gia đình, họ hàng cùng nhau điều hành, quản lý công ty. Bị cản trở bởi sức mạnh của liên minh này, những nghệ sĩ độc lập hoặc diễn viên trẻ tiềm năng rất khó để thành công khi tiến thân vào Bollywood. Vụ tự sát gần đây của diễn viên trẻ Sushant Singh Rajput một lần nữa dấy lên cuộc tranh cãi về chủ nghĩa gia đình trị và sự phân bố quyền lực không đồng đều ở Bollywood.
Nhiều người cho rằng, với số lượng phim khổng lồ được sản xuất hằng năm, đáng lẽ Bollywood có thể tiến xa hơn bây giờ nếu như các gương mặt mới có nhiều đất diễn và cơ hội để phát triển.
Kết
Vì nhận ra tiềm năng của điện ảnh Ấn Độ, các nhà làm phim đang không ngừng thay đổi và nâng cao chất lượng thay vì số lượng phim.
Các điệu nhảy được thêm thắt vũ điệu phương Tây, thậm chí lược bỏ nếu phim được sản xuất để nhắm đến thị trường quốc tế. Phim dài tập thì giảm những trích đoạn lê thê, không cần thiết.
Nhắc đến những phim điện ảnh xuất sắc, có thể bạn sẽ nhớ ngay đến Ba chàng ngốc hay PK, nhưng ngoài kia còn rất nhiều bộ phim hay để khám phá. Hãy thử bắt đầu bằng danh sách 250 phim đạt điểm cao nhất trên IMDB hoặc 30 phim Bollywood hay nhất 2020 được tờ The Times of India bình chọn.
Cá nhân tôi, tôi khuyên bạn nên xem thử phim điện ảnh Mom sản xuất năm 2017. Phim kể về hành trình trả thù của người mẹ kế Devki với kế hoạch giết từng gã đàn ông đã tấn công tình dục người con của chồng. Có thể bạn sẽ bất ngờ bởi tình tiết và diễn xuất trong phim không thua bất cứ phim điện ảnh Hollywood nào!