Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2019: 5 chuyên gia dự đoán gì?

Cùng 5 chuyên gia nhìn lại những điểm sáng trong kinh doanh của năm 2018 và dự đoán các xu hướng tiềm năng trong năm 2019.

Vietcetera
Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2019: 5 chuyên gia dự đoán gì?

Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2019: 5 chuyên gia dự đoán gì?

Không chỉ gói gọn trong lĩnh vực văn hóa, năm 2019 này, Vietcetera hân hạnh mang đến cho bạn những xu hướng, làn sóng nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh. Trong đó, có rất nhiều xu hướng phản ánh rõ nét ở cả lĩnh vực văn hóa cũng như kinh doanh – đó là ý thức bảo vệ môi trường, những tín hiệu lạc quan về tương lai của Việt Nam, và tại sao nước ta đã, đang và sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn nữa trên thế giới.

Trong bài tổng hợp này, chúng tôi sẽ tập trung nói về ngành quảng cáo, truyền thông, sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu, và bất động sản. Cùng năm chuyên gia nhìn lại những xu hướng kinh doanh nổi bật trong năm 2018 và dự đoán một số tiềm năng trong năm 2019.

#1. Chị Giang Nguyễn, Giám đốc The Purpose Group

Năm 2018 là thời điểm các agency quảng cáo và định vị thương hiệu (branding) tại Việt Nam nhận ra sức mạnh to lớn của nội dung. Đó là lý do tại sao các agency quảng cáo lớn đều rục rịch mở cho riêng mình một studio nội dung (content studio), điển hình là The Purpose Group với Children Of, và Ogilvy Content Studio. Song hành cùng đó là sự ra đời và phát triển của các studio sáng tạo quy mô nhỏ. Tất cả đã phần nào dẫn chứng cho lời dự đoán rằng năm 2019 này, 50% ngân sách truyền thông của doanh nghiệp sẽ tập trung cho các kênh trực tuyến.

Vậy nên, sau một năm đầy những dấu mốc đáng nhớ với những thành tựu cá nhân lẫn chuyên môn, giám đốc Giang Nguyễn của The Purpose Group đã gặp gỡ và chia sẻ với chúng tôi quan điểm của chị về những xu hướng sắp diễn ra trong lĩnh vực định hướng thương hiệu.

Năm 2018, những xu hướng nào là nổi bật nhất trong chuyên ngành của chị?

Thật sự mà nói thì đã có rất nhiều xu hướng nổi bật. Đầu tiên phải kể đến sự lên ngôi của phong cách sống lành mạnh, từ chế độ ăn uống, quản lý cân nặng, đến tập luyện, và cân bằng giữa làm việc và giải trí. Chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam cũng như sự thành công của hàng loạt các công ty được dẫn dắt bởi Millennial và Gen Z cũng cho chúng ta thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của giới trẻ.

Trong lĩnh vực marketing, micro-influencers (nhân vật có tầm ảnh hưởng vừa và nhỏ) cũng tạo ra những ảnh hưởng nhất định. Đó là chưa kể đến sức mạnh của các dữ liệu được thu thập trực tuyến và sự phát triển vượt bậc của phương thức marketing kết hợp nhiều kênh, tập trung vào trải nghiệm; và thương mại điện tử (e-commerce).

Khoảnh khắc ý nghĩa nhất đối với chị trong năm vừa qua là gì?

Tôi sẽ chọn ra hai khoảnh khắc, một gắn liền với cá nhân tôi và một liên quan đến The Purpose Group. Cá nhân tôi đã được chọn vào danh sách “Woman to Watch 2018”. Đây là một sự công nhận đối với nỗ lực quan tâm đến tất cả chi tiết nhỏ trong quá trình điều hành một doanh nghiệp.

Khoảnh khắc ý nghĩa nhất đối với The Purpose Group là khi content studio Children Of được thành lập. Ngày nay nội dung là mấu chốt đối với các marketer. Và Children Of là một nền tảng hội tụ những tài năng trong nước và cung cấp cho họ một “sân chơi sáng tạo”, qua đó tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi tin rằng tương lai đang nằm trong tay của những nhà sáng tạo táo bạo. Minh chứng là các dự án đáng nhớ như “The Harvest of Dreams”, câu chuyện về đội ngũ khởi nghiệp đằng sau The Coffee House, và bản hit “We Are The Rising Kings” tôn vinh nhiệt huyết bóng đá Việt Nam được tài trợ bởi hãng Budweiser.

Chị có thể chia sẻ một số dự án nổi bật đến từ những công ty khác?

Tôi rất thích xem những ứng dụng công nghệ đầy ý nghĩa hướng đến lợi ích cộng đồng, như Vulcan Augmetics chẳng hạn. Startup này đã tạo ra các bộ phận giả với giá thành phải chăng cho những người khuyết tật tại Việt Nam.

The Coffee House cũng là một cái tên đầy ấn tượng. Không chỉ là chuỗi cửa hàng cà phê có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất, The Coffee House còn gây bất ngờ khi được thành lập và vận hành bởi một đội ngũ rất trẻ thuộc thế hệ Millennial. Điều này chứng minh rằng thế hệ trẻ Việt Nam có đủ khả năng để phát triển nên những ý tưởng kinh doanh vững chắc, định hướng thương hiệu và vận hành trơn tru.

Cuối cùng là thành tựu sáng chói của Biti’s Hunter, họ đã thành công trong việc vực dậy tên tuổi lâu đời và kết nối thành công với người trẻ Việt.

Theo chị, xu hướng chủ chốt trong lĩnh vực branding và marketing tại Việt Nam năm 2019 là…

Xây dựng bản sắc và ý thức sẽ là mối lưu tâm hàng đầu của thương hiệu. Sự trỗi dậy của Gen Z cũng sẽ góp phần làm thay đổi cục diện xã hội Việt Nam. Ranh giới giữa thương mại ngoại tuyến và trực tuyến cũng sẽ biến mất hoàn toàn. Nội dung, đặc biệt là hình thức kể chuyện (storytelling), sẽ phát triển lên tầm cao mới. Nhân vật có tầm ảnh hưởng (lớn, vừa và nhỏ) sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình…

Giả sử bây giờ đã là cuối năm 2019, hãy cho chúng tôi một vài “tái hiện” của một năm đã qua.

2019 sẽ là một năm của những tiên phong cải cách và đầy ý nghĩa trong các lĩnh vực xã hội, kinh doanh và giáo dục. Tất cả đều chung mục đích tạo dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam…

#2. Anh Paul Norriss, Giám đốc Công ty may mặc Un-Available

Un-Available là một công ty gia công dệt may nằm tại Quận 2, với hơn 500 nhân công. Đây là nơi sản xuất quần áo cho rất nhiều thương hiệu streetwear nổi tiếng, đơn cử như Palace. Phát triển từ một doanh nghiệp với quy mô khiêm tốn, Un-Available hoạt động dựa trên tôn chỉ sản xuất ra các mặt hàng thời trang chất lượng cao ngay tại Việt Nam đáp ứng đúng thời điểm, đúng nhu cầu của thế giới.

Năm 2018, những xu hướng nào là nổi bật nhất trong chuyên ngành của anh?

Đó là sự lên ngôi của những mảng màu nổi bật, mẫu in to bản, chủ nghĩa tối đa (maximalism). Đặc biệt là những đường cắt cúp oversized, và theo trường phái avant garde. Tôi có cảm giác như giới trẻ hiện nay rất táo bạo. Họ luôn sẵn sàng phá bỏ những quy tắc chuẩn mực.

Khoảnh khắc ý nghĩa nhất đối với anh trong năm vừa qua là gì?

2018 là một năm đầy hiệu suất của Un-Available. Chúng tôi đã cùng nhau phân tích mọi khía cạnh của doanh nghiệp, và tự hỏi làm thế nào để cải thiện thành tích hiện tại.

Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng hơn đến vấn đề môi trường, một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến hiệu suất. Chúng tôi cố gắng giảm thiểu lượng rác thải, nguyên liệu, năng lượng, nguồn nước và thậm chí là cả thời gian, nhằm giảm bớt tác hại lên môi trường xung quanh. Được nhìn thấy đội ngũ của mình bàn bạc ý tưởng rồi hăng say biến chúng thành hiện thực quả là một niềm hạnh phúc.

Anh có thể chia sẻ một số dự án nổi bật đến từ những công ty khác?

Xu hướng hợp tác đang làm mưa làm gió ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực. Khoảnh khắc mang đậm dấu ấn cho chúng tôi là khi đối tác của mình – thương hiệu Palace – ra mắt bộ sưu tập hợp tác với Ralph Lauren. Được biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 51 năm thành lập Ralph Lauren hợp tác cùng một thương hiệu khác. Bộ sưu tập gồm 10,000 sản phẩm bán hết veo trong vòng vài phút, và vài tiếng sau đó, xuất hiện trên thị trường bán lại (reseller market) với cái giá cao gấp mấy lần giá gốc.

Theo anh, xu hướng chủ chốt trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam năm 2019 là…

Tôi nghĩ các thương hiệu sẽ tiếp tục bứt phá giới hạn. Xu hướng in all-over (in kín áo) và những kỹ thuật táo bạo sẽ tiếp tục được áp dụng mạnh mẽ vào ngành may mặc, bất kể là nó khó mặc đến đâu.

Phương pháp nhuộm tie-dye (nhuộm bằng cách buộc thắt vải) sẽ quay trở lại. Chất liệu nhung corduroy và phong cách lấy cảm hứng từ những bữa tiệc nhạc điện tử của thập niên 90s cũng hứa hẹn sẽ làm mưa làm gió trong năm nay.

Giả sử bây giờ đã là cuối năm 2019, hãy cho chúng tôi một vài “tái hiện” của một năm đã qua.

Giá bán lẻ tại thị trường châu Âu sẽ tiếp tục giảm, hoặc đóng băng. Trong khi đó, tại khu vực châu Á, giá nhân công, nguyên liệu và giá thuê sẽ tiếp tục tăng lên gây trở ngại cho các doanh nghiệp nếu như họ không có biện pháp cải thiện, gia tăng hiệu suất.

Tôi cũng nghĩ các ông lớn trong ngành thời trang sẽ tập trung vào các dòng sản phẩm không bao giờ lỗi thời (NOS – Never-out-of-stock). Chính những sản phẩm cơ bản này sẽ mang đến cho họ nguồn lợi nhuận sống còn.

Tiếp đến là sự tụt dốc của những mô hình cửa hàng độc lập trưng bày nhiều thương hiệu khác nhau. Đó là do các thương hiệu này tập trung khai trương cửa hàng bán lẻ riêng để dễ dàng quản lý hình ảnh và trưng bày sản phẩm của mình. Các nhà bán lẻ lớn như ASOS sẽ dần chú trọng hơn vào mảng bán hàng trực tuyến để thu về lợi nhuận cao hơn.

#3. Anh Chris Freund, Đối tác của Mekong Capital

Mekong Capital là công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên về vốn cổ phần chưa niêm yết tại Việt Nam, sở hữu một hồ sơ doanh nghiệp rộng lớn, đa ngành – từ giáo dục cho đến sản phẩm tiêu dùng. Từ khi thành lập từ năm 2001 đến nay, Mekong Capital đã hoàn thành 33 dự án đầu tư cổ phần và nổi tiếng với hướng tiếp cận tập trung vào xây dựng đội ngũ và phương thức quản lý tiên tiến cho các doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của họ.

Năm 2018, những xu hướng nào là nổi bật nhất trong chuyên ngành của anh?

Trong năm 2018 vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của các hoạt động đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là những khoản đầu tư nhỏ từ 200.000 Đô đến 2.000.000 Đô, chủ yếu là cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ. Đây chỉ là phần nhỏ của một xu hướng lớn hơn đang diễn ra tại Việt Nam, khi mà tinh thần khởi nghiệp đang ngày càng lan rộng, và rất nhiều bạn trẻ có mong muốn tự mình thành lập một doanh nghiệp mới hơn là xin vào làm tại các công ty.

Khoảnh khắc ý nghĩa nhất đối với anh trong năm vừa qua là gì?

Đối với Mekong Capital, 2018 là một năm mà chúng tôi đã bứt phá giới hạn để nâng cao chất lượng công việc. Cả đội chúng tôi vẫn đang tiếp tục trau dồi kỹ năng để bổ sung cho từng khía cạnh của cơ cấu đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng cho các công ty nhận đầu tư. Điều này giúp tôi có thể lùi lại và tập trung vào những phát kiến chiến lược vĩ mô và tiên phong, đồng thời giám sát và hỗ trợ các thành viên trong đội.

Một thành tựu to lớn khác của Mekong Capital trong năm 2018 là đã nhanh chóng chuyển giao sang kỹ thuật số. Quá trình này được dẫn dắt bởi Giám đốc Kinh doanh Kỹ thuật của chúng tôi, Chris Shayan. Hiện nay tất cả mọi quy trình nội bộ Mekong Capital đều đã được tự động hóa. Với những bảng điều khiển kỹ thuật số chuẩn thời gian và các công cụ phân tích hiệu suất, nay chúng tôi đã có thể dễ dàng tối ưu hoá hiệu suất công việc.

Còn những dự án nổi bật được thực hiện bởi các công ty khác thì sao?

Đối với tôi, nổi bật nhất là khoản đầu tư của Northstar vào Topica Edtech Group. Chúng tôi từng có cơ hội để đầu tư vào Topica vài năm trước nhưng rất tiếc đã bỏ lỡ nó, và giờ nhìn lại thì đó đúng là một sai lầm đáng tiếc. Topica đã làm rất tốt, phát triển rất nhanh và tìm được vị thế vững chắc trong thị trường giáo dục tư nhân hóa đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Theo anh, xu hướng chủ chốt trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam năm 2019 là…

Xu hướng lớn nhất sẽ là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến sức chi tiêu lớn hơn của người tiêu dùng, và sự phát triển của lĩnh vực tài chính. Nếu không có tác động gì lớn từ bên ngoài, 2019 sẽ lại là một năm thành công tốt đẹp của Việt Nam.

Rủi ro lớn nhất mà tôi có thể thấy là tình hình chính trị không được ổn định tại Mỹ và căng thẳng leo thang với Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Trên thực tế, trong lịch sử đã từng có khái niệm Bẫy Thucydides, nhằm chỉ nguy cơ xung đột có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ, và nó đòi hỏi khả năng lãnh đạo “thép”, thái độ hợp tác và giao tiếp cởi mở để có thể đẩy lùi nguy cơ này.

Tôi tin rằng Việt Nam sẽ cố gắng để nằm ngoài xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng xung đột này dẫn đến tình hình bất ổn và rủi ro cho toàn bộ khu vực, mà Việt Nam thì nằm ở vị trí trung tâm.

Giả sử bây giờ đã là cuối năm 2019, hãy cho chúng tôi một vài “tái hiện” của một năm đã qua.

Tôi không thể đưa ra những dự đoán ngắn hạn, nhưng có thể đưa ra một vài suy đoán về tương lai dài hạn của Việt Nam. Trong khi Mekong Capital vẫn đang trong quá trình phát triển tầm nhìn cho Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành một trong các quốc gia có tầng lớp trung lưu bùng nổ mạnh mẽ nhất thế giới, phần lớn là do có khả năng sở hữu nhà đất. Điều này đồng nghĩa với việc tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam cũng ổn định hơn các quốc gia có xu hướng bảo vệ giai cấp tư sản, và tầng lớp trung lưu giảm dần.

Kinh tế tư nhân cũng tăng trưởng nhanh chóng do làn sóng khởi nghiệp của người trẻ, những người được đào tạo bài bản tại nước ngoài và làm việc cho các công ty quốc tế trước khi tách ra tạo dựng doanh nghiệp riêng.

Việt Nam sẽ nổi lên như là người đầu tiên chấp nhận (early adopter) các ứng dụng công nghệ mới, tương tự như Trung Quốc, và có bước tăng trưởng nhảy vọt so với những quốc gia ít nhạy bén hơn trong việc tiếp thu công nghệ.

Song hành cùng đó là những đổi thay lớn lao trong hệ thống giáo dục của Việt Nam nhằm mang đến chất lượng giảng dạy tiến bộ hơn và ứng dụng những phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trọng tâm.

Cuối cùng, Việt Nam sẽ là nơi sản sinh ra thế hệ lãnh đạo toàn cầu về những lĩnh vực đang được quan tâm như thay đổi khí hậu, và UN Sustainable Development Goals (Các Mục tiêu phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc).

#4. Chị Crystal Lâm, Giám đốc điều hành Vinawood

Vinawood là một trong những cái tên tiên phong trong ngành sản xuất màng gỗ tại Việt Nam. Tuy lớn lên tại Mỹ, nhưng giám đốc điều hành của Vinawood, chị Crystal Lâm, hiểu rõ chẳng sớm thì muộn mình cũng sẽ chuyển đến một quốc gia châu Á nào đó. Và rồi bản tính liều lĩnh đã đưa chị đến Việt Nam, nơi hấp dẫn chị bởi cơ hội tạo ra ảnh hưởng to lớn cho ngành công nghiệp sản xuất gỗ, khi mà mọi người đều đang chạy theo những ngành xu hướng như công nghệ và thời trang.

Năm 2018, những xu hướng nào là nổi bật nhất trong chuyên ngành của chị?

Từ góc độ cơ cấu tổ chức, có một vài thay đổi đáng kể từ các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc do sự thay đổi trong chính sách thuế Trump. Việt Nam, cùng với một số quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia được xem là những điểm đến hấp dẫn ở Đông Nam Á. Ở cấp độ vĩ mô, tôi cảm thấy rất thú vị khi chứng kiến sự đổ bộ từ những doanh nghiệp nước ngoài. Họ sẽ cần nhiều nhân lực lao động và thậm chí đóng góp vào việc phát triển tài năng cũng như gia tăng năng suất lao động trong khối khu vực ASEAN nói chung.

Khoảnh khắc ý nghĩa nhất đối với chị trong năm vừa qua là gì?

Trong số những quốc gia được khảo sát để mở rộng quy mô, chúng tôi thấy rằng phần lớn công ty đa quốc gia muốn lựa chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo. Điều này chính là dấu hiệu mạnh mẽ của lợi thế cạnh tranh trong nước, mang lại nhiều bài học cho tất cả chúng ta.

Với Vinawood nói riêng, khoảnh khắc ý nghĩa nhất của chúng tôi chính là được hợp tác với các nhà khoa học để phát triển một loại vật liệu khác biệt nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Chúng tôi sẽ giới thiệu sản phẩm này thông qua bộ sưu tập mới trong năm nay.

Theo chị, xu hướng chủ chốt trong ngành sản xuất tại Việt Nam năm 2019 là…

Đó chính là sự quan tâm của người tiêu dùng về tác động của họ đến môi trường. Mặt khác, Việt Nam đang nổi lên như một vùng kinh tế đầy tiềm năng với lợi thế sản xuất, tôi tin vào thế hệ người trẻ Việt với ý thức rõ ràng về môi trường sẽ biết cách trân trọng và phát triển nguồn nguyên liệu địa phương. Họ, thế hệ trẻ xuất chúng này, sẽ biết cách để không chỉ tạo ra những sản phẩm độc đáo mà còn có tính ứng dụng bền vững trong tương lai.

Giả sử bây giờ đã là cuối năm 2019, hãy cho chúng tôi một vài “tái hiện” của một năm đã qua.

Việc phát triển tài năng nhân sự đang là một trong những chủ đề nổi cộm với nhiều công ty. Trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, một công ty nếu muốn thích nghi với khu vực đầu tư cần rất nhiều nhân sự thông minh, sáng tạo và có tính kết nối cao với cộng đồng. Tại Vinawood, chúng tôi tin rằng việc đầu tư vào yếu tố con người không bao giờ thừa thãi, thậm chí chi phí đào tạo nhân sự còn tăng thêm gấp ba lần. Với mục tiêu phát triển 5 năm tiếp theo, từng thành viên trong gia đình Vinawood sẽ thật sự là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh.

#5. Chị Sylvia Nguyễn Ngọc Mỹ, Thành viên hội đồng quản trị Alphanam Group

Sylvia Nguyễn Ngọc Mỹ là một trong những người đưa Việt Nam đến với bản đồ du lịch thế giới. Chị cùng anh trai mình điều hành công ty bất động sản và ngành dịch vụ nhà hàng – khách sạn Alphanam Group, họ vừa khai trương hai khách sạn tại Đà Nẵng vào năm ngoái, đồng thời đang ấp ủ thêm bốn dự án khác sẽ ra mắt vào năm 2020, và mười hai dự án đang trong quá trình phát triển và thiết kế.

Không những thế, Sylvia còn lưu tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) với Quỹ Alphanam nhằm phát triển những dự án xã hội của tập đoàn tại Việt Nam. Với những thành tựu kể trên, chị là người trẻ tuổi nhất trong danh sách những nữ doanh nhân kế cận của Forbes Việt Nam, đồng thời được vinh danh trong Top 10 những người có sức ảnh hưởng đối với ngành Du lịch Việt Nam năm 2018, bình chọn bởi tờ Time Out.

Năm 2018, những xu hướng nào là nổi bật nhất trong chuyên ngành của chị?

Đó chính là từ khóa: ‘Phát triển xanh’. Ở Việt Nam và một vài đất nước khác, tôi thấy nhiều khách sạn đã hoàn toàn loại bỏ đồ nhựa dùng một lần như chai nhựa hay ống hút nhựa trong chuỗi vận hành của họ, và dần thay thế chúng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường hơn.

Chúng ta có rất nhiều cách, dù lớn dù nhỏ, để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu với môi trường. Với cương vị là một nhà phát triển, chúng tôi luôn tìm kiếm những phương án tốt nhất để xử lý rác thải và nguồn nước, cũng như tái chế và tái sử dụng vật liệu càng nhiều càng tốt. Do đó, tôi rất hào hứng muốn biết chúng ta có thể làm được gì trong khuôn khổ từ địa phương đến quốc tế để có thể hạn chế gây hại đến môi trường.

Công nghệ cũng là một xu hướng đang thật sự dịch chuyển cơ cấu trong những năm vừa qua. Chẳng hạn như Four Seasons vừa cho ra mắt một ứng dụng di động cho phép gửi tin nhắn trực tiếp trên đó trước và trong khi đang ở tại khách sạn, một chức năng không thể thiếu đối với các dịch vụ cao cấp.

Thậm chí Marriott Bonvoy còn nâng tầm dịch vụ đó bằng cách áp dụng cho tất cả các chi nhánh khách sạn của mình, giúp cho giới trẻ có thể làm được nhiều việc hơn trong thời gian di chuyển, ví dụ như bạn có thể đặt dịch vụ phòng trên đường từ sân bay tới khách sạn, và khi về tới phòng thì đã có thức ăn nóng hổi chờ sẵn rồi.

Khoảnh khắc ý nghĩa nhất đối với chị trong năm vừa qua là gì?

Trong ngành khách sạn, mọi khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chúng tôi đều gắn liền với khách hàng. Thế nên tại Four Point by Sheraton Đà Nẵng, chúng tôi luôn theo đuổi phương châm “Mang đến cho bạn những niềm vui giản đơn mỗi ngày.”

Riêng tôi, tôi luôn trông chờ những buổi tiệc tất niên của công ty vào trước Tết âm lịch. Bởi ở ngành này, chúng tôi làm việc vào cả những ngày lễ để mang đến cho mọi người những kỳ nghỉ trọn vẹn nhất. Chỉ vào thời điểm này trong năm, tôi mới có dịp được nhìn ngắm mọi người ăn diện hơn, phô diễn biệt tài của họ trong những chương trình tài năng hay đến xem và ủng hộ đồng nghiệp trong những buổi biểu diễn ở các khách sạn khác. Mọi người đã dành cả năm để tạo ra nhiều kỷ niệm tuyệt vời cho các khách hàng rồi, nên vào thời khắc ăn mừng này tôi biết mình cần làm những điều đặc biệt cho họ.

Ở Alphanam Group, mọi người đến từ hơn 10 quốc gia, nên buổi tất niên luôn là thời điểm họ có có thể giới thiệu văn hóa của nước mình đến những đồng nghiệp khác.

Còn những dự án nổi bật được thực hiện bởi các công ty khác thì sao?

Trong năm nay, một trong những khách sạn ưa thích của tôi chính là Intercontinental Wonderland của tập đoàn Shimao, Trung Quốc. Từ một núi đá, sau 12 năm với công sức của hơn 5.000 nhân lực, nơi đây đã biến thành một khách sạn lộng lẫy với những cơ sở vật chất vô cùng hiện đại như nhà hàng và phòng ngủ “thủy cung” (underwater restaurant and suites), chiếc cầu bằng kính, công viên nhỏ dành cho trẻ em và khu trình diễn nghệ thuật nước vô cùng độc đáo ở sảnh lớn. Nơi đây để lại dấu ấn mạnh trong tôi bởi trong mỗi bước chân, tôi đều cảm nhận được sự thấu đáo, chăm chút đến từng trải nghiệm khách hàng của người thiết kế và sẵn sàng đi trước thời đại để tạo nên những điểm chấm phá vô cùng đáng nhớ tại đây.

Về công tác dịch vụ, tôi thật sự bất ngờ trước sự chu đáo của đội ngũ nhân viên khách sạn Ritz Carlton, Hồng Kông. Suy cho cùng thì việc kinh doanh của chúng tôi vẫn gắn liền với con người, và có những điều mà máy móc không thể thay thế con người được.

Theo chị, xu hướng chủ chốt trong ngành dịch vụ, khách sạn tại Việt Nam năm 2019 là…

Ngành công nghiệp khách sạn đang thay đổi một cách nhanh chóng sau thương vụ sáp nhập chuỗi khách sạn Starwood của tập đoàn Marriott. Những chuỗi khách sạn khác cũng bắt đầu mua lại hay liên kết với nhau, đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội cũng như nhiều đặc quyền hơn cho khách du lịch, và giảm thiểu chi phí trung tâm cho những nhà điều hành khách sạn. Tại Việt Nam, nhiều khách du lịch cũng trở nên quen thuộc hơn với những chuỗi khách sạn lớn và những nền tảng ứng dụng của khách sạn, họ chọn những khách sạn đã có tên tuổi để được trải nghiệm những dịch vụ chất lượng cao và ổn định.

Xu hướng này đã tạo ra hai hướng phát triển trong ngành khách sạn. Những khách sạn nhỏ sẽ phải tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ để tạo nên điểm đặc sắc riêng, và những khách sạn tập trung vào phần thiết kế sẽ là làn sóng mới sau khi những thương hiệu lớn nhập cuộc. Trong dự án tiếp theo được triển khai tại Đà Nẵng của chúng tôi có khách sạn Aloft, một nhánh thương hiệu của W hotels. Chúng tôi thật sự rất phấn khích khi đang thực hiện một dự án hoàn toàn hướng đến những người trẻ, với sự tập trung đặc biệt vào công nghệ và hệ thống tự động hóa.

Ngoài ra, điện thoại di động cũng sẽ đóng một vai trò lớn khi mọi người bắt đầu sử dụng điện thoại di động để check-in, đặt chỗ, thanh toán và nhiều dịch vụ khác nữa. Chúng ta đang không chỉ giảm thiểu những công việc giấy tờ mà còn hạn chế số lượng nhân sự không cần thiết. Tôi tin rằng sớm thôi, chúng ta chỉ cần dùng điện thoại để check-in vào hệ thống khách sạn Marriott toàn cầu.

Giả sử bây giờ đã là cuối năm 2019, hãy cho chúng tôi một vài “tái hiện” của một năm đã qua.

Tôi mong rằng Việt Nam sẽ vươn lên trở thành một trong những điểm đến đáng lưu ý trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục vươn tới những sáng kiến tốt hơn để bảo vệ môi trường, hay cố gắng hợp nhất nhiều ngành nghề để nâng cao trải nghiệm du lịch tại Việt Nam.

Xem thêm:
[Bài viết] 7 chuyên gia chia sẻ về xu hướng văn hóa Việt 2019
[Bài viết] How I Manage: Biên Nguyễn – Khi kinh doanh mang tính nghệ thuật và chất thơ


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục