1. Startup kỳ lân là gì?
Startup kỳ lân (unicorn startup) là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ đô la.
Kỳ lân là loài vật trong trí tưởng tượng của chúng ta, gắn liền với sự hiếm có. Tương tự, các startup kỳ lân đạt được mức định giá 1 tỷ đô trong 10 năm cũng chỉ chiếm 0,07% trên tổng số các công ty khởi nghiệp.
2. Nguồn gốc
Thuật ngữ “startup kỳ lân” được sử dụng lần đầu tiên bởi Aileen Lee – đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture – trong bài viết đăng trên TechCrunch năm 2013. Aileen Lee muốn một từ có thể miêu tả được bản chất của nhóm các công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị hơn 1 tỷ đô la và được thành lập tại Mỹ sau năm 2003.
Tại thời điểm bài viết xuất bản, Aileen chỉ tìm ra 39 công ty đáp ứng các tiêu chí này.
3. Đặc trưng của startup kỳ lân
- Thay đổi toàn bộ ngành: tạo ra dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu mới hay còn bỏ ngỏ, và thay đổi toàn bộ cách mọi thứ đang hoạt động. Ví dụ: Uber với dịch vụ xe ôm/taxi công nghệ.
- Lấy công nghệ làm trung tâm: đa phần startup kỳ lân vươn lên nhờ tận dụng được tiến bộ của công nghệ và 87% sản phẩm của các công ty này thuộc lĩnh vực phần mềm.
- Tập trung giải quyết nhu cầu: 62% startup kỳ lân là các doanh nghiệp B2C (phục vụ khách hàng cá nhân) và họ ưu tiên tìm ra cách giải quyết đơn giản và hiệu quả nhất cho những nhu cầu của người dùng.
- Xuất phát từ công ty tư nhân: đa phần thuộc sở hữu cá nhân và tăng giá trị bằng cách để công ty lớn thâu tóm hay đầu tư vào.
- Duy trì vị thế dẫn đầu: không chỉ là người khai phá dịch vụ/nhu cầu mới, họ còn thường xuyên cải tiến và định vị lại thị trường để luôn ở vị trí tiên phong.
4. Vì sao startup kỳ lân phổ biến?
- Việc định giá thường dựa trên tiềm năng kinh doanh của công ty, chứ không có công thức chính xác. Vì thế, giá trị có thể tăng vọt nếu công ty thuyết phục được tiềm năng to lớn của mình.
- Các nhà đầu tư mạo hiểm chủ yếu dựa vào các chiến lược tăng trưởng nhanh để phát triển startup. Họ có tâm lý: càng nhiều vốn rót vào, các startup càng uyển chuyển, từ đó khả năng độc chiếm thị trường càng lớn. Do đó, mức định giá của một startup thường tăng vọt sau mỗi vòng gọi vốn.
- Đột phá trong công nghệ giúp các công ty giải quyết hiệu quả hơn vấn đề của người dùng, đồng thời rút ngắn thời gian để sản xuất hàng loạt hay nhân rộng dịch vụ.
- Sự bùng nổ người dùng điện thoại thông minh trên toàn cầu giúp các công ty không chỉ có được nhiều khách hàng hơn mà còn kết nối với họ thường xuyên hơn, ở bất cứ địa điểm và thời gian nào.
5. Các ví dụ nổi bật
Phần lớn các startup kỳ lân đều thành lập tại Mỹ và Trung Quốc. Chỉ có khoảng 20% thành viên trong “câu lạc bộ kỳ lân” thành lập ở các quốc gia khác. Những cái tên nổi bật là:
- Airbnb (Mỹ): 29 tỷ $
- Bytedance (Trung Quốc): 75 tỷ $
- Stripe (Mỹ): 23 tỷ $
- SpaceX (Mỹ): 19 tỷ $
- Epic Games (Mỹ): 15 tỷ $
- Bitmain Technologies (Trung Quốc): 12 tỷ $
- OYO (Ấn Độ): 10 tỷ $
- GrabTaxi (Singapore): 14 tỷ $
- Go-jek (Indonesia): 10 tỷ $
6. Các thuật ngữ liên quan
- Startup Siêu kỳ lân (Decacorn): là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 10 tỷ đô la
- Startup Kỳ lân trăm sừng (Hectocorn): là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 100 tỷ đô la
7. Funfact
- VNG là startup kỳ lân duy nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Họ đạt được giá trị 1 tỷ USD vào 2014.
- Stanford, Harvard và California là ba trường đại học đào tạo ra nhiều người sáng lập startup kỳ lân nhất.
- Đối với 60% người sáng lập, startup hiện tại của họ là công ty đầu tiên và duy nhất họ đã xây dựng.
Bài viết được thực hiện bởi Tuấn Huy.
Xem thêm:
[Bài viết] Những công ty công nghệ đang tuyển dụng mà bạn có thể tham khảo tại Việt Nam