"Ô dề" có phải là oh yeah không mà ai cũng nói? | Vietcetera
Billboard banner

"Ô dề" có phải là oh yeah không mà ai cũng nói?

Thứ tưởng như là “ngôn ngữ Gen Z” thực ra là một từ cổ đã được sử dụng trong quá khứ.
"Ô dề" có phải là oh yeah không mà ai cũng nói?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

1. Ô dề là gì?

Ô dề nghe rất giống cụm thán từ “oh yeah” trong tiếng Anh, tuy nhiên ô dề không phải là phiên âm của oh yeah như nhiều người lầm tưởng. Trên thực tế, ô dề là một từ tiếng Việt hoàn chỉnh và có định nghĩa trong từ điển.

Hiện tại, ô dề đang mang nghĩa lố lăng, kệch cỡm, làm quá lên. Tuy nhiên, đây không phải là nét nghĩa duy nhất của cụm từ này.

2. Ô dề bắt nguồn từ đâu?

Từ “ô dề” xuất hiện trong bốn từ điển Tiếng Việt, ba trong số đó xuất bản trước năm 1975. Lần xuất hiện xưa nhất là vào năm 1931 trong cuốn Việt-Nam Tự-Điển của Hội Khai trí Tiến Đức, trong đó định nghĩa ô dề là quê kịch (từ cổ), thô tục.

Việt Nam Tân tự điển minh họa (1965) của Thanh Nghị định nghĩa ô dề là xấu xa, nhơ nhuốc, với ví dụ minh họa là “bản mặt ô dề.” Đại Từ điển Tiếng Việt (1999) do Nguyễn Như Ý chủ biên định nghĩa ô dề là quê kệch, thô tục và đưa ra ví dụ “bộ dạng ô dề.”

Trong khi đó, Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa ô dề là to lớn, thô tục với ví dụ “ô dề kịch cợm.” Đây là bộ từ điển duy nhất ghi nhất nét nghĩa “to lớn” của từ ô dề.

Mặc dù các từ điển Hán Việt không ghi nhận từ ô dề, nhưng gần như tất cả các từ điển đều ghi nhận nét nghĩa Hán của từ “ô” (xấu, dơ dáy, nhơ nhớp) và từ “dề” (khinh bỉ, không kiêng nể). Như vậy, ô dề là một từ ghép Hán Việt, giống như “phụ mẫu” hay “thiên địa.”

So sánh nghĩa hiện tại của từ này với những định nghĩa trong từ điển, ta thấy rằng về cơ bản nghĩa của từ vẫn giữ nguyên. Đây là một hiện tượng ngôn ngữ thú vị khi một từ tưởng như đã chết, không còn được sử dụng, nay lại xuất hiện ở mật độ cao trong khoảng thời gian ngắn nhờ truyền thông và mạng xã hội.

11may2022beforeandafteraddinglashestoyourmakeuplookmeme2580png
"Làm quá nó ô dề" | Nguồn: MemeZila

3. Tại sao ô dề lại phổ biến?

Từ ô dề sống dậy nhờ một video trên Youtube, trong đó một người phụ nữ trang điểm hơi quá tay nói là mình chỉ “làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá nó ô dề.”

Video được lan tỏa nhờ đoạn cắt của phân cảnh “làm quá nó ô dề” trên Tiktok, từ đó tràn ngập trên các mạng xã hội khác. Từ ô dề cũng nhờ thế mà được tiếp xúc với giới trẻ Việt Nam.

Trong khi hầu hết các từ lóng hiện nay là phiên âm tiếng nước ngoài (gét gô) hay sự viết sai một cách cố ý (dảk, bủh), thì ô dề xuất hiện như một ngoại lệ thú vị. Trước hết, từ ô dề nghe rất lạ tai, lại xuất hiện trong một văn cảnh gây cười nên nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Bên cạnh đó, từ này trở nên phổ biến bởi hiệu ứng mâu thuẫn mà video thể hiện (trang điểm đậm mâu thuẫn với “làm quá nó ô dề”). Chính sự mâu thuẫn này là yếu tố gây cười đẩy video lên xu hướng.

4. Sử dụng từ ô dề như thế nào?

A: Chị thấy em tô màu mặt trời đẹp không?

B: Tô vừa vừa thôi, đỏ choét lên trông ô dề lắm.