5 Kiểu tin giả bạn đã gặp ít nhất một lần trong đời | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 08, 2021

5 Kiểu tin giả bạn đã gặp ít nhất một lần trong đời

Nhiều trong số các loại tin giả bạn sẽ gặp đi gặp lại như một người quen không biết tên. Nhưng không biết tên không đồng nghĩa với vô hại.
5 Kiểu tin giả bạn đã gặp ít nhất một lần trong đời

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Nếu lúc này có một cuộc đua về tốc độ lây lan và sinh “biến chủng” mới trong cộng đồng, thì tin giả có lẽ sẽ là một đối thủ đáng gờm với “đương kim vô địch” vi-rút.

Giữa tháng 7, bạn có thể phẩy tay khi thấy dòng tin “xông hơi bằng gừng, sả tươi giúp điều trị COVID”. Bạn than “ôi giời” khi hàng ngàn người đổ xô đi mua nguyên liệu cho món gà kho này giữa đại dịch. Nhưng tới đầu tháng 8, câu chuyện về một bác sĩ rút ống thở của ba mẹ nhường cho một sản phụ lại khiến bạn rưng rưng.

Tin giả cứ thế tiến hoá, niềm tin của bạn cứ thế hao mòn. Nhưng nuốt cay đắng vào trong, hãy cùng nhìn lại những kiểu tin giả đã từng xảy ra trong lịch sử tin tức, từ đó tìm cách rèn cho mình bộ radar nhận diện thật-giả nhạy hơn.

Kiểu 1: Tin giật gân, rùng rợn

Đặc điểm: Nghe xong đảm bảo không giật mình, hoang mang cũng nổi da gà. Ngắn gọn, không giải thích nhiều. Thường liên quan đến chuyện sống chết.

Ví dụ: “Nhạc sĩ/Huấn luyện viên/Ca sĩ… qua đời”, “người dân ở quận TĐ bức xúc tự thiêu”,...

Phiên bản 1.0 của loại tin giả này là những câu chuyện ma mà bà của bạn hay kể, hay những câu chuyện rùng rợn về một ngôi nhà bỏ hoang nào đó trong xóm. Tin dù không được xác nhận, nhưng nếu đó là lần đầu tiên bạn được kể, thì nhiều khả năng bạn sẽ tin.

Giáo sư tâm lý học Geoffrey Beattie gọi yếu tố mới lạ đó là điều tạo nên quyền lực của người đưa tin. Giống như những câu chuyện phiếm hay nhất, loại tin giả có hiệu quả nhanh nhất và phổ biến nhất là những chuyện giật gân, đặc biệt là chuyện có các từ khoá “tai nạn”, “chết”.

Nguyên nhân là chúng có tính năng như một hệ thống báo động, giúp não phát hiện các mối đe dọa có thể xảy ra. Một khi bản năng sinh tồn của con người được thoả mãn, sự phòng thủ đối với việc đây có phải tin thật hay không trở nên yếu ớt hơn.

Kiểu 2: Tin “cải lương”

Đặc điểm: Nghe xong mủi lòng. Tin thường có nhân vật gặp phải hoàn cảnh bi thương, và kết cú chốt bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp vào tài khoản cá nhân (không truy được danh tính).

Ví dụ: Chị A - giáo viên tiểu học bị tai nạn - có 2 con nhỏ bị u não, hai mẹ con bị chôn vùi do sạt lở đất và được tìm thấy trong tư thế che chở...

Sự thật rằng những hoàn cảnh không may mắn luôn tồn tại trong xã hội khiến kiểu tin giả này luôn có sức nặng. Dù nhân vật trong chuyện khổ đến mức nào, bạn cũng có thể tin là nó xảy ra. Chỉ cần một tai nạn từ-trên-trời-rơi-xuống là có thể giải quyết tất cả những câu hỏi hoài nghi về hoàn cảnh ngặt nghèo của họ.

Nhà khoa học chính trị Rebekah Tromble nhận định rằng, “Việc khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ là điểm mấu chốt khiến tin giả lan truyền xa hơn, nhanh hơn”. Mà trong các loại cảm xúc, sự cảm thông lại đóng vai trò quan trọng đối với đặc tính xã hội của con người. Chúng kết nối chúng ta để vượt qua những giai đoạn khó khăn và cùng nhau tồn tại.

titleLograveng trắc ẩn bị lời dụng lagravem tin giả Lograveng trắc ẩn bị lời dụng lagravem tin giả Nguồn Marco BianchettiUnsplash
Việc lợi dụng lòng thương này có thể khiến những hoàn cảnh thực sự khó khăn khó nhận được sự giúp đỡ kịp thời hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta nên tiết kiệm lòng thương hơn, mà là cẩn thận để đặt niềm tin đúng chỗ. | Nguồn: Marco Bianchetti/Unsplash

Nhìn lại câu chuyện bác sĩ Khoa rút ống thở của ba mẹ, người đọc có thể nhận thấy ở đây có sự kết hợp cả hai yếu tố giật gân và đánh lòng vào lòng trắc ẩn.

Giật gân vì trong cuộc sống đời thường, hiếm khi nào người ta chứng kiến chuyện ai đó tự tay đánh đổi mạng sống của người máu mủ ruột rà cho người không hề quen biết. Nhưng những yếu tố bịa đặt quá tay trong câu chuyện này vẫn bị lu mờ nhờ sức đánh động của nó vào lòng vị tha của con người.

Giữa cuộc khủng hoảng dịch bệnh, người đọc đang tìm kiếm niềm tin về tình yêu thương, thì câu chuyện của “bác sĩ” đáp ứng ngay điều đó. Các yếu tố ấm lòng và đau lòng cứ thế đan vào nhau tạo nên một hỗn hợp cảm xúc đặc quánh. May mắn là câu chuyện đã kịp dừng lại trước khi đến hồi kết là có ai đó động lòng mà chi tiền cho “bác sĩ”.

Kiểu 3: Tin “tôi nói đồng bào nghe”

Đặc điểm: Người truyền đi thông tin thường (chỉ) dùng lời nói, điệu bộ hùng hồn, trong nhiều trường hợp là đầu tư cả trang phục “chuyên nghiệp” để thuyết phục người khác tin theo.

Ví dụ: quảng cáo chữa bệnh “Ba đời nhà tôi...”, tin đa cấp làm giàu nhanh “Tôi làm được, bạn cũng thế”...

Kiểu tin này thường gắn liền với các hình thức quảng cáo, bán hàng, đôi khi là cả bối cảnh chính trị. Việc dùng lời nói và điệu bộ để thuyết phục đám đông có thể sẽ khiến bạn liên tưởng đến các nhà quân sự phát xít thời thế chiến, hay gần gũi hơn là những người mãi võ, bán thuốc “gia truyền” - một công việc kiếm sống ở miền Nam những ngày xưa cũ.

Ở thời đại mới, kỹ thuật bán niềm hy vọng (bị bóp méo) và tạo cảm xúc hào hứng cho khán giả vẫn còn nguyên công dụng. Ngay cả khi đã có nhiều cảnh báo về việc ngộ độc thuốc nam, hay những tin cảnh báo lừa đảo đa cấp biến tướng, người dân vẫn không hoàn toàn tạo được hệ miễn dịch với loại tin giả này.

Vấn đề này bị ảnh hưởng một phần bởi hiện tượng có tên “cận thị siêu nhận thức” (meta-cognitive myopia). Cụ thể, con người có xu hướng tin vào loại tin tức đầu tiên mà họ đọc/nghe được dù họ có lý do chính đáng để không tin. Sức chú ý giảm dần đối với các tin thứ cấp, chứa nội dung điều chỉnh, bổ sung về tin tức vừa được đưa trước đó.

titleCận thị siecircu nhận thức Cận thị siecircu nhận thức cũng giống như bạn chỉ thấy những điều ở gần magrave khocircng nắm được toagraven cảnh
Cận thị siêu nhận thức cũng giống như bạn chỉ thấy những điều ở gần mà không nắm được toàn cảnh. Nguồn: Kenvin Bankston/Unsplash.

Giải thích cho hiện tượng, tác giả Cass Sunstein truy về lại hành vi của con người trong xã hội săn bắn hái lượm. Ở đó, sự sống sót thường phụ thuộc vào phản ứng tự nhiên của các giác quan, hoặc vào những tín hiệu mà họ nhận được từ người khác. Bạn chạy khi bạn thấy một con hổ đuổi theo mình. Hoặc nếu bạn thấy bạn bè và hàng xóm của bạn đang chạy, bạn cũng chạy theo. Hoàn cảnh “cấp bách” khiến con người không ưu tiên việc xác nhận liệu những tín hiệu đó có đáng tin cậy hay không.

Tuy nhiên, phản ứng tự nhiên đó rõ ràng không còn hoàn toàn thiết thực ở môi trường sống hiện đại của con người. Các mối đe dọa trở nên tinh vi hơn yêu cầu con người có sự chú ý chủ đích hơn. Cass Sunstein cũng cho rằng con người vẫn có thể thoát khỏi “căn bệnh cận thị” khi họ ý thức được rằng (phần lớn) lợi ích cuối cùng không bao giờ thuộc về riêng mình. Tuyên bố của các “nhà quảng cáo” sẽ không có độ tin cậy như lời nói đến từ những người bạn thân.

Kiểu 4: Tin “người trong ngành”

Đặc điểm: Người kể thường có câu thần chú “cháu của ông ngoại nói, cô bán nước đứng đó chứng kiến nói”, và có thể đính kèm thêm ảnh chụp màn hình của một đoạn chat.

Ví dụ: Bạn thân nhắn “Ngày mai thành phố tiếp tục phong toả nhé. Tin nội bộ đấy.”

Đây là kiểu tin không nhất thiết tạo ra cho người đọc nhiều bất ngờ hay giá trị cảm xúc bằng các kiểu tin đã nêu bên trên. Nhưng thay vào đó, chúng tác động trực tiếp đến chúng ta qua hệ thống niềm tin có xu hướng bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm của người quen, và lời khuyên từ cộng đồng.

Việc một người quen chia sẻ cho bạn về một “người chú nuôi của bạn của chị gái” nào đó, kèm theo lời nhắn “người trong nhà mới biết” thôi có lẽ cũng khiến trong lòng bạn nhen lên hơi ấm. Lúc này, sự quan tâm giữa con người với nhau và yếu tố “người quen” vô tình được đặt ở vị trí cao hơn trong tiềm thức của chúng ta. Tính đúng sai của thông tin được chia sẻ đáng lẽ là điều chính yếu thì bị rớt xuống vai phụ.

Sự liên kết giữa các giá trị niềm tin như trên được các nhà nghiên cứu gọi bằng cái tên hệ thống niềm tin “bộ lạc” (tribalism). Còn ở Việt Nam, ta không có bộ lạc, nhưng có “dây mơ rễ má”.

Ngoài ra, tâm lý FOMO cũng là một nguyên nhân khiến ta dễ bị cuốn theo kiểu tin này.

Kiểu 5: Tin “nói có sách, mách có chứng”

Đặc điểm: Người đưa tin thường có câu đóng đinh “mình thấy/thử rồi nên biết”, hoặc có văn bản, hình ảnh, âm thanh (mạo danh) làm bằng chứng, nhưng không trích dẫn nguồn tin chính thống.

Ví dụ: Một tài khoản Facebook đăng “Phó Thủ tướng... đã nói...”, “Tin chính thức: Ngày mai học sinh tiếp tục nghỉ học”.

Với sự hỗ trợ của các loại “bằng chứng” (ngày càng tinh vi nhờ kỹ thuật vi tính), kiểu tin này có thể được xem là khó nhận biết nhất. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể giữ một đặc điểm thường thấy của tin giả là gây hoang mang, lo lắng, hoặc bất ngờ.

Nạn nhân đối với kiểu tin này thường bị khai thác các trải nghiệm và niềm tin đã có sẵn.

Chẳng hạn, năm 2018, một đoạn video deepfake giả danh cựu tổng thống Mỹ Obama “nói xấu” Donald Trump đã một phen gây chấn động cộng đồng mạng. Nó tạo niềm tin không chỉ bởi hình ảnh, âm thanh chân thực mà còn dựa trên cơ sở hai nhà chính trị này có mối quan hệ không mấy “hoà bình” với nhau.

Hay vào tháng 3 năm nay, một phụ nữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đưa tin giả rằng “một vợ có thể lấy nhiều chồng”. Bạn sẽ phớt lờ cho qua nếu tin rằng lịch sử sẽ không đi lùi về thời đa phu thê. Nhưng nếu ai có niềm tin rằng vấn đề chênh lệch giới tính nam-nữ đang trở nên nghiêm trọng, thì “thông tin chính thức” kia lại phần nào đó thuyết phục.

Ngoài ra, sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng góp vào việc tin giả trở thành một vấn nạn. Người dùng công nghệ đang được khuyến khích theo đuổi thú vui và giải trí một cách thụ động. Hàng ngày, một cách tự nhiên, họ luyện tập việc đón nhận tin tức hơn là đọc tin tức với tư duy phản biện.

Người đọc có thể làm gì?

Với sự tự do mà công nghệ mang lại, khó có cách nào ngăn chặn triệt để tin giả xảy ra. Nhiều tin giả thậm chí hội tụ đủ đặc điểm của cả 5 loại tin kể bên trên và nhiều hơn thế, khiến nhiều chuyên gia nhận định rằng thời đại của chúng ta đang diễn ra một cuộc khủng hoảng niềm tin. Thế nhưng hy vọng vẫn còn đó nếu chúng ta chậm lại một chút, phân tích tin tức, thay vì chỉ hoài nghi tất cả.

1. Không sử dụng mạng xã hội làm nguồn tin chính

Nhà nghiên cứu Moravec, Đại học Texas, khuyến khích người đọc không sử dụng mạng xã hội làm nguồn tin chính của mình. Nếu bạn thấy tin tức trên mạng xã hội, hãy kiểm tra nguồn tin. Đừng chỉ đọc tiêu đề, bởi chỉ nhìn tiêu đề thôi cũng có thể khiến bạn dễ hình thành thiên kiến xác nhận tin giả thành tin thật.

2. Kiểm tra chất lượng bài viết và nội dung bình luận

Một bài viết phạm quá nhiều lỗi chính tả hoặc ngữ pháp là một tín hiệu để bạn không nên vội tin tưởng vào nội dung đó. Một dấu hiệu khác là lượng like hoặc lượng người hưởng ứng cao bất thường đối với một tài khoản vô danh nào đó.

Ngoài ra, đọc qua phần bình luận cũng là một cách để xác minh. Nhiều người sẽ có thể chỉ ra thông tin sai lệch của bài viết nếu họ sống ở khu vực xảy ra sự việc được đề cập.

titleĐọc chậm lại Cũng như lời khuyecircn đừng lagravem gigrave trong luacutec noacuteng giận đừng vội chia sẻ cocircng khai tin tức cho nhiều người khaacutec nếu thấy cảm xuacutec của migravenh đang quaacute
Đọc chậm lại. Cũng như lời khuyên đừng làm gì trong lúc nóng giận, đừng vội chia sẻ công khai tin tức cho nhiều người khác nếu thấy cảm xúc của mình bỗng dưng quá "dạt dào". | Nguồn: cottonbro/Pexels

3. Kiểm chứng tin từ nhiều nguồn khác nhau

Ở thời đại thông tin có thể xuất phát từ nhiều phía như hiện nay, tính xác thực đôi khi phải cần được kiểm chứng giữa nhiều nguồn khác nhau, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào một cơ quan báo chí chính thống. Bởi dưới các áp lực kinh tế, công nghệ và chính trị xã hội, kèm theo nhu cầu đưa tin nhanh, chính người làm báo cũng có thể xảy ra sai sót.

4. Truy cập website chuyên xác minh nguồn tin

Đối với nội dung tiếng Anh:

Đối với nội dung tiếng Việt:

Tóm lại, người đọc ít nhất hãy cố gắng chú ý đến tính nhất quán thông tin giữa các nền tảng đưa tin. Giữ cho mình tư duy cởi mở và tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra, thay vì ngay lập tức bấm nút chia sẻ. Nếu thắc mắc tin tức đó có đúng sự thật hay không, bạn có thể gửi tin về các trang chuyên xác minh nêu trên.