Làm sao để bớt “ngột ngạt” trong các mối quan hệ công việc? | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 03, 2024

Làm sao để bớt “ngột ngạt” trong các mối quan hệ công việc?

Cảm thấy phải gồng mình đi tụ tập, tám chuyện... với mọi người ở công ty. Đây là một “lối đi” khác cho bạn.
Làm sao để bớt “ngột ngạt” trong các mối quan hệ công việc?

Nguồn: Chi Nguyễn (The Present Writer)

Hồi xưa mới đi làm, mình có một cảm giác ngột ngạt và kỳ cục, như thể không có lối ra khi nói về mối quan hệ với đồng nghiệp. Vì khi mình còn ở môi trường đi học, mọi người trong lớp đều là bạn bè đồng trang lứa với nhau, cùng ở một địa phương hay nền tảng gia đình và địa vị trong xã hội cũng khá tương đồng.

Còn lúc đi làm cuộc sống phức tạp hơn thế. Môi trường làm việc đa dạng hơn rất nhiều với đủ độ tuổi, gốc gác, phòng ban, cấp bậc công việc khác nhau. Cộng thêm một lý do khác khiến mối quan hệ trong công việc càng thêm khó là vì công việc gắn liền với miếng cơm manh áo của mọi người.

Đôi khi một lỗi sai của mình có thể kéo cả nhóm đi xuống, thậm chí khiến một ai đó liên đới phải chịu phạt trừ lương hay mất cơ hội thăng tiến. Hay mình cần làm thân, tạo ấn tượng tốt với sếp để có cơ hội thăng tiến, có thêm thu nhập lo cho gia đình tốt hơn. Tất cả những việc đó vô hình chung đặt thêm gánh nặng lên mối quan hệ ở chốn công sở.

Bây giờ, mình trưởng thành hơn và đi qua nhiều công việc cũng như các vai trò khác nhau, mình nhận ra mọi chuyện không dồn nén đến mức ngộp thở như thế. Có 4 tư duy đã giúp mình thay đổi để có mối quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp, có môi trường làm việc thoải mái hơn và thật sự tận hưởng công việc của mình.

Biến mình thành người có nhiều giá trị để trao đi

Bạn không nhất thiết cần biết nịnh sếp hay cứ phải đi ăn, đi chơi với đồng nghiệp thì mới xây dựng được mối quan hệ tốt với mọi người. Thứ bạn nên bỏ tâm sức và dồn lực cố gắng là làm thật tốt công việc của mình. Bởi điều tối quan trọng mà mọi người quan tâm trước hết là giá trị.

Giá trị mình có thể mang đến cho công việc là gì, giá trị mình hỗ trợ cho sếp ra sao. Mình làm sao để cải tiến công việc hàng ngày, giảm tải thời gian làm việc cho chính mình và cho cả người khác. Làm sao để sếp có được sự an tâm khi sếp giao cho mình làm báo cáo.

Khi mình làm tốt công việc của mình và khiến cho đồng nghiệp cũng như sếp tin tưởng, làm việc hiệu quả với nhau hơn thì giá trị đó có sức nặng hơn nhiều so với những giá trị của một cuộc vui ăn uống hay đôi ba lời khen màu mè.

Việc sở hữu năng lực cốt lõi và đem lại giá trị không chỉ có tác dụng với nội bộ mà còn giúp ích cả khi bạn đi giao thiệp bên ngoài. Khi bạn tiếp cận với một người ở trong buổi “networking”, nếu chỉ nói những câu chuyện tán gẫu làm quen bâng quơ thì giống như không biết sản phẩm là gì, không biết khách hàng là ai, nhưng cứ nhiệt tình chào mời người ta mua đi, mua đi.

Thay vào đó bạn nên có sự chuẩn bị tìm hiểu trước về người mình muốn kết nối. Đặt ra những câu hỏi để xem người ta có đang gặp vấn đề gì với công việc của mình hay không. Từ đó mở lời nếu anh/chị cần có góp ý thêm về mảng này như là chỉnh sửa website hay nghiên cứu về thị trường thì có thể liên hệ với em, em sẽ đưa ra một số gợi ý hỗ trợ.

Khi đó người ta biết bạn là ai, biết bạn làm gì, biết bạn có thể cung cấp giải pháp và đem lại giá trị gì cho người ta. Bạn thành công đưa được mẫu thử và tạo được ấn tượng tốt để khi có nhu cầu khả năng cao người ta sẽ nhớ đến bạn. Với cách này rõ ràng bạn sẽ không thể tiếp cận với số lượng quá nhiều người, đi bắt tay chào hỏi hết một vòng buổi “networking” đấy. Nhưng về mặt chất lượng lại tối ưu hơn nhiều.

Vì vậy luôn luôn ghi nhớ chuyện nâng cao năng lực xử lý công việc phải đi đầu, phải biến mình thành người có nhiều giá trị hơn để trao đi chứ không chỉ chăm chăm tìm kiếm có thêm mối quan hệ này kia thì mình mới được hưởng lợi lộc.

Nói chuyện phiếm cũng cần tinh tế

Khi mình muốn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp thân thiết hơn, mình nên dành thời gian quan sát và có tương đối đủ dữ liệu về đồng nghiệp đã. Có những chủ đề gần gũi tưởng chừng ai cũng thoải mái để nói chuyện phiếm như chồng con, yêu đương, sở thích… nhưng thật ra không hẳn vậy.

Có một thời mới đi làm, mình từng lân la hỏi chuyện chị làm cùng: “Chị ơi, chị mua váy bầu ở đâu vậy?” Sau đấy thì mình mới biết là thực ra chị ấy không hề có bầu... Khi mà mình quan sát không đủ, những câu nói dù vô tình cũng rất dễ trở thành vô duyên. Nghĩ lại đến giờ mình vẫn cảm thấy rất xấu hổ.

Từ đó, mình rút ra một bài học là cho dù ngồi tám chuyện với nhau thì cũng nên xem xét điều mình chia sẻ có mang lại giá trị gì cho đồng nghiệp không? Câu chuyện mình kể ra có khiến cho họ đồng cảm hơn, làm việc với mình tốt hơn hay ngược lại khiến cho tiêu cực hơn, thấy chỗ làm thị phi hơn?

Ngoài ra, tùy vào tính cách của từng người mà mình có thể cởi mở đến đâu. Hãy cố gắng xem xét cách tiếp cận nào phù hợp nhất giữa mình và đồng nghiệp.

Đi làm cần nghiêm túc nhưng không gồng mình

Công việc cần sự chuyên nghiệp và nghiêm túc nhưng không phải lúc nào cũng căng thẳng và gồng mình lên. Trước hết là mình cứ thả lỏng gương mặt, nở nụ cười, rồi thả lỏng tâm trí, nguồn năng lượng tích cực đó sẽ lan tỏa cho cả những người xung quanh.

alt
Nguồn: The Present Writer

Trước khi đạt được công việc trong mơ là làm giáo sư đại học mình đã từng làm phân tích dữ liệu. Thời điểm đó mình phải nghe một số lời bàn tán kiểu như: “Chị có bằng tiến sĩ mà giờ chỉ đi làm chuyên viên phân tích dữ liệu à.”

Mình đau lòng chứ nhưng đã quyết định sẽ không quan trọng hóa vấn đề đấy lên. Mình tự nhủ đây một chuyện nhạy cảm với mình. Thế nên trước khi để ai khác chạm vào và làm mình xù lông lên, mình sẽ tự cười vào mặt mình trước.

Mình còn nhớ trong buổi họp đầu tiên của cả nhóm, mình bắt được một lỗi đánh máy trên bản trình chiếu. Thế là mọi người bảo: “Ồ Chi rất là tinh mắt nha!” Và có một bạn hơi đùa đùa: “Thật là may mắn vì chúng ta có một tiến sĩ trong nhóm!” Lúc đó mình không ngại, mà hùa theo đùa luôn: “Đúng rồi, mình có bằng tiến sĩ chỉ để tìm cái lỗi sai đánh máy này thôi.”

Nghe xong tất cả mọi người đều bật cười rất vui vẻ. Nếu như mình bị phật lòng bởi câu đùa của bạn đồng nghiệp thì hẳn mọi người sẽ dè dặt và xa cách với mình hơn nhiều. Còn bản thân mình không cho rằng tài năng của mình đang bị uổng phí. Đồng nghiệp cũng thấy mình có thể mang lại những giá trị rất riêng. Vì vậy, khi mình cảm thấy nhẹ nhàng thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, không có gì phải quá nghiêm trọng cả.

Quan tâm chân thành, vì tình bạn công sở thật sự tồn tại

Sau một thời gian đi làm và có những người đồng nghiệp thực sự đáng quý, mình đã thay đổi niềm tin trong quá khứ, bây giờ mình tin tình bạn ở chốn công sở hoàn toàn có thể diễn ra. Mặc dù hình hài của nó có hơi khác một chút, có thể không hoàn toàn tự do, thoải mái như những người bạn thời niên thiếu.

Mình không kết bạn kiểu xã giao với đồng nghiệp mà mình sẽ kết bạn bằng sự để tâm và quan sát. Nhờ đó mình có mối quan hệ gần gũi hơn, thân thiết hơn đúng nghĩa những người bạn.

Mình chẳng bao giờ “đi cửa sau” đến nhà sếp với một chai rượu. Nếu mình muốn mua một món quà tặng sếp, tặng đồng nghiệp, mình sẽ để ý từ những chi tiết họ thích đồ vật gì, thích màu sắc nào. Hay khi đồng nghiệp của mình phải đi công tác và cần có người qua nhà cho mèo ăn giúp bạn ấy, mình đã giơ tay luôn bởi mình rất thích mèo và nhà mình gần nhà bạn ấy.

Nếu bạn chỉ tặng một món quà ngẫu nhiên nào đó, người khác có thể dễ nghi hoặc có sự nhờ vả nào ẩn phía sau không. Còn khi được tặng một món quà đúng với sở thích dù rất nhỏ thôi, hay nhận sự giúp đỡ nhiệt tình, mọi người sẽ thường rất vui vì cảm thấy được trân trọng và quan tâm.

Kết

Sau cùng mình hy vọng các bạn có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với những mối quan hệ trong công việc. Chúng ta không nhất thiết cứ phải gồng mình lên đi theo những hình thức giao thiệp, xã giao ngoài kia.

Thay vì nghĩ làm sao để có những mối quan hệ có lợi cho mình, hãy nghĩ là làm sao để mình mang lại lợi ích cho mọi người, để mọi người muốn kết nối với mình trước. Và bằng sự quan tâm chân thành chúng ta sẽ có những kết nối sâu sắc, không còn là xã giao mà thực sự kết giao thành mối quan hệ chất lượng.