Rồi sao?
Hơn 10 năm trước, khi còn là sinh viên và đi dạy thêm ở một trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam, công việc chính của tôi là giúp học viên thực hành phần thi Nói của IELTS dưới hình thức phỏng vấn.
Ngày nọ, một anh thanh niên cao gầy – khi đó vừa bỏ học một trường đại học tư về công nghệ thông tin và đang luyện thi IELTS để hoàn thành hồ sơ hướng dẫn viên du lịch – bước vào lớp của tôi.
“Hello teacher!” (Chào cô giáo!) – Anh ấy bắt đầu ngượng nghịu, có lẽ nhận ra tôi trẻ hơn anh ấy vài tuổi.
Và cuộc nói chuyện của chúng tôi bắt đầu…
“Tại sao anh quyết định nghỉ học công nghệ thông tin?” – Tôi hỏi sau khi nghe anh ấy giới thiệu về bản thân.
“Học được được gần hết năm đầu thì tôi thấy nản vì điểm thấp và mất động lực. Muốn học giỏi công nghệ thông tin cần có năng khiếu kỹ thuật và đam mê công nghệ. Tôi thích chơi điện tử từ nhỏ, nhưng hóa ra đó không đủ để học về máy tính.” – Anh ấy phân trần.
“Vậy ước mơ lớn nhất của anh là gì?” – Tôi hỏi.
“Tôi muốn mở doanh nghiệp kinh doanh một cái gì đó. Cô biết đấy, người Việt có câu: Phi thương bất phú.” Anh ấy đáp. “À nhưng mà, tôi nghĩ sẽ chẳng làm được đâu!”
“Ủa? Tại sao vậy?” – Tôi bất ngờ sau cú “quay xe” đột ngột của anh.
“Kinh doanh thì phải có vốn. Tôi không có vốn và gia đình cũng không có điều kiện để dựa vào hay vay mượn ai cả. Nói chung tôi thấy những người làm kinh doanh đều phải có nhiều tiền sẵn, có quyền lực chống lưng rồi mới làm nên.”
Anh ấy bắt đầu than thở về những vấn đề bất công trong xã hội, người giàu-kẻ nghèo, cơ hội không công bằng… cho những người như anh ấy.
Ngồi nghe một hồi, tôi chỉ chực bật lên một câu nửa Việt nửa Anh: “Rồi sao? What can you do about it?” (Rồi sao? Anh có thể làm điều gì để giải quyết vấn đề đó?). Nhưng rồi, chợt nhận ra rằng vị trí của mình là giáo viên tiếng Anh với nhiệm vụ góp ý về ngôn ngữ chứ không phải về lối sống. Không muốn người ta nghĩ mình “dạy đời,” tôi ghìm lại, im lặng.
Tôi vẫn như in nhớ cuộc trò chuyện ngày hôm đó vì nó đưa đến cho tôi một cảm giác “ngột ngạt” đến kỳ lạ, mà lúc đó, tôi chưa thể cắt nghĩa được tại sao.
Bẵng đi một thập kỷ, người thanh niên và “cô giáo” năm nào đều đã ở tuổi 30+, đều có gia đình và trải qua nhiều công việc. Anh ấy tình cờ kết hôn với một người bạn học cũ của tôi nên chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ bạn bè và thỉnh thoảng liên lạc với nhau.
Trong giai đoạn COVID, anh ấy nhắn cho tôi hỏi về cách kiếm thêm thu nhập, bởi COVID đã khiến anh ấy mất việc hướng dẫn viên và bán hàng cho khách Tây ở phố cổ Hà Nội. Một năm trở lại đây, anh ấy túc tắc chạy xe giao gas và nước ngọt cho các tiệm bán đồ ăn quanh thành phố, kiếm khoảng 3-5 triệu/tháng. Vợ anh ấy (bạn tôi) may mắn vẫn có việc nhưng không thấm vào đâu cho việc nuôi hai đứa con đang tuổi đi học.
“Cô giáo,” anh ấy vẫn quen cách gọi ngày xưa, “chỉ cho anh cách kiếm tiền trên mạng đi, anh chán lăn lưng ra đường cả ngày lắm rồi. Nhưng đừng nói là viết blog như cô nhé, anh ngại viết lắm!”
“Anh có muốn thử bán hàng online không? Bạn em có đứa cần tuyển cộng tác viên bán online mà không cần vốn.”
“Thôi cô ơi. Anh không có lượng tương tác lớn trên Facebook, bán hàng thì ai mua? Mà mấy hình thức online cộng tác đó anh còn lạ gì, bán theo order thì tất nhiên không cần vốn.”
“Hay anh bán bảo hiểm? Em thấy chị A bạn chung của mình mới đăng tuyển kìa.” – Tôi gợi ý.
“Thôi cô ơi. A nó cũng nói với anh rồi. Nhưng anh không bán bảo hiểm kiểu chèo kéo người thân này kia, ép doanh số đâu.” – Anh ấy từ chối.
“Hay anh làm YouTube? Em thấy mấy video quay phim cách làm đồ ăn ở nhà hàng nhiều người xem lắm, anh đi giao hàng quen với chủ tiệm rồi thì chắc họ sẽ dễ cho mình quay hơn. Đợi xíu em gửi mấy video này em thấy họ làm dễ lắm nè…” – Tôi nói, đoạn bỏ hết công việc đang làm dở để tìm đường link video mẫu gửi cho anh ấy.
“Thôi cô ơi.” Anh ấy nhắn gần như ngay lập tức sau khi thấy đường link. “Cái này Việt Nam nhiều người làm rồi, mà phải có chiêu trò câu view mới có nhiều người xem, anh không làm được trò đó đâu!”
“Em làm YouTube có chiêu trò câu view gì đâu mà vẫn ok đó anh. Mà ở Việt Nam có ai đã làm cái này thế ạ?”
“Thì YouTuber XXX, YYY, ZZZ đó thôi!” – Anh ấy nhắn.
Sau khi xem những kênh anh gửi thì tôi nhận ra phong cách họ làm khác hẳn so với những gì tôi gửi anh. Ngạc nhiên hỏi anh thì tôi nhận được câu trả lời:
“À thì… Anh chưa xem link cô gửi.” – Anh ấy thú thật.
“…” – Tôi thực sự không còn điều gì để nói. “Vâng, vậy anh cứ xem và tham khảo thêm. Nói chuyện sau anh nhé.”
Im ắng một vài tháng, anh ấy bất chợt gọi điện cho tôi, khẩn khoản nhờ tôi nói chuyện hộ với vợ anh ấy. Hai vợ chồng giận nhau đã hơn một tuần.
Và cuộc nói chuyện đó diễn ra như thế này:
“Vợ anh nó nói anh là kiểu người thiếu quyết tâm với không có chí tiến thủ cô ạ.” – Anh ấy nói
“Dạ.” – Tôi đáp.
“Anh cũng thấy có lẽ đúng vì anh hay bỏ cuộc dễ dàng khi thấy khó. Với lại hơi lười.”
“Dạ.”
“Mẹ vợ anh thì cũng đang giận anh vì mấy lần bà ấy nhờ người quen giới thiệu chỗ làm nhưng anh không đi phỏng vấn.”
“Dạ?”
“Tại anh thấy mấy chỗ ấy cũng không phải hay ho gì lắm, lương thì thấp mà giờ giấc lại bó hẹp, thế mà cũng đòi hỏi phỏng vấn với thi tuyển mấy vòng liền cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.”
“….”
“Không biết bên Mỹ chỗ cô Chi thì thế nào chứ ở Việt Nam giờ, từ ngày dịch dã lại càng thấy đúng là thằng nào nhà có điều kiện, có mối quan hệ thì mở mắt ra là có việc ngay. Như thằng V cùng học lớp tiếng Anh ngày trước với cô Chi đấy, nó đang làm kỹ sư công trình bên Trung Quốc mà vì COVID, nó về Việt Nam là được ông bô xin chân dạy học ở trường ngay. Anh thân cô thế cô, một nách hai con, vợ với mẹ vợ suốt ngày áp lực nói đi chỗ này chỗ kia thi tuyển mà có thấy cơ hội nào ra hồn đâu…”
“Rồi sao ạ? What can you do about it?!”
Lần này tôi không thể kiềm chế được nữa, ngắt lời anh để thốt ra chính cái câu mà tôi đã muốn nói hơn 10 năm trước.
Bạn có thể làm được gì?
Là một người làm giáo dục, điều tôi mong mỏi nhất là giúp được cho học trò hoặc ai đó thay đổi cuộc sống một cách tích cực. Và hàng ngày, tôi nhận không biết bao tin nhắn, email, cuộc gọi trên mạng chỉ xoay quanh vấn đề: Làm sao để thành công? (trong học tập, công việc, tiền bạc, quan hệ xã hội…)
Nhưng sau nhiều năm làm nghề giáo (và cả “influencer” trên mạng, nếu coi đây là một cái nghề), tôi nhận ra rằng: Không lời khuyên nào có thể giúp được bất cứ ai, nếu bản thân họ không tự muốn thay đổi. Rất nhiều lần, tôi bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian và tâm huyết để giúp người khác nhưng cái nhận lại chỉ là sự thờ ơ, hững hờ. Tôi cảm thấy dường như tôi muốn họ thành công hơn cả chính họ muốn mình thành công.
Ai cũng biết xã hội là bất công, có rất nhiều thứ phải có tiền, có quyền, có mối quan hệ thì mới có thể đi được đến đích nhanh chóng. Nhưng tôi có thể khẳng định với bạn rằng, đó không phải là 100% mọi trường hợp. Mà kể cả có là 100% mọi trường hợp đi chăng nữa, bạn có thể làm gì ngoài việc ở đó và than vãn?
Nếu phải “là con ông cháu cha” mới kiếm được những vị trí “việc nhàn lương cao,” liệu ta có thể chấp nhận làm việc vất vả hơn lúc ban đầu, tiền kiếm được ít hơn nhưng ta nỗ lực gấp 2 lần, 3 lần “con nhà người ta” ấy để dần đạt được vị trí như họ hay không?
Nếu phải có tiền vốn lớn để kinh doanh mới thu hồi lợi nhuận lớn, liệu ta có thể tiết kiệm ra một khoản nhỏ để kinh doanh online quay vòng vốn, dạy học, hay dùng những kỹ năng mình sẵn có để tăng thu nhập, tích cóp kinh doanh lớn hơn sau này?
Nếu cơ hội hiện ra trước mắt ta chưa được như ta kỳ vọng, liệu ta có thể ít nhất thử nắm lấy nó xem nó dẫn mình tới đâu, biết đâu cơ hội nhỏ ấy lại là bước đi tiên quyết để tiến tới cơ hội mà ta mong ước?
Đừng bao giờ tự mình đóng sập cánh cửa tương lai của mình. Nếu bạn không có một tư duy mở, cầu tiến, chủ động để tìm ra giải pháp – nếu chính bạn không tự vùng vẫy, tranh đấu để cứu lấy mình trong cơn hoạn nạn – thì không có ai, không có bất kỳ một ai trên đời này có thể giúp được cho bạn cả.
Bởi vậy, lần tới, sau khi đã “xả” hết nỗi bức xúc về thời thế-thế thời, bất công, áp bức cuộc đời, hãy đặt ra câu hỏi này cho bản thân mình: “Rồi sao? Bây giờ mình có thể làm gì?”