Hôm nọ đọc về bác sĩ Khoa, bạn có khóc không? Và dù nước mắt rơi, bạn có thấy lòng ấm lại, thấy biết ơn đời, thấy thêm hy vọng sống, thấy như được tiếp thêm sinh lực, thấy cuộc sống này còn đủ yêu thương để bạn có thể vượt qua chuỗi ngày trước mắt?
Nay được biết câu chuyện là tin giả, bạn có thấy thất vọng không? Bạn có chua cay nói rằng ngẫm ra thật là vô lý? Bạn có buông tiếng thở dài, tự nhủ đúng là làm gì có ai trên đời đánh đổi mạng sống của người thân cùng máu mủ để cứu những kẻ xa lạ?
Bạn có ngẫm nghĩ lại và âm thầm nhận ra, ừ nhỉ, rút ống thở của một con người như thế, chưa kể lại là chính mẹ mình, thì phải là một vấn đề đạo đức chứ?
Là một người có mẹ già, tôi như trút được gánh nặng khi biết câu chuyện không có thật. Nhưng thay vì rủa xả lên án những người tin vào bác sĩ Khoa và lòng vị tha cực đoan, tôi đã chọn cách cố gắng để hiểu xem vì sao họ tin. Trong bối cảnh của sợ hãi chồng chất thế này, dù không thể đồng ý với nhau, nhưng hiểu nhau thì vẫn tốt hơn là chửi nhau.
Câu hỏi đặt ra là: Vậy tại sao mới đầu bao người lại tung hô ca ngợi? Tại sao họ tin?
Hy sinh vì những gì lớn lao hơn bản thân mình
Thực sự là trong lịch sử văn minh nhân loại, hiếm khi nào chúng ta chứng kiến những câu chuyện như vậy, tức là ai đó tự tay giết chết gia đình mình để đánh đổi cho sự sống của những kẻ không hề quen biết.
Tuy nhiên, việc con người hy sinh mạng sống của chính mình và những người thân thích vì lòng trung thành với một cá nhân, vì sự an nguy của một cộng đồng, vì niềm tin vào một tín ngưỡng hoặc lý tưởng sống thì lại có rất nhiều.
Hãy bắt đầu với tôn giáo. Đó là khi Chúa thử lòng trung thành của Abraham và yêu cầu ông tự tay giết chết con trai của chính mình. Và Abraham đã làm theo. Lưỡi rìu chỉ dừng lại khi thiên sứ do Chúa gửi kịp thời bay tới. Chúa cũng hy sinh đứa con duy nhất của mình là Jesus để chịu tội thay cho loài người.
Trong muôn triệu cuộc chiến lớn nhỏ của loài người, đã có biết bao người cha người mẹ gửi con mình ra chiến trường mà biết chắc sẽ không có ngày thấy chúng trở về?
Sử Trung Quốc không chỉ đầy rẫy những giai thoại kẻ bầy tôi quên mình cứu chúa, mà còn cả những trường hợp giết cả gia đình vợ con để tỏ lòng trung thành với đấng minh quân.
Khi Đức Quốc Xã bại trận, có tướng lĩnh đã sát hại toàn thể gia đình và tự vẫn theo Hitler.
Trong lịch sử đã có nhiều trường hợp người lãnh đạo xử chết máu mủ của mình để chứng tỏ sự anh minh.
Cho đến tận ngày nay, rất nhiều cô gái vẫn bị chính các đấng sinh thành tự tay giết chết vì cô to gan dám chối bỏ tôn giáo, vì dám yêu kẻ không môn đăng hộ đối, hoặc do cô gái xấu số là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp. Đối với gia đình của cô, phải sống trong sự hắt hủi khinh rẻ của cộng đồng là cái giá đắt hơn rất nhiều so với máu của chính đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.
Tất cả những ví dụ trên đều giống nhau ở một điểm, ấy là ta có thể hy sinh mạng sống của những người cùng máu mủ để bảo toàn cho một sự gắn kết lớn hơn, vĩ đại hơn mà ta thương yêu, tôn thờ và khao khát được thuộc về.
Sự gắn kết ấy có thể là một quốc gia, một tôn giáo, một lý tưởng, một cộng đồng, hay một vĩ nhân mang trong mình hình ảnh của xã hội tương lai mà ta sẵn sàng hy sinh để giành được. Đôi khi, những câu chuyện giả mạo thậm chí được dựng nên để nhấn mạnh tầm quan trọng của những siêu kết nối ấy.
Lòng vị tha cực đoan
Hành động hy sinh bản thân và gia đình là một cơ chế tiến hóa của loài người. Tâm lý học gọi đây là lòng vị tha cực đoan - Extreme Altruism.
Xét từ mặt tiến hoá sinh học, những cộng đồng người có lòng vị tha cực đoan cũng đồng thời sở hữu một thứ vũ khí mang tính huỷ diệt với kẻ thù bên ngoài. Ở cấp độ cộng đồng, sự yêu thương đồng loại đến mức sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình và những người cùng huyết thống là một chiến lược sinh tồn vô cùng hiệu quả.
Chính vì vậy, tiến hoá ưu tiên sự kết nối, sự yêu thương, sự hợp tác, sự gắn bó, sẻ chia và thuộc về. Nhiều thí nghiệm khoa học đã chứng tỏ rằng con người chúng ta khi sinh ra đã có xu hướng giúp đỡ đồng loại.
Các em bé chỉ mới hơn một tuổi đã có bản năng nhặt giúp một người lớn hoàn toàn xa lạ chiếc bút họ tình cờ đánh rơi. Các bé không đơn giản chỉ là thích nhặt bút cho vui, vì nếu nhìn thấy người lớn cố tình đánh rơi, các bé sẽ từ chối giúp.
Như vậy, nhân chi sơ tính bản thiện. Tạo hoá cho rằng tính thiện chính là cơ sở tiến hoá để một cộng đồng người biết yêu thương, tin tưởng, chia sẻ và hợp tác với nhau. Sự ích kỷ, nhỏ nhen, tham lam, độc ác đương nhiên là cũng tồn tại, nhưng chỉ khi thiện nhiều hơn ác thì cộng đồng đó mới có thể cùng chung tay làm ra thức ăn, của cải để sống sót và chống lại kẻ thù.
Chính vì vậy, những câu chuyện như của bác sĩ Khoa mới có nhiều người tin và tin ngay lập tức đến thế. Chỉ sau mấy tiếng mà khuấy động cả mạng xã hội. Rõ ràng câu chuyện này có vấn đề đạo đức. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong một xã hội lấy chữ Hiếu làm trọng như Việt Nam mà nó thoạt đầu lại được ca ngợi?
Tin giả, nhưng niềm tin là thật
Vì dù là tin giả, nhưng niềm tin vào siêu kết nối là có thật. Bởi lòng vị tha cực đoan là có thật. Nó được chia sẻ như vũ bão vì nó quan trọng trong những cơn khủng hoảng như thế này. Nó có quyền năng chữa lành, nó đúng là thứ ta cần nghe.
Trong tình trạng rối ren, ta quýnh lên mà nghĩ rằng lỡ đâu ngày mai mình sẽ là người sản phụ cần oxy, và lòng vị tha kia sẽ cứu mình sống sót? Trong suốt chiều dài lịch sử, một niềm tin vào lòng vị tha cực đoan như thế đã luôn cứu rỗi bao xã hội loài người vượt qua muôn vàn cơn nguy khốn.
Tuy nhiên, câu chuyện bác sĩ Khoa không hẳn là lòng vị tha cực đoan. Nói đúng hơn, nó bị bịa hơi quá tay và đi quá xa so với những ví dụ nêu ở đầu bài viết. Vì xin nhắc lại, hiếm khi nào ai đó tự tay giết chết gia đình mình để đánh đổi cho sự sống của những kẻ không hề quen biết.
Nói cách khác, giữa bác sĩ Khoa và sản phụ kia chưa thể có được sự siêu kết nối như với những khái niệm của tổ quốc, tôn giáo, minh quân, lý tưởng, hay nhân phẩm trong một cộng đồng.
Cho nên thoạt đầu câu chuyện bác sĩ Khoa giống với vị tha cực đoan. Nhưng khi bình tĩnh phân tích thì nó khá vô lý. Vì nó nghe GIỐNG như lòng vị tha cực đoan - một cơ chế sinh tồn của loài người trong khủng hoảng - nên mới có nhiều người tin đến thế.
Câu chuyện bác sĩ Khoa phải khẳng định là độc hại. Nhưng liệu ta có thể cố gắng nhìn vào một phần nhỏ những điều tốt đẹp trong cái sự kiện xấu xí này? Làm thế nào để những đầu tư thời gian và cảm xúc kia không bị trôi đi một cách vô nghĩa, thậm chí không những vô nghĩa mà còn có hại cho sức khỏe tâm lý những ngày đại dịch? Liệu trong nguy có cơ? Liệu ta có thể chắt chiu điều gì tích cực trong cả những điều tiêu cực? Làm sao để một trải nghiệm tốn thời gian, nước mắt và công sức của mình đến thế không chỉ trở thành thuốc độc?
Ta có thể chọn nhìn vào khía cạnh xấu xí. Đó là sự giả dối và vấn đề đạo đức. Ta cũng có thể chọn nhìn vào khía cạnh tốt đẹp, đó là niềm tin vào lòng vị tha.
Như vậy, nếu tạm bỏ tính đạo đức sang một bên, khi buộc phải cố gắng nhìn sự việc này một cách lạc quan hơn, câu chuyện bác sĩ Khoa nhấn mạnh một cơ chế tâm lý rằng: Trong cơn bĩ cực, điều ta cần là niềm tin rằng đồng loại quanh ta không cạn kiệt yêu thương. Và ngoài kia vẫn đang tồn tại những kẻ sẵn sàng hy sinh cho người khác.