Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “BizFF” tại: Podcast Vietcetera | Spotify | Apple Podcasts | YouTube.
Nếu thường xuyên theo dõi Vietnam Innovators, hẳn bạn không còn xa lạ với những cuộc trò chuyện chuyên sâu, xoay quanh muôn hình vạn trạng những khía cạnh trong kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng và xu hướng nghề nghiệp mới nhất.
Vậy bạn có từng nghĩ, nếu vẫn là những đề tài đó, nhưng ở một format thật "chill" kết hợp cùng các trò chơi thú vị thì sẽ như thế nào không?
Chào mừng bạn đến với BizFF - Hội bạn thân thương trường, series mới nhất của hệ sinh thái Vietnam Innovators vừa lên sóng!
Dưới sự dẫn dắt của host Minh Beta - Chủ tịch Beta Group, các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực sẽ đóng vai trò co-host cùng tham gia vào trò chơi Lô Tô thú vị. BizFF hứa hẹn mang đến góc nhìn gần gũi về những câu chuyện kinh doanh, kinh tế - xã hội được thảo luận nhiều nhất.
Trong tập đầu tiên của BizFF, Minh Beta cùng hai người bạn thân là Hương Trần - Venture Partner tại Quỹ đầu tư Monk’s Hill và Miro Cường Nguyễn - Giám đốc KOL và Đối tác toàn cầu tại VinFast sẽ cùng bàn luận về chủ đề startup kỳ lân và hướng đi của các doanh nghiệp để vững vàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Giải mã” tất tần tật về startup kỳ lân
Startup kỳ lân (unicorn startup) là thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn. Thuật ngữ bắt nguồn từ một bài viết đăng trên TechCrunch năm 2013 của Aileen Lee (Co-Founder quỹ đầu tư Cowboy Ventures).
Theo host Minh Beta, tên gọi “unicorn” rất hay và ý nghĩa, vì kỳ lân vốn là một con vật có vẻ ngoài tuyệt đẹp, huyền bí và được mọi người săn đón. “Khởi nghiệp cũng giống như vậy. Nhiều khi cũng phải hơi mơ mộng, nhà sáng lập phải tin vào thứ mình theo đuổi, tìm ra thứ chưa ai biết, chưa ai thấy, chưa ai làm được” - anh Minh chia sẻ.
Sau khi “startup kỳ lân” ra đời năm 2013, nhiều thuật ngữ khác cũng đã ra đời như startup minicorn (định giá hơn 1 triệu USD), soonicorn (định giá gần 1 tỷ USD)… Nhà đầu tư Hương Trần cho rằng đây cũng là điều hợp lý, bởi hành trình trở thành kỳ lân không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp cần một số cột mốc nhỏ hơn để từng bước chinh phục.
Dù hiện có nhiều phương pháp để định giá một startup kỳ lân nhưng 3 doanh nhân đều đồng tình rằng, quá trình này vẫn dựa trên thước đo của các công ty định giá tư nhân. Vì vậy, đánh giá một doanh nghiệp là “kỳ lân” không mang tính tuyệt đối.
Co-host Hương Trần chia sẻ: “Không có nhiều khác biệt giữa startup kỳ lân hay không kỳ lân. Vấn đề chính nằm ở chỗ startup đang ở giai đoạn nào - mẫu giáo, tiểu học, dậy thì bướng bỉnh hay đã vào đại học. Dù ở giai đoạn nào thì điểm chung là các founder vẫn phải đau đáu ngày đêm như nhau.”
Vì sao thời điểm này lại là "mùa đông gọi vốn" với các startup?
"Mùa đông gọi vốn" là thuật ngữ chỉ tình trạng dòng vốn đầu tư giảm mạnh, gây nhiều bất lợi cho các công ty khởi nghiệp, dù có là "kỳ lân" hay không. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hậu đại dịch vẫn chưa kết thúc, tình trạng dòng vốn đầu tư trở nên hạn chế là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Theo báo cáo của Enterprise Singapore và DealStreetAsia, nguồn vốn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á năm 2023 đã giảm hơn một nửa so với 2022. Tại Việt Nam, nguồn vốn đầu tư vào startup 2023 giảm ở mức 27,7% - mức giảm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Sau 4 startup kỳ lân gọi tên VNG, VNLife, Momo và Sky Mavis, 3 năm qua nước ta chưa ghi nhận thêm startup nào được định giá trên 1 tỷ USD. Vậy các startup phải làm sao để vượt qua “mùa đông gọi vốn” và ghi danh thêm kỳ lân cho Việt Nam?
Chú trọng đến “sức khỏe” của startup
Chúng ta đang ở giai đoạn kinh tế khó khăn, song điều này không có nghĩa là những thương vụ đầu tư lớn sẽ không xảy ra. Bởi các quỹ đầu tư vẫn có áp lực phải giải ngân, phải tìm được các startup triển vọng để cạnh tranh trên thị trường.
Chẳng hạn trong năm 2023 chúng ta vẫn có các thương vụ gọi vốn đình đám đến từ công ty phân phối dược phẩm BuyMed, ứng dụng học tiếng Anh ELSA và trường học công nghệ MindX. “Một công ty có nền tảng tốt, mô hình kinh doanh được chứng minh, founders đủ mạnh mẽ và kiên trì thì vẫn sẽ gọi vốn thành công bình thường” - anh Minh Beta khẳng định.
Như trong một cuộc đua marathon, dù gặp trở ngại đến đâu thì những người chạy bền bỉ nhất cuối cùng sẽ đến đích. Những đợt “thiên tai” này mới là cơ hội để chọn lọc các công ty khỏe nhất, có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Nếu hành trình gọi vốn quá dễ dàng, nguồn vốn được bơm “vô tội vạ” có thể vô tình gây ảo tưởng cho các nhà sáng lập, không còn áp lực vận hành công ty hiệu quả hay mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Theo nhà đầu tư Hương Trần, việc thị trường gọi vốn lên hay xuống không nhất thiết ảnh hưởng đến văn hóa và kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Nếu không chú trọng vào sức khỏe và sự bền vững của công ty qua những giai đoạn “nấc cụt” thế này, hiệu quả kinh doanh rõ ràng sẽ không tốt.
Nếu có một điều ước, bạn ước gì cho hệ sinh thái startup tại Việt Nam?
Minh Beta: “Mình mong hệ sinh thái khởi nghiệp tại nước ta có cơ hội va chạm và học hỏi với các bộ óc thông tuệ trên thế giới. Ở những nơi như Thung lũng Silicon, có rất nhiều người thông thái, sở hữu tư duy vượt bậc về startup. Nên nếu chúng ta được tiếp xúc với họ nhiều hơn thì sẽ có cách học, cách làm cải tiến hơn”.
Hương Trần: “Điều ước của mình cũng giống như Minh, đó là về con người. Khi đánh giá một startup, cái quan trọng hơn cả lợi nhuận, với mình là talent (nhân tài). Có 2 cách để huy động nhân tài: nhân lực trong nước và nhân lực “nhập khẩu”, như Miro vậy (co-host Miro Cường Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Slovakia).
Mỹ là đất nước kêu gọi được vô vàn nhân tài khắp thế giới. Nên bài toán ở đây là làm thế nào để nước ta có thể mời được nhiều nhân tài xuất chúng về làm việc, để chúng ta cùng đi nhanh hơn, hiệu quả hơn trên con đường khởi nghiệp này”.
Đón xem tập đầu tiên của BizFF - Hội bạn thân thương trường trên kênh YouTube Vietnam Innovators by Vietcetera!